Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:40 (GMT +7)

Núi thiêng hoa vẫn tím – Khúc ca về những viên ngọc núi

1. Huyền thoại xúc động về 60 chiến sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915 khi làm nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên) đã hy sinh anh dũng đúng đêm Noel 24/12/1972 bởi loạt bom B52 của Mỹ rải thảm đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc các thể loại như thơ, nhạc, truyện dài, tiểu thuyết đã ra đời và được công chúng quan tâm đón nhận. Tập sách Núi thiêng hoa vẫn tím (Nxb. Quân đội Nhân dân, H.2018) của hai tác giả Phan Thái và Minh Hằng là sự tiếp nối nguồn cảm hứng tưởng chừng chưa bao giờ vơi cạn về chiến tranh và những mất mát, hy sinh thời chống Mỹ mà người Thái Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đã trải qua.

 

Núi thiêng hoa vẫn tím có độ dày chỉ hơn 200 trang nhưng đã nén trong nó một dung lượng nội dung không nhỏ. Với 24 truyện ký và bút ký, tập sách chia thành hai phần: Phần một Trăng miền ký ức (gồm 6 truyện ký của Phan Thái) và Phần hai Núi thiêng hoa vẫn tím (bao gồm 18 bút ký của Phan Thái và Minh Hằng).

2. Đọc Núi thiêng hoa vẫn tím, có thể nhận thấy sự thành công của tác phẩm trước hết là ở việc lựa chọn thể loại. Phan Thái và Minh Hằng đã chọn thể loại ký để tái hiện hiện thực - một hiện thực khốc liệt, đầy bi thương của thời chiến tranh chống Mỹ được phục dựng một cách khéo léo, sinh động qua hồi ức của những nhân chứng lịch sử. Đó là những người thân yêu hoặc những người từng một thời đã gắn bó, chia sẻ gian khổ, ngọt bùi cùng những anh, chị thanh niên xung phong đã đột ngột ra đi vĩnh viễn bởi trận bom ác nghiệt của kẻ thù trút xuống vào một đêm định mệnh, để lại nỗi đau đớn, sự bàng hoàng tiếc thương cho mãi đến hôm nay vẫn chưa phút nào nguôi… Họ là những người được tác giả ủy thác để cất lên tiếng nói về sự thực. Những câu chuyện Bát cơm dành cho chị, Bức ảnh không tìm thấy, Mùa thị chín, Trăng miền ký ức, Cuối chiều nghe gió, Tiếng chim lưng chừng trời, Rưng rưng tháng bảy, Tuổi mười tám trên đôi chân tứa máu, Núi thiêng hoa vẫn tím, Chuyện ít biết về hai liệt sĩ hy sinh tại ga Lưu Xá, Đêm nhân chứng, Chị vẫn ở trong tim em đây, Giọt nắng miền gió xanh, Tấm lòng người mẹ, Những viên ngọc núi… được kể ngắn, gọn nhưng đã phục dựng ấn tượng một bức tranh tổng quan về cuộc sống của con người và chiến tranh - đó là một bức tranh loang lổ sắc màu u ám. Những nét chấm phá đầy ám ảnh của bức tranh như bom đạn và cái chết góp phần giúp bạn đọc hôm nay thức nhận rõ hơn tính chất khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh và thân phận đau khổ của con người khi phải trực diện với chiến tranh. Hoàn cảnh chiến tranh cũng là thử thách cho thấy tinh thần sống, chiến đấu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh của “những viên ngọc núi” - những chàng trai, cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi là con em của đồng bào các dân tộc ít người của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Như nhiều thanh niên trên khắp mọi miền của đất nước khi đó, những chiến sĩ thanh niên xung phong của Đại đội 915 đã gác lại mọi ước mơ, khát vọng hạnh phúc cá nhân, họ xung phong, thậm chí “trốn nhà” ra đi để được thỏa nguyện ước vọng của tuổi trẻ. Sống, làm việc trong đói nghèo, khó khăn, vất vả đến cùng cực nhưng họ vẫn kiên cường, dũng cảm bám trụ mặt đường, bám cầu, sửa chữa, san lấp, giải tỏa hàng hóa, đảm bảo giao thông được thông suốt. Họ trẻ trung, khỏe mạnh, tuổi thanh xuân phơi phới, nhưng trận bom B52 tàn bạo của Mỹ trút xuống đã lạnh lùng cắt ngang cuộc sống của sáu mươi con người đầu xanh, tuổi trẻ chỉ trong tích tắc…

Người đọc bàng hoàng, đau đớn, hụt hẫng bởi những chàng trai, cô gái mang những cái tên giản dị, gần gũi Phương, Thúy, Cát, Năm, Ly, Chảy, Tiến, Nguyên, Hòa... vừa mới đó hiển hiện trên cõi đời bằng da bằng thịt với giọng nói, nụ cười trong trẻo, hồn nhiên yêu đời mà chỉ trong khoảnh khắc tất cả đã thành tro bụi, tan vào cõi thiên thu: “Cô ấy hy sinh đúng chỗ này. Ruột gan văng ra ngoài, đội cứu thương phải gom vào chậu úp lên bụng” (Mùa thị chín); “Trong các đợt không kích của máy bay địch, rất nhiều người đã trúng bom… bốn chị ở nhà mình, ba chị không còn nữa” (Cuối chiều nghe gió); “Cùng đồng đội lau vết máu trên gương mặt xinh xắn còn ánh lên nét ngây thơ tuổi mới lớn, giọng Ly như người mất hồn: Em ra đi mà chưa kịp biết viết tên mình” (Bức ảnh không tìm thấy).

Khác với những tác phẩm trước viết về đội thanh niên xung phong 915, ở tập truyện ký này, các tác giả đã quan tâm khai thác từ những nhân chứng những chi tiết đời tư có nhiều góc khuất của những liệt sĩ mà chưa từng có điều kiện và cơ hội được tiết lộ, những chi tiết ám ảnh sâu sắc, nhiều khi khiến trái tim người đọc nhói đau.

Trong số những đội viên thanh niên xung phong có nhiều người chưa từng yêu một ai, có người vừa chớm nở tình yêu, có người chỉ mới được chạm tay vào hạnh phúc lứa đôi được vài ngày…, nhưng tất cả khát vọng yêu đương và hạnh phúc đời người đã vĩnh viễn rời xa họ: “Vợ sinh được tám ngày, Nguyên về bế con được một đêm, rồi đi, hai ngày sau thì hy sinh” (Những viên ngọc núi); “Anh Hoàng Văn Thắng quê ở xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn yêu chị Nông Thị Nga quê ở xã Hữu Thác, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Mối tình của anh chị đẹp như những câu chuyện cổ tích, lời yêu thương lẫn vào trăng bên bến nước sông Cầu. Cả anh Thắng và chị Nga đều ở trong căn hầm bê tông oan nghiệt. Khi trúng bom, anh bị bê tông chèn ngang lưng, kẹp cứng chân, đất trùm kín mặt. Nằm trong đất, anh bất lực nghe tiếng kêu rên đau đớn và lời người yêu gọi: Anh ơi! Cứu em…!. Đau đáu với tiếng kêu cứu của chị Nga, tới giờ anh vẫn chưa lập gia đình” (Bom đạn quân thù không ngăn nổi những trái tim yêu thương). Đọc tác phẩm chúng ta không khỏi xúc động trước những đám cưới vội vàng của những đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết, và còn đớn đau hơn khi họ đã mất nhau vĩnh viễn khi mới chỉ kịp ở bên nhau có vài tiếng đồng hồ sau lễ cưới. Cái chết thảm thương và những tình yêu bị thất lạc nhau giữa mưa bom đạn lửa chiến tranh khiến lòng người quặn thắt.

Có thể thấy trong ý thức nghệ thuật, tác giả Phan Thái và Minh Hằng đã đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của những nữ thanh niên xung phong. Chiến tranh là một hoàn cảnh không bình thường, là hoàn cảnh bắt buộc của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử.  Lẽ ra, như cách nói của nhà văn Svetlana Alexievich, “chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, nhưng ở Việt Nam thì khác, chiến tranh xảy ra, hình ảnh nữ chiến sĩ xuất hiện khắp mọi nẻo đường... và ở Bắc Thái (Thái Nguyên, Bắc Kạn) ngày đó cũng không  ngoại lệ. Với tinh thần dũng cảm hy sinh cho lý tưởng của dân tộc, những “bông hoa đẹp” của núi rừng đã đi vào cõi bất tử cùng vẻ thanh tân, trong sáng, rực rỡ nhất của thời thiếu nữ. Họ đã vĩnh viễn hóa thân vào mỗi góc phố, con đường, hàng cây, ngọn cỏ quen thuộc của quê hương…!

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng bi kịch mà các chiến sĩ thanh niên xung phong nói chung và đại đội 915 nói riêng đã trải qua khiến chúng ta hôm nay không thể không rơi nước mắt nghẹn ngào - đó là những giọt nước mắt có giá trị thanh lọc tâm hồn bạn đọc - một điều rất cần cho cuộc sống của thời đại kỹ trị hôm nay khi người ta thường ráo hoảnh quay đi trước nỗi đau của đồng loại. Tái hiện nỗi đau riêng của từng nhân vật để thấy thân phận khốn khổ, mong manh của kiếp người trong chiến tranh âu cũng là góp phần tố cáo tội ác của chiến tranh, lên án chiến tranh và nói lên khát vọng, ước mơ hòa bình mãi mãi cho cuộc sống - đây cũng nét là thành công cần được ghi nhận của tác phẩm này.

Ghi chép sự thật là đặc trưng quan trọng nhất của thể loại kí, cho nên các chi tiết trong truyện càng chân thực, cụ thể bao nhiêu, tính thuyết phục của tác phẩm càng cao bấy nhiêu. Tính chân thực tạo cho người đọc cảm giác khoảng cách thời gian, không gian giữa chiến tranh và hòa bình được kéo gần lại. Với cách xử lý nghệ thuật khéo léo, các tác giả Phan Thái, Minh Hằng đã giúp bạn đọc như được ngược dòng thời gian, sống lại những năm tháng lịch sử bi thương, hào hùng của dân tộc, lắng nghe rõ hơn âm vang cuộc sống thời lửa đạn để cảm thông, chia sẻ sâu sắc hơn những thiệt thòi, mất mát đau thương đến tột cùng của những người phải kinh qua chiến tranh. Tập sách cũng đồng thời cũng cho thấy sự khổ công, kiên nhẫn và tấm lòng, trách nhiệm của hai tác giả trong hành trình kiếm tìm, xác minh cứ liệu lịch sử để kiến tạo tác phẩm.

3. Núi thiêng hoa vẫn tím là tác phẩm được kiến tạo bởi chất liệu sống, những câu chuyện có thật đẹp như huyền thoại về những chiến sĩ thanh niên xung phong của đại đội 915 đã bắc nhịp cầu kết nối tâm linh, kết nối đối thoại ân tình của người hôm nay với người đã khuất, bày tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn và từ đó đối thoại với chính mình. Tiếp nhận tác phẩm chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao ngày đó những người trẻ tuổi lại có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh những gì thuộc về hạnh phúc cá nhân mình? Tại sao ngày đó khó khăn, gian khổ chất chồng mà con người sống với nhau tình nghĩa và giàu yêu thương như thế? Người hiện thời suy nghĩ gì trước những thiệt thòi, mất mát của người đi trước? Sức cảm hóa tỏa ra từ những câu chuyện thấm đẫm đau thương và tinh thần quả cảm của “những viên ngọc núi” mãi mãi nhắc nhở những người đang sống hôm nay bao điều xin hãy đừng quên.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy