Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
01:04 (GMT +7)

“Phong tình cổ lục” hay “Phong tình có lục”?

VNTN - “Cổ lục” hay “có lục”, “vững bền” hay “vững vàng”?

Có người đăng hai câu Kiều trong bản Kiều Nôm (hình dưới) và đọc từ trên xuống, từ phải sang là: “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững bền”. Xin hỏi, bản Kiều Nôm viết như vậy và người đọc đọc như thế có đúng không?

 

Hai câu chữ Nôm trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Từ năm 1955, một vị học giả đã viết trong bài “Phê bình truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe”, đại ý rằng: chữ thứ 3 dòng phải, từ trên xuống, bản chữ Nôm đúng ra phải viết là 固 hoặc 箇 và đọc là “có” mà không thể viết là 古 và đọc là “cổ” được. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đó là do tự dạng của chữ “có” (固 hoặc 箇) và chữ “cổ” (古) có hơi giống nhau.

Vị này lấy cớ rằng, có đọc hết sách Tàu cũng chả tìm đâu ra sách “Phong tình cổ lục” mà chỉ có sách “Phong tình lục”. Vậy khi Nguyễn Du viết “Phong tình có lục” cũng tức là “có Phong tình lục”, tựa như khi “Đại Nam quốc sử diễn ca” viết “Mỵ nương có ả tư phong khác thường”, là “có ả Mỵ nương tư phong khác thường” vậy!

Nếu thuyết trên là đúng thì cả câu đó chữ Nôm phải viết là 風 情 固 錄 群 傳 史 撐 và đọc là “phong tình có lục còn truyền sử xanh” mới đúng.

Chưa biết thuyết trên đúng sai thế nào, chỉ biết “Truyện Kiều” tái bản thời gian gần đây đều chép là “phong tình có lục”.

Còn chữ cuối dòng trái, từ trên xuống, sao lại đọc là “bền”? Chữ đó là loại chữ hài thanh, bên trái là chữ “kim” (金), bên phải là chữ “hoàng” (黄) là “màu vàng”, Nôm viết 鐄 thì phải đọc là “vàng” chứ, cớ sao lại đọc là “bền”? Bởi chữ “bền”, Nôm đã viết là 駢 kia mà!

Vậy, câu đấy phải là “Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” mới đúng! Vả lại, “vàng” thì mới vần với câu lục “Có nhà viên ngoại họ Vương” ở dưới, còn “bền” thì vần sao được với “vương”?

“Sám hối” và “xám hối”, cái nào đúng?

Một tờ báo có đăng một câu như sau: “Cách xử lý như kiểu tặng quà cho lãnh đạo sai phạm tạo ra sự bất công mà không buộc người xấu xám hối”. Xin hỏi “xám hối” hay “sám hối” mới đúng?

Câu đối màu đen (phải) là câu đối đúng, câu đối màu vàng (trái) là câu đối sai

Xưa nay dân mình chỉ nói và viết “sám hối” chứ chưa từng nghe ai nói hoặc viết “xám hối” bao giờ . Bởi “sám hối” là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 懺 悔, nghĩa là “biết tội của mình và muốn sửa đổi”. Vậy nói hoặc viết “xám hối” là sai mà phải viết là “sám hối” mới đúng!

Câu đối không chuẩn

Thấy trên thị trường nhiều năm nay xuất hiện câu đối chữ Hán 祖 宗 功 德 千 年 盛, 子 孝 孙 賢 萬 代 榮 có phụ đề tiếng Việt là “Tổ tông công đức thiên niên thịnh, Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Xin hỏi, câu đối này đúng hay sai, chuẩn hay không chuẩn?

Nhiều năm nay vài lần ra Bắc vào Nam, tôi vẫn thường thấy câu đối này treo trang trọng hai bên bàn thờ tổ tiên, có cái còn khảm trai, khảm ốc rất cầu kỳ.

Nếu ai biết một chút chữ Hán và luật câu đối đều biết câu đối này sai thì không hẳn sai nhưng chuẩn thì chưa chuẩn. Vì “tổ tông” (祖 宗) không đối được với “tử hiếu” (子 孝), “công đức” (功 德) không đối được với “tôn hiền” (孙 賢). Vì vậy, câu đối đó đúng ra phải viết là: 祖 功 宗 德 千 年 盛, 子 孝 孙 賢 萬 代 榮 và đọc là “Tổ công tông đức thiên niên thịnh, Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”.

Tiếc là câu đối in hoặc khắc chạm không chuẩn như thế mà mấy chục năm nay người sản xuất cứ sản xuất, người mua cứ thế mà mua. Hy vọng từ nay, người mua chỉ nên chọn câu đối đúng để mua; nhà sản xuất cũng chỉ nên sản xuất câu đối thật chuẩn để không phương hại tới uy tín thương hiệu mình.

Phan Nam Sinh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy