Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
22:54 (GMT +7)

“Nụ hôn” trong thơ Việt Nam thời chiến 1945 – 1975

VNTN - Nụ hôn là một tài sản quý giá, thiêng liêng của con người bởi nguồn gốc của nó là một cam kết với thánh thần. Nụ hôn cũng là tài sản có tính riêng tư nhất, có tính tư hữu. Bởi tính cá nhân, tư hữu ấy, người ta, trong cái nhìn có tính đại khái, dễ cho rằng văn chương sử thi vốn đề cao cái chung, cộng đồng, không tồn tại nụ hôn cá nhân, riêng tư. Có phải vậy không? Đọc thơ kháng chiến Việt Nam 1945 -1975, như một trường hợp điển hình của văn chương sử thi, mới hay, nụ hôn vẫn xuất hiện trong những ngày sục sôi lửa khói, trong gian khổ hi sinh, trong hi vọng dựng xây, trong cả tinh thần đại chúng mà thơ giai đoạn này hướng đến.

Đọc thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975, có thể thấy nụ hôn vẫn xuất hiện, dù không nhiều như những hình tượng khác. Một điều nữa, nụ hôn thời chiến cũng có những hàm chứa đặc biệt, không chỉ mang ý nghĩa là thể hiện gắn bó tình cảm nam nữ. Nụ hôn trong thời chiến là nụ hôn của tình cảm lớn, của ý chí, nghị lực, niềm tin và sự gửi trao, sự gắn bó của con người cá nhân trong thời đại lớn. Chẳng hạn, đó là nụ hôn của Bác trong niềm hi vọng sâu xa về tương lai đất nước:

 Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng,

hình đất nước phôi thai 

(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

Đó là nụ hôn có tính hình tượng, một nụ hôn từ trong tưởng tượng, cảm xúc thiêng liêng của nhà thơ. Nhưng, phải mượn nội dung của nụ hôn để nói về một lời hứa, một hi vọng. Bởi chính ý nghĩa căn bản của nụ hôn đã khiến cho Chế Lan Viên nghĩ về nụ hôn của Bác ngày về trên đất mẹ Việt Nam. Với Tố Hữu, nhà thơ trữ tình công dân, nụ hôn có khi là niềm cảm phục, sự trân trọng những con người đã dâng hiến đời mình cho cách mạng:

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt

Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt

Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh

Trên mình em đau đớn cả thân cành 

(Người con gái Việt Nam - Tố Hữu)

Lúc này, nụ hôn không chỉ là tình yêu nam nữ, mà, có lẽ đã hiện về từ ký ức những tình cảm thiêng liêng của sự tôn sùng, ngưỡng vọng. Ở một hoàn cảnh khác, có tính phổ biến hơn của thơ ca kháng chiến, Tố Hữu cũng cho thấy sự hòa quyện, gắn kết giữa tình riêng và lý tưởng chung, giữa cá nhân và đoàn thể:

Anh nắm tay em sôi nổi vụng về

Mà nói vậy: “Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu…”

Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”

Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí

Dắt nhau đi cho đến sáng mai nay

Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay.  (Bài ca mùa xuân 1961 - Tố Hữu)

 Ảnh minh họa     (Nguồn: Internet)

Những phán xét riêng tư, cá nhân dễ không đồng cảm được với Tố Hữu trong hoàn cảnh này. Nhưng, nếu hiểu rằng, không phải là đồng chí hẳn chẳng thể có tình yêu, nói gì đến nụ hôn. Bởi vậy, với Tố Hữu nói riêng và con người Việt Nam thời chiến nói chung, yêu nhau nghĩa là sống trong tình yêu chung thiêng liêng của Tổ quốc. Yêu nhau là cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng chung nhiệm vụ cứu nước. Nếu không có tình yêu nước, tình yêu cá nhân sẽ chẳng thể nảy nở. Vấn đề này truy vấn trở lại ngọn nguồn của xúc cảm yêu đương, đồng thời xác lập sắc thái của tình yêu trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể. Em, trong thời chiến chinh, là người yêu, cũng là đồng chí:

Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí

Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em mãi là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

(Núi đôi - Vũ Cao)

Nụ hôn thời chiến hàm chứa nhiều hơn cái nghĩa thông thường của đời sống luyến ái cá nhân. Như thế, phải thấy rằng, nó không nghèo nàn hay bị biến tướng vì những lý do bên ngoài ái tình. Em, không chỉ là người yêu, là đồng chí, mà còn là ánh sáng, niềm tin, là hi vọng, đợi chờ, là nơi ra đi, và cũng là nơi hẹn ngày trở về. Nụ hôn trong thời khắc gian nguy của dân tộc, biến sắc thái ái ân thành ngọn lửa, ánh sáng trên đường ra trận:

Anh hôn em lần cuối cùng

Hôn lên một vùng trời sáng 

(Buổi hẹn hò lớn lao - Nguyễn Khoa Điềm)

Tình yêu, trong ý nghĩa bản thể nhất, hàm chứa sự tự do. Không ai ép buộc được tình yêu, càng không ép buộc, cưỡng bức được nụ hôn (nếu không muốn phạm vào tội ăn cắp nụ hôn như thời cổ trung đại từng nhắc đến hoặc tội cưỡng hiếp như pháp luật hiện đại đang áp dụng). Bởi vậy, trong những nhịp đập của trái tim đòi sống, nụ hôn đã trở thành biểu tượng của tự do:

Khi người ta yêu nhau

Hôn nhau trong say đắm

Còn anh, anh yêu em

Anh phải ra mặt trận

Yêu nhau ai không muốn

Gần nhau và hôn nhau

Nhưng anh, anh không muốn

Hôn em trong tủi sầu

Em ơi rất có thể

Anh chết giữa chiến trường

Ðôi môi tươi đạn xé

Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi

Yêu em anh không thể

Hôn em bằng đôi môi

Của một người nô lệ. 

(Hôn - Phùng Quán)

Có lẽ, với những câu thơ nồng nàn, khí phách này của Phùng Quán, khoảng cách của cá nhân, riêng tư và cảm thức lớn lao của tình yêu đất nước, yêu tự do đã được xóa nhòa, được đồng nhất. Sự trói buộc trái tim phải được xem là tội ác, cũng như, yêu, hôn nhau trong sự trói buộc hay cưỡng bức, thực chất không phải là tình yêu.

Tình yêu là tình cảm cao đẹp của con người, biểu hiện của tính người. Nụ hôn thể hiện tình yêu, nên nó là biểu tượng. Những năm dài đất nước cắt chia, khi nụ hôn trở thành lời hứa, thành những “hẹn hò lớn lao”, đó là động lực để “người con trai ra trận/ Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Miền Bắc đã hồi sinh (sau 1954), cuộc sống tự do về trên mỗi xóm làng, mỗi ngôi nhà, mỗi con người. Trong niềm vui, hạnh phúc ấy, “hoàng tử của thơ tình Việt Nam” - Xuân Diệu, như con chim nhớ mùa yêu đương, lại hát ca những giai điệu ngọt ngào, thắm thiết:

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt

(...)

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi! 

(Biển - Xuân Diệu)

Vẻ đẹp của nụ hôn ái ân vẫn ở đấy, trong cái dào dạt muôn đời của lẽ sống, tình yêu. Nhưng, trái tim ta đâu chỉ đập đơn điệu một nhịp mãi mãi. Sẽ có lúc trái tim ấy rộn lên vì xúc động, khi lại bừng lên vì hờn căm, giận dữ. Tình yêu, nụ hôn mang trong nó những rung động đa dạng của trái tim, mà con người, với những gì máu thịt nhất, thành thực nhất mới có thể nhận ra, có thể tỏ bày.

Nghiên cứu đời sống xã hội, hôn không chỉ là biểu hiện của tình yêu đôi lứa. Chúng ta có những nụ hôn nghi thức, nụ hôn của bè bạn, của cha mẹ, của con cái. Như thế, nụ hôn chuyển tải thông điệp về tình yêu thương, là thái độ, xúc cảm của con người trong mức độ gắn bó sâu sắc. Hành vi bắt tay có thể dễ dàng thực hiện, nhưng trao nhau một nụ hôn nghĩa là tình cảm đã cao hơn mức độ xã giao - dù là ôm hôn theo nghi thức ngoại giao. Sự thật, thơ Việt Nam thời chiến 1945 - 1975, ít nụ hôn ái ân, cũng ít những nụ hôn bè bạn, mẹ cha và con cái. Đó không phải là sự nghèo nàn của xúc cảm tinh thần hay chủ đề thẩm mĩ. Khi sự sống bừng lên phía đầu ngọn súng, khi lý tưởng, tình yêu, cảm xúc được thắp sáng bằng ý chí đấu tranh giết giặc, thống nhất đất nước, nụ hôn cũng mang sắc thái sử thi:

Ta lợp lại từng mái rạ

Ta lấp đi từng hố bom…

Trước cửa ngôi nhà cháy dở

Hôn con, mẹ bảo: Lên đường

(Ngã ba thị xã - Lưu Quang Vũ)

Và, khi đó, nụ hôn có lẽ đã được chuyển hóa thành một dạng thức khác, mang tính đại chúng hơn.

Việc tìm hiểu một biểu hiện của xúc cảm con người thông qua nụ hôn, trong thơ kháng chiến Việt Nam nhằm mục đích lần tìm những vi mạch của đời sống trong dòng chảy cuộn sôi của thời đại cách mạng. Dẫu không phải là những biểu hiện trung tâm, nhưng nụ hôn trong thơ thời chiến cho thấy sắc thái nhân văn tiềm tàng không ngưng nghỉ trong mạch sống tinh thần, cảm xúc của con người Việt Nam. Điều đáng nói chính là, trong hoàn cảnh Việt Nam thời chiến, nụ hôn - với sắc thái riêng tư, cá nhân đã hòa nhập với sắc thái cộng đoàn để ngời lên những tình cảm lớn lao, cao cả của thời đại: cả dân tộc có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt (ý thơ Chế Lan Viên). Có lẽ, sẽ là một gợi ý chăng, nụ hôn thời chiến là biểu hiện đẹp nhất của phạm trù mĩ học: lãng mạn sử thi.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy