Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:18 (GMT +7)

Phạm Thị Thanh Xuân

CỔ TÍCH MỘT NẺO VỀ

Tôi lấy giấy bút ra ghi chép, tưởng anh sẽ ngần ngại kể chuyện mình, nhưng không anh thành thật: Cô cứ viết những gì tôi đã trải qua, biết đâu sẽ giúp được điều gì đó cho những ai còn vương vấn khói thuốc quên cả lối về.

Cõi mê

Tôi bắt đầu nghiện ma túy từ năm 1990 - anh Ma Văn Hợp, xóm Làng Giai, La Hiên (Võ Nhai) nhớ lại thời đen tối - lúc ấy, tôi đang ở bãi vàng Thần Sa trong giai đoạn “làm ăn được”. Đêm trên bãi buồn, mấy thằng bạn rủ: Nằm bàn cho biết mùi đời, không biết hút là vứt. - Ngày đầu nghe rủ thế tôi ngán lắm, từ chối liền nhưng rồi bị “kích” ghê quá, với lại cũng muốn thử cảm giác nên tôi “bập”. Vài lần thì nghiện. Hồi đầu dùng hàng đen mỗi bữa một chỉ, ngày ba bữa rền. Dính ma túy chẳng làm được gì hơn là việc làm thế nào để có thuốc hút, thế là ở lỳ trong bãi, làm để lấy tiền mua thuốc, chẳng mang về được đồng nào. Con cái ở nhà để mặc vợ lo, học hành, sống chết, ốm đau thế nào bố chúng không cần biết. Có thời điểm một ngày tôi kiếm được gần 2 triệu đồng, nhưng cuối cùng cũng nướng vào thuốc sạch.

Năm 1996, bãi vàng không còn rộn ràng như trước, dân làm vàng rút dần, anh Hợp cũng khăn gói quả mướp trở lại làng Giai cùng những… cơn vật. Về nhà, thay vì làm ruộng anh làm ngay một gian trên gác để hút, nội bất xuất ngoại bất nhập, cứ trèo lên rồi rút thang là nằm lỳ, hết thuốc mò xuống nhà thuổng một thứ gì đó mang vào Khuôn Vạc (một xóm của La Hiên) quy ra… thuốc. Có lần vật quá, cả nhà chỉ còn khoảng 4 bò gạo, anh bớt lại một nửa cho hai bữa, còn lại mang đi đổi thuốc. Có chiếc ao con trước cửa nhà thả cá trắm, chưa được ăn, được bán con nào anh đã lần mò xuống bắt giấu vào trong bụng mang đi. Hết muối hết mắm, vợ ốm con đau anh mặc kệ, đấy là việc của người khác, ông thuốc là to nhất, to hơn cả vợ con, cha mẹ. - Cơn vật lên chả chuyện gì anh ấy không dám làm, chị Nguyễn Thị Vui, vợ anh không giấu diếm - đang đêm thấy có người dắt xe chở nặng từ gầm nhà sàn đi ra, tưởng trộm hóa ra chồng lấy tấm ván trong cỗ hậu sự của cụ thân sinh chuẩn bị cho ngày nằm xuống mang đi bán.

Cụ thân sinh khuyên bảo, chửi mắng con trai mãi không được, chán bỏ lên nhà con gái ở. Chị Vui vừa chăm chỉ làm ăn vừa thủ thỉ khuyên can động viên anh nhưng cũng chỉ được lúc ấy. Sau mỗi lần hứa hẹn thêm một thứ trong nhà đội nón ra đi. Một hôm đi làm đồng về muộn đứa con gái lớn thấy bố tỉnh táo ngồi bên bếp, nó chợt khóc òa van nài: - Bố đừng dùng ma túy nữa, nhà không còn gì ăn, mẹ con và các em vất vả lắm rồi, con xấu hổ khi bạn bè vào nhà biết bố nghiện, còn ai muốn chơi với con nữa, ai chơi với nhà mình nữa. Anh ngạc nhiên, thoáng xao lòng. Năm đó con gái có bạn trai, anh không biết.

Quy luật con gái lớn phải gả chồng, may cho anh, cậu bạn trai sau khi đi lại gia đình vẫn quyết định lấy Dự mặc dù biết bố bạn gái là một người nghiện. Mấy hôm sau mẹ con bàn nhau định ngày cưới và “nhờ” anh đi đưa thiếp mời. Anh ngỡ ngàng, hóa ra con mình đã trưởng thành, mừng cho con nhưng anh bỗng thấy xấu hổ vì bản thân. Khi đi mời họ hàng, làng xóm cưới con, mọi người nhìn anh nghi hoặc, không ai nói ra nhưng anh biết trong những ánh mắt kia là câu hỏi: - Cũng có người dám lấy con thằng nghiện hay sao? Cúi mặt đưa thiếp, anh về nhà gọi hai con đến tuyên bố: -Tao đã làm  khổ chúng bay, sau đám cưới hai đứa tao sẽ đi miền Nam cai nghiện.

Một nẻo về

Định không dự đám cưới con mà vào miền Nam luôn bởi sợ khách khứa đến nhìn mình bằng nửa con mắt, nhưng không ở nhà lo con tủi vì đời người chỉ có một lần. Vậy là sau khi dự đám cưới con gái anh Hợp khăn gói vào nhà chị gái trong miền Nam quyết tâm cai nghiện với lời thề độc: Không bỏ thuốc không về. Vào Nam, câu đầu tiên anh nói với thằng cháu là: -Tao nghe nói cai nghiện khó lắm, chỉ có chết mới hết nghiện thôi, tao vào đây để cai, nếu có chết chôn tao trong Nam hay mang xác qua Lào, không được đưa ra Bắc. Dặn cháu xong anh bắt đầu những ngày tháng chịu đựng. Không dùng bất cứ một loại thuốc gì, chỉ giam mình trong phòng, mỗi khi cơn vật lên anh với tay giật chiếc cần mô tơ để sẵn xối nước thẳng vào cơ thể, nghiện vốn sợ nước anh lấy độc trị độc. Nhìn anh vật vã với những cơn thèm thuốc, người thân vừa thương vừa giận. Bà chị gái luộc mấy quả trứng vịt lộn đưa vào anh hất tung gầm lên: -Tao cần thuốc, không có thì để tao chết đi. Nhưng anh… không chết. Sau mỗi lần vật vã tĩnh trí lại nhớ đến ánh mắt nửa cam chịu, nửa hy vọng của người vợ hiền và những đứa con, anh lại dặn mình phải cố chịu đựng. Ai nghiện rồi mới biết cảm giác vật thuốc nó như thế nào - anh trầm ngâm - 40 ngày ròng rã cứ vật - xối nước; vật - xối nước; rồi kêu gào chửi rủa, khóc cười, hầu như không ngủ người thành con ve khô. Rồi cơn vật thuốc cũng thưa dần, khi bước sang ngày thứ 42 mức độ vật không còn khủng khiếp nữa. Trong người vẫn nao nao tê buồn nhưng bắt đầu nhúc nhắc làm được những việc nhỏ. 8 tháng sau anh ra Bắc về nhà, trong người vẫn còn cảm giác nhớ thuốc nhưng nghị lực trong anh đã rất lớn. Nằm lỳ 6 tháng nữa trong nhà không giao du với bất cứ bạn nghiện nào, tiếp tục cai trong sự giúp đỡ động viên của vợ con và các tổ chức đoàn thể trong xóm, xã. Năm 2003, anh chính thức nói lời vĩnh biệt với nàng tiên nâu và đón mẹ về ở cùng.

Nhớ lại vẫn thấy rùng mình - anh Hợp đặt chén trà vào tay tôi thành thật - bây giờ tôi mới bắt đầu tập trung làm rẫy lại, có một điều may mắn là hơn 10 năm nghiện ngập vợ con chưa bao giờ từ bỏ tôi cả, cứ nhẫn nhịn chịu đựng và hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Con gái đi lấy chồng nhưng vẫn thường xuyên qua lại động viên bố, anh chỉ đứa trẻ đang nghịch trên sàn nhà khoe: Tôi vừa lên chức tá (Ông ngoại).

 

HƯƠNG ĐỒNG MỖ

Hương Đồng Mỗ nổi tiếng khắp các chợ Thái Nguyên. Năm nào cũng thế, cứ mỗi độ Tết đến, trong những gian hàng ngoài chợ không thể thiếu những nén hương đen Đồng Mỗ. Đời mỗi con người không biết bao nhiêu việc, bao nhiêu lần người ta dùng đến hương: Vào nhà mới, cúng giỗ, cưới xin, ma chay, nhưng chỉ có ngày Tết người ta mới dùng đến hương đen. Từ 15 tháng Chạp, các dãy hàng hương Đồng Mỗ đã chạy dài một góc chợ trung tâm thành phố, trong tiết trời se lạnh của những ngày áp Tết, nén hương đen thắp lên giữa chợ làm không khí Xuân thêm nồng ấm…

Tôi về chùa Đồng Mỗ, thuộc xóm Oánh, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) hỏi thăm nhà cụ Cẩn làm hương nổi tiếng một vùng. Người phụ nữ đang hong hương ngoài hiên ngỡ tôi là khách lạ tới mua hàng nhẹ giọng: Bà em bây giờ không làm được hương nữa, có bao nhiêu kinh nghiệm cụ truyền cho chúng em hết rồi, chị vào nhà đi rồi ta nói chuyện. Người phụ nữ tiếp chuyện tôi tên Thắng ấy chính là con dâu cụ Cẩn. Chị về làm dâu nhà cụ Cẩn bao nhiêu năm thì bấy nhiêu thời gian chị gắn bó với nghề làm hương. Chị Thắng bảo: Tôi về làm dâu hôm trước thì hôm sau cụ gọi ra nói rằng mẹ không có gì làm vốn, chỉ có nghề hương, bí quyết trong nghề mẹ sẽ bảo lại, con cố gắng học sau này nuôi nhau… Chị Thắng ngừng lời đưa tay đón mẻ tăm hương cô con gái vừa mang từ dưới nhà lên, bên những bó hương chẻ đều như đúc trong cùng một khuôn, câu chuyện nghề bắt đầu sôi nổi: Nghề làm hương vất vả nhưng hương đen còn vất vả hơn nhiều và lấm lem than. Hương đen chỉ bán vào ngày Tết, từ Rằm tháng Chạp cho hết Rằm tháng Giêng. Nhưng, để có hàng bán trong một tháng, người làm hương phải chuẩn bị nguyên liệu trước 3 tháng. Bắt đầu từ khâu mua mai. Mai làm tăm hương cũng cầu kỳ, cả xe ô tô mới chọn được vài ba cây. Không phải cây mai nào cũng chẻ làm tăm được, phải là thứ mai bánh tẻ, dóng dài, mình dày người trong nghề cầm lên là biết dùng được hay không. Mai ấy về nhà ngâm ba tháng cho “chín” rồi mới pha chẻ. Tăm hương phải qua tất cả ba lượt phơi nắng to dùng mới được. Xong khâu chuẩn bị làm tăm là làm nến. Nguyên liệu làm nến chỉ có nhựa trám và thân cây đỗ tương. Trám làm hương đen lại phải là trám trắng, loại cây đa sống vài chục năm mới lấy được nhựa. than thân cây đỗ tương ủ đốt thật khéo vừa tầm mới ra được thứ than đen nhánh, đốt non tay cây cháy chưa hết lõi mà đốt già tay cây cháy quá thành than trắng cũng không dùng được. Nhựa trám mua về nấu lên lọc bã rồi cho than đỗ tương vào giã nhuyễn như bánh dầy, cho hỗn hợp ấy vào nồi đun cách thủy mới vuốt vào tăm để xe thành nén hương.

Quy trình để có một nén hương trong ba ngày Tết không đơn giản như tôi tưởng. Người làm hương nhẫn nại, kiên trì, khéo léo với một lòng thành tâm mới có được những nén hương thơm thảo kia. Hương để thắp trong ngày Tết cầu mong điều lành ở lại điều dữ mang đi nên người làm hương Đồng Mỗ không gian dối bao giờ. Ngồi xem chị hàng hương thoăn thoắt đếm, xếp riêng trăm nén vào một bó chuẩn bị cho những ngày chợ tôi lại có dịp hiểu thêm về nguồn gốc của cái tên Đồng Mỗ. Hương Đồng Mỗ bắt nguồn từ tên ngôi chùa Đồng Mỗ mà ra. 80 năm trước có một người con gái rời bỏ thành Nam theo gia đình lên Thái Nguyên lập nghiệp tên là Nguyễn Thị Cẩn. Năm 18 tuổi, cô Cẩn lấy chồng, sinh con và bắt đầu học nghề của những cụ già làm hương đen trên chùa. Khéo tay, chăm chỉ và cẩn thận, hương của cô Cẩn đã nổi tiếng một vùng thời đó. Nhà làm hương gần chùa Đồng Mỗ nên khách quen gọi tên chùa thành tên Hương cho dễ nhớ. Cô Cẩn năm nay đã thành bà Cẩn 90 tuổi đời, chân chậm, tai không còn thính nhưng mỗi lần cầm nén hương, đôi mắt bà vẫn ánh nên vẻ nhanh nhẹn. Hơn 70 năm dâu bể cuộc đời và nén hương Đồng Mỗ cũng thăng trầm như người làm ra nó. Thời vàng son hương Đồng Mỗ chiếm độc quyền trên thị trường đã qua từ lâu. Chị Thắng, anh Bẩy hai vợ chồng anh con trai áp út của cụ Cẩn tiếc nuối: Thời hưng thịnh cách đây chục năm, nhà tôi làm hương suốt ngày không đủ bán. Hương nhiều không tả nổi, cả một tòa nhà dãy ngang, dãy dọc dùng làm nơi chứa hương, mẹ tôi nuôi cả người làm. Cả nhà chỉ trông vào hương. Chính những nén hương kia giúp mẹ tôi nuôi 6 anh em ăn học thành người. Các anh, chị đi công tác thôi làm hương, chỉ còn vợ chồng tôi theo nghề cùng với mấy anh chị trong họ nữa, đến nay còn 5 nhà làm hương. Mấy năm nay các loại hương khác tràn từ dưới xuôi lên cạnh tranh với hương Đồng Mỗ, thêm nữa khách mua buôn lấy hương của nhà tôi ít, lấy nơi khác nhiều, chất lượng kém nhưng vẫn trưng  hiệu Đồng Mỗ nên uy tín hương Đồng Mỗ giảm, thị trường dần bị thu hẹp, nghề chính xưa nay thành nghề phụ, nhà chỉ tranh thủ làm những tháng gần Tết. Làm hương lãi ít lại bị giả danh, rồi đây không biết chúng tôi có giữ nổi nghề. Các cháu trong nhà cũng biết làm một số công đoạn để ra thành phẩm hương nhưng không thiết tha với nghề lắm…

Chúng tôi đang nói về nguy cơ thất truyền của nén hương Đồng Mỗ thì cụ hàng xóm sang mua hương góp chuyện. Cụ vốn là khách quen của gia đình, bao nhiêu năm rồi cụ đều tự đi mua hương khi Tết đến, Xuân về. Trước mua của cụ Cẩn nay mua của chị Thắng. Bà cụ kể về cái sở thích đang làm nén hương Đồng Mỗ có nguy cơ mất dần: Bây giờ lắm loại hương, nhiều người thích thắp hương vòng cho tiện, cho sang, ấy là loại hương trong túi bóng, trông đẹp, thắp cũng dậy mùi thơm nhưng chẳng mang phong vị gì của Tết. Lớp già như tôi vẫn thích mỗi đêm Tết thắp một cây hương sào Đồng Mỗ chính hiệu, cảm giác căn nhà của mình ấm áp hơn và thấy lòng nhẹ nhàng hơn…

Những người làm hương bảo với tôi rằng Tết ra chợ cứ thấy hàng nào chỉ bán hương đen không bán thêm bất kỳ thứ hương nào khác thì đó chính là con cháu cụ Cẩn đem hương nhà ra chợ. Anh Bảy dứt mạch câu chuyện, rút ngay một nén nơi bó hương cô con gái đang đếm châm lửa cắm vào chậu hoa cúc giữa nhà. Ngoài trời rét đậm nhưng không khí trong căn phòng bắt đầu ấm lên. Một mùa xuân mới đang về.

CON VỀ QUÊ BÁC THÁNG NĂM

Nắng như đổ lửa xuống mặt đường nhưng cũng không ngăn được bước chân những người con từ mọi miền Tổ quốc hành hương về Nghệ An, quê Bác. Hòa trong dòng người ấy, chúng tôi, những người con của núi rừng Việt Bắc cũng lòng bảo lòng về quê Bác Tháng Năm, để được nhìn lại ngôi nhà ở quê ngoại thân yêu của Bác, làng Hoàng trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nơi sinh thành người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Chưa đặt chân lên mảnh đất Nghệ An, nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi mảnh đất này thật gần, bởi đó là nơi sinh thành danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất mà không một người dân nào trên dải đất hình chữ S này không biết. Vượt hơn 400km, chúng tôi có mặt trên đất Nghệ An khi trời đã về chiều, vẫn là cái nắng nóng đón chúng tôi tại thành phố Vinh, nhưng bên cạnh đó là tình người Nghệ An nồng hậu. Đêm đầu tiên ở Nghệ An hầu như không ai ngủ, bởi tâm trạng nao nao khó tả khi đặt chân lên mảnh đất quê Người.

Sáng sớm ở Nghệ An thật trong lành và tĩnh mịch, xuôi theo tỉnh lộ 49 hơn 10 cây số, làng Hoàng Trù, xã Kim Liên hiện ra trước mắt. Ấy là nơi lưu giữ bao kỷ niệm thời thơ ấu của Bác, có tiếng mẹ ru ngồi dệt vải, có giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ. Sau chiếc cổng tre rộng mở, lối đi giữa hai bờ mận hảo dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thuộc như mọi ngôi nhà của người dân xứ Nghệ thuở xưa. Ngôi nhà thờ được dùng để thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, được cụ Hoàng Đường, cha đẻ của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ xây dựng từ năm Tân Tỵ (1881). Ở trước nhà thờ là ngôi nhà 5 gian, tranh tre của cụ Hoàng Đường, người đã tác thành cho đôi vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan. Cạnh đó là ngôi nhà đơn sơ, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chi Minh cất tiếng khóc chào đời. Ba ngôi nhà nơi quê ngoại của Người hầu như không lúc nào ngớt khách viếng thăm. Mặc cho cái nắng gay gắt xứ Nghệ và nhiệt độ ngoài trời lên tới con số trên 40, dòng người đổ về Hoàng Trù mỗi lúc một dài, dâng hoa lên những ban thờ. Chúng tôi cũng se sẽ bước chân bồi hồi tìm về căn nhà Bác ở thủa thiếu thời. Ba gian nhà nơi Bác cất tiếng khóc chào đời vẫn được giữ nguyên như ngày xưa. Đây, chiếc giường gỗ đơn sơ, khung làm từ gỗ xoan, thang làm bằng tre trên trải chiếu mộc. Chiếc giường là nơi chứng kiến những bước đi chập chững của Người, nơi lắng nghe tiêng bi bô đầu tiên của một thiên tài kiệt xuất. Đây là khung cửu dệt vải nơi thân mẫu của Người đã tảo tần lao động nuôi chồng, nuôi con. Chúng tôi và bao nhiêu người khác từ mọi miền Tổ quốc về đây, chẳng ai bảo ai cùng nghiêng mình trước kỷ vật của người cha già dân tộc. Đứng ở đây, trên mảnh đất này, trong ngôi nhà này, càng thấy sự vĩ đại của một tâm hồn lớn, nhân cách lớn Hồ Chí Minh: Người là cha, là Bác là anh, qủa tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ, cả một đời vì nước vì non đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình giản dị gắn bó với những vật dụng đơn sơ khiêm nhường như thế đó. Chuyện kể rằng năm 1961, về thăm lại quê hương, Người bồi hồi khi nhìn những kỷ vật quen thuộc, Bác nhẹ nhàng sờ lên chiếc giường thân quen nơi gắn bó một thời thơ ấu hạnh phúc êm đêm trong vòng tay những người thân thiết và lặng đi…

Dòng người về quê Bác hôm nay ai cũng cố gắng tiến lại gần những kỷ vật một thời gắn bó với vị cha già của dân tộc, chạm tay vào kỷ vật đơn sơ, cố kìm lại mà dòng lệ vẫn trào dâng nơi khóe mắt. Hỏi khắp năm châu, bốn biển ở nơi đâu có vị lãnh tụ như người, cả đời lo cho dân cho nước, cả đời phấn đấu hy sinh vì giang sơn gấm vóc, chẳng kịp nhận cho rieeng mình một giây phút thảnh thơi… Chẳng hẹn mà trăm người cùng nức nở Bác ơi…

Cách Hoàng Trù không xa là làng Sen quê nội, nơi Bác Hồ đã sống từ năm 1901 đến năm 1906, khi triều đình Huế vời cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ra làm quan lần thứ hai với chức Thừa biện Bộ Lễ ở Kinh Thành. Lần đó theo cụ phó bảng vào Huế rồi Bác cứ đi xa mãi, bôn ba khắp năm châu bốn bể, để rồi hơn 50 năm sau Người mới có dịp trở về thăm lại mái tranh xưa. Ngôi nhà 5 gian dân làng Sen bỏ công ra làm để mừng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đầu tiên của làng đỗ đại khoa vẫn giữ nguyên như cũ, từ cách bày đặt đồ đạc đến đồ dùng sinh hoạt trong nhà đúng như hơn 100 năm về trước. Hai gian nhà ngoài là nơi thờ tự và tiếp khách. Chính tại nơi đây, câu chuyện về thời cuộc của xã hội Việt Nam hồi đó và những mưu lược nhằm cưu nước cứu dân giữa cụ phó bảng với các nhà yêu nước trong vùng đã hun đúc lên những ý sau nay khi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Hai gian nhà trong là nơi nghỉ ngơi và sinh hoạt của gia đình cụ Phó bảng với án thư đọc sách, rương gỗ đựng thóc gạo, chiếc võng đay giản dị, tất cả như vẫn còn lưu giữ hơi ấm của Người. Sát ngôi nhà là ba gian bếp trống trải bởi cảnh thanh đạm chẳng có gì để biện bày, ngay cả những ngày giỗ chạp, lễ, Tết nhà cụ Phó bảng cũng tổ chức đơn sơ đạm bạc, chỉ có hương cau là chất đầy không gian mỗi độ Xuân về. Bao nhiêu năm bôn ba xứ người, Bác vẫn đau đáu về mảnh đất xứ Nghệ, nhưng rồi từ ngày rời nơi ấy ra đi chỉ co hai lần Bác về thăm quê được, lần đầu tiên vào ngày 16/6/1957, lần thứ hai cũng là lần cuối cùng vào ngày 9/12/1961 để rồi Người đã ra đi mãi mãi chẳng trở về. Chúng tôi đã may mắn hơn bao người khác khi có mặt tại quê Người giữa Tháng Năm lịch sử, khi dịp kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 115 của Bác đã cận kề, để có thể cảm nhận được nhiều hơn nữa sự vĩ đại của một tâm hồn lớn. Những bài học về người càng trở lên gần gũi thân thương. Trên đường về Việt Bắc, câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu lại vọng về: Mình về với Bác đường xuôi/Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người… Việt Bắc nhớ Người, tây Bắc nhớ Người, cả dải đất hình chữ S này sẽ luôn mang trong lòng nỗi nhớ ấy bởi dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

 

HUYỀN THOẠI MỘT DÒNG HỌ

Câu chuyện mà chúng tôi nghe về lai lịch dòng họ Vũ ở Việt Nam như một huyền thoại. Chính huyền thoại ấy đã giúp bao người con họ Vũ trên dải đất hình chữ S đang gắng gỏi hết mình xây dựng một cuộc sống tốt dẹp hơn.

Dòng họ Vũ là một trong số ít dòng họ ở việt Nam có chung một thuỷ tổ là cụ Vũ Hồn - ông Vũ Đình Toàn, người từng làm đại diện Ban Liên lạc dòng họ Vũ tại Thái Nguyên chậm rãi vào chuyện với chúng tôi như thế. Theo gia phả, tộc phả, thần phả ở làng Mộ Trạch (Hải Dương) thì vào đời nhà Đường bên Trung Quốc (618- 907) có một quan chức tên là Vũ Huy. Khi tuổi đã xế chiều, ông cáo quan về phương Nam du ngoạn, đến đất Giao Châu thuộc đồng bằng Bác Bộ bây giờ. Một hôm, ông đến đất Mạn Nhuế, thuộc huyện Thanh Lâm, đất Hồng Châu, nay là tỉnh Hải Dương, Vũ Huy thấy một thế đất lạ: Giữa cánh đồng mênh mông có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò đất cao lớn tựa như 98 ngôi sao châu về mặt trời (cửu thập bát tú triều dương), cái gò ấy dân địa phương gọi là Đống Dòm. Là người am hiểu về phong thuỷ, Vũ Huy nhận thấy đây là mảnh đất đẹp, nếu mộ táng ở đây con cháu sẽ phát sinh khoa bảng, công danh hiển hách. Ông lập tức về Phúc Kiến, đem hài cốt cùa thân phụ sang táng rồi làm nhà tạm ở đó để trông coi. Cũng chính tại mảnh đất này, Vũ Huy đã bén duyên với cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết tên là Nguyễn Thị Đức, hai người làm lễ thành hôn. Hơn một năm sau, cô Đức có thai, Vũ Huy lại đưa vợ về Phúc Kiến. Ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thân (804) cô Đức sinh con trai, ông bà đặt tên con là Vũ Hồn. Năm 820, vừa tròn 16 tuổi, Vũ Hồn đã đỗ kỳ thi Đình, được vua Đuờng khen ngợi ban cho mũ áo về vinh quy. Ít lâu sau, cảm tài, mến đức của Vũ Hồn, vua Đường xuống chiếu bổ dụng ông làm Tả thị lang bộ Lễ, được hai năm thì thăng chức Đô đài ngự sử. Năm 825 (Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, niên hiệu Bảo Lịch thứ nhất, Vũ Hồn được cử sang làm Thứ sử Giao Châu. Trong thời gian ở An Nam, Vũ Hồn đi kinh lý và chú ý tìm địa điểm định cư sau này, bởi ông muốn chọn quê ngoại làm quê hương. Nhiều lần ông về Mạn Nhuế thăm mộ ông nội tại Đống Dòm sau đó đã đi thăm tất cả các vùng lân cận. Một lần, ông đến trang Lập Thạch, huyện Đường An, thấy về phía Tây thôn ấy có cánh đồng hoang rải rác những gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao. Theo kiến thức về phong thủy đây là thế đất kết đẹp, Vũ Hồn đã ghi chép lại để sau này cần thì sử dụng.

Năm 843 đời Đường Võ Tôn năm Hội Xương thứ ba, Vũ Hồn nghỉ việc quan, khi đó, ông vừa tròn 39 tuổi. Sau khi nghỉ việc quan, ông đưa mẹ sang An Nam định cư ở mảnh đất gò đống khi xưa đã ghi chép. Ồng xây nhà cửa, dinh cơ cho gia đinh rồi gọi dân cư rải rác từ vùng chung quanh về ở lập thành một xóm nhỏ có tên là Khả Mộ trang có nghĩa là ấp đáng mến. Sau, dân cư đông đúc lên thì đổi tên thành Khả Mộ thôn. Dần dần ấp có văn hoá và làm ăn thịnh vựợng. Dòng họ Vũ ở Việt Nam bắt đầu từ đây và gắn liền với tên đất, tên làng. Ấp Khả Mộ, làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Duơng bây giờ. Làng Mộ Trạch hiện nay có 11 dòng họ, trong đó họ Vũ là lớn nhất. Vào cuối đời Trần, họ Vũ chia làm 5 chi, 8 phái, đến thời Lê, dòng họ Vũ phát triển thêm năm chi sau (hậu ngũ chi). Các chi này lan dần đến các xóm trong vùng thuộc huyện Đường An và di cư đến một số làng thuộc nhiều huyện trong trấn Hải Dương đến các tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ và các vùng biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng... dần dần phát triển đến Thanh Nghệ miền Trung Nam Bộ. Khi vào đến miền Trung là thờ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dòng họ Vũ vì kiêng tên huý của chúa phải phát âm chữ Vũ thành Võ, nên họ Vũ hay Võ cũng là một. Cho đến bây giờ,  họ Vũ có ba chi lớn: Chi họ Vũ Ba Động; chi họ Vũ Hoa Đường; chi họ Vũ làng Hành Thiện với hàng chục triệu người khắp các tỉnh, thành trong cả nuớc và ở nước ngoài. Người họ Vũ tự hào bởỉ truyền thống hiếu học tư thời cụ tổ Vũ Hồn. Tính đến ngày nay, họ Vũ đã có 287 nhà khoa bảng dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, 13 người đỗ tam khôi; thời hiện đại nhiều giáo sư, tiến sĩ, các tướng lĩnh tài ba xuất thân từ dòng họ Vũ. Đó là vị tướng huyền thoại Vũ Nguyên Bác (Nguyên Sơn) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như Giáo sư Vũ Khiêu, nhà khoa học đa tài Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư sinh học Vũ Quang Côn…

Ông Toàn ngừng câu chuyện, đưa cho chúng tôi xem chiếc đĩa tráng men in hình miếu, đình làng Mộ Trạch (Hải Dương), nơi thờ thuỷ tổ Vũ Hồn. Hằng năm, vào ngày 8 tháng Giêng (ngày sinh thuỷ tổ Vũ Hồn), người dân làng Mộ Trạch lại kỷ niệm ngày hội làng, rước bài vị của cụ Vũ Hồn từ miếu đến đình và từ đình về miếu, Làng Mộ Trạch trở thành mảnh đất thiêng để con cháu họ Vũ về tụ họp.

Theo những thăng trầm của lịch sử ấy, dòng họ Vũ đã có mặt ở Thái Nguyên, khắp 9 huyện, thành trong tỉnh. Những gia đình họ Vũ ở Thái Nguyên đã tập hợp nhau lại do ông Vũ Đảng Phần đang là Trưởng ban liên lạc, lấy ngày 20 tháng Giêng hằng năm làm ngày họp hội đồng tộc, mừng một năm mới tốt lành, nhìn lại năm cũ đi qua, thấy những việc đã làm, chưa làm để tiếp tục cố gắng. Chưa có con số thống kê chính xác hiện nay ở Thái Nguyên có bao nhiêu người mang họ Vũ, nhưng bất cứ ai khi đặt bút ghi chữ Vũ đầu tiên trong dòng họ và tên đều cảm thấy tự hào, bởỉ đó là một dòng họ nhân hậu và trí tuệ. Hàng năm, họ Vũ Thái Nguyên lại chọn một ngày để tôn vinh dòng họ: Ngày đầu tháng 8 Dương lịch. Trong ngày tôn vinh này, đòng tộc họ Vũ họp nhau lại, ghi công những người trong dòng họ đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá, xã hội, có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới của quê hương, tôn vinh con em họ Vũ đang học trong các trường tại Thái Nguyên có thành tích nổi bật trong học tập và các hoạt động. Tên của những người tôn vinh sẽ được ghi vào sổ vàng danh dự của dòng họ, lấy đó làm tấm guơng để mọi nguời phấn đấu noi theo. Năm 2001, lễ tôn vinh đầu tiên của dòng họ diễn ra trong không khí đầm ấm và trang trọng, 5 tiến sĩ được ghi tên trên bảng vàng, cạnh đó là tên của rất nhiều em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Từ đó, tháng 8 hàng năm, lễ tôn Vinh - dòng họ Vũ lại diễn ra long trọng, và danh sách những người được ghi trong bảng vàng mãi dài thêm. Ông Toàn bồi hồi: Lần tôn vinh dòng họ đầu tiên là một kỷ niệm khó quên, ai cũng rưng rưng xúc động, những người được ghi danh trong bảng vàng lấy đó là niềm tự hào, tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức mình cho bản thân - gia đình, vun đắp cho dòng họ, gắn bó với cộng đồng để viết tiếp những trang sử vẻ vang của dòng họ Vũ.

 

LÊN TÂY BẮC

Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng, đường lên Tây Bắc quanh co tiếng chim rừng đây đó", những câu hát trong nhạc phẩm "Đường lên Tây Bắc" của Văn An cứ cuốn theo chúng tôi khi bắt đầu cuộc hành trình về Tây Bắc, mảnh đất thiêng của cuốc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp. Vậy là chuyến đi Tây Bắc mấy anh em làm báo trẻ háo hức trông đợi cũng được thực hiện, Tây Bắc với hoa ban trắng, với đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo rồi sẽ hiển hiện, không phải trong thơ, nhạc mà trong một chuyến đi đặc biệt. Đặc biệt bởi lần này điểm đến của chúng tôi là Điện Biên Phủ, thánh địa của người Thái, nơi 50 trước đã diễn ra chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lần đầu tiên đi Tây Bắc dù có điều kiện nhưng không một ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện đi máy bay, chấp nhận lắc lư đèo dốc trong chiếc u-oát trên chặng đường hơn 500km để được làm quen những địa danh nổi tiếng và lạ lẫm với người Việt Bắc. Xuôi về Hà Nội, ngược theo Quốc lộ 6, qua Sơn La chúng tôi sang Điện Biên. Đến Sơn La đã thấy bóng dáng Điện Biên thấp thoáng, nhưng cũng phải nghỉ lại một đêm để hôm sau tiếp tục cuộc trình. Trong chuyến đi hôm sau sẽ có sự góp mặt của anh em làm báo Sơn La. Buổi sớm ở Sơn La không khí thật trong lành, chúng tôi thăm Nhà tù Sơn La do người Pháp xây dựng năm 1908 và mở rộng vào những năm 30 - 40, trở thành nơi giam giữ các tù nhân chính trị. Những xà lim ngầm, xà lim chéo chằng chịt còn đó. Khó hình dung nổi trong nơi giam cầm ấy những vần thơ vẫn vút lên ngập tràn ý chí cách mạng. Bâng khuâng bên cây đào Tô Hiệu, lịch sử là đây chứ nào phải xa lạ, tay chạm vào cây, nghe như tiếng của ngàn xưa vọng về. Rời Sơn La, chúng tôi nhập vào những địa danh lạ lẫm: Bon Phặng, Tông Lệnh, xe lắc mình chồm lên đổ xuống, đường quanh co với những đoạn cua tay áo, có những đoạn cua bất ngờ khiến hai xe ngược chiều vừa nhìn thấy nhau thì hai đầu xe đã cách nhau chưa đầy 2 với những đoạn cua tay áo, có nhũng đoạn cua bất ngờ khiến hai xe ngược chiều vừa nhìn thấy nhau thì hai đầu xe đã cách nhau chưa đầy 2 mét. "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời". Không hẹn mà các phóng viên trong xe đồng thanh đọc to những câu thơ của Quang Dũng, bởi những gì đang hiện ra trước mắt chúng tôi không khác những vần thơ ấy là bao. Hút tầm mắt mới thấy đất nước ta hùng vĩ, cha ông ta bất khuất dường nào. Con đường này năm xưa, bao nhiêu bàn chân đã đi qua, trên vai vác nặng súng đạn, lương thực, chi viện cho tiền tuyến, con đường này năm xưa, những cuộc hành quân gấp gấp ngày đêm không nghỉ của các đại đoàn tiến về giải phóng Điện Biên.

- Gần đến đèo Pha Đin rồi đó - lái xe bất ngờ thông báo, tất cả chúng tôi không ai bảo ai bỗng cùng hồi hộp lạ. Đến đèo rồi ư? Con đèo của lịch sử dài 32km độ dốc 13%, không đoạn nào thẳng được vài trăm mét. Bắt đầu lên đèo, áp suất dần thay đổ, tai ù như đi máy bay, nói chuyện, chúng tôi phải gào lên mới nghe được. Đèo Pha Đin, tiếng Thái nghĩa là nơi đất và trời gặp nhau. Lên đến đỉnh đèo, ở độ cao 1.900 mét so với mặt nước biển mới hiểu thế nào là nơi đất và trời gặp nhau, mây giăng lớp lớp, nhởn nhơ sà xuống lưng chừng núi, cảm giác như xoè tay có thể kéo trọn dải mây về mình, núi dài trập trùng, xanh tràn đến chân mây. Trên đỉnh Pha Đin, nhìn về bốn phía, chợt thấy mình nhỏ bé giữa bao la đất trời. Anh em làm báo Điện Biên Phủ đã chờ chúng tôi tại đỉnh đèo từ bao giờ, Tây Bắc - Việt Bắc, hai vùng đất phên dậu của Tổ quốc, đã sẵn mối thâm tình. Người Tây Bắc nồng nàn, người Việt Bằc đôn hậu, gặp nhau như anh em một nhà. Mảnh đất Điện Biên là mồ chôn thực dân Pháp với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thì mảnh đất Thái Nguyên với ATK gió ngàn chính là nơi phát tích chiến thắng đó, từ cuộc họp của Bộ Chính trị tại lán Tỉn Keo (Định Hóa) năm xưa.

Xuống đèo, qua trạm vi ba Tằng Quái, cầu Nà Tấu đã thấy gần lắm Điện Biên. Theo kế hoạch, điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi ở mảnh đất huyền thoại này chính là khu rừng Mường Phăng. Tháng Hai, vẫn đang là mùa Xuân, đường vào Muờng Phăng đẹp như tranh, lẫn trong màu xanh đậm của rừng già là chồi non lộc biếc. Nửa thế kỷ trước, Mường Phăng là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên. Đây là di tích duy nhất trong quần thể di tích Điện Biên thuộc về chúng ta, những người chiến thắng. Mường Phăng vừa là nơi phát đi lệnh tiến công, vừạ là nơi nhận về tin chiến thắng, nơi chứng kiến giờ phút xúc động nhất, trọng đại nhất của cuộc kháng chiến trường kỳ. Bồi hồi đứng trước bia đá mới hay đây chính là cánh đồng Phiêng Tá Lét dưới chân núi Phăng, ngày 13/5/1954 lễ duyệt binh mừng chiến thắng đã diễn ra. Cũng trong buổi lễ này, lần đầu tiên bài hát Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được công bố. Mường Phăng bây giờ đã trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với khu rừng đặc dụng hơn 60ha nơi góp phần cung cấp nước cho hồ pa Khoang, nuôi sống thủy điện Thác Bay và Thủy điện Nà Lơi, nuôi sống cánh đồng Mường Thanh với hơn 4.000ha diện tích. Thời gian eo hẹp, vừa thăm di tích vừa nói chuyện với người dân, chúng tôi cũng đã có trong sổ tay những thông tin vui. Mấy năm gần đây, Mường Phăng được Nhà nước đầu tư đồng bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường trạm, bà con nhân dân đang từng bước làm chủ khoa học, đưa giống mới năng suất cao vào đồng rộng quê nhà. Vụ mới nhất, bình quẩn lương thực đạt  gần 400kg/khẩu/năm, một mức lương thực cao của Điện Biên nói chung. Chiều tắt nắng, bóng tối bắt đầu phủ lấy Mường Phăng, chúng tôi tạm biệt khu rừng thiêng để vào Thành phố lịch sử. Đoạn cua mỗi lúc một dày hơn, anh lái xe từng lên Điện Biên vẫn thận trọng như mới đi lần đầu. Chưa đầy 30 phút ngồi xe, Điện Biên đã hiện ra trước mắt chúng tôi rực rỡ ánh đèn với dòng chữ mời gọi “Thành phố Điẹn Biên Phủ xin kính chào quý khách”. Điện Biên đây rồi! Trước khi đến mảnh đất này tôi vẫn hình dung "Pháo đài bất khả xâm phạm" sẽ đựơc khoanh lại tách riêng khỏi vùng dân cư. Nhưng tôi đã nhầm, quá khứ và hiện tại vẫn đang đan xen trong cuộc sống của người dân. Đồi A1 nổi tiếng nằm giáp đại lộ mùng 7-5, bước xuống xe là đặt chân ngay lên bậc dốc của đồi, những cây gố tếch cao lớn vẫn trầm ngâm toả bóng, cây đa cụt, hố nổ của khối bộc phá... tất cả kéo chúng tôi ngược về lịch sử: 1 giờ 30 phút ngàỵ 7- 5, lô cốt cây đa cụt-ụ thằng người bị Đại đội 674 tiêu diệt, quả đồi này đây, gần 3.000 chiến sĩ ta đã hy sinh trong những trận đánh giành đi, giật lại. Cậu phóng viên trẻ lặng lẽ gói lại một nắm đất thì thầm: Tớ sẽ mang tặng cô bạn gái nắm đất này, cô ấy là giáo viên dạy môn Lịch sử, rất  muốn mà chưa có điều kiện lên đây. Tôi hiểu niềm mong mỏi của cô giáo kia và chợt thấy mình may mắn bởi được đứng trên vùng đất khói đạn năm nào, để trong câu chuyện kể khi về tới quê nhà sẽ có vô vàn điều để nói.

Trên này là lịch sử hào hùng, dưới kia là con đường tấp nập người xe của thành phố trẻ, thành phố lịch sử và du lịch. Năm 2004, Năm du lịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, nhưng không chỉ riêng 2004 mà còn nhiều, nhiều năm nữa mảnh đất này vẫn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn, khi sân bay Mường Thanh đã được đầu tư xây dựng, đủ điều kiện chào đón bạn bè. Không đặt chân đến mảnh đất này thì khó có thể hình dung đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch đến thế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn liền với lịch sử. Điện Biên vẫn còn là một vùng văn hoá nguyên sơ chưa hề bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường. Với 21 dân tộc anh em, đông nhất là người Thái (46%), Kinh (24,6%), Mông (18,6%), Khơ Mú (5,6%) còn lại là người Tày, Nùng, Hoa, Xinh Mun thì những nét văn hóa độc đáo sẽ là điểm đến của những nhà nghiên cứu dân tộc học và du  khách trong ngoài nước.

Trước khi rời Điện Biên, chúng tôi đã đến hầm Đờ - Cát để chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm. Căn hầm hầu như không có gì khác so với những bức ảnh đã in trong sách báo. Chỉ có điều khi đến đây đứng trước căn hầm này lòng không khỏi tự hào về chiến thắng cha ông ta đã làm nên. Bức phù điêu đắp nổi tả lại quang cảnh quân ta chiến thắng và nét mặt thất trận của tướng Đờ - Cát dựng ngay bên cạnh hầm là minh chứng sống động cho chiến thắng ấy. Nhưng, chúng tôi đều hiểu rằng 50 năm trước trên đường tới căn hầm này đã có bao chiến sĩ ta ngã xuống, anh Can, anh Cương đã hy sinh trước giờ chiến thắng, mãi mãi ở tuổi thanh xuân cho Điện Biên hôm nay huy hoàng. Tôi chợt nhớ đã đọc những suy nghĩ trong cuốn hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn, người đã từng chỉ huy Đại đoàn 312 trong chiến dịch: Kẻ thù của chúng ta không phải về trang bị kỹ thuật, trong chiến tranh thắng bại đâu có nghĩa là ai bắn nhiều hơn ai mà là ai nghĩ nhiều hơn ai. Chúng ta hiểu rằng sức mạnh chúng ta có được ngày hôm nay chính là bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc bất khuất của cha ông ta thuở trước, nhân dân và lãnh tụ của mình đã kế tiếp nhau xây dựng nên truyền thống ấy.

Đúng, sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc bất khuất của cha ông ta thuở trước và chính sức mạnh ấy là động lực hun đúc người dân Điện Biên không ngừng vươn lên hôm nay và mai sau. Quá khứ, hiện tại và tương lai đang nắm tay nhau hiện diện trên mảnh đất này. Chiến tranh đã đưa cả một dân tộc vào đau thương mất mát, nhưng dân tộc đó đã hồi sinh với một nhịp sống mới. Một ngày nào đó nếu tôi đưa một người bạn nước ngoài đến Điện Biên Phủ và chỉ vào một cửa hàng lộng lẫy sắc mầu của ánh điện, của trang phục dân tộc và bảo rằng đấy chính là một trong nhiều cứ điểm của tướng Đờ-Cát năm xưa thì đó vẫn là sự tôn vinh lịch sử. 

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy