Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:11 (GMT +7)

Phú Lương – dấu ấn thời gian

VNTN- Trở lại đây khi đã ở cái độ tuổi quá ngũ tuần, thấy Phú Lương đang thay da, đổi thịt vươn lên phát triển từng ngày khiến tôi thật vui sướng, tự hào bởi mình may mắn là một người con của mảnh đất hiền hòa, giàu truyền thống này.

Huyện Phú Lương đang từng ngày vươn lên, phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: A.T)

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, Phú Lương là một huyện giáp ranh với thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ và Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Huyện có diện tích 350,2 km2 và 8 dân tộc anh em với 15 xã, thị trấn. Những cái tên đã gắn liền với tôi từ thuở nhỏ.

Vẫn biết rằng ai sinh ra và lớn lên đều có một miền quê hay phố thị để nhớ, vì vậy mà kỷ niệm hay hồi ức của mỗi người là khác nhau, nhưng quê hương thì đúng là chỉ có một và chỉ một mà thôi.

 Đã đi qua quá nửa đời người, tôi đã đặt chân gần như khắp nẻo đường của huyện Phú Lương, một phần do đặc thù công việc và cũng một phần do tính hiếu kỳ, muốn tìm hiểu về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Có lẽ nên bắt đầu từ xã Cổ Lũng, nơi mà làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, vốn có từ bao lâu rồi tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng khi còn bé tôi đã được thưởng thức món ăn khoái khẩu này mỗi khi mẹ tôi đạp chiếc xe Thống Nhất cũ kỹ xuống thị xã Thái Nguyên mua nhu yếu phẩm cho gia đình. Khi đó cái bánh chưng vuông còn nhỏ, có tý đỗ chứ không phải nhiều hình dáng như bây giờ mà sao ngon đến thế!

Ngược theo tuyến Quốc lộ 3 về phía bắc là thị trấn Giang Tiên. Phần đa người dân ở đây sống với nghề tiểu thương, kinh doanh buôn bán, thu nhập cao, đời sống ổn định.

Rẽ vào trong khoảng chừng 4km là xã Vô Tranh, Tức Tranh và Phú Đô - là ba vựa chè chính của huyện. Bây giờ chè có quanh năm nhờ những công nghệ tiên tiến chứ không như xưa chỉ theo thời vụ, rồi kỹ thuật làm ra chè khô cũng khác, không phải sao bằng chảo gang mà giờ là lò quay, máy vò. Thành phẩm được hút chân không, đóng vào bao bì xinh xinh và tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Thu nhập bình quân của người dân từ chè cũng khá cao, nhiều dự án, mô hình của huyện cũng về áp dụng tại đây khiến cho thương hiệu của chè Thái có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế

Đến với xã Phấn Mễ, có mỏ than đã hoạt động trên 100 năm. Nơi đây đã cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện khi mà chúng ta chưa có thủy điện, giờ đây mỏ than vẫn trong thời kỳ khai thác. Nguồn vàng đen của Tổ quốc đã theo dòng chảy có mặt ở khắp mọi nơi.

Trung tâm Huyện là thị trấn Đu, nơi mà các nhà văn, nhà thơ đã từng thả hồn mình vào những câu ca, khúc hát. Nói tới Phú Lương thì chắc hẳn ai cũng thường nhắc tới cái phố huyện từ xa xưa này. Với dòng sông bên lở bên bồi, cây cầu Thác Lở mỗi khi mùa mưa về đỏ nặng phù sa nước chảy cuồn cuộn. Nhờ công cuộc đổi mới của Đảng, bộ mặt của thị trấn Đu đã thay da đổi thịt, phố nhỏ ngày xưa giờ đã sầm uất, giao thương cũng phát triển trong thời kỳ kinh tế thị trường.

Không ồn ào, ba xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành nằm trên cùng một trục đường liên xã, đây là cái nôi của sự hiếu học. Rất nhiều vị lãnh đạo các cấp xuất thân từ vùng đất này. Cho dù là điều kiện kinh tề còn nhiều khó khăn, nhưng cũng chính từ cái nghèo đã giúp cho động lực học để vươn xa hơn, cao hơn. Tầm nhận thức và trau dồi kiến thức là mục tiêu phấn đấu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Du khách có thể đến tham quan Đền Đuổm - nơi thờ Đức Thánh Dương Tự Minh, là Di tích Lịch sử và Danh lam thắng cảnh Quốc gia toạ lạc trên địa phận xã Động Đạt. Hội chính được tổ chức vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng. Cũng tại nơi đây đã diễn ra Lễ hội xuống đồng, lễ hội Tung còn, thi làm bánh chưng bánh dày, thi sao và kỹ năng pha chè, thi Người đẹp Phú Lương…

Nói tới Yên Lạc là nhắc đến một trong những xã gồm phần đông bà con lên khai hoang và làm kinh tế từ tỉnh Hà Tây cũ. Với thuận lợi ở thời điểm hiện tại khi có đường Quốc lộ 3 mới chạy qua, cuộc sống ngày một khởi sắc hơn.

Nằm ở phía Bắc của huyện, giáp với huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn là 2 xã Yên Trạch và Yên Ninh với phần đa là người dân tộc thiểu số. Họ đang phát triển kinh tế bằng nghề rừng, trồng cây thu hoạch gỗ từ vườn đồi, chăn nuôi và nhiều mô hình mới được áp dụng khoa học kỹ thuật để thay thế những tập quán canh tác lạc hậu, nhờ đó mà thu nhập ngày một ổn định.

Tôi trở về với Phú Lương, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, khi đã ở cái độ tuổi quá ngũ tuần. Tôi đã chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất này, đọng lại bao kỷ niệm của một thời gian khó từ những năm bao cấp. Đó là ký ức của thời kỳ hợp tác xã sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, của những ngày còn nghe tiếng kẻng đi làm mỗi buổi sáng và lúc buổi chiều về. Hay đó là cái sân kho hợp tác chung, khi mùa gặt về là những đôi dậu, cái đòn gánh…

Gắn với đó là hình ảnh đôi chân trần của mẹ dũi thóc đi trước và tôi lẽo đẽo theo sau. Cái quạt hòm đổ thóc khô vào quay để bỏ đi hạt lép. Rồi thóc được chia đều cho các nhà theo ngày công lao động. Thóc được mẹ tôi đổ vào thùng gỗ để dành ăn quanh năm. Nó có một cái nắp ở dưới đáy thùng để mỗi khi lấy thóc chỉ việc kéo ra và đóng lại. Nhớ nhất là cái cối xay lúa và cái cối giã gạo mỗi đêm trăng lên, mấy anh chị em tôi cứ ù ù, thình thịch, chỉ được dừng khi hạt gạo đã trắng lớp cám đã bong ra ngoài. Rồi lại giần, sàng sẩy, những khi bị mất mùa lại ăn dè hà tiện. Lúc thì độn khoai, độn sắn, vậy mà vẫn ấm áp tình làng nghĩa xóm. Cái mà tôi nhớ thứ hai có lẽ là cái cửa hàng hợp tác xã mua bán, nơi thu mua và phân phối bằng tem phiếu. Mọi nhu yếu phẩm như mắm muối, quần áo, giày dép, bút mực, sách vở cũng đều được người dân xếp hàng mà mua ở đây.

Giờ đây, chứng kiến bộ mặt của quê hương đang thay da đổi thịt từng ngày, vươn lên  phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống nhân dân được nâng cao khiến tôi thật sự vui sướng, tự hào!

Yên Đổ, nơi mà tôi cất tiếng khóc chào đời là nơi mà tôi muốn dành tình cảm nhiều nhất. Tôi gửi gắm lòng mình qua từng bài thơ, từng khúc hát ưu ái trong mỗi lần tôi viết về Yên Đổ, về Phú Lương.

"Ai về Yên Đổ quê tôi

Mùa đông nắng ấm chè đồi ngát xanh

Hỏi cô xước cọ lấy mành

Mùa này quả chín hay xanh ngát trời"

Rồi:

"Tự hào hai tiếng Phú Lương

Gần xa vẫn thấy vấn vương vị trà

Nghe lời sli lượn ngân nga

Giọng then đàn tính ấy mà ngẩn ngơ"

Tình yêu mà tôi dành cho quê hương cũng mộc mạc như chính con người tôi vậy. Tôi tình cờ xem và được biết có Cuộc thi viết "Tôi và Thái Nguyên" nên tôi quyết định thử một lần giới thiệu về mảnh đất Phú Lương yêu thương của mình. Mong rằng qua dịp này, mảnh đất Phú Lương yên bình, hiền hòa sẽ được biết đến nhiều hơn đối với bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 Hãy một lần đến với Phú Lương, để thấy sự đổi mới của quê hương Thái Nguyên, miền đất mẹ mà tôi hằng yêu dấu!

Phạm Mười

(Yên Đổ - Phú Lương - Thái Nguyên)

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước