Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:43 (GMT +7)

Phụ nữ Việt Nam trên mặt trận đối ngoại quốc phòng

VNTN - Tôi nghĩ, trong cuộc sống, chuyện phụ nữ được những người khác giới ca ngợi và ngược lại là chuyện chẳng phải bàn, nhưng việc phụ nữ được những người cùng giới ca ngợi mới là chuyện đặc biệt. Và phụ nữ Việt Nam là trường hợp như vậy, họ được ca ngợi và bày tỏ sự khâm phục bởi nữ nhà văn Mỹ Lady Borton, người đã có 50 gắn bó với Việt Nam và chắp nối nhiều mối lương duyên giữa hai đất nước. Sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, nữ nhà văn Lady Borton đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, là một "người Mỹ thầm lặng" luôn thúc đẩy hòa bình trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Có thể coi bà là người phụ nữ nước ngoài hiểu phụ nữ Việt Nam nhất trong số những phụ nữ nước ngoài hiểu phụ nữ Việt Nam.

Trong bài viết "Ở hậu phương và ngoài tiền tuyến - Phụ nữ Việt Nam trong thời chiến và thời bình" (Behind the Scenes, in the Forefront: Vietnamese Women in War and Peace), đăng trên tạp chí "ASIANetwork Exchange" ngày 31/5/2018, Lady Borton đã viết rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975), người Việt Nam đã tiến hành một chiến tranh nhân dân và cuối cùng đã giành được chiến thắng trước hai cường quốc quân sự, nhưng có một điều ít được biết đến là một nửa trong số những người lính trên các mặt trận là phụ nữ.

Và cũng như tôi, hẳn là người Việt Nam nào cũng biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, khởi nghĩa của hai bà Trưng năm 40 - 42 sau Công nguyên được coi là mốc son chói lọi ghi nhận lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) lãnh đạo phong trào cách mạng, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh do Đảng phát động. Người đảng viên cộng sản được ghi nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia hoạt động đối ngoại là Nguyễn Thị Minh Khai, người đã gặp Nadya Krupskaya, một đảng viên cộng sản Boshelvik, vợ của Lênin. Nguyễn Thị Minh Khai cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đại diện cho Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 (1935) tại Matxcơva. Tại Đại hội này, bà đã có bài phát biểu tham luận về vấn đề phụ nữ, đề cập đến sự bất bình đẳng và nỗi thống khổ của những người phụ nữ ở các thuộc địa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 2/9/1945, trong số hàng trăm nghìn người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận dự Lễ Tuyên ngôn độc lập có hàng chục nghìn phụ nữ. Họ là những người ủng hộ cách mạng và rất nhiều người trong số họ đã tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam tham gia mặt trận đối ngoại thời kỳ này là bà Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Bình.

Bà Nguyễn Thị Định, người tỉnh Bến Tre, là chỉ huy của "Đội quân tóc dài", một thuật ngữ "độc nhất vô nhị" trên thế giới. Năm 1960, bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng Khởi tỉnh Bến Tre. Năm 1974, bà được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987 - 1992). Còn bà Nguyễn Thị Bình là người nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị 4 bên về hòa bình ở Việt Nam tại Paris. Trong các cuộc họp báo tại Hội nghị bốn bên tại Paris, từ 1968 - 1973, với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, bà Bình được giới truyền thông quốc tế đặt cho biệt hiệu "Madame Bình". Bà Nguyễn Thị Bình cũng là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam và chính bà là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Sau ngày thống nhất đất nước, bà từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1992 đến 2002.

Phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ngày nay, phụ nữ Việt Nam đang cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên mặt trận đối ngoại quốc phòng, phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương, góp phần thể hiện trách nhiệm và khẳng định năng lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi tham gia các hoạt động quốc tế vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực, quốc tế... Việc phụ nữ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được coi là chỉ số đánh giá về bình đẳng giới, đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung và về quốc phòng, an ninh của Việt Nam nói riêng. Sau 5 năm (từ tháng 5/2014 đến 6/2019), Việt Nam đã cử 37 lượt cán bộ, sĩ quan (có 02 nữ) tham gia thực hiện nhiệm vụ dưới hình thức cá nhân; triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 người (trong đó có 10 nữ) đến Nam Xu Đăng (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng cấp đơn vị độc lập trực tiếp tham gia gìn giữ hòa bình, mang đến bạn bè quốc tế những hình ảnh chân thực về người chiến sĩ "Bộ đội Cụ Hồ" yêu chuộng hòa bình và có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ hòa bình quốc tế của Liên hiệp quốc.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được triển khai ở Bentiu, một trong những "điểm nóng" về bất ổn an ninh tại Nam Xu Đăng, cơ sở vật chất nghèo nàn và bị tàn phá nặng nề kể từ khi đất nước lâm vào cuộc nội chiến (12/2013). Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng trên 40 độ C, khi mưa thì đường sá lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn, quãng đường vận chuyển lương thực, thực phẩm rất khó khăn, thậm chí phải chờ cả tuần xe hoặc trực thăng mới đến được nơi tiếp tế lương thực. Ngoài những khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết, tình hình an ninh, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc thiếu thốn, 10 bác sĩ, nhân viên y tế nữ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 còn gặp các khó khăn khác về phong tục, tập quán, văn hóa... Theo phong tục và văn hóa đạo Hồi ở Nam Xu Đăng, phụ nữ sẽ thường dùng khăn che mặt và kỵ tiếp xúc với đàn ông, nên việc thăm khám cho phụ nữ phải do bác sĩ, điều dưỡng nữ phụ trách, kể cả khi họ chuyển dạ. Bác sĩ muốn thăm khám cho họ phải xin phép trước và nếu cần phải cởi bỏ khăn che mặt mới thăm khám được... Mọi thủ tục khó khăn là như vậy, nhưng với tình thương yêu con người và tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế, các nữ bác sĩ, nhân viên quân y của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã vượt qua để, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được phái bộ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Và họ chính là hình ảnh tiêu biểu của "Bộ đội Cụ Hồ" thời hiện đại. Trong quá khứ họ được cả thế giới biết đến với những chiến công hiển hách, nay xuất hiện bằng xương, bằng thịt với nhiệm vụ tại những quốc gia đang có xung đột, mang trái tim và khối óc của mình giúp nhân dân các quốc gia châu Phi hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Theo kế hoạch, tháng 10/2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 với biên chế 70, trong đó tiếp tục có 12 nữ sẽ sang Nam Xu Đăng thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Theo yêu cầu của Liên hợp quốc, năng lực một bệnh viện dã chiến cấp 2 bao gồm: Khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú/ngày; có khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế trên; có khả năng thực hiện 3/4 ca phẫu thuật (có gây mê)/ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện... Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đều là những quân nhân ưu tú, được lựa chọn từ Học viện Quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 2. Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, một đội công binh gồm 290 người, trong đó có 38 nữ hiện đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2020.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy