Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:21 (GMT +7)

Phác thảo loại hình thơ mạng ở Việt Nam

Thế nào là thơ mạng?

Theo chúng tôi, thơ mạng là thơ được sáng tác, lưu hành trên mạng. Thơ mạng (poetry internet) hàm chứa trong đó hai đặc tính của một chủ thể: Thơ và Internet. Nhưng, bản thân thơ mạng lại không phải là phép cộng giản đơn của hai thuộc tính này.

Thơ mạng, như tác giả Hàn Sơn Thạch trong bài viết “Mấy vấn đề về thơ ca trên mạng ở Trung Quốc” cho rằng: “Thi ca mạng theo nghĩa hẹp là chỉ những tác phẩm thi ca trực tiếp sáng tác trên mạng đồng thời chủ yếu hoặc đầu tiên lấy mạng làm con đường truyền bá tức là những tác phẩm thi ca do cư dân mạng sáng tác trên máy vi tính công bố thông qua mạng đồng thời do cư dân mạng khác đọc tham gia bình luận”(*).

Thống nhất với quan điểm này, chúng tôi nhận thấy, thơ mạng có những đặc điểm như:  Chủ thể sáng tạo thơ mạng: cư dân mạng. Phương tiện sáng tác: máy vi tính, điện thoại thông minh,… (có thể hiểu là thiết bị công nghệ, có khả năng soạn thảo văn bản, có kết nối internet). Môi trường công bố: mạng internet. Chủ thể tiếp nhận: cư dân mạng. Những phương diện này là cơ sở cho việc hình thành một loại hình thơ gắn với nền tảng, không gian công nghệ, kĩ thuật số, gọi là thơ mạng.

Tác phẩm thơ mạng được xuất bản đầu tiên ở Việt Nam có lẽ là tập Net mùa thu của Hội Blogger Hà Nội. Tập thơ này tập hợp các sáng tác trên mạng của 32 nhà thơ - blogger Hà Nội, do Nxb Lao động ấn hành năm 2008. Như thế, ta hiểu rằng, thơ mạng đã có lịch sử từ trước đó với các thành viên tham gia Blog, Yahoo 3600,… Trong 32 tác giả này, chúng ta có thể thấy xuất hiện Nguyễn Trọng Tạo với tư cách Chủ tịch Hội Blogger Hà Nội, Nguyễn Phan Quế Mai, Vương Trọng, Vương Tâm, Trần Quang Đạo, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Hồng Hải,… Tập thơ này được biên tập trên tinh thần cố gắng giữ lại những dấu vết của thơ mạng với văn bản thơ và các bình luận (comment) (sau này ta sẽ thấy cách làm này trong 3.3.3.9 Những mảnh hồn trần của Đặng Thân). Cách làm này, về bản chất chỉ là sự lưu đọng có tính chất truyền thống của những hiện diện trên không gian mạng, phản ánh tâm lí nệ xuất bản giấy, dù đã cố gắng để hiện diện với dáng vẻ mới mẻ của mình. Với 32 tác giả, lại được tuyển lựa, dĩ nhiên, chất lượng của tập thơ đã được tinh lọc, không phản ánh một cách đầy đủ diện mạo thơ trên vnweblogs của cộng đồng Blogger Hà Nội. Có thể dẫn ra đây một minh chứng cho chất lượng của Net mùa thu: đậu vào trăng/ con gọng vó mắt nâu/ trò chơi dại bùng xanh đốm lửa/ đừng ngoảnh mặt trách thời lam lũ/ bến sông Hồng/ bàng bạc gió trăng (Chân cầu cổ tích - Nguyễn Hồng Hải). Phần bình luận của bạn bè, người đọc được thể hiện bằng các đoạn thơ, khổ thơ trích lại bày tỏ cảm xúc hay nhấn mạnh. Có người lại ứng tác làm luôn một khổ thơ từ cảm xúc sau khi đọc bài thơ,… Với tư cách là Chủ tịch Hội blogger Hà Nội, thành viên ban tuyển chọn tập thơ Net mùa thu, Nguyễn Trọng Tạo đánh giá thực trạng chất lượng cũng như đặc tính của tương tác thơ ca trên mạng: “Vì văn học mạng là một đám đông chưa được sàng lọc nên “thượng vàng hạ cám” đều có hết. Rất tạp nham. Thế nhưng được cái là người đọc rất biết cách đọc riêng của họ. Họ tự lựa chọn. Nếu dở thì người ta đọc vài lần rồi sẽ không đọc nữa. Có một nhược điểm nữa là nhiều khi người ta cũng hay làm vừa lòng nhau, nhiều lời khen để vui lòng nhau, thậm chí người ta không đọc nhưng cũng khen để làm quen nhau dẫn đến trường hợp một số tác giả ngộ nhận về văn chương”. Mỗi người một hai bài thơ, đôi ba cái comment tự lựa chọn… điều đó đã làm mất đi khá nhiều sắc thái, bản dạng của thơ mạng, nhưng cũng có thể nói lên một cách thành thực những yếu điểm của thơ mạng. Xét tổng thể, cái dở, phần dở của thơ vẫn nổi lên, chiếm tỉ lệ lớn, đúng như Hoài Thanh đã trần tình thời đọc Thơ mới (1932 - 1945): đọc một vạn bài thì có non vạn bài dở. Tuy nhiên, vẫn có những bài thơ hay, đẹp, xứng đáng để nằm trong bất cứ tuyển tập nào của thơ ca Việt đương đại. Bài thơ Chân cầu cổ tích của Nguyễn Hồng Hải là một ví dụ như thế.

Phần lớn những bài thơ dở bị loại đi để chỉ còn một số lượng ít ỏi in thành tập thơ Net mùa thu cho thấy mặt bằng chất lượng của thơ mạng khá thấp. Nhưng, dẫu như thế, những cái dở vẫn giúp ích cho một khảo sát, nhìn nhận từ phía các nhà nghiên cứu lịch sử, loại hình thơ mạng. Từ 2006 - 2009, mạng Yahoo 3600 đã tạo nên cơn sóng trong đời sống xã hội, văn chương Việt Nam. Loại hình văn học mạng trong đó có thơ mạng ra đời và phát triển khá rầm rộ. Năm 2009, Yahoo 3600 ngừng hoạt động, các mạng xã hội khác tiếp tục kế thừa và phát triển khí thế văn chương từ giai đoạn trước. Đáng chú ý nhất là sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook. Thơ mạng ở Việt Nam tồn tại chủ yếu trên Facebook, một số ít tồn tại trên blog do có lượng truy cập ổn định từ trước. Những tên tuổi và sinh hoạt thơ ca như đã nêu ở trên bắt đầu từ giai đoạn này.

Nhận định thơ mạng chất lượng chưa cao dường như không phải chỉ dành riêng cho loại hình thơ này. Đó là tình trạng chung của thơ Việt, cũng là cái khó chung của thể loại. Thơ hay quả thật luôn rất hiếm từ xưa đến nay. Trong mấy triệu tài khoản Facebook, cũng khó có thể kiểm kê hết những ai làm thơ trên dòng thời gian của mình. Bởi vậy, một số địa chỉ Facebook được cộng đồng chú ý như Nguyễn Phong Việt, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh,… trở nên khá hot. Nguyễn Thế Hoàng Linh là một cá tính đặc biệt của làng thơ Việt đương đại. Anh thông minh, sắc sảo cả về chữ nghĩa và góc nhìn đời sống. Thơ anh gợi lên sinh khí, phong thái của giới trẻ thị thành. Ở đó, vừa có nỗi buồn, niềm vui, những lo âu, sợ hãi, những tếu táo nghịch ngợm, những trăn trở về cuộc đời, về thế sự, tình yêu và lẽ sống… Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh trên mạng khá nhiều, chúng tôi lượm lặt những mảnh nhỏ ở đó, như là một ví dụ cho thơ mạng với nét lôi cuốn, hấp dẫn của nó: yêu em như hoa dại/ mọc hoang trên ngói sờn/nằm thơm trong từng cánh/ mà yên lòng cô đơn/ đêm qua mưa rào ấy/ gột rửa cho ngói hồng/ hoa mong manh vụn vỡ/ biết tôi giờ đâu không. Nguyễn Thế Hoàng Linh quan niệm: “Nghệ thuật là những thứ chất lượng nhất - đẹp nhất, hay nhất, được thán phục nhất”. Sản phẩm thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh luôn nỗ lực triển hiện tối đa có thể quan niệm thơ ca, nghệ thuật mà anh chủ trương và xây dựng. Trên Facebook của Nguyễn Thế Hoàng Linh, đi cùng những câu thơ có thể là hình ảnh một trang thơ được thiết kế theo phong cách handmade (thủ công - một phong cách thiết kế, chế tạo đang thu hút sự quan tâm, thích thú từ cộng đồng). Cũng có khi, một status của Nguyễn Thế Hoàng Linh hiện lên với vẻ thơ từ màu sắc đến hình họa. Ta hiểu rằng ở đó, thơ là cả không gian - giao diện, trong tương tác với cư dân mạng. Tác giả trình hiện thế giới nghệ thuật của mình ngay trước mắt người đọc bằng những gì trực quan nhất, bằng những gì hữu ích nhất. Những gì phía sau nữa sẽ được người đọc tương tác ở phần bình luận hay các kí hiệu biểu đạt. Tác giả sẽ trên cơ sở đó để nhận định về tác phẩm của mình. Đó cũng là nguyên lí chung của thơ mạng đang được nói tới trong bài viết này.

Cùng với Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Phong Việt cũng là những nhà thơ mạng đáng được gọi tên trong phác thảo, nhận diện này. Thơ Phong Việt là những tâm tư dịu nhẹ, những rung cảm thanh xuân, gặp gỡ, yêu thương, rời xa, tiếc nuối, nhớ mong… của những người trẻ tuổi. Hướng đối tượng đến người trẻ, lứa tuổi đầy mộng mơ, giàu cảm xúc, thơ Phong Việt nhanh chóng chiếm được cảm xúc, sự yêu mến và tìm đọc của cộng đồng Teen Việt Nam:

Chúng ta tìm thấy nhau bởi vì điểm cuối của hạnh phúc không phải là xót xa

Nhìn vào một tia nắng thay vì âu lo trước bầu trời u ám

Đắng cay nào cũng có thể xé đi trên nền yêu thương như một tờ giấy nháp

Bình yên như cách của chiếc lá đâm chồi dù biết đến ngày rơi xuống đất

Mỗi ngày nhận về những giọt sương…

Không khó để nhận ra dấu vết của những tháng năm người ta còn trẻ, với những suy tư và xúc cảm đến từ nỗi chơi vơi, hẫng hụt, yêu tin và âu lo. Người trẻ, thường khoác lên mình màu áo của sự trải nghiệm như đã từng sống trải rất nhiều thời gian. Họ ngỡ như mình là trung tâm của vũ trụ, cảm xúc của mình đã đến tận cùng cảm xúc nhân sinh, nỗi buồn là vĩnh cửu, niềm tin là một thứ tha giữ con người lại với đời. Thơ Nguyễn Phong Việt khai thác chiều kích của những tâm hồn tươi trẻ, dẫu có muộn phiền vẫn đẹp, đáng yêu và thanh thản. Sự thanh thản vẫn tỏa lên trong man mác lo lắng, trong dỗi hờn của nước mắt, của sợi tóc, của làn môi và hơi thở. Thơ Phong Việt hẳn sẽ không dành cho những người lớn tuổi, những trái tim, những tâm hồn đã hằn dọc ngang vết xước. Cảm xúc trong thơ mong manh, suy tư cũng miên man, thoảng như mây, như gió, như ánh mắt thoáng qua, như một làn hương không rõ là gợi về nỗi nhớ hay nhắc nhở một lãng quên đâu đó giữa thanh xuân. Vì thế, thơ Việt chạm vào thế giới của những người trẻ, còn trẻ. Cùng với lời thơ, không gian thơ của Nguyễn Phong Việt đượm màu sắc thanh xuân, tươi trẻ và thơ mộng. Một đôi vệt u ám lại càng gợi lên những thương yêu, mơ tưởng, những nẻo về hạnh phúc, những gặp gỡ mang niềm hi vọng:

Người đã đi được bao xa trong thế giới người hằng tin mà thật ra chỉ đầy những ảo tưởng ai cũng nghĩ hiểu được người lúc đang cười lẫn quay đi đau đớn ai cũng cho rằng mình đang bao dung để người được sống ai cũng nhìn người như nhìn một nỗi mặc cảm của cuộc đời ngoài kia…

Khác với Nguyễn Phong Việt, thơ Lê Vĩnh Tài lại là những rung cảm, suy tư của một người đã nếm trải đủ đầy những cung bậc sống của đời người. Thơ Lê Vĩnh Tài trên mạng thường hiện ra với những văn bản toàn chữ. Anh ít khi sử dụng hình ảnh hay kí hiệu, biểu tượng minh họa. Bởi thế, tương tác trên mạng chủ yếu diễn ra dưới hình thức đọc, thay vì có thể nghe, xem như Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lương Đình Khoa. Dường như, Lê Vĩnh Tài chỉ chuyển đổi phương thức trình bày, thay vì in lên giấy sang không gian mạng. Toàn bộ cơ chế sáng tạo của Lê Vĩnh Tài vẫn gần gũi với phong cách truyền thống. Thơ anh, và bản thân không gian mạng xã hội mà anh tham gia, cả “ngôi nhà” mà anh là chủ nhân trên facebook đều toát lên dáng vẻ của truyền thống thơ ca Việt Nam trước khi có mạng. Dẫu vẫn phải tuân thủ các quy định của không gian mạng, nhưng Lê Vĩnh Tài cố gắng giữ lại hoặc không rũ bỏ(được) những dấu vết của truyền thống. Thi thoảng, anh đăng vài tấm ảnh, lại không nhằm minh hoạ cho thơ hay hướng đến giao tiếp thơ. Như cách anh nói, thơ toàn chữ không có hình, hoặc toàn hình không có chữ: không phải ánh sáng/ lấp lánh nước mắt/ trong bóng đêm, sự im lặng kề bên bạn/ ngọn lửa, kéo chúng ta thật gần/ linh hồn bạn vẫn đang trôi dạt/chỉ có xác của bạn mới gọi được tên cái ác/ mùa xuân ôi/ con én lẻ loi (12 bài thơ - bài 2). Thơ Lê Vĩnh Tài được cộng đồng mạng đánh giá khá cao, được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm, xem như là tiêu biểu của loại hình thơ trữ tình trên mạng. Với những gì Lê Vĩnh Tài bày tỏ trong không gian của mình, có thể nói, đây là một diễn ngôn văn hóa xã hội. Chủ đề, cảm hứng, hình tượng trong thơ Lê Vĩnh Tài là những câu chuyện nóng bỏng, nhức nhối, đau lòng, hài hước, nghịch lí, chướng tai gai mắt… trong xã hội đương đại: bạn ngỡ/ sau chiến tranh/ người ta sẽ làm cho thế giới tươi đẹp/ không còn rỉ sét/ và bạn rơi vào tình yêu ảo tưởng/ nhưng sự cô đơn/ oán hờn/ vẫn còn dành cho bạn/ khi bạn cứ hồn nhiên lãng mạn/ ký tên mình (12 bài thơ - bài 5). Thơ Lê Vĩnh Tài không gò bó vào bất cứ thi pháp, cấu trúc nào. Ở đó, cộng đồng mạng nhận ra sự tự do trong thể hiện cảm quan cá nhân, những rung động và suy tư của tác giả về thời mà anh ta đang sống. Lê Vĩnh Tài hẳn có ý thức về việc cần phải giải phóng cách viết, hay đúng hơn, anh không bị một quy ước thể loại tiên nghiệm nào chi phối. Điều này cũng cho thấy thái độ, quan niệm về thơ của tác giả. Cư dân mạng, trước hết là trong danh sách bạn bè của Lê Vĩnh Tài đánh giá khá cao thơ của anh. Thậm chí, có người còn quả quyết thơ Tài hơn hẳn cả thơ của Bob Dylan vừa được trao giải Nobel văn chương 2016.

Một kiểm kê sẽ trở nên thiếu sót nếu cố gắng để điểm ra từng gương mặt, từng giọng điệu. Bởi vậy, khảo sát bước đầu về thơ mạng của chúng tôi chỉ dừng lại ở những trường hợp có tính điển hình. Theo đó, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Phong Việt, Lê Vĩnh Tài là những tác giả xứng đáng nằm trong danh sách các facebooker, các nhà thơ mạng hàng đầu ở Việt Nam. Cùng với đó, còn có thể nhắc đến những bài thơ duyên dáng, kín đáo của Lữ Thị Mai, Trần Ngọc Mỹ, Vũ Thiên Kiều, những bài thơ đọc trên nền nhạc trữ tình kèm hình ảnh dễ thương trong các blog radio của Lương Đình Khoa, thơ lục bát khá nhuần nhuyễn của Nguyễn Tuấn,…

Xác ngày nằm chết núi xa

Lá hoa hoảng hốt tiếc tà dương tan

Vạt rừng lặng lẽ buông màn

Thấy người ôm nỗi hoang mang

                                             đứng chờ

(Chiều rỗng - Nguyễn Tuấn)

Đêm!

em trôi xa hơn tưởng tượng

có chiếc lá mong manh

                             ngoài vườn khuya

chợt vỡ có màn sương giăng di

                                     xóa từng con chữ

Có người thẫn thờ trong ảo ảnh cô đơn!

(Ảo ảnh đêm - Trần Ngọc Mỹ)

Tháng Tư mềm như một nụ hôn êm

Ngày đi qua nụ cười hiền con gái

Ta ngoái trông một khoảng trời vụng dại

Níu ban mai cho gió đếm tuổi mình

(Này em có nhớ tháng Tư - Lương Đình Khoa)

Trong những động thái có tính cổ vũ cho thơ và thơ trên mạng, một cuộc thi thơ trên Facebook đã diễn ra. Ban tổ chức đã nhận được hàng vạn bài thơ của hơn 3000 tác giả. Giải Nhất cuộc thi được Hội đồng chung khảo gồm Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phong Việt, Lê Minh Quốc, Hồng Thanh Quang, Văn Lê… trao cho Sâm Cầm với hai bài thơ: Sài Gòn, Sài Gòn; Nấc cụt. Giải Nhì được trao cho Hoàng Anh Tuấn với bài Phơi váy… Xung quanh cuộc thi thơ này, vấn đề chất lượng và sự xứng đáng của các hạng mục giải thưởng cũng trở nên ầm ĩ. Tuy nhiên, từ góc độ xã hội học, đó là phong trào đã lôi cuốn nhiều người làm thơ, tập hợp được nhiều tác giả và tác phẩm. Sự xuất hiện của cuộc thi thơ này, cùng với các hiện tượng tiêu biểu ở trên, minh chứng cơ sở tồn tại, sức sống và tương lai của thơ mạng.

Thơ mạng, như đã nói, sinh thành và vận động trong không gian mạng. Điều đó gợi lên những suy nghĩ về thế mạnh, hạn chế của mạng internet đối với thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Thơ hay hiếm hoi, nhưng không phải không tìm thấy trong cộng đồng thơ mạng. Cũng như thơ in trên giấy, báo, xuất bản thành tập… hay dở là câu chuyện muôn đời. Những tác giả, tác phẩm được chúng tôi khảo sát, giới thiệu ở đây, chỉ là một lát cắt, một mảnh vỡ của cộng đồng cư dân mạng, thi sĩ mạng đang ngày một đông đảo ở nước ta. Cơ chế tồn tại và đào thải của văn học mạng cũng khắc nghiệt không kém ngoài đời, vì vậy, những tác giả, tác phẩm không có chất lượng sẽ trôi dần vào quên lãng. Dẫu như thế, trong tính bình đẳng của những diễn ngôn văn chương - xã hội, những dữ kiện của đời sống, thơ mạng đã và đang thể hiện sự tồn tại của mình một cách mạnh mẽ. Điều đó, trong ý nghĩa tích cực của nó, làm cho đời sống văn học trở nên sôi động, phong phú. Nơi đó, chúng ta có thêm hi vọng về những giá trị mới được tạo dựng, cho nghệ thuật và cho cuộc đời.

(*) Hàn Sơn Thạch, “Mấy vấn đề về thơ ca trên mạng ở Trung Quốc”, Vũ Phong Tạo dịch, http://phongdiep.net.

 Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy