
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN - Số lượng nhân vật trong một tác phẩm văn học không tùy thuộc vào nội dung mà nó phản ánh, ít hay nhiều không quan trọng. Các nhân vật trong tác phẩm liên quan với nhau hoặc không liên quan với nhau nhưng đều có quan hệ với nội dung của tác phẩm. Tuy vậy, đến thế kỷ XIX, văn học thế giới chưa ghi nhận hiện tượng nhiều người cùng kể về một nhân vật như là một phương pháp nghệ thuật.
Với văn học Việt Nam, điều này càng rõ nét hơn. Từ truyện cổ tích dân gian đến truyện Nôm khuyết danh mà đỉnh cao là các tác phẩm ở thế kỷ XVIII, nhân vật và các nhân vật trong đó đều được một người (là tác giả) kể. Trê Cóc, Thạch Sanh, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính... Từ văn xuôi như Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp), Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) đến văn vần như Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm dịch), Hoa tiên (Nguyễn Huy Oánh), Mai Đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều)… đều như vậy.
Hết sức bất ngờ, Truyện Kiều của Nguyễn Du đột ngột xuất hiện một thủ pháp nghệ thuật hoàn toàn mới lạ. Đó là thủ pháp nhiều người cùng kể về một nhân vật. Nhân vật được kể đó là Thúy Kiều.
Truyện Kiều được viết bằng thơ, không phải văn xuôi mà bằng văn vần. Tính tự sự đặc thù của văn xuôi cho phép nhà văn xây dựng cốt truyện bằng các tình tiết, thủ đoạn (intrigue), logic, sự kiện… đến các chương, hồi của tác phẩm. Thơ - văn vần với tư duy tình cảm không cho phép như văn xuôi. Vậy mà Nguyễn Du đã làm được bằng Truyện Kiều, với 3.254 câu thơ lục bát.
Đó là những giới thiệu về quê hương, bản quán, gia đình và toàn bộ cuộc đời chìm nổi suốt 15 năm của Thúy Kiều - người con gái tài sắc vẹn toàn, nhân nghĩa thủy chung.
Đạm Tiên - như Vương Quan cho ta biết - là một ca nhi xinh đẹp đã chết: “Kiếp hồng nhan có mỏng manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”.
Khi còn sống Đạm Tiên đã “nổi danh”, được người đời chào đón bởi “tài sắc” nhưng đã đột ngột chết trong cô đơn, chỉ còn “nấm mồ vô chủ ai mà viếng thăm”, trơ trọi ở “một vùng cỏ áy bóng tà”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thúy Kiều đã gặp Đạm Tiên ngay khi thắp hương viếng mộ nàng trong sự hãi hùng “Một lời nói chửa kịp thưa/ Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay. Ào ào đổ lộc run cây”, cùng xuất hiện “dấu giày từng bước in rêu rành rành”. Vì Đạm Tiên là ma nên Thúy Kiều không trông thấy, mà chỉ ngửi thấy mùi hương và dấu dày in trên rêu. Nhưng ngay lúc đó, Thúy Kiều đã nhận con ma là “chị em”, là “hữu tình” và lấy lược của mình vạch vỏ gốc cây làm thơ tặng.
Tối hôm đó Thúy Kiều đã có giấc mơ gặp lại Đạm Tiên. Ngay lần gặp thứ hai, ở giấc mơ ấy, Đạm Tiên - con ma đã nói với Thúy Kiều là người “cùng một hội một thuyền” và báo cho nàng biết cuộc đời oan nghiệt mà Thúy Kiều sẽ phải trải qua.
Sau những biến cố, tai họa, phải xa lìa gia đình, chia ly người yêu, phải bán mình, bị Mã Giám Sinh cướp đời con gái, Thúy Kiều tìm đến cái chết. Đạm Tiên lại hiện ra báo cho biết là nàng không được chết vì “nhân quả dở dang” vì “số còn nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết, trời nào đã cho”, và Thúy Kiều phải sống đến “hết kiếp liễu bồ”, nghĩa là phải chấp nhận, phải chịu đựng. Như lần gặp trước, ma Đạm Tiên đã cảnh báo: “Âu đành quả kiếp nhân duyên”. Rằng luật nhân quả của nàng từ kiếp trước để lại, kiếp này nàng phải trả. Nàng phải chấp nhận, phải chịu đựng cho đến khi “hẹn hò về sau”, gặp lại nhau ở sông Tiền Đường.
Qua lời kể của vãi Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp ta có chân dung của một Thúy Kiều là người có tâm, có hiếu: “Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”, có tình yêu trong sáng, chung thủy, không phải là hạng người trăng hoa, dù nàng phải sống trong lầu xanh, nhưng “khỏi điều tà dâm”, Thúy Kiều là người sống có nghĩa, có tình “biết điều khinh trọng, biết lời phải chăng”.
Hoạn Thư và Thúy Kiều là tình địch của nhau, cũng là những người phụ nữ tài năng chẳng kém gì nhau. Thúy Kiều như ta đã biết. Hoạn Thư còn ghê gớm hơn bởi gia thế là “con quan Lại Bộ”, giàu có, tòa ngang dãy dọc. Hoạn Thư có chồng là “Thúc sinh viên”, gia đình chồng là thương gia, có cửa hàng buôn bán ở Lâm Tri nên chồng nàng có nhiều tiền bạc cho chàng tiêu pha bất tử “trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Đúng ra là Thúy Kiều đã cướp chồng của Hoạn Thư, phá hoại hạnh phúc gia đình Hoạn Thư, xúc phạm đến danh dự của gia đình “họ Hoạn danh gia”. Mối tình của Thúc Sinh với nàng đã làm cho Hoạn Thư ghen lồng lộn. Nhưng cả khi Hoạn Thư đang chịu đựng cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” ấy mà nàng vẫn dành những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi, khâm phục và thương mến Thúy Kiều, không chỉ một lần mà nhiều lần và ở những thời điểm khác nhau: “Rằng: tài nên trọng, mà tình nên thương”; “Ví chăng có số giàu sang/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”.
Khen tình địch của mình đáng giá “đúc nhà vàng” thì tài, sắc của Thúy Kiều phải là ghê gớm lắm.
Không chỉ khâm phục tài sắc của Thúy Kiều mà Hoạn Thư còn thông cảm, thương xót cuộc đời vô duyên, đau khổ, gian truân của Thúy Kiều: “Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời”.
Sau này khi Hoạn Thư lại bắt quả tang chồng mình lén sang gặp Thúy Kiều ở Quan Âm các, là nơi nàng đày Thúy Kiều ra đó cho khuất mắt, để cách ly chồng mình với tình địch mà Hoạn Thư cũng bỏ qua, không thèm chấp, lại còn lần nữa tỏ lòng khâm phục tài năng của Thúy Kiều khi xem bản kinh do Thúy Kiều chép: “Khen: rằng bút pháp đã tinh/ So vào với thiếp Lan Đình, nào thua”.
Ca ngợi và so sánh chữ viết, tài năng của Thúy Kiều với tuyệt bút của Vương Hy Chi nổi tiếng đời Tấn không phải là chuyện vừa. Lại lần nữa Hoạn Thư thông cảm và thương xót Thúy Kiều: “Tiếc thay lưu lạc giang hồ/ Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài”.
Chỉ riêng tài của Thúy Kiều đáng giá “nghìn vàng”. Khen cho “con mắt tinh đời” của Hoạn Thư khi kể chuyện về Thúy Kiều. Tôi cho rằng ngoài Nguyễn Du ra, Truyện Kiều không có ai đánh giá đúng, thông cảm và thương xót Thúy Kiều như Hoạn Thư - kẻ tình địch của nàng.
Ở phần cuối Truyện Kiều, (phần Đoàn viên, từ câu 2.739 đến hết) xuất hiện nhiều nhân vật kể về Thúy Kiều.
Người đầu tiên là Vương ông, cha của Thúy Kiều. Ông kể về thời gian Thúy Kiều mới bị bán cho Mã giám sinh. Không chỉ là tình cốt nhục cha con, mà còn là người trong cuộc nên những sự việc Vương ông kể về con gái là hết sức rõ ràng, xúc động và thảng thốt: “Chàng ôi biết nỗi nước này cho chưa?”.
Ông cho biết lý do vì sao con gái ông phải chia ly gia đình: “Gặp cơn gia biến lạ thường/ Bán mình nó phải tìm đường cứu cha”. Cũng trong cơn bĩ cực ấy, Vương ông cho Kim Trọng biết Thúy Kiều hết sức đau đớn, giằng xé trong sự lựa chọn vì tình yêu với Kim Trọng: “Dùng dằng khi bước ra đi/Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần”.
Không chỉ “dùng dằng” đau đớn lúc ra đi mà nàng còn “dặn ba bốn lần” về mối tình với Kim Trọng; vì “trót lời hẹn với lang quân” và nhờ em gái là Thúy Vân thay mình tiếp tục mối tình đó: “Mượn con em nó Thúy Vân thay lời/ Gọi là trả chút nghĩa người”. Như vậy Thúy Kiều vừa trọng tình vừa trọng nghĩa, biết đền ơn nghĩa ngay từ khi mới 15 tuổi, khi còn là thiếu nữ mới bước vào đời, đã biết giữ lời hứa: “Kiếp này duyên đã phụ duyên. Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh”. Dù lỡ kiếp này thì kiếp sau sẽ trả. Thúy Kiều cũng là người chu đáo, cẩn thận, dặn lại em gái và gia đình không chỉ một lần, qua loa cho xong chuyện mà “ký chú đinh ninh” những 3 lần. Rồi Kim Trọng cưới Thúy Vân, được Thúy Vân chăm sóc, Kim Trọng học hành đỗ đạt, làm quan. Cùng với Vương Quan, trên đường đi nhậm chức qua Lâm Tri. Bây giờ Kim Trọng đã là một ông quan, có điều kiện đi tìm manh mối và tin tức của Thúy Kiều ở Lâm Tri. Ở đây xuất hiện nhiều người kể về Thúy Kiều. Họ là những người biết, chứng kiến phần đời của nàng từ lúc xa nhà ra đi cho đến khi lấy Từ Hải, nghĩa là 10 năm.
Viên lại già họ Đô chỉ biết đến đó, ông kể đến đó. Ông còn giới thiệu cho Kim Trọng tìm gặp Thúc Sinh là chồng cũ của nàng để tìm hiểu thêm quãng đời tiếp theo của Thúy Kiều: “Sự này hỏi Thúc sinh viên mới tường”.
Chàng ca ngợi Thúy Kiều và Từ Hải: “Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên”.
Nhiều người thán phục và ca ngợi Từ Hải. Hồ Tôn Hiến “biết Từ là đấng anh hùng” khi đi đánh dẹp Từ Hải. Nguyễn Du ca ngợi và khâm phục Từ Hải: “một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành”, “huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”… nhưng không ai đánh giá và ca ngợi Từ Hải, chồng của Thúy Kiều bằng Thúc Sinh. Thúc Sinh cho biết Thúy Kiều đã yêu và sống hạnh phúc với Từ Hải những 5 năm.
Sau khi “làm cho động địa, kinh thiên đùng đùng” thì Thúc Sinh không biết những gì xảy ra với Thúy Kiều nữa, “về sau chẳng biết vân mồng làm sao”.
Phần tiếp cuộc đời Thúy Kiều sẽ được dân Hàng Châu - là dân chúng vô danh và là lịch sử kể.
Kim Trọng và Vương Quan khi qua Hàng Châu, lúc cuộc khởi nghĩa của Từ Hải vừa bị đánh dẹp, đã rủ nhau đi tìm tin tức của Thúy Kiều. Ở đây xuất hiện người kể chuyện thứ tám. Người dân Hàng Châu kể lại: “Rằng: Ngày hôm nọ giao binh/ Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền/ Nàng Kiều công quả chẳng đền/ Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù”…
Họ kể cho Kim Trọng và chúng ta biết là Từ Hải đã chết trong trận “giao binh”. Hồ Tôn Hiến chẳng đền công quả cho Thúy Kiều mà lại ép gả cho thổ quan. “Nàng đà gieo ngọc trầm châu/ Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan”.
***
Chúng ta thấy thành phần tham gia kể chuyện về Thúy Kiều rất đa dạng. Từ người già (Vương ông) đến người trẻ (Hoạn Thư); người trần mắt thịt (họ Đô), đến ma quỷ (Đạm Tiên); người thực hành tôn giáo (vãi Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô) đến quan chức (ông quan xử án); từ dân thường (dân Hàng Châu) đến trí thức (Thúc Sinh)… Trong số đó, quan hệ với Thúy Kiều có người thân thích máu mủ như Vương ông, Thúy Vân, gần gũi như Thúc sinh, vãi Giác Duyên; có người xa lạ như dân Hàng Châu; người “cùng hội cùng thuyền” là Đạm Tiên, người đối địch là Hoạn Thư… Tất cả những người kể chuyện về Thúy Kiều đều thống nhất nàng là người tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, tình nghĩa thủy chung, dù trải qua “gió tuyết mưa sa”.
Các thời được sử dụng để kể chuyện về Thúy Kiều cũng khá phong phú. Vương ông kể về Thúy Kiều trong thời gian nàng phải bán mình chuộc cha, lìa xa gia đình mới qua 6 tháng, khi Kim Trọng mãn tang chú từ Liêu Dương trở về. Lại già họ Đô kể về Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh trước đó 10 năm. Thúc sinh kể về 5 năm tiếp đó, từ khi nàng gặp Từ Hải. Cả 4 người kể chuyện về Thúy Kiều là thời quá khứ (past time). Họ sử dụng phương pháp hồi tưởng để cùng đồng hiện với người nghe. Những người kể khác, như ông quan xử kiện, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên thì sử dụng thời hiện tại (present time). Ma Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô lại sử dụng thời tương lai (future time) cùng đồng hiện.
Thúy Kiều còn được nhiều người kể ở nhiều địa phương khác nhau: ở quê nhà Vương ông, ở Lâm tri, ở Hàng Châu…
***
Nguyễn Du là nhà thơ, không phải là nhà lý luận. Ông chỉ sáng tạo tác phẩm mà không định danh lý luận - việc ấy là của các nhà lý luận văn học. Nhưng với phương pháp nhiều người kể chuyện (về Thúy Kiều) ở nhiều thời gian, nhiều thời điểm xa gần khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau, sử dụng các phương pháp hồi tưởng, hoài niệm tạo nên thời gian đồng hiện, thời gian tâm lý “ba thu dọn lại một ngày dài ghê” của dòng ý thức; với sự tham gia của lực lượng siêu nhiên là Đạm Tiên, thầy tướng số, đạo nhân, đạo cô Tam Hợp, với tri thức lý, số mà xuất hiện những giấc mơ, với ma quỷ, linh cảm và thần giao cách cảm là cơ sở của ý thức và vô thức cùng ẩn ức tâm lý mà sau này Freud (1856 - 1939) đã đưa vào lý thuyết Phân tâm học,… đã cho thấy, qua Truyện Kiều, thiên tài Nguyễn Du như đã thực hành những lý luận văn học hiện đại từ nửa đầu thế kỷ XIX- trước cả Đồi gió hú (1848) của nữ nhà văn Anh Emily Bronte, vốn được coi là tác phẩm “hay nhất xưa nay” và tác giả của nó là một trong những người đặt nền móng cho văn học Hiện đại và Hậu hiện đại - đến mấy chục năm.
Lê Đình Cúc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...