Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:07 (GMT +7)

Phố đi bộ – đâu chỉ để đi bộ

Phố đi bộ ở Phổ Yên mới được xây dựng rất đẹp nhưng chưa chính thức đi vào hoạt động
Phố đi bộ ở Phổ Yên mới được xây dựng rất đẹp nhưng chưa chính thức đi vào hoạt động

Chỉ một cụm từ ngắn ngủi, nêu rõ công năng của một đoạn đường đã được xác định, người ta hiểu ngay rằng, đến “phố đi bộ” là để… đi bộ, và người đi xe động cơ (các loại) sẽ không được vào chỗ ấy. Chính vì di chuyển chậm rãi, nên không gian này an toàn cho trẻ con thoải mái nô đùa, chạy nhảy; người lớn thong dong nhâm nhi tách cà phê vỉa hè, hòa vào đám đông xem văn nghệ, ngồi xuống vỉa hè chơi một ván cờ với bạn già… Nhịp sống ở “phố đi bộ” tưởng như chậm chạp mà lại rất sôi động, từ đó mở ra nhiều lợi ích to lớn khác về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trước năm 2015, khái niệm “phố đi bộ” ít được nói đến. Cả nước khi đó chỉ có thành phố Hội An (Quảng Nam) dành mấy con phố cho người đi bộ và xe không động cơ. Mười năm sau, phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) và khu vực Hồ Gươm (TP. Hà Nội) được thiết lập đã nhanh chóng thu hút lượng lớn du khách và trở thành điểm hẹn cuối tuần của người dân. Từ năm 2017 trở lại đây, một loạt phố đi bộ ra đời, không chỉ ở các địa phương đông dân như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa… mà ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã triển khai phố đi bộ. Cụ thể là: Lào Cai (tháng 12/2018), Lạng Sơn (tháng 10/2020), Tuyên Quang (3/2022).

Hầu hết phố đi bộ ở các tỉnh miền núi “mở phố” vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, thời gian từ khoảng 19 đến 23 giờ. Tuy có phần “khiêm tốn” về quy mô, nhưng các phố đi bộ đã nhanh chóng trở thành điểm hẹn của người dân; mang lại không khí sinh hoạt văn hóa phong phú, sôi động cho cộng đồng; mang lại thu nhập không chỉ cho người dân quanh khu vực; góp phần nâng cao sức khỏe, ổn định an ninh trật tự. Chính vì những lợi ích thiết thực do phố đi bộ mang lại, mà tỉnh Tuyên Quang sau khi thiết lập phố đi bộ trong vùng “lõi” Thành phố đã triển khai thêm phố đi bộ và chợ đêm ở huyện Hàm Yên (8/2022) nhằm thu hút khách du lịch và kích cầu sản phẩm địa phương. Tương tự, tỉnh Cao Bằng sau 3 năm khai trương phố đi bộ Kim Đồng (10/2019) đã xác định đây sẽ là điểm nhấn để phát triển du lịch của tỉnh, nên nhanh chóng mở thêm Phố đi bộ ven bờ sông Bằng (9/2022), biến bờ sông tối tăm ngập ngụa rác, nơi tiêm chích ma túy của một số người nghiện, thành không gian sinh hoạt văn minh cho cộng đồng.

Phố đi bộ, điểm nhấn để phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng
Phố đi bộ, điểm nhấn để phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng

Ở Thái Nguyên, thành phố trẻ Phổ Yên đã nhanh chóng khánh thành hai tuyến phố đi bộ dài 1.100m ở phường Ba Hàng chỉ sau thời gian ngắn từ thị xã “lên” thành phố. Đây cũng là 2 tuyến phố đi bộ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.

Theo thông tin từ báo chí, tổng kinh phí đầu tư 2 tuyến phố đi bộ nói trên là 13 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của TP. Phổ Yên. Cả 2 tuyến phố đều có mặt đường thảm nhựa, vỉa hè lát đá, nhiều đoạn lắp đặt mái vòm, cổng chào ở điểm đầu và cuối tuyến, đèn trang trí với hệ thống điện ngầm hiện đại, trồng hoa, cây cảnh. Các tuyến phố đi bộ sẽ có phạm vi và thời gian hoạt động cụ thể, trên tuyến có các hoạt động dịch vụ ẩm thực, kinh doanh giới thiệu mặt hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Phổ Yên.

Tuy đến thời điểm này, hai tuyến phố đi bộ của Phổ Yên vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng với mục đích tốt đẹp đặt ra, hy vọng các tuyến phố này sẽ là điểm nhấn văn hóa, thể thao, du lịch, kinh tế của thành phố trẻ.

Thái Nguyên là địa phương có nhiều khả năng để triển khai phố đi bộ. Cả tỉnh có hàng trăm câu lạc bộ khiêu vũ, dân vũ, múa lân - sư - rồng, các nhóm nhảy; ban nhạc trong các trường đại học, đội văn nghệ ở khu dân cư… sẵn sàng có mặt trên phố đi bộ. Mỗi huyện, thành trong tỉnh đều có nhiều sản phẩm văn hóa, kinh tế đặc sắc vùng miền, có thể tham gia vào khu vực “kinh tế đêm” này. Như là múa Tắc Xình, Rối Thẩm Rộc, đàn Tính, hát Then, lượn cọi, sáo mũi, múa khèn…; cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh chưng Bờ Đậu, nham trám Hà Châu, kẹo trà... Các câu lạc bộ sinh vật cảnh, các chủ nhà vườn sẵn sàng “xanh hóa” khu vực phố đi bộ bằng nhiều tác phẩm do họ tạo tác kỳ công. Vấn đề là chỉ là chờ được tập hợp và tổ chức bài bản nữa mà thôi.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 6 tháng trước