Phạm Đức Hùng và tiểu thuyết đầu tay “Sắp đặt của số phận”
(Đọc tiểu thuyết “Sắp đặt của số phận”, NXB Lao động, 2022)
Bìa sách “Sắp đặt của số phận”. Thiết kế: Đào Tuấn
Cầm quyển sách mới của Phạm Đức Hùng trên tay - một tiểu thuyết - tôi không khỏi ngạc nhiên vì hơn chục năm nay anh là một dịch giả. Anh chuyên đóng góp tác phẩm dịch trên các ấn phẩm Văn nghệ Thái Nguyên, Văn nghệ Hội Nhà văn và Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mấy năm trước cũng ở chuyên ngành dịch thuật. Vừa đầu năm 2022 chỉ mới thấy xuất hiện một truyện ngắn “Về miền ánh sáng” trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn; cuối năm 2021 anh phải nhập viện vì căn bệnh cũng tương đối nguy hiểm, vậy mà giờ đây đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết này.
Cuốn sách cho người đọc cảm giác cũng đủ sự dày dặn với 267 trang khổ 13x19cm. Hình thức bài trí bìa rất bắt mắt. Tôi ngồi đọc sách với tâm trạng muốn khám phá xem thông điệp mà một dịch giả trình làng là gì. Cấu trúc và sự thể hiện có gì mới mẻ, khác biệt. Lại càng háo hức tìm hiểu bởi đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Phạm Đức Hùng.
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc sống và công việc học tập của chàng sinh viên tên Minh du học ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ở mấy chương đầu như giới thiệu qua về văn hóa, cũng như phong cách của người Đức tại vùng Jena. Tôi có cảm giác cách miêu tả của Phạm Đức Hùng có chút ảnh hưởng lối viết phương Tây. Sự miêu tả tỉ mỉ từng lối rẽ con đường trên phố, từng động tác nhân vật, hay cách tả quang cảnh cũng vậy. Trong các chương này ta gặp hình ảnh rất quen thuộc của các du học sinh: họ phải làm thêm các công việc phổ thông để có thêm thu nhập chi tiêu. Tác giả cũng bắt đầu cho người đọc thấy một mối tình chớm nở của chàng sinh viên người Việt với cô sinh viên người Đức. Cuộc đi chơi của đôi trai gái tại dãy núi An-Pơ nước Áo đã để lại một kết quả thật bất ngờ.
Đúng thời điểm tưởng như sự nghiệp và tình yêu đang biết bao thuận lợi với Minh: một sinh viên giỏi, với những tư duy khám phá được các giáo sư yêu mến; được bố mẹ người yêu chấp nhận; được người yêu sẵn sàng gắn bó cả đời mình thì một tai nạn ập đến. Minh chơi bóng rổ bị ngã, chấn thương đốt sống cổ gây liệt tay phải. Điều này đã trở thành một biến cố mới trong cuộc đời Minh. Anh phải trở về Việt Nam để chữa bệnh theo phương pháp đông y. Bao ước mơ, dự định của cuộc sống tan biến. Minh trở thành gánh nặng cho gia đình. Mẹ anh đã phải bán căn nhà đang ở, mua một chỗ ở khác rẻ hơn lấy tiền chạy chữa cho anh.
May mắn cho Minh việc chữa bệnh tiến triển, cánh tay phải của anh đã hồi phục. Nhưng nước Đức lại có biến cố mới, Đông Đức đã sáp nhập vào Tây Đức. Minh không thể quay sang tiếp tục học tập. Monika cho anh biết tin cô có thai trước khi anh về nước. Nhưng nước Đức đã bao xáo trộn, mọi liên lạc không còn đầu mối nào, kể cả các bạn cùng học của anh. Vậy là từ một sinh viên du học, anh phải gõ cửa khắp nơi ở quê nhà để kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và nuôi hy vọng một ngày được tìm lại con và người yêu. Vào làm tại nhà máy cơ khí Việt Bắc, Minh phải làm đủ các công việc thủ công nặng nhọc. Nào nắm than, đập đá cho vào lò vôi, bốc vác, cạo gỉ sắt. Tại đây, anh đã có những sáng kiến và được chuyển sang tổ nhiệt luyện. Nhưng rồi do sự ứng xử của bảo vệ nhà máy, Minh lại xin rời khỏi nơi này.
Một lần nữa cuộc sống lại thử thách Minh, anh lại chuyển sang học tin học và thành lập trung tâm tin học, ngoại ngữ Vạn Phúc. Minh dạy thêm tiếng Đức để có thêm thu nhập. Khi trung tâm đang làm ăn ổn định thì mẹ Minh mất. Vốn có sẵn tiếng Đức, Minh quyết định học thêm văn bằng hai tiếng Anh, giải tán trung tâm tin học thành lập cơ sở dịch thuật tại nhà. Kiếm được văn bằng tiếng Anh, cơ sở dịch thuật đang hoạt động thuận lợi thì anh chị em trong gia đình khúc mắc chuyện đất đai, tình cảm ruột thịt bị đổ vỡ, kiện tụng lẫn nhau. Minh đau buồn nhưng nén lòng hy sinh vì chị em mình. Cái ý định phải tìm cơ hội quay sang Đức tìm người yêu và con không lúc nào nguôi trong Minh.
Rồi dịp may đã đến. Một học sinh cũ học tiếng Đức của Minh đang mở nhà hàng tại Đức cần tuyển đầu bếp. Nhận thấy cơ hội sang Đức hợp pháp, Minh học cấp tốc chứng chỉ hành nghề nấu ăn. Được cậu học sinh giúp đỡ, Minh đã sang được Đức và có việc làm thuận lợi. Tại đây, Minh còn hoạt động xã hội và đã gặp lại được Hoàng - bạn thân cũ. Gặp thêm các bạn người Đức và manh mối tìm kiếm được Monika hiện hữu dần. Minh đã gặp được con gái khi tìm kiếm qua Facebook. Rồi gặp Monika sau mấy tháng sống thực vật do tai nạn.
Một cái kết có hậu. Monika tỉnh dần sau những ngày bên Minh. Một cuộc đoàn viên của Minh và Monika cùng con là Hồng An-Pơ sau hơn hai mươi năm chờ đợi và vượt qua biết bao thử thách trong cuộc đời.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, tôi thở phào và vô cùng cảm động trước cảnh đoàn viên khi Monika tỉnh lại. Và tôi chợt nghĩ, sự sắp đặt của số phận như tác giả lấy tên cũng đúng, nhưng chính xác hơn có lẽ phải là vượt lên số phận. Suốt hơn hai mươi năm, những biến cố cứ liên tiếp đè lên số phận của Minh. Trình tự diễn biến nhân vật được trải theo những diễn biến của đất nước và cả trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại lồng các chi tiết sự di cư như bị dồn đuổi tại châu Phi, hay sự lục đục trong gia đình về đất đai. Nó đều có nguyên nhân của sự thay đổi trật tự quyền lực hay thay đổi lòng người. Điều đó phản ánh lên thực tế xã hội của giai đoạn đó.
Qua tác phẩm, tác giả thể hiện rõ quan điểm nhân văn xuyên suốt. Số phận của Minh gặp nhiều sự trớ trêu là thế, nhưng anh không mất niềm tin vào cuộc sống. Không mất niềm tin vào bản thân. Luôn chung thủy trong tình yêu. Không hằn học, oán trách ai mà chỉ buồn về những ứng xử ấy rồi quyết vượt qua. Bị tai nạn vẫn vượt lên. Bị người đời và cả người thân đối xử tệ bạc vẫn nín nhịn, chịu thiệt thòi. Bị muôn vàn cách trở về địa lý và điều kiện xã hội nhưng vẫn dành tất cả tâm trí, tình cảm của mình cho người mình yêu. Điều này tác giả như không muốn đổ lỗi cho cá nhân nào mà chỉ muốn nói lên thông điệp. Con đường đời của mỗi con người không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nó như số phận đã được sắp đặt. Ai có lòng tin vào điều tốt, lạc quan làm theo điều tốt, sống thủy chung thì sẽ nhận về điều tốt lành. Cái ác, lòng tham luôn hiện hữu trong mỗi con người, mỗi gia đình. Khi để những điều đó nổi lên thì con người không còn giữ được tình nghĩa nữa.
Ở phạm vi lớn hơn tác giả còn muốn gửi đến thông điệp về sự bình đẳng giữa các màu da, dân tộc, đến lớp người luôn bị bạo lực và các hủ tục đè nén, xua đuổi. Phải nói rằng, tác giả phải có vốn hiểu biết khá kỹ về đất nước và con người Đức. Có những nhìn nhận sâu sắc về những biến đổi ở trong nước và châu Âu thập kỷ 90 của thế kỷ trước mới có ý tưởng cho tác phẩm này.
Tóm lại, qua câu chuyện của nhân vật chính, tác giả luôn cài các chi tiết phụ để làm nổi lên một tư tưởng nhân văn xuyên suốt tác phẩm. Vừa có cái riêng đôi lứa, nhưng vẫn có cái chung của con người, xã hội. Với một tiểu thuyết đầu tay mà từ kết cấu đến các chi tiết của 17 chương được gắn kết để phục vụ ý tưởng như vậy tôi cho là một thành công đáng trân trọng của nhà văn, dịch giả Phạm Đức Hùng.
Tuy vậy, đã đọc thì cũng nên có sự chân thành về cảm nhận. Tôi biết Phạm Đức Hùng cũng muốn điều đó vì anh sẽ còn ấp ủ để viết những tác phẩm tiếp theo. Xin mạnh dạn đưa ra cảm nhận cá nhân về những điều tôi còn băn khoăn.
Tên sách “Sắp đặt của số phận” như gợi trước về những diễn biến câu chuyện sẽ diễn ra sau khi đọc mấy chương đầu. Điều này có phần làm bớt đi những bất ngờ cho người đọc chăng?
Giá như Phạm Đức Hùng khắc họa rõ nét hơn tính cách, tâm trạng nhân vật thay cho giọng kể ở một góc nhìn thuần túy thì truyện sẽ tăng sự hấp dẫn hơn.
Có những chi tiết tôi cho là không được gắn kết với mạch truyện và không cần thiết. Ví dụ như khi đang miêu tả quá trình chữa bệnh tại quê nhà, lại có đoạn miêu tả quá tỉ mỉ về lễ cưới hỏi của người chị. Nếu là muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam thì đoạn này có lẽ cũng không hợp lý. Hay là trong chương 11, khi đang trong tâm trạng không vui về những rạn nứt trong gia đình về chuyện đất đai. Khi học thêm lấy chứng chỉ nấu ăn tại Hà Nội, Minh đang ngồi tại nhà hàng Thủy Tạ nhìn ra Hồ Gươm, rồi sự tích Hồ Gươm được tác giả đưa vào cặn kẽ. Tôi cho là đoạn này không khớp với tâm trạng nhân vật lúc này.
Dù chỉ là những cảm nhận khi đọc sách, thì theo tôi, càng trân trọng những thành quả lao động đáng khâm phục của Phạm Đức Hùng, càng thấy trách nhiệm phải cùng chia sẻ những điều là kinh nghiệm cho những tác phẩm tiếp theo.
Tôi tin, anh vẫn đang ấp ủ những ý tưởng cho những câu chuyện mới. Và từ cuốn tiểu thuyết đầu tay này sẽ cho anh thêm nhiều hứng khởi trong sáng tạo. Chúc nhà văn, dịch giả Phạm Đức Hùng tiếp tục gặt hái nhiều thành công.
Phạm Quý
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...