Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
14:31 (GMT +7)

“Phụ nữ phải viết về chính mình”(1): Một cách đọc nữ quyền luận về thơ Thư Đình

 

Thư Đình, sinh năm 1952, quê ở thị trấn Thạch Mã, Long Hải, tỉnh Phúc Kiến. Bà được xem là nhà thơ nữ duy nhất của phong trào thơ Mông Lung - một trào lưu thơ nổi lên vào những năm 1970 và có vai trò quan trọng trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, đồng thời cũng là tác giả mở đầu cho trào lưu thơ nữ Trung Quốc hiện đại.

Thơ Thư Đình “mang cảm xúc lãng mạn cao độ”, “miêu tả bóng đêm đang qua, bình minh lặng lẽ ló dạng trong tâm lý và tình cảm phức tạp của người dân Trung Quốc ở thời kỳ chuyển giao” (Tạ Vận). Thư Đình từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn học tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch Hội Văn học thành phố Hạ Môn, và là thành viên của Hiệp hội nhà văn Trung Quốc. Các tác phẩm tiêu biểu của bà: Thuyền hai cột buồm (1982), Tuyển thơ trữ tình của Thư Đình và Cố Thành (1982), Hoa diên vỹ biết hát (1986), Chim thủy tổ (1992), Thơ Thư Đình (1994)… 

Bước sang thế kỷ 20, những suy tư về giới càng ngày càng mang tính tự giác hơn trong tư duy nghệ thuật của các nhà thơ nữ(2), theo đó, một loạt các vấn đề được đưa ra để thảo luận như: vai trò của một nhà thơ nữ trong lịch sử, kinh nghiệm của phụ nữ, ngôn ngữ nữ tính, giọng nữ, bản sắc nữ…

Các nhà phê bình nữ quyền và các nhà thơ nữ quyền tin rằng, việc khám phá ngôn ngữ của phụ nữ có thể giúp họ tìm thấy được một “không gian thứ ba” để tồn tại nhằm xóa bỏ khoảng trắng của phụ nữ trong lịch sử, tạo ra sự thay đổi xã hội, hình thành các khái niệm về văn hóa nữ giới và thiết lập các thể chế xã hội mới.

Do đó, cần quan tâm đến thơ ca của phụ nữ bằng cách sử dụng chính các khái niệm then chốt của truyền thống nữ quyền đã được Luce Irigaray (1930-…), Helene Cixous (1937-…) và Julia Kristeva (1941-…) đề xuất để thực hành phân tích văn bản.

Bài viết này sẽ tập trung vào các sáng tác của Thư Đình qua hai mối quan hệ trọng tâm xuất hiện trong thơ bà: mối quan hệ giữa phụ nữ với ngôn ngữ và mối quan hệ giữa hai giới - đây đồng thời cũng là những phương diện quan trọng nhất mà phê bình nữ quyền luận đương đại đang quan tâm.

Chống lại chứng “mất tiếng nói”: Nhà thơ nữ duy nhất của phong trào thơ Mông Lung(3)

Trong Cuộc sống, Văn học và Thơ - một cuốn sách mang tính chất tự truyện, Thư Đình từng nhận xét rằng đọc và viết là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của những người trẻ. Phát biểu trên cho thấy Thư Đình có ý thức rất rõ về vai trò của ngôn từ - nơi chủ thể bộc lộ căn tính, nơi “bản ngã dễ đối đầu nhất với bản thân và những người khác”(4). Ở thời kỳ Cách mạng Văn hóa, trong lúc “sách, đặc biệt là sách nước ngoài, gắn liền với tội ác và chống lại chính quyền”(5), Thư Đình cùng với nhóm thi sĩ tiên phong đã tìm đọc các tác phẩm bị cấm của các nhà văn phương Tây như Beckett, Salinger, Sartre...

Nếu một trong những mục tiêu của Cách mạng Văn hóa là giải thể ý thức cá nhân và thiết lập ý thức tập thể thì sáng tác của Thư Đình và các nhà thơ Mông Lung không chỉ là cuộc tìm kiếm cái tôi mà còn là một hình thức phản kháng: sáng tác đồng nghĩa với việc sử dụng quyền tự chủ về tinh thần và trí tuệ.

Ngày nay (1978 - 1980) - tạp chí văn học ngầm đầu tiên ở Trung Quốc do nhóm thơ Mông Lung sáng lập ra là minh chứng cho ý thức rời bỏ hệ tư tưởng chính thống và tinh thần mạnh mẽ đổi mới nghệ thuật của những nghệ sĩ tiên phong. Kể từ sự kiện Thiên An Môn (1976), “thơ ca bắt đầu nói lên sự thật”(6) đánh dấu một thời kỳ đổi mới quan trọng trong sự phát triển của văn học đương đại Trung Quốc.

Ở phần “lời ngỏ” của số đầu tiên, Bắc Đảo đã phát biểu một cách mạnh mẽ: “Lịch sử cuối cùng đã cho chúng ta một cơ hội, cho phép thế hệ chúng ta hát lên những gì đã bị chôn vùi trong trái tim chúng ta suốt mười năm dài”(7). Viết, tức “hát lên những gì đã bị chôn vùi” là cách chống lại chứng mất tiếng nói (thất ngữ) do thực tế chính trị xã hội áp đặt. Do đó, câu thơ của Thư Đình “Ôi, cuối cùng tôi lại có thể bật khóc” (Quy mộng), không chỉ nói về trải nghiệm của bản thân mà còn là của tất cả những thanh niên trí thức cùng thế hệ, những người đã xem thơ ca như một cách để phá vỡ sự im lặng ngự trị trên đất nước Trung Quốc. Tác phẩm của họ thể hiện một cách nhìn khác về thơ, đồng thời là về cuộc sống, truyền thống lịch sử và văn hóa, thể hiện “lòng dũng cảm và quyết tâm giữ gìn sự độc lập và toàn vẹn của nghệ thuật”(8).

Tuy nhiên, đối với Thư Đình - nhà thơ nữ duy nhất của phong trào thơ Mông Lung, cuộc tìm kiếm bản dạng (identity) mang một ý nghĩa kép: viết vừa là hành vi chống lại sự kiểm soát tư tưởng của nhà nước, vừa là sự xác lập bản sắc nữ vượt qua sự thống trị của chủ nghĩa nam quyền.

Không chỉ Trung Quốc, trong bất cứ một xã hội nào mà nam giới chiếm ưu thế, sự phân chia không gian theo giới tính thường xếp phụ nữ vào khu vực riêng tư. Do đó, viết và xuất bản chính là cách để phụ nữ từ địa hạt riêng tư tiến vào lĩnh vực công cộng.

Trước Thư Đình, các nhà văn nữ như Lộ Ẩn, Thạch Bình Mai, Đinh Linh, Lã Bích Thành… có thể xem là những ví dụ tiêu biểu. Giữa truyền thống lịch sử Trung Hoa bị định hình bởi nam tính, hành động viết đã bác bỏ quan niệm “phụ nữ không có tài (chỉ tài năng văn học) là có đức”(9) của Tân Nho giáo - một hệ tư tưởng thống trị cuối thời kỳ 1368 - 1911 từng thúc đẩy nạn mù chữ cho phụ nữ tại Trung Quốc.

Viết trở thành phương thức chiêu hồi bản sắc, một dấu hiệu được xem là “nổi loạn” của nữ giới trong bối cảnh xã hội phụ quyền. Viết cũng là cách thức để phụ nữ chuyển từ vị trí người nghe/người đọc sang vị trí của người nói/người sáng tạo. Điều này giải thích tại sao Cixous kêu gọi: “Phụ nữ phải viết về chính mình: phải viết về phụ nữ và đưa phụ nữ vào văn bản”, tránh tình trạng “bị xóa sổ” khỏi lịch sử bởi quyền lực của nam giới.

Theo đó, ngôn ngữ là phương thức tối ưu nhất để tôn vinh danh tính của phụ nữ. Sự hiện diện của Thư Đình trong hệ thống nam giới có thể xem là một ví dụ điển hình cho quan niệm trên của các nhà nữ quyền Pháp: viết là công việc dành cho phụ nữ. Quan niệm này đã phủ nhận ẩn dụ xem ngòi bút (tượng trưng cho “dương vật”) là công cụ của sức mạnh sinh sản và là quyền lực văn học mà nam giới sở hữu trong văn hóa truyền thống phương Tây.

Mặt khác, quá trình phát triển của thơ Thư Đình là sự tự định hình chính mình trong xã hội nam giới thống trị, mặc dù quá trình này gắn liền với đau khổ. Thời niên thiếu và tuổi trẻ của bà đã trải qua hai cuộc vận động lớn của nhà nước Trung Quốc: chiến dịch Đại nhảy vọt (1958 - 1960) dẫn đến nạn đói thảm khốc và thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).

Năm 1969, trước khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Thư Đình là một trong số những phụ nữ trẻ thành thị bị chuyển đến sống và lao động ở nông thôn trong một thời gian dài. Năm 1972, từ miền núi phía Tây của tỉnh Phúc Kiến, bà trở lại Hạ Môn và làm công nhân sản xuất dây chuyển trong suốt 8 năm tiếp theo.

Thư Đình xuất bản tập thơ đầu tiên Thuyền hai cột buồm và một tuyển thơ trữ tình in chung với Cố Thành vào năm 1982. Sau cuộc đàn áp chính trị tại Thiên An Môn (1989), Thư Đình cảm thấy buồn bã đến mức tưởng như không bao giờ viết được nữa, mãi đến khi có cơ hội sang Đức học tập vào năm 1995, bà mới tìm được một nguồn cảm hứng mới và cho ra đời một loạt những tản văn mang đậm ý thức nữ quyền.

Trong bài thơ Có lẽ (1980) (viết để “trả lời cho nỗi cô đơn của độc giả”), Thư Đình khẳng định: bản thân bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc viết, rằng thơ là lối sống, là hoạt động của một thế hệ không ngừng sáng tạo và cống hiến:

“Có lẽ mỗi ngọn đèn chúng ta

đã thắp sáng

Sẽ bị gió lốc dập tắt từng cái một

Có lẽ khi chúng ta đốt cháy hết ngọn nến

sinh mệnh để chiếu sáng bóng đêm

Sẽ không có một ánh lửa ấm áp nào

ở bên chúng ta

Có lẽ nước mắt chảy càng kiệt cùng

Đất đai càng phì nhiêu hơn

Có lẽ khi chúng ta hát về mặt trời

Mặt trời sẽ hát về chúng ta

Có lẽ khi sức nặng trên vai chúng ta

càng nặng

Đức tin càng cao cả hơn

Có lẽ chúng ta có thể hét lên

về nỗi đau khổ chung

Nhưng lại giữ im lặng trước những

buồn đau cá nhân

Có lẽ

Vì một tiếng gọi không thể cưỡng lại

Chúng ta không có lựa chọn nào khác”

Ở đoạn thơ trên, những hình ảnh trung tâm: “ngọn đèn”, “nến”, “mặt trời” đều là những sự vật có thể phát ra ánh sáng. Trong văn hóa Trung Hoa, những biểu tượng này thuộc dương, ẩn dụ cho nam giới, đại diện cho những gì tươi sáng, cởi mở, ấm áp, mạnh mẽ, năng động. Ngược lại với dương là âm (“u ám”, “bóng râm”), thường được dùng làm ẩn dụ cho người nữ, đại diện cho sự tăm tối, bí ẩn, yếu ớt, hủy diệt, thụ động. Cõi âm là thế giới của người chết, ngược lại, cõi dương là thế giới của người sống. Đây chỉ là một trong vô số ví dụ về sự bất bình đẳng giới thể hiện trong ngôn ngữ Trung Hoa cho thấy “nam giới đã mã hóa sự phân biệt giới tính thành ngôn ngữ để củng cố tuyên bố của họ về quyền lực tối cao của nam giới”(10).

Tuy nhiên, ngược lại với quan điểm nam quyền Nho giáo cho rằng phụ nữ “không có khả năng giao tiếp và thấu hiểu”, “phải bị lãng quên, bị phớt lờ và vượt qua trong im lặng”(11), Thư Đình xây dựng hình tượng phụ nữ trong bài thơ trên thành những chủ thể tự trải nghiệm và phát ngôn trong bối cảnh lịch sử đặc thù.

Người nữ không bị che khuất hay vắng mặt trong trật tự xã hội, họ xuất hiện tư cách là người song hành cùng nam giới (“chúng ta”), cùng chia sẻ trách nhiệm nắm giữ vai trò lịch sử (“sức nặng trên vai chúng ta càng nặng, đức tin càng cao cả hơn”), lên tiếng trước những vấn đề quan trọng của thời đại (“chúng ta có thể hét lên về nỗi đau khổ chung”). Tinh thần này thể hiện trong cách Thư Đình không ngần ngại khai thác những chủ đề đậm tính chính trị. Chẳng hạn Tổ quốc ơi, Tổ quốc thân yêu là lời tự sự buồn thương của cá nhân hòa vào nỗi khổ đau chung của quê hương, còn Tiếng kêu của một thế hệ, Bức tường lại phơi bày những vết thương do Cách mạng văn hóa gây ra, thể hiện rất rõ bầu không khí chính trị ngột ngạt tại Trung Quốc lúc bấy giờ...

Bất chấp quan điểm chính thống cho rằng thơ ca phải phục vụ nhân dân, thơ Thư Đình (cùng với đa số các tác phẩm thơ Mông Lung khác) tập trung khai thác thế giới nội tâm, ký ức, tưởng tượng và các mối quan hệ riêng tư. Chẳng hạn, bài Dây chuyền lắp ráp (1980) của Thư Đình từng bị phê bình vì có những miêu tả tiêu cực về người lao động xã hội chủ nghĩa và tập trung vào cái tôi cá nhân hơn cái tôi tập thể:

Trong dây chuyền lắp ráp của thời gian

Đêm theo sát đêm

Chúng tôi bước ra khỏi dây chuyền lắp ráp

của nhà máy

Trong đội hình của dây chuyền lắp ráp

chúng tôi lại quay về nhà

Trên đầu chúng tôi

Dây chuyền lắp ráp các ngôi sao kéo qua bầu trời

Cạnh chúng tôi

Cái cây nhỏ ngẩn ngơ trên dây chuyền lắp ráp

Các ngôi sao đều mệt mỏi

Hàng ngàn năm đã trôi qua

Hành trình của chúng không bao giờ thay đổi

Những cái cây nhỏ đều đã đổ bệnh

Khói bụi và sự đơn điệu khiến chúng

Mất đi đường nét và màu sắc

Tôi cảm thấy được tất cả điều này

Dựa trên một nhịp điệu chung

Nhưng thật kỳ lạ

Điều duy nhất tôi không thể cảm nhận được

Là sự tồn tại của chính mình

Như thể những bụi cây và những chòm sao

Hoặc là do thói quen

Tôi không còn đủ sức để quan tâm

Tới những quyết định không thể thay đổi

của bản thân.

Bài thơ được sáng tác dựa trên kinh nghiệm của Thư Đình khi còn là một công nhân lắp ráp của nhà máy. Cách mạng Văn hóa đã khiến việc học của Thư Đình bị gián đoạn và khiến bà - cũng như rất nhiều phụ nữ khác, đã phải hy sinh tuổi thanh xuân trong các công xưởng, đảm nhiệm nhiều việc nặng nhọc không hoàn toàn phù hợp với thể trạng.

Qua con mắt của người nữ công nhân trong bài thơ, hình ảnh bầu trời được miêu tả như một dây chuyền lắp ráp các vì sao và khu rừng trở thành dây chuyền lắp ráp cây cối. Những vì sao mệt mỏi trôi trên hành trình ngàn năm chưa bao giờ thay đổi. Những hàng cây đều “đổ bệnh”, khói bụi và sự đơn điệu đã xóa nhòa đường nét và màu sắc của chúng. Bầu không khí ảm đạm của bài thơ ẩn dụ cho bối cảnh chính trị ngột ngạt làm suy thoái sức khỏe tinh thần và thể chất của con người lúc bấy giờ.

Trong Các cuộc cách mạng của phụ nữ và Trung Quốc, dựa trên nghiên cứu xã hội học về lao động nữ ở Trung Quốc từ 1978 về sau, Gail Hershatter đã cung cấp những dữ liệu có thể giúp hiểu thêm về bài thơ này: “Những cô gái trong nhà máy” đã làm việc nhiều giờ liền với những công việc lặp đi lặp lại. Công việc sản xuất có thể nguy hiểm. Công nhân sản xuất hàng điện tử hoặc pin đã tiếp xúc với những hóa chất độc hại. Các công ty cương quyết từ chối yêu cầu của người lao động về việc phải bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của họ. Phụ nữ thường bị yêu cầu làm việc bắt buộc - và bất hợp pháp - ngoài giờ”(12).

Đây dường như là lý do giải thích tại sao người phụ nữ trong bài thơ (đại diện cho hầu hết những nữ công nhân giống như cô thời đó) thậm chí không còn đủ sức để “cảm nhận được sự tồn tại của chính mình”. Sự thực này bóc trần bản chất của chiến lược kêu gọi phụ nữ thực hiện công việc giống như nam giới nhằm khuyến khích họ đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa thời Mao đã “vi phạm sự phân chia giới tính “tự nhiên” của lao động”(13).

Khả năng nhìn nhận và quan trọng là chỉ ra được những kẽ nứt trong một hệ thống Dây chuyền sản xuất tưởng như bất khả xâm phạm cho thấy sự nhạy cảm và nhất là tinh thần phản biện của Thư Đình trước hiện thực xã hội. Thông qua việc khai thác mối quan hệ giữa nhà thơ với ngoại cảnh và chiều sâu thế giới nội tâm, Thư Đình ngầm phê phán cách vận hành của hệ thống chính trị đương thời, gián tiếp đòi hỏi quyền con người, quyền được trở thành chủ nhân của chính mình với đầy đủ phẩm giá, trí tuệ và một đời sống tinh thần phong phú.

Thơ như một “văn bản lưỡng tính” (bisexual text)

Mặc dù không khó để đọc ra có một ý thức nữ quyền mạnh mẽ trong thơ Thư Đình, nhưng quan niệm của Thư Đình về giới dường như vượt khỏi những rào cản ngăn cách nam và nữ thành hai phe chiến để tìm kiếm sự hòa hợp, chia sẻ giữa hai giới. Điều này gợi nhớ đến câu nói của Virginia Woolf rằng nghệ sĩ vĩ đại phải là người “lưỡng tính về tinh thần” (mentally bisexual): người ta nên định vị trong bản thân mình sự hiện diện của cả nam và nữ, “không loại biệt” giới tính (nonexclusion) là cách duy nhất để con người quay trở lại với nguyên bản của chính mình. Có thể tìm thấy thông điệp này trong Gửi cây sồi - một bài thơ được sáng tác vào năm 1979 của Thư Đình: 

“Nếu như em yêu anh

Sẽ không giống như hoa lăng tiêu leo bám

Mượn những cành cao của anh để thể hiện

bản thân

Nếu như em yêu anh

Sẽ không noi theo con chim si tình kia

Vì một bóng cây xanh mà hót mãi bài hát

đơn điệu;

Sẽ không chỉ như nguồn nước

Quanh năm mang đến sự tươi mát

Sẽ không chỉ giống đỉnh núi hiểm trở;

Nâng anh cao và tôn anh thêm vẻ uy nghi

Cả trong những ngày nắng

Thậm chí trận mưa xuân,

Không,

Những điều này vẫn là chưa đủ!                                                                               Em sẽ phải là một cây hoa gạo đứng bên anh

Trở thành một cái cây đứng cạnh anh

Rễ,

Cắm chặt xuống đất,

Lá,

Chạm nhau giữa mây xanh.”

Gửi cây sồi (1977) - xuất hiện ở số đầu tiên trên tạp chí Ngày nay - là bài thơ nổi tiếng nhất của Thư Đình, một hiện thân điển hình của diễn ngôn giới thời hậu Mao. Được nhận xét là “giống như một phản ứng trực tiếp đối với những động thái giới tính mà các đồng nghiệp nam của bà miêu tả”(14), của Thư Đình đối với tư tưởng lấy nam giới làm trung tâm.

Nếu như trong thơ ca cổ Trung Hoa, chẳng hạn Kinh Thi, người phụ nữ thường được ví với loại dây leo (“cát lũy luy chi”) quấn quanh thân cây cù mộc (tượng trưng cho người quân tử) thì Thư Đình phủ nhận vị trí phụ thuộc của người nữ trong cấu trúc quan hệ với người nam (“hoa lăng tiêu đeo bám”) và quan điểm xem nam giới là thượng tôn còn nữ giới chỉ là người có nhiệm vụ “cung cấp nguồn dinh dưỡng cho nam giới”(15) (con chim si tình, nguồn nước mang đến sự tươi mát, đỉnh núi tôn cao vẻ uy nghi), đồng thời khẳng định nữ giới phải có một vị thế bình đẳng với nam giới trong mối quan hệ tương hỗ (“em sẽ phải là một cây hoa gạo đứng bên anh”). Hình ảnh cây sồi và cây gạo tượng trưng cho nam tính và nữ tính, cả hai tồn tại song song, tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Cây sồi là ẩn dụ cho người nam, gắn với “kiếm”, “dao”, “khiên mác”. Cây hoa gạo là ẩn dụ cho người nữ, uyển chuyển, kiên định, độc lập (“ngọn đuốc dũng cảm”).

Được viết bằng cảm hứng trữ tình lãng mạn, bài thơ cất lên tiếng nói mạnh mẽ của nữ giới, nhấn mạnh vai trò bình đẳng và giá trị nhân cách của người phụ nữ. Như chính tác giả khẳng định, mặc dù sử dụng chủ đề tình yêu để gửi gắm thông điệp của mình, nhưng Gửi cây sồi vốn không phải là một bài thơ tình, mục đích ra đời của nó là thể hiện sự thức tỉnh của ý thức nữ quyền, cảm xúc của người phụ nữ về thế giới qua chính giọng nói của họ(16).

Quan trọng hơn, không chỉ đơn giản đòi quyền bình đẳng về vị thế xã hội, nhân vật nữ đòi quyền bình đẳng về phương diện ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ bí mật được hai cá thể chia sẻ với nhau. Đây đồng thời cũng là tuyên ngôn về sự độc lập của một nhà văn nữ trong hệ thống văn học mà nam giới vốn chiếm vị trí chủ đạo.

Mỗi trận gió thổi qua

Chúng ta cùng trao nhau những ý nghĩ sâu kín

Nhưng không có ai

Hiểu được ngôn ngữ của chúng ta…

  Gửi cây sồi được nhiều học giả nhận định là cột mốc mở đầu cho trào lưu thơ nữ đương đại(17). Tuy nhiên cần chú ý rằng thông điệp bình đẳng giới của nhân vật nữ trong bài thơ khác biệt với diễn ngôn bình đẳng giới kiểu Mao về mặt bản chất. Diễn ngôn chính trị thời Mao hình dung “quyền bình đẳng” sẽ kiến tạo phụ nữ như một lực lượng năng động (người phụ nữ thép 铁姑娘) với sức mạnh to lớn nhằm xây dựng Nhà nước Cộng sản Trung Quốc. Theo cách này, nó nhấn chìm bản sắc nữ giới thực sự, làm cho góc nhìn của nữ giới bị bỏ quên, bị che khuất trong phạm vi chính trị và thẩm mỹ do nam giới thống trị.

Trái với diễn ngôn nữ quyền thời Mao nhấn mạnh khả năng tiếp cận cơ hội bình đẳng của phụ nữ nhưng lại ít quan tâm đến sự khác biệt tự nhiên giữa hai giới, Thư Đình thừa nhận sự khác biệt về giới tính thay vì tuân theo sự nam tính hóa nữ tính. Lập trường của Thư Đình đi ngược lại quan điểm của chủ nghĩa sô vanh nam (male chauvinism), khẳng định bản ngã và năng lực của phụ nữ: “Em phải là một cây hoa gạo đứng cạnh anh…”. Theo nghĩa này, Gửi cây sồi trở thành “một tuyên ngôn bình đẳng, độc lập và tự do cho phụ nữ ở Trung Quốc và cho toàn nhân loại”:

Ý thức về sự bình đẳng, tự do của nữ giới trước nam giới được phát triển thêm trong bài Thuyền hai cột buồm:

Sương làm ướt đôi cánh

Nhưng gió lại đẩy thuyền lên

Bờ ơi bến bờ yêu mến

Hôm qua chúng mình tạm biệt

Hôm nay anh đã ở đây

Ngày mai ta lại tương phùng

Tái ngộ ở vĩ độ khác

Một cơn gió và một ngọn đèn

Đã gắn bó hai ta thắm thiết

Sá chi chân trời góc biển

Dù cho đêm lại nối ngày

Anh vẫn trên hành trình của em

Em luôn trong tầm mắt của anh

Động lực thúc đẩy nhà thơ trên hành trình cá nhân không chỉ là sự tìm kiếm bản sắc, đó còn là ý thức thoát khỏi những áp chế của xã hội nam quyền, cho phụ nữ được tưởng tượng về bản thân và gọi tên sự vật theo nhãn quan của họ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Thư Đình đã từ bỏ sự ngọt ngào, nhịp nhàng của lối thơ vận luật để sử dụng thể thơ tự do nhằm giải phóng nhân cách nữ tính khỏi sự gò bó do văn hóa truyền thống áp đặt.

Bên cạnh đó, dường như Thư Đình còn muốn đẩy nội hàm bài thơ ra ngoài tư duy phân biệt giới tính thông qua hình tượng hai cột buồm tuy hai mà một. Thư Đình thừa nhận sự khác biệt giới tính nhưng không phải để củng cố sự phân chia nam và nữ - sự phân chia đã đàn áp và dồn nén nữ tính qua nhiều thế kỷ - mà nhấn mạnh sự đồng hành, tương hỗ giữa người nam và người nữ: “Anh vẫn trên hành trình của em/ Em luôn trong tầm mắt của anh”. Tình yêu dành cho “kẻ khác” (the other) hòa nhập với tình yêu dành cho “tự ngã” (ego). Quan điểm này của Thư Đình có sự tương đồng với khái niệm “lưỡng tính” (bisexualité /bisexuality) mà Cixous đề xuất khi nói về công việc sáng tác: một văn bản do phụ nữ viết ra có đặc điểm “lưỡng tính”, song không phải theo nghĩa loại bỏ sự khác biệt giới tính mà theo nghĩa cả nam và nữ đều hiện diện, trao đổi, đan xen, làm giàu cho nhau ở mọi không gian(18).

Tóm lại, Thư Đình đã tự đưa bản thân vào văn bản những đặc trưng của nữ tính - như các nhà nữ quyền Pháp đã đề xuất - một cách thống nhất, gắn bó và toàn vẹn. Là một nhà thơ nữ duy nhất của phong trào thơ Mông Lung, Thư Đình đã cùng với các nhà thơ tiên phong khác khám phá những vùng cấm trong nghệ thuật và chính trị, khai thác mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, bản chất và chiều sâu nội tâm của con người. Thơ Thư Đình mang những yếu tố tích cực của tình cảm lãng mạn, “thể hiện đầy đủ thế giới cảm xúc bi thương sau khi lý tưởng của người Trung Quốc đương thời đã mất (…) đại diện cho những xúc cảm và tâm lý đổi thay phức tạp của họ khi đêm đen vừa đi qua còn ánh sáng đang dần dần tiến đến”(19).

Không loại bỏ sự khác biệt giữa hai giới, không từ chối “người khác” như một cấu trúc đối lập nhị phân, Thư Đình đã tự giải phóng mình khỏi sự thống trị của ngôn ngữ nam tính để cất lên tiếng hát của bản sắc nữ trong tất cả sự phức tạp và nhiệm màu của nó, nhằm hướng đến một xã hội công bằng và lành mạnh hơn.

Kể từ Thư Đình trở đi, “thơ ca nữ tính chủ nghĩa đã liên tục tham gia cùng phong trào thơ ca tiên phong thời kỳ mới viết nên tiến trình lịch sử thơ ca tiên phong”(20). Quan trọng là, từ Thư Đình, các thế hệ thơ nữ Trung Quốc sau này đã được truyền cảm hứng để dùng ngôn ngữ của chính mình  xây dựng một “ngoại biên, một chu vi, một thế giới, một ngôi nhà”(21)- nhằm mở rộng sân khấu của thơ nữ Trung Quốc, đồng thời góp phần làm cho truyền thống văn học nữ quyền ở châu Á phong phú hơn.

Chú thích:

[1] Câu nói của Helene Cixous, nguyên văn tiếng Pháp: “a femme doit écrire elle-même” (“Women should write about themselves”)

[2] Wolosky, Shira (2001), The Art of Poetry: How to Read a Poem, Oxford University Press, pg. 119.

[3] 朦胧诗: Một dòng thơ ngầm (underground poetry) nổi lên ở thập niên 70 tại Trung Quốc, bao gồm Thực Chỉ, Bắc Đảo, Cố Thành, Thư Đình, Lương Tiểu Bân, Giang Hà, Dương Luyện, Mang Khắc, Mục Dã…

[4] Kubin, Wolfgang (1988), “Writing with your Body: Literature as a Wound- Remarks on the Poetry of Shu Ting”, Modern Chinese Literature, Vol. 4, No. 1/2, Gender, Writing, Feminism, China (Spring & Fall), pg. 151.

[5] Kubin, Wolfgang (1988), pg. 150.

[6] Lavrac, Maja (2010), “China’s New Poetry or Into the Mist”, Asian and African Studies XIV, 3 pg. 29.

[7]  洪子诚 (主编), 中国当代文学史:史料选 (下 ) (1945-1999), 第 573页, 长江文艺出版社, 2002.

[8] Yeh, Michelle (1992), “Light a Lamp in a Rock: Experimental Poetry in Contemporary China”, Modern China, Vol. 18, No. 4 (Oct.,), pg. 382.

[9] Câu nói của Trần Kế Nho 陈继儒 đời Minh: “Nam tử hữu đức tiện thị tài, nữ tử vô tài tiện thị đức” (男子有德便是才 女子无才便是德的意思).

[10] Spender, Dale (1985), Man Made Language, second edition, New York: Routledge.

[11] Gao Xiongya (2003), Women Existing for Men: Confucianism and Social Injustice against Women in China, Race, Gender & Class, Vol. 10, No. 3, Interdisciplinary Topics in Race, Gender, and Class, pp. 114-125.

[12] Hershatter, Gail (2019), Women and China’s Revolutions, Published by Rowman & Littlefield..

[13] Hershatter, Gail (2019), pg. 247.

[14] Meng, Liansu (2010), The Inferno Tango: Gender Politics and Modern Chinese Poetry, 1917-1980,  PhD diss., University of Michigan, 2010, tr. 207.

[15] Yalom, Marilyn (1998), History of the Breast (1st). New York: Ballantine Books, tr. 130.

[16] Theo Thư Đình, trong ý định sáng tác ban đầu của bà, Gửi cây sồi 致橡树không phải là một bài thơ tình. Bà đã sáng tác bài thơ này nhân một buổi tối tháng 3 năm 1977 sau khi đi dạo với nhà thơ Sái Kỳ Kiểu 蔡其矫 và cùng tranh luận với nhà thơ nam này về ngoại hình, tài năng, sự độc lập của phụ nữ.

[17] Lâm Thụ Minh 林树明 (1996) nhấn mạnh: “Gửi cây sồi là khởi đầu của văn học nữ thời kỳ mới”, Ngô Tư Kính 吴思敬 (2000), nhận xét “Gửi cây sồi là lời tuyên ngôn của nhân cách nữ tính độc lập”.

[18] Cixous, Hélène (1976), “The Laugh of the Medusa”, Keith Cohen and Paula Cohen trans., Signs, Vol. 1, No. 4 (Summer, 1976), pp. 875-893.

[19] 谢冕 (1988), 舒婷, 南方文坛, 06期.

[20] 罗握亚 (2005), 朦胧诗后先锋诗歌研究, 中国社会科学出版社, 第 270 页.

[21] Nguyên văn câu nói của Iragaray (1993): “Đôi khi khó khăn đối với phụ nữ là cung cấp cho mình một ngoại vi, một chu vi, một thế giới, một ngôi nhà” thì viết hay ngôn ngữ là cách khắc phục những khó khăn ấy” [An Ethics of Sexual Difference, Carolyn Burke and Gillian Gill trans., Cornell University Press, pg. 106].

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy