“Pụt Kỳ Yên”… cầu an (Vài suy nghĩ nhân cuộc trao đổi trên báo Văn nghệ Thái Nguyên về bản dịch tiếng Việt “Pụt Kỳ Yên”)
VNTN - Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 12 (2017) đăng bài “Pụt Kỳ Yên… mà không yên” của ông Hoàng Tuấn Cư (HTC), số 15 có bài hồi âm của ông Ma Đình Thu (MĐT) thay mặt những người sưu tầm và dịch “Pụt Kỳ Yên” trao đổi lại với HTC.
HTC cho rằng MĐT đã “dịch sai, dịch thừa, dịch thiếu, dịch ẩu” Pụt Kỳ Yên ra tiếng Việt và như vậy, MĐT đã “bắn một phát súng kíp vào Pụt Kỳ Yên”. Đến lượt MĐT trong bài “Hồi âm…” lại cho rằng HTC đã “bới lông tìm vết, dùng dao bầu cắt tiết gà”. Tôi hiểu những lời lẽ trên là cách nói tu từ để cho bài viết, bài tranh luận thêm sinh động, hấp dẫn chứ thực tâm, các tác giả không nghĩ về nhau như thế, bởi vì trong văn chương, học thuật, ý kiến khác nhau là chuyện rất thường tình!
Viết bài này tôi không nghĩ mình làm trọng tài phán xét giữa HTC và MĐT ai đúng, ai sai, mà chỉ nêu thêm một cách hiểu, đóng góp vào cuộc trao đổi về một số chi tiết cụ thể mà HTC và MĐT có ý kiến khác nhau.
Tôi có may mắn khi nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên cho đọc bản thảo “Pụt Kỳ Yên” trước khi xuất bản. Còn nhớ, sau khi đọc xong, tôi nêu 13 ý kiến trao đổi với nhóm sưu tầm và dịch “Pụt Kỳ Yên”, trong đó có đề nghị MĐT cho sửa, điều chỉnh một số từ ngữ mà các tác giả viết theo âm địa phương sang âm vùng chuẩn để tác phẩm có thể đến với nhiều độc giả hơn. Tất nhiên không điều chỉnh được hết vì đây là tác phẩm thơ. Mà đã là ngôn ngữ thơ thì từ ngữ bị chi phối bởi vần và điệu. Trong thư trả lời, MĐT đồng ý và hoan nghênh những điều chỉnh này của tôi. Tôi cũng đề nghị các tác giả dịch lại một số từ ngữ trong nguyên tác có thể có cách hiểu khác nhau. MĐT cũng đã đồng ý và sửa chữa nhiều ý cụ thể. Riêng về chuyện thừa, thiếu câu chữ của bản dịch so với nguyên tác tiếng Tày, cũng như một vài chi tiết khác mà giữa tôi và MĐT có cách hiểu khác nhau, tôi cũng đã đề cập đến.
Sau đây tôi trình bày một số ý kiến thể hiện cách hiểu của mình trước những chi tiết mà các ông có cách hiểu khác nhau.
1. Có phải Bụt chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích?
“Bụt” tức là Phật, từ này khi vào tiếng Việt được biến âm thành “Bụt”, vào tiếng Tày, tiếng Nùng thành “Pụt” và các biến âm địa phương của từ này: pựt, phụt, vựt… Phát âm thì xê xích khác nhau nhưng trong các văn bản Hán Nôm thì viết cùng một chữ.
Trong tiếng Tày, “Pụt” có nhiều nghĩa: 1. Ông Phật tổ Thích ca mâu ni; 2. Đấng tối cao ngự trên thiên giới, hiền từ, trông coi và chăm sóc chúng sinh làm điều thiện. 3. Tượng phật trong chùa chiền. Trong các truyện Nôm Tày, Pụt thường xuất hiện với các ý nghĩa này. Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày, Pụt còn có nghĩa chỉ người hành lễ Pụt. Lúc này Pụt là từ xưng hô theo chức nghiệp, cũng như tiếng Việt hiện nay gọi thầy Cao, bác sĩ Thắm, thiếu tướng A… Người Tày gọi một người có tên là Toại mà Toại làm nghề cúng khấn bằng những bài pụt thì gọi là pụt Toại, một người có tên là Quý mà làm nghề cúng khấn bằng những bài tào thì sẽ gọi là tào Quý, làm then mà có tên là Ve thì gọi là then Ve… Do đó, Pụt là từ chỉ người làm nghề cúng khấn bằng những bài hát Pụt, khi dịch sang tiếng Việt thành Bụt. Những người hành lễ Bụt có trình độ phép thuật khác nhau, có người giỏi bậc thầy, tiếng Tày gọi là “slư slay”, âm Tày Định Hóa là “thư thay”, tức là “sư thầy”. Vậy nên câu tiếng Tày “mời hính mời thư thay” được hiểu là Mời bụt (thì mời bậc) bụt sư thầy. Vì vậy theo tôi, MĐT dịch câu thơ trên ra tiếng Việt là “Mời bụt mời sư thầy” là chấp nhận được, đúng với tiếng Tày ở Định Hóa. Bụt ở đây là người hành lễ bằng hát Pụt (hất Pụt) - đó là những người thật, không phải trong cổ tích. Tuy là người thật nhưng trong văn cảnh này của nguyên tác, mời bụt đây cũng chỉ là mời linh hồn, mời uy danh của sư thầy.
Người Tày quan niệm thế giới có ba cõi: Mường Bân (thiên giới), trần gian và âm phủ. Thiên giới có Ngọc hoàng và các vị thần thánh. Thiên giới chi phối, định đoạt mọi hoạt động, mọi diễn biến ở trần gian. Trần gian là nơi con người và vạn vật sinh sống. Âm phủ là nơi giam giữ, xử phạt linh hồn những người làm điều sai trái ở trần gian. Những người khi sống ở trần gian hiền lành, làm nhiều điều thiện, khi chết linh hồn sẽ được lên thiên giới. Những người hành nghề cầu khấn bằng phép thuật và lời hát theo thể loại tào, pụt, then là những người có thể liên hệ, giao tiếp giữa ba cõi. Ở trần gian gia đình nào gặp những biến cố xui xẻo thì có thể nhờ thầy pụt, thầy tào bói tìm ra nguyên nhân. Ví dụ gia đình nọ có sự xích mích giữa mẹ chồng, nàng dâu, thầy pụt bói ra nguyên nhân gia chủ ăn thịt chó làm xung đến linh hồn tổ tiên. Gia chủ sẽ đón thầy pụt về làm lễ cầu an (kỳ yên), hóa giải những điều rủi ro, thầy pụt dẫn dắt linh hồn gia chủ lên thiên giới gặp các vị thần thánh để xin điều tốt lành, giải tỏa những điều xấu, không mong muốn.
2. Có phải lễ Kỳ Yên chỉ tổ chức vào đầu năm?
Lễ Kỳ Yên là một trong những nghi lễ dân gian, được tổ chức trong phạm vi gia đình, khi có nhu cầu giải tỏa về tinh thần do những biến cố đã xảy ra. Do đặc điểm kinh tế nông nghiệp, tháng giêng, tháng hai, đầu năm là thời gian công việc đồng áng chưa bận rộn, nên người ta thường tổ chức lễ Kỳ Yên vào đầu năm để loại bỏ những điều xấu, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Do vậy, có ấn tượng là lễ Kỳ Yên được tiến hành vào đầu năm. Nhưng lễ Kỳ Yên vốn được tiến hành nhằm giải trừ những điều xấu, cầu mong điều tốt, nên tùy nhu cầu của từng gia đình có tình huống, hoàn cảnh khác nhau mà người ta có thể đón Pụt về làm lễ Kỳ Yên bất kì lúc nào. Quê tôi ở Bạch Thông, Bắc Kạn, tôi thấy có người làm lễ Kỳ Yên vào tháng tám, tháng chín, tháng mười âm lịch.
Bàn thờ gia tiên của người Tày thường có bốn bát hương. Ngoài ba bát hương thờ các vị tiền nhân trong dòng tộc, còn một bát hương để lệch về phía bên phải, thờ thánh mẫu (Mẹ Hoa), vị nữ thần ngự trên thiên đình trông coi và chăm sóc chuyện sinh nở và trẻ nhỏ. Nếu gia đình nào có trẻ nhỏ ốm đau, bệnh tật… thì người ta nghĩ rằng đứa trẻ đã bị Mẹ Hoa quở trách hoặc không quan tâm. Con dâu bị sẩy thai, chứng tỏ Mẹ Hoa đã lơ là không chăm sóc. Khi đó lễ Kỳ Yên được tổ chức để cầu mong Mẹ Hoa quan tâm chăm sóc chuyện sinh nở của gia đình. Thầy Tào, thầy Pụt, thầy Then là những người có khả năng liên lạc được với thế giới thần linh, Pụt và Then, ngoài giá trị là những hình thức sinh hoạt văn nghệ, được người Tày dùng để chữa bệnh. Thầy Pụt, thầy Then phát hiện ra những điều bất ổn của một gia đình nào đó, gia chủ sẽ đón Pụt về làm lễ Kỳ Yên, không đợi đến tháng giêng năm mới. Như vậy lễ Kỳ Yên không nhất thiết chỉ diễn ra vào dịp đầu năm. Dĩ nhiên, đây là những hoạt động mang tính tâm linh, tín ngưỡng dân gian, nên biến thể địa phương là tất yếu.
3. Mường trời hay mường thiên?
Câu thơ trong nguyên tác: “Chang cừn lọt mường phạ/ Nả cáy lọt mường thiên”. MĐT dịch là “Nửa đêm lọt tầng mây/ Gà gáy lọt lên trời”. HTC dịch là: “Nửa đêm lọt mường trời/ mờ sáng lọt mường thiên”. Đọc qua thì thấy hai cách dịch không có gì khác nhau về thông tin cơ bản. Vì vậy ở chi tiết này không thể nói cách dịch nào đúng/sai. Nhưng suy nghĩ kĩ hơn một chút thì thấy có cách này hoặc cách kia hay hơn. Trong tiếng Tày có các từ “phạ”, “bân”/ “buân”, “bôn” đều có nghĩa tương đương với từ trong tiếng Việt là “trời”. Thế nhưng các từ đồng nghĩa bao giờ cũng có sự phân biệt nhau về sắc thái. Trong tiếng Tày, “phạ” nghĩa là “trời”, nhưng đó là trời với nghĩa cụ thể, với những biểu hiện như mây, mưa, sấm, chớp, gió, nóng lạnh… tức cái không gian vật chất trên cao vời vợi mà con người cảm nhận được bằng các giác quan; “bân” cũng có nghĩa là trời, nhưng đó là trời trong ý niệm, đó là thế giới trong tưởng tượng, ở đó có Ngọc hoàng, các thần thánh… hoạt động và chi phối trần gian. Pụt Kỳ Yên kể/ tả chuyến “đi” trong tưởng tượng của các Pụt và linh hồn người ở trần gian lên thượng giới cầu yên, xin những điều tốt đẹp. Đường đi trải qua nhiều chặng. Đoạn Pụt này trong nguyên tác là “chang cừn lọt mường phạ/ Nả cáy lọt mường thiên”. Có nghĩa là nửa đêm lên đến trời mây cao cụ thể. Gà gáy thì lên đến thiên đình - đến thế giới tưởng tượng trong ý niệm. Với nghĩa này, “trời” tiếng Tày gọi là “bân”, từ Hán Việt gọi là “thiên”. Hiểu như vậy tôi cho là MĐT dịch đúng. Tuy nhiên, trong tiếng Việt có các từ gốc Hán mà đặc điểm của nó trong so sánh với từ thuần Việt, là nhòe nghĩa cụ thể, thiên về biểu thị ý niệm trừu tượng. Do vậy, từ câu Pụt trong nguyên bản, hai ông dịch có khác nhau tí chút nhưng cả hai ông đều đúng. Từ góc độ ngôn ngữ học tôi cho rằng HTC dịch là “mờ sáng lọt mường thiên” đã khai thác ưu thế của yếu tố Hán Việt để chuyển tải nội dung mang tính ý niệm của nguyên tác. Và như vậy mới thấy rằng dịch, nhất là dịch tác phẩm văn thơ, người dịch phải xử lý rất nhiều những vấn đề về ngôn ngữ, về tâm lý, về văn hóa của ngôn ngữ nguyên bản và ngôn ngữ dịch.
4. Cửa mụ hoa vàng hay cửa Mẹ Hoa?
“Tu va vàng” MĐT dịch là “cửa mụ hoa vàng”, HTC cho rằng dịch như thế là không chính xác, mà đúng ra là “cửa Mẹ Hoa”. Đây lại là một chi tiết nữa liên quan đến sắc thái các phương tiện ngôn ngữ, từ đó người nói, viết, người dịch lựa chọn. HTC dịch là “cửa Mẹ Hoa” hoàn toàn đúng với nghĩa thông thường của tiếng Tày và phù hợp với tâm linh của người dân tộc. Quan niệm của người Tày, trên thiên giới có thần mẫu, được gọi là Mẻ Bjoóc, tức là Mẹ Hoa, trông coi chăm sóc việc sinh nở và trẻ nhỏ dưới trần gian. Khi làm lễ Kỳ Yên, Pụt cùng linh hồn gia chủ lên trời gặp Mẹ Hoa để cầu xin những điều tốt lành trong sinh nở và sức khỏe cho trẻ nhỏ. Cho nên ở đây đúng là “cửa Mẹ Hoa”. Thế nhưng tiếng Tày cũng giống như tiếng Việt, có sự đối lập giữa từ thuần và từ vay mượn Hán. Trong thế đối lập ấy, từ gốc Hán đảm nhiệm việc biểu đạt những khái niệm khái quát, nhòe nghĩa, từ thuần thiên về biểu đạt cái cụ thể sinh động. “Mẻ va vàng” là cách phát âm tiếng Tày cụm từ tiếng Hán, dịch từng chữ nghĩa là “Mẹ hoa vua”. Dùng từ Hán theo cách phát âm của tiếng Tày, phải chăng MĐT đã làm tăng thêm tính chất “chập chờn” giữa thực và ảo, giữa hiện thực trần gian và thế giới tâm linh thiên thánh? Mà tạo sự nhập nhằng giữa thực và hư vẫn là thủ pháp thường dùng của các thầy tào, thầy then, thầy pụt. Như vậy, “Tu mụ va vàng” dịch là “cửa Mẹ Hoa”, xem ra có vẻ đắt hơn. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng MĐT dịch sai. Riêng chữ “vàng” ở đây không phải là màu vàng hay vàng bạc mà đây là cách phát âm của người Tày từ “Hoàng” (vua) trong tiếng Hán. Đó là người mẹ có quyền năng tối cao: mẹ vua. Chữ “hoàng” nghĩa là “vua” người Tày đọc là “vàng”: Ngọc hoàng = Ngọc Vàng, hòa bình = và bình…
5. Dịch thừa, dịch thiếu, không dịch mà phóng tác?
HTC có liệt kê cụ thể những bài trong Pụt Kỳ Yên mà khi đối chiếu bản dịch tiếng Việt với nguyên tác tiếng Tày có sự chênh lệch về câu chữ và cho rằng MĐT đã dịch thừa, dịch thiếu. Với kinh nghiệm của một người 30 năm chuyên biên tập sách, HTC không khó phát hiện ra những câu thừa/ thiếu khi đối chiếu nguyên tác Pụt Kỳ Yên với phần dịch tiếng Việt. Phải thừa nhận rằng HTC thống kê không sai. Từ lúc đọc bản thảo do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đưa cho, tôi đã nêu sự chênh lệch này với các dịch giả. Sau khi được MĐT trao đổi, và tự tôi cũng suy nghĩ để giải đáp. Ở đây, nhân có cuộc trao đổi giữa ông HTC và ông MĐT về chuyện dịch thừa, dịch thiếu, tôi xin phát biểu một quan niệm. Khác với dịch văn bản hành chính, dịch một tác phẩm nghệ thuật từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, người dịch phải xử lý rất nhiều những yếu tố liên quan đến sự tương quan ngữ nghĩa ngôn từ, văn hóa và tâm lý người đọc sao cho bản dịch vừa trung thực với nguyên tác vừa phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người đọc bản dịch. Từ ngữ của ngôn ngữ này thường không đẳng nghĩa với từ ngữ của ngôn ngữ kia. Để san bằng sự bất đẳng nghĩa đó, người dịch phải tạo ngữ cảnh, hình thành những kết cấu tương đương về nghĩa. Cho nên dịch tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo, phải chuyển hóa. Vì vậy, bản dịch có sự thêm bớt câu chữ so với nguyên tác là điều khó tránh khỏi. “Pụt Kỳ Yên” trong nguyên tác có nhiều đoạn lặp đi lặp lại như những điệp khúc. Với những điệp khúc như thế, có lẽ MĐT đã khái quát hóa, rút bớt câu chữ, dẫn đến hiện tượng dịch thiếu (?). Ngược lại, có những hình ảnh, những khái niệm không thể dịch bằng các từ ngữ một đối một mà phải diễn giải bằng nhiều từ ngữ hơn so với nguyên tác. Nếu như vậy, so bản dịch với nguyên tác sẽ thành ra dịch thừa! Ngoài ra, ông MĐT là người dân tộc Tày, là một nhà thơ, sống ở huyện Định Hóa, vùng đất cho đến nay vẫn đậm đặc những hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống của dân tộc, của địa phương. Các thầy pụt, thầy then… hiện nay vẫn còn hành nghề nhộn nhịp. MĐT sưu tầm văn nghệ dân gian, dịch Pụt Kỳ Yên ra tiếng Việt, với tư cách một người sưu tầm và dịch thuật nghiệp dư. Tôi tin rằng khi sưu tầm và dịch “Pụt Kỳ Yên”, MĐT đã có nhiều xúc cảm, tâm hồn sống với những làn điệu Then, Pụt ở địa phương. Do vậy bản dịch chắc chắn chịu ảnh hưởng của những cảm xúc ấy. Cảm xúc chi phối khiến cho lời dịch thêm câu chữ so với nguyên tác là điều rất dễ xảy ra. Đối chiếu những bản dịch tiếng Việt các tác phẩm văn học cổ điển bằng tiếng Hán, không khó để nêu ra những dẫn chứng bản dịch thêm câu thêm chữ.
6. Có ai “bắn súng kíp” vào Pụt Kỳ Yên không?
Pụt nói chung, Pụt Kỳ Yên nói riêng là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian rất phổ biến ở xã hội người Tày. Do Pụt gắn với tâm linh, tín ngưỡng mặc dù lời Pụt có được ghi lại bằng văn bản chữ Nôm, nhưng những người bình dân vẫn chỉ tiếp xúc với Pụt Kỳ Yên bằng con đường truyền miệng. Văn bản những lời ca Pụt chủ yếu vẫn chỉ là sở hữu riêng, bảo bối của một số người hành nghề “Pụt”. Ngay cả những văn bản ghi chép bằng chữ Nôm thì vẫn thuộc lĩnh vực dân gian. Mà đã là văn học dân gian, truyền miệng thì biến thiên dị bản là điều tất yếu. Cùng những chi tiết, cùng một tác phẩm mà có nhiều cách hiểu khác nhau là chuyện thường tình. Như đã nói, văn bản lời ca Pụt Kỳ Yên bằng chữ Nôm, do các thầy Pụt nắm giữ như một công cụ hành nghề cho nên mặc dù nó rất phổ biến nhưng đại đa số người bình dân ít khi được tiếp xúc với văn bản. Đối với thế hệ trẻ hiện nay, lời hát Pụt Kỳ Yên càng trở nên lùi xa vào quá khứ. Nhóm MĐT đã có công sưu tầm, phiên âm ra chữ Tày Nùng la tinh, là một cố gắng rất đáng trân trọng để đưa văn bản trả lại quần chúng nhân dân. Bản dịch có thể còn những nhầm lẫn hoặc do cách hiểu khác nhau, nhưng phải công nhận rằng đó là một đóng góp thiết thực vào công cuộc tìm về giá trị văn hóa cổ truyền. Một số nhầm lẫn, một số cách hiểu khác nhau thì hãy để cho nhiều độc giả thảo luận. Một người đã ở tuổi ngoại bát tuần, vẫn cặm cụi tỉ mẩn phiên âm và dịch “Pụt Kỳ Yên”. Đó là một người rất đáng nể phục. Tôi không nghĩ rằng đã có ai “bắn súng kíp” vào Pụt Kỳ Yên.
Lương Bèn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...