Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:21 (GMT +7)

Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa nhìn từ tư duy lý luận văn học đổi mới (1986 – 2016)

VNTN - Tư duy lý luận đổi mới đã coi vấn đề Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa là thành tựu vừa là một hiện tượng để lật ngược vấn đề, khám phá ra những giá trị mới, chân lý mới. Khái niệm phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng bình đẳng như bao khái niệm khác, ở trong nó bao hàm cả mặt khả thủ và những mặt không khả thủ đối với đời sống văn học. Chính vì lẽ đó, khi đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử, theo quy luật, tự nó dần dần nhường lại “vũ đài” cho những khái niệm khác phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.


1. Tiếp thu phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trước 1986

Thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa xuất hiện ở nước Nga Xô - viết từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Chỉ hai năm sau khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được chính thức ghi vào Điều lệ Hội Nhà văn Liên Xô (1934) thì nó đã được giới thiệu ở Việt Nam. Như vậy, lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đi vào đời sống văn hóa văn nghệ nước ta khá sớm. Tiếp đó, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Trường Chinh đã chính thức hóa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thành phương pháp sáng tác cho văn nghệ cách mạng. Trong các tài liệu Chủ nghĩa Marx và vấn đề văn hóa Việt Nam (1948) của Trường Chinh, Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai, Vấn đề văn nghệ (1973) của Tố Hữu, Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (1958) của Hồng Chương đều coi tả thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp tối ưu, một phương pháp có tính bắt buộc đối với nền văn nghệ mới Việt Nam. Trải qua các giai đoạn cách mạng Dân chủ cũng như cách mạng Xã hội chủ nghĩa, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa luôn được đánh giá là phương pháp sáng tác tốt nhất.

Trong khoảng những năm 50 đến những năm 80, ở Việt Nam có bốn tài liệu dịch thuật liên quan đến việc phổ biến và tiếp cận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một khái niệm lý luận kinh điển. Đó là Hiện thực xã hội chủ nghĩa (Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản, 1951) của Alexis Tolstoi, Tcherbina Fadeiev, Jean Freville; Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì? (Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1958) của PS.Tơrôphimốp, A.Yarêmencô, P.Iuđin, M.Rôdentan; Nguyên lý mỹ học Marx - Lenin, phần IV: Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của Viện hàn lâm Khoa học Liên xô (Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963); Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của A.I.Ôptsarencô (Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981). Sự ảnh hưởng của những tài liệu trên đối với lý luận nước ta là không nhỏ. Bên cạnh đó, đóng vai trò nòng cốt trong việc truyền bá một cách hệ thống lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa vào nước ta ở thời điểm những năm 60 còn phải kể đến các giáo trình đại học và sách chuyên khảo như Mấy vấn đề nguyên lý văn học (Tập II, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 1961) của Nguyễn Lương Ngọc, Các phương pháp nghệ thuật (Nxb.Giáo dục, Hà Nội,1962) của Lê Đình Kỵ, Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (Nxb.Sự thật, Hà Nội,1962) của Hồng Chương. Các vấn đề chủ yếu được quan tâm đến trong các tài liệu trên là lai lịch của khái niệm và thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, khẳng định cơ sở xã hội và ý thức của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, cảm hứng chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, vấn đề điển hình hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa và những vấn đề trong lĩnh vực thi pháp (nhấn mạnh, coi trọng biện pháp tả thực).

Vào những năm 70, 80 của thế kỷ XX, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa tiếp tục được khẳng định ở nước ta. Nó luôn luôn được coi là phương pháp tối ưu, phù hợp nhất của nền văn học. Các thế hệ nhà văn đều sẵn sàng nhận mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nhất trí coi văn học là một thứ “vũ khí” cách mạng để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Các nhà nghiên cứu lý luận Việt Nam trước 1986 luôn bảo vệ trung thành những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong thực tế, lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải lúc nào cũng được tiếp nhận một cách trơn tru, thuận chiều. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu lý luận văn học Liên Xô - nơi quê hương của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã đưa ra nhiều kiến giải khác nhau, thậm chí đã có những cuộc tranh luận kéo dài. Cùng với nhiều đổi thay của thời đại, trong cơn lốc của những biến động chính trị xã hội vào những năm cuối cùng của nước Liên Xô (1988 - 1990) thêm nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau của các nhà nghiên cứu và giới văn nghệ sĩ Xô-viết được bộc lộ. Không hoàn toàn phủ nhận văn học Xô-viết với nhiều thành tựu thực tế đã đạt, nhưng các ý kiến đều thống nhất quan điểm: lý luận về phương pháp này cần xem xét lại. Tinh thần học thuật của các nhà nghiên cứu và giới văn nghệ sĩ Liên Xô cuối những năm 80 của thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ đến tư duy lý luận của các nhà nghiên cứu và các văn nghệ sĩ Việt Nam. Từ đây khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được giới lý luận nước ta nhìn nhận lại trên một tinh thần biện giải khách quan khoa học toàn diện, đầy đủ hơn.

2. Những nhận thức mới xung quanh khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1986

Ở Việt Nam, ngay sau mốc lịch sử 1975, hiện thực cuộc sống nảy sinh nhiều nhân tố mới đã tạo nên một “sức ép” đối với lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khoảng thời gian mười năm (1975 - 1985) được coi là giai đoạn “trở dạ” đầy đau đớn, văn học nước ta có những chuyển động rất phong phú và phức tạp. Đã xuất hiện trên văn đàn những tác phẩm viết khác trước: mở rộng biên độ tái hiện hiện thực để có thể bao quát muôn ngổn ngang của đời sống thời hậu chiến. Có thể nhận thấy rõ điều này qua sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Thu Hương, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp,… Chính khuôn mặt đa dạng, phong phú của đời sống sáng tác khiến tính chất giáo điều, đóng băng của lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa dần dần bộc lộ. Lý thuyết về hiện thực xã hội chủ nghĩa đã tỏ ra không bao nổi thực tế phát triển của văn học. Không ai khác chính những người cầm bút với vốn trải nghiệm dạn dày từ sống và viết là những người đầu tiên nhận thấy giới hạn này. Tuy vậy, phải đến thời điểm nhu cầu đổi mới đã bùng phát trên phạm vi toàn bộ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cộng thêm sự ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào “cải tổ” văn học ở Liên Xô, các nhà nghiên cứu lý luận, các văn nghệ sĩ Việt Nam mới cảm nhận rõ ý thức hệ vô sản đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, lý luận về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều điều cần phải xem xét, nghiên cứu lại.

Những nhà nghiên cứu sớm đưa ra ý kiến xung quanh vấn đề này là Hoàng Ngọc Hiến, Từ Sơn, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Lã Nguyên, Lê Chí Dũng, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu, Hoài Lam, Nguyễn Nghĩa Trọng, Đỗ Văn Khang, Hà Xuân Trường, Nguyễn Minh Tấn, Đặng Việt Bích, Lưu Liên, Phong Lê,… tiếp đó là Nguyễn Bá Thành, Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân,… Tinh thần xem xét lại vấn đề lý luận phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa nhìn chung đã được giới lý luận nước ta đặt trong một cái nhìn định hướng nghiên cứu khoa học, khách quan, công bằng. Vừa mạnh dạn chỉ rõ những phương diện hạn chế, sai lầm để loại bỏ, vừa trăn trở tìm tòi, phát hiện, bổ sung những nhận thức mới, hy vọng kế thừa, phát huy những gì hợp lý của phương pháp này.

2.1. Vấn đề tên gọi: Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa 

Vấn đề phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được xem xét lại ngay từ tên gọi. Thời kỳ đầu đổi mới đã xuất hiện ý kiến phản bác lại cách gọi “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Trong Hội thảo Những vấn đề thời sự của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tại Viện văn học (1989), ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến cho rằng hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là một khái niệm mỹ học đích thực, nó chỉ là một “ngọn cờ”, hoặc một cương lĩnh tập hợp văn sĩ. Ông không thừa nhận hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác, bởi vì nếu nhìn nhận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác thì phải nhìn nhận có một phương pháp chung cho mọi ngành nghệ thuật, cho mọi thể loại, mọi nghệ sĩ rất khác nhau: “Nếu quả như có một phương pháp sáng tác chung cho hàng ngàn nghệ sĩ và hàng vạn tác phẩm thì thật là khủng khiếp. Điều khủng khiếp hơn là có một thời hàng triệu người tin rằng có một phương pháp sáng tác chung và bao trùm như vậy” (1). Các nhà nghiên cứu khác như Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Bá Thành, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân,… đều nhận ra điều bất ổn trong cách gọi tên: Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - đó là một thuật ngữ mơ hồ “một vấn đề còn rất nhiều vấn đề, mà chủ yếu là vì nội hàm của khái niệm đã được giải thích một cách rất tùy tiện theo thiện cảm của các nhà lý luận mácxit qua các thời kỳ đối với chủ nghĩa xã hội và văn học xã hội chủ nghĩa” (2).

Phải chăng cũng bắt đầu từ việc nhận ra sự bất hợp lý ngay từ cách gọi tên nên giai đoạn đổi mới đã xuất hiện những cách dùng từ, hoặc những ý kiến gợi ý về việc cần đổi cách gọi thuật ngữ phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa: “Chủ nghĩa tả chân” (Nguyễn Văn Linh); “Chủ nghĩa hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mới”, “Chủ nghĩa chân thực dân bản” (Phương Lựu)… Song, có lẽ đúng như Trương Đăng Dung đã bày tỏ quan điểm: “Vấn đề cần bàn không phải là thuật ngữ hiện thực xã hội chủ nghĩa hoặc chung quanh việc hình thành thuật ngữ đó, hay các chi tiết liên quan. Điều cơ bản là chúng ta hãy nhìn vào thực trạng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, không chỉ trong phạm vi một nền văn học mà ở nhiều nền văn học” (3) và chỉ có như vậy mới có thể so sánh, rút ra những kết luận khách quan, khoa học nhất về vấn đề lý luận này.

2.2. Những giới hạn xung quanh nội hàm khái niệm

Quá trình vận động nhận thức về vấn đề phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới không phải là một quá trình liền mạch mà có lúc đứt gãy, chững lại. Tuy vậy, đội ngũ các nhà nghiên cứu kế tiếp nhau tiếp tục dòng mạch tư duy được khơi dậy từ cuối những năm 80 đã lặng lẽ bền bỉ, nghiêm túc đi sâu vào học thuật với cái nhìn khoa học khách quan, xem xét lại thực trạng nền văn học nước nhà qua mấy chục năm với một tinh thần cầu thị, tâm huyết trăn trở tìm tòi, đóng góp ý kiến để chỉ rõ những giới hạn của bản thân hệ thống lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng của nó tới đời sống văn học Việt Nam và khắc phục những nhận thức giản đơn, ấu trĩ xung quanh khái niệm này.

Khảo sát các giáo trình giảng dạy ở Đại học được xuất bản và tái xuất bản vào thời gian sau 1986 (Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tái bản lần thứ ba; Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tái bản lần thứ nhất; Lý luận văn học, tập 3, Tiến trình văn học, do Phương Lựu chủ biên, Nxb. ĐH Sư Phạm, Hà Nội, 2006) chúng tôi nhận thấy các giáo trình này đều vẫn chú trọng đến mục: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Những nguyên tắc sáng tác của phương pháp này vẫn được các giáo trình quán triệt đầy đủ và nhất quán. Tuy nhiên, đã xuất hiện thêm những ý kiến nhìn nhận về sự lạc hậu và những mặt hạn chế xung quanh vấn đề lý luận này.

Trong giáo trình Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, phần do Đỗ Văn Khang biên soạn đã viết: “Sự lạc hậu về lý luận biểu hiện ở chỗ một thời gian dài người ta đã đồng nhất phương pháp sáng tác với một số nguyên tắc cứng nhắc. Văn học là tối kỵ khuôn mẫu, thế mà gần năm chục năm qua, người ta đã tóm lược phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa vào nguyên lý: “Phản ánh hiện thực trong xu thế phát triển cách mạng của nó (…)”(4). Như vậy, quan điểm này cho rằng nguyên nhân khiến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể phát huy hết khả năng là bởi người vận dụng đã lạc hậu, hạn chế, chật chội trong cách hiểu và tiếp nhận lý thuyết phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn bản chất đích thực của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa không có gì sai, không có gì lạc hậu.

Giáo trình Lý luận văn học, tập 3, Tiến trình văn học do Phương Lựu chủ biên đã dành hẳn một mục Những mặt hạn chế (trang 271) để bàn về hạn chế của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Giáo trình viết: “Hiện thực xã hội chủ nghĩa mà then chốt là cái định nghĩa trong Điều lệ Hội Nhà văn Liên xô (1934) là phiến diện không khái quát được hết ngay đối với phẩm chất thẩm mỹ của thơ văn cách mạng. Nói nó gò bó cứng nhắc là vậy” (5)

Quan điểm khác nhau trên cho thấy tư duy về vấn đề lý luận nhạy cảm bậc nhất này ở nước ta đã có sự tiến triển rõ rệt. Nếu ban đầu Đỗ Văn Khang cho rằng hạn chế của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nằm ở cái bên ngoài, ở nguyên nhân khách quan thì đến Phương Lựu đã mạnh dạn chỉ rõ nguyên nhân hạn chế của phương pháp này nằm ngay trong chính bản thân khái niệm.

Đến cuối những năm 90 khi giới thiệu công trình nghiên cứu Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1936 - 1986), (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999) tác giả Phương Lựu một lần nữa lại khẳng định: “Trong định nghĩa gốc ở Điều lệ Hội Nhà văn Liên xô (1934), có khẳng định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa là phương pháp sáng tác, vừa là phương pháp phê bình, rõ ràng là không đúng” (6)

Những ý kiến trên cho thấy tư duy lý luận đổi mới đã nhận ra hạn chế cơ bản nhất của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đó là một thứ chủ nghĩa vốn đã tiềm ẩn trong bản thân nó sự đơn giản hóa, gò ép đối với sự phát triển bình thường của một nền văn học nghệ thuật…

Việc nghiên cứu vấn đề phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa còn được đặt trong nghiên cứu tổng thể về hội nhập và giao lưu của văn học Việt Nam với thế giới. Trong công trình Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học (Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006), tác giả Nguyễn Bá Thành đã dành mục II.2. của chương II với nhan đề Hội nhập và giao lưu với thế giới theo quan điểm macxit và tinh thần xã hội chủ nghĩa (Giai đoạn 1945 - 1985) để bàn về Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - một cuộc hội nhập theo ý thức hệ. Khẳng định quá trình du nhập khái niệm phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa vào Việt Nam là “một cuộc hội nhập theo ý thức hệ” (7). Việc các nhà nghiên cứu khẳng định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là kết quả của quá trình phát triển cao của chủ nghĩa hiện thực phê phán như trước nay nhiều người thường quan niệm và lý giải lại tường tận hơn lịch sử du nhập chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào Việt Nam là cơ sở để nhận thức thấu đáo hơn những hạn chế của khái niệm này.

Năm 2008 xuất hiện một số nghiên cứu có tính chất vừa “chốt” lại số phận của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, vừa khơi mở, đề xuất những hướng suy nghĩ để tiến tới việc hình thành một khái niệm khác có sức khái quát hơn đã được công bố. Đó là hai bài viết Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay (8) của Phương Lựu và Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ nhìn lại (9) của Phong Lê.

Trong Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay, tiếp tục mổ xẻ “tế bào gốc” là định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, Phương Lựu đã khái quát những “sai lầm” của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thành năm điểm liên đới không thể tách rời nhau nhưng theo trình tự từ vĩ mô đến vi mô như sau: 1/Nhập nhằng giữa nghệ thuật và tuyên truyền giáo dục; 2/Cào bằng giữa văn học với các bộ môn nghệ thuật khác; 3/Cào bằng giữa sáng tác và nghiên cứu phê bình; 4/Cào bằng giữa các thể loại văn học; 5/ Phương thức, biện pháp nghệ thuật độc tôn, nhất loạt hóa. Thiết nghĩ từ “nhập nhằng” và “cào bằng” mà tác giả Phương Lựu sử dụng ở bài viết có dụng ý phê phán sự mập mờ, tối nghĩa trong các luận điểm của định nghĩa về khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sự đánh đồng, thiếu rạch ròi giữa hai loại phương pháp sáng tác và nghiên cứu dẫn đến ngộ nhận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không những là phương pháp sáng tác tốt nhất mà còn là “một phương pháp phê bình tốt nhất”. Cũng trong bài viết này, Phương Lựu nhấn mạnh: “Thật ra, trừ một vài phong cách cá biệt, còn nói chung, phê bình phải là khoa học. Vậy thì làm gì có một phương pháp chung cho cả khoa học và nghệ thuật” (10). Hệ thống những ý kiến tiếp nối nhau của Phương Lựu chung quanh định nghĩa về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt quá trình đổi mới, chúng tôi thấy sự vận động tư duy về vấn đề này của nhà nghiên cứu luôn nhất quán và ngày càng đào sâu, xới lật vấn đề trên tinh thần bám sát đời sống thực tiễn sáng tác. Nhận thức mới của ông cho thấy cái định nghĩa vốn có về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa quả là có nhiều điểm không thể dung nạp, câu chữ không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm, không mang tính chuẩn xác của một thuật ngữ khoa học.

Nếu Phương Lựu chỉ ra một cách rạch ròi những “sai lầm” của nội hàm khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thì Phong Lê trong bài Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ nhìn lại đã phê phán những thiển cận, đơn giản, máy móc trong nhận thức và vận dụng lý thuyết để rồi tạo nên một khoảng trống lớn trong nền văn học mới sau 1945 cho đến thập niên cuối thế kỷ XX.

Suốt mấy chục năm trước đổi mới, trong thực tiễn sáng tác văn học, các văn nghệ sĩ Việt Nam đã tuân thủ yêu cầu: “Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” (11) để sáng tác và phê bình. Chính vì phải “nắm vững” (tức là người cầm bút phải quán triệt các nguyên tắc miêu tả cái mới của đời sống là chủ yếu, con người mới phải là nhân vật trung tâm để khẳng định và ngợi ca, chủ đề tư tưởng phải sáng rõ, việc phản ánh các biến cố của cộng đồng được chú trọng, các biến cố đời tư bị xem như vặt vãnh, tầm thường), cho nên sự thật về những mất mát, đau thương, những khát vọng riêng tư, những nỗi lo âu, trăn trở về thế thái nhân tình,... dường như mờ nhạt, nếu không nói là vắng bóng trong những trang viết của các thế hệ nhà văn giai đoạn này. Thực ra, trong xu thế phát triển của hiện thực, cuộc sống không thể lúc nào cũng theo một chiều đi lên và các kết thúc đều tốt đẹp, sáng sủa. Những bất hạnh, đổ vỡ, bi kịch,… có thể xảy ra và xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng một thời gian quá dài chúng ta đã quá say sưa chủ quan trước một thực tế, mặc dù có thành tựu, nhưng cũng không ít sai lầm, thất bại, nhiều cái tốt nhưng không ít cái xấu đã nảy sinh. Phong Lê đã chỉ rõ căn bệnh ấu trĩ trong lối tư duy về phương pháp sáng tác: “Do quan niệm chật chội, cứng nhắc về nó ta đã biến nó thành một giáo điều, ta muốn văn học là hiện thực hơn thì nó càng xa hiện thực; và vi phạm ngay cả quy luật của bản thân nghệ thuật, ta muốn nó là chân thật, là thuyết phục và hấp dẫn thì nó lại trở nên sơ lược và giả tạo” (12).  Ngay từ đầu thời kỳ đổi mới các nhà nghiên cứu đã băn khoăn: Hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất hay phương pháp sáng tác duy nhất? Trong quá trình chỉ ra những giới hạn của chính bản thân hệ thống lý thuyết và những cản trở của nó đối với sự phát triển của văn học, đến nay lý luận đổi mới cũng như thực tiễn đời sống văn học đã chứng tỏ phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là phương pháp sáng tác tốt nhất như trước đây người ta vẫn thường quan niệm và nó lại càng không phải là phương pháp sáng tác duy nhất. Một phương pháp sáng tác không mang tính khu biệt và không được xác định rõ ràng về nội hàm thì không thể tốt nhất.

3. Kết luận

Quan sát tiến trình đổi mới lý luận văn học 30 năm qua, chúng tôi nhận thấy lý luận đổi mới đã không phủ định sạch trơn khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã xuất hiện, đã tồn tại và cũng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tiến trình văn học thế giới cũng như ở Việt Nam. Tư duy lý luận đổi mới đã coi vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa là thành tựu vừa là một hiện tượng để lật ngược vấn đề, khám phá ra những giá trị mới, chân lý mới. Nguyên tắc quá tôn thờ cái ổn định đến đây thực sự nhường chỗ cho tinh thần phản biện mạnh mẽ, rốt ráo hơn để xây dựng một cái nhìn khác cho phù hợp với điều kiện khách quan của lịch sử. Nhân loại đã trải qua nhiều hình thái ý thức xã hội, mỗi hình thái ý thức xã hội thay thế hình thái ý thức xã hội trước nó đều mang những tiến bộ mới nhưng đó là sự tiến bộ có tính kế thừa, đó là quy luật. Từ đây, có thể thấy trong chiều sâu của sự vận động phát triển văn hóa nói chung và văn học (trong đó có lý luận văn học) nói riêng luôn ẩn chứa sự kế thừa mang tính biện chứng. Khái niệm phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng bình đẳng như bao khái niệm khác, ở trong nó bao hàm cả mặt khả thủ và những mặt không khả thủ đối với đời sống văn học. Chính vì lẽ đó, khi đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử, theo quy luật, tự nó dần dần nhường lại “vũ đài” cho những khái niệm khác phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày một khác trước của xã hội hiện đại.

Cao Thị Hồng

Chú thích:

(1),(3), Nhiều tác giả (1989), “Hội thảo những vấn đề thời sự của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, (Ngọc Thiện, Phong Lan lược thuật), Tạp chí Văn học, (3), tr.8-29.

(2). Nguyễn Bá Thành (2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.468,445.

(4). Hà Minh Đức (Chủ biên) (1996), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.284, 296.

(5). Phương Lựu (Chủ biên) (1997), Lý luận văn học (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.600.

(6). Phương Lựu (2006), Tuyển tập, Tập III, Lý luận văn học Mác-Lênin, Nxb Giáo dục, Hà Nội,  tr.368.

(7). Nguyễn Bá Thành (2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.468,445.

(8), (10). Phương Lựu (2009), Vì một nền lý luận văn học dân tộc-hiện đại, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.96 - 112.

(9), (11), (12). Phong Lê (2008), “Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ- nhìn lại”, Văn nghệ Quân đội, (685), tr.95-100.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy