Phòng, chống bạo lực gia đình – Trách nhiệm không của riêng ai
VNTN - Trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Tuy vậy, để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình vẫn cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Những câu chuyện buồn
Dù được đưa vào Làng trẻ em SOS Hà Nội đã gần một năm nhưng ký ức về những trận đòn roi do bố mẹ nuôi đánh vẫn khiến Nông Thị Diệu T. không khỏi bị ám ảnh. Sinh năm 2007, tại xã Tân Thịnh huyện Định Hóa, T. không biết mặt bố. Mẹ thì ốm yếu, lại đông con nên đã gửi T. đi làm con nuôi một gia đình ở thành phố Thái Nguyên. Những tưởng T. sẽ được sống đủ đầy yêu thương hơn khi còn ở vùng quê núi nhưng chỉ được một thời gian, em bị bố mẹ nuôi đánh đập thường xuyên dẫn đến chân tay bầm tím, rạn xương chân và không cho đi học. Nhà trường, hàng xóm biết chuyện đã báo cáo chính quyền địa phương giải quyết đưa em về với mẹ đẻ. Tuy nhiên, mẹ đẻ cũng không đủ điều kiện để lo cho em được cuộc sống bình thường, nên em cùng với người em ruột của mình được gửi về Làng trẻ SOS Hà Nội nuôi dưỡng từ đầu năm 2018 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Phúc (áo trắng) ở tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) luôn là điểm tựa để hội viên phụ nữ chia sẻ về các vấn đề trong cuộc sống.
Nhìn chị Nguyễn Thị L. ở xã Bàn Đạt (Phú Bình) cùng chồng con vui vẻ hái chè trên đồi ít ai biết rằng chị cũng đã từng trải qua một thời gian sóng gió bởi sự bạo hành của chính chồng mình. Chị kể: Cách đây 2 năm, chồng tôi ngày nào cũng uống rượu. Mà rượu vào thì lời ra, nhiều khi ông ấy đánh đập vợ con chẳng tiếc tay. Mỗi lần như thế, 3 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Tổ hòa giải ở xóm, rồi chính quyền địa phương đến can thiệp, nhưng chỉ được thời gian ông ấy lại chứng nào tật ấy đánh đập chửi mắng vợ con. Con gái tôi đã gọi điện thoại đến Tổng đài tư vấn Quốc gia, trình bày sự việc gia đình và xin trợ giúp tâm lý. Tôi được đón đến cơ sở tạm lánh của Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh rồi được giới thiệu về Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong thời gian này, tôi được học nghề, tìm hiểu thêm về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống gia đình, nhất là cách xử lý tình huống tâm lý với chồng đang trong cơn say rượu.
Chị L. và cháu T. là hai trong số rất nhiều trường hợp được Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh giúp đỡ chia sẻ, kết nối. Thực tế có rất nhiều người với tâm lý e ngại nên khi bị bạo hành đều giấu kín, đến khi sự việc trầm trọng thì người nhà mới báo cáo chính quyền địa phương. Như trường hợp chị Dương Thị H. ở xã Úc Kỳ huyện Phú Bình khi bị chồng bạo hành thì lại luôn chọn cách im lặng chịu đựng. Chỉ đến khi những vết đau không chịu nổi phải nhập viện thì lúc đó người thân mới báo cáo chính quyền địa phương đến xử lý. Bằng giải pháp tế nhị của chính quyền địa phương và ban hòa giải ở cơ sở, chồng chị H đã tỉnh ngộ, sửa dần tật xấu.
Trên địa bàn tỉnh có không ít trường hợp vợ chồng không tìm được tiếng nói chung dẫn tới bạo hành gia đình, đưa nhau ra tòa, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh: Trong giai đoạn 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh đã xảy ra 3.870 vụ bạo lực gia đình, trong đó 1.504 vụ về thân thể; 1.725 vụ về tinh thần; 450 vụ về kinh tế và 191 vụ về tình dục… Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong gia đình (sống phụ thuộc).
Đâu là nguyên nhân?
Cuộc sống vốn dĩ không bình lặng, bạo lực gia đình có thể xảy đến với bất cứ ai với nhiều lý do. Là người nhiều lần tiếp cận, tư vấn chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân bị bạo hành, ông Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh cho biết: Nguyên nhân bạo lực gia đình chủ yếu do người gây ra bạo lực và người bị bạo lực thiếu kỹ năng ứng xử trong một số tình huống hằng ngày, như việc ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Khó khăn hơn nữa là do nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng làng, xóm, tổ dân phố trong việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực gia đình rất hạn chế, dẫn đến không làm hết trách nhiệm. Nhiều xã, phường, thị trấn còn cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến những hệ quả, hệ lụy nghiêm trọng của vụ việc chủ yếu thuộc về nhận thức pháp luật của những người có liên quan, bao gồm cả nạn nhân, người thực hiện hành vi vi phạm đều do hạn chế về nhận thức, nên không nhận diện được các hành vi bạo lực. Còn chính bản thân nạn nhân lại im lặng, chấp nhận các hành vi bạo lực hoặc không dám tố cáo, hoặc không biết các cơ chế hỗ trợ giúp đỡ người bị bạo hành... Đa phần, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình vì lý do kinh tế, vợ chồng không bình đẳng về thu nhập, cái “tôi” trong mỗi người quá lớn, thường xuyên có cử chỉ khiếm nhã, thiếu tôn trọng người lớn tuổi là cha mẹ, ông bà… đã tạo sự căng thẳng không đáng có cho các thành viên trong gia đình. Ức chế tích tụ, dồn nén, và như giọt nước tràn ly dẫn đến ẩu đả, thậm chí gây án mạng.
Rất cần sự chung tay của cộng đồng
Cơ sở tạm lánh thuộc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên là địa chỉ tin cậy mang lại sự bình yên cho bao cuộc đời không may mắn. Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai, khi đã đến cơ sở tạm lánh đều được cán bộ Trung tâm chăm sóc đầy đủ về vật chất, tinh thần, giúp họ ổn định tâm lý. Khi thực sự an toàn Trung tâm mới để họ trở về nhà. Hầu hết những đối tượng đến đây nhờ giúp đỡ, khi trở về cuộc sống thường ngày đều đã tìm lại được hạnh phúc. Vì ở đây, các nạn nhân được trò chuyện, chia sẻ, nâng cao được kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
Được biết, hiện nay, tại các huyện, thành phố và thị xã cũng đã thành lập được 1.289 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 3.317 tổ hòa giải cơ sở và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn của tỉnh là nơi khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhận bạo lực gia đình. Theo lời giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình, chúng tôi đến thăm một địa chỉ tin cậy tiêu biểu trên địa bàn huyện đặt tại Thị trấn Hương Sơn. Hơn 30 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, gần 10 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, bà Nguyễn Thị Phúc ở tổ dân phố Giữa thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình luôn là điểm tựa cho các hội viên của mình. Từ năm 2015, ngôi nhà bà đang ở được chọn là địa chỉ tin cậy để hội viên phụ nữ đến chia sẻ, tạm lánh khi bị bạo hành. Từ đó đến nay, bà Phúc đã trực tiếp hỗ trợ và hòa giải thành công cho trên 20 trường hợp vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” hòa thuận trở lại. Bà Phúc chia sẻ: Có những trường hợp ngày 30 Tết rồi vợ chồng vẫn đánh nhau, tôi phải gác lại công việc nhà đến hòa giải, giữ ấm êm hạnh phúc gia đình họ và không ảnh hưởng đến tổ dân phố. Hay có trường hợp 12 giờ đêm gọi điện thoại đến khóc lóc nhờ giúp đỡ vì bị chồng đánh đuổi ra ngoài đường. Tôi lại đạp xe đến giúp đỡ đón về nhà mình tạm lánh rồi đến thuyết phục giảng giải cho người chồng hiểu và đón về.
Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã giao các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thành phố và thị xã đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức được hàng nghìn buổi tuyên truyền tại cộng đồng về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, với hàng triệu lượt người tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 103 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với 743 câu lạc bộ, 243 nhóm, thu hút hơn 50.000 thành viên tham gia.
Mỗi mái ấm gia đình an vui, hạnh phúc chính là một viên gạch, là nền tảng vững chắc góp phần xây dựng nên một xã hội tươi đẹp. Các gia đình cũng cần có ý thức xây đắp chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình thực sự đạt hiệu quả, thiết nghĩ, cần huy động được sự vào cuộc của người dân trong việc hợp tác, đồng hành với các cơ quan, ban ngành, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa bạo lực từ những mầm mống bất hòa. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả các giải pháp trong công tác bình đẳng giới để nâng cao nhận thức của toàn dân về giới, từ đó góp phần tích cực phòng, chống bạo lực gia đình.
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...