Nụ cười công chức
VNTN - Nụ cười cần lắm trong đời sống. Một dân tộc, mà đến đâu cũng gặp nụ cười, ấy là dân tộc đang hạnh phúc. Một quốc gia (hay địa phương, đơn vị), mà từ người đứng đầu đến thường dân đều có nụ cười, thì quốc gia (hay địa phương, đơn vị) ấy nghèo cũng thành giàu, yếu cũng thành mạnh. Chẳng phải ngay trong những năm còn chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn mọi bề, mà dân ta vẫn cảm thấy hạnh phúc hay sao? Tố Hữu đã ghi lại chân dung dân tộc ta ngày đó, rằng: Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười. Ngày nay mọi mặt đời sống của đất nước, của địa phương, đã hơn hẳn trước đây. Chỉ vậy đã đáng để chúng ta vui cười rồi. Hơn thế, cười vui để cuộc sống tươi đẹp hơn, lại càng cần lắm lắm.
Trong bài này, chỉ xin nói về nụ cười của công chức.
Trước hết vì công chức là người thay mặt Nhà nước, nhân danh Nhà nước khi thực thi nhiệm vụ, nên nhất cử, nhất động của họ, trong đó có nụ cười, đều có ảnh hưởng sâu săc đến người tiếp xúc với họ. Nụ cười của công chức mang nhiều thông điệp, trong đó có sự thân thiện và lòng tin của Nhà nước với người đang tiếp xúc; từ đó họ đáp lại bằng sự thân thiện và lòng tin của mình với Nhà nước. Thế là chỉ từ nụ cười, bằng nụ cười, mà mang lại bầu không khí cởi mở, tin tưởng lẫn nhau; xua tan những hoài nghi, bức xúc. Báo chí cho rằng, ở Đà Nẵng năm 2013, chỉ số cạnh tranh (PCI) đã đạt điểm cao nhất trong các địa phương cả nước, một phần quan trọng là biết coi trọng xây dựng “nụ cười công chức” trong tiêu chí Cải cách hành chính Nhà nước.
Dĩ nhiên nụ cười nói ở đây là nụ cười chân thành, xuất phát từ sự rung động của con tim, chứ không phải cái cười vô hồn, chỉ mang tính kỹ thuật; càng không phải cái cười mà người tiếp xúc phải thêm lo ngại.
Về mặt lô-gíc, khi ta thừa nhận Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì hiển nhiên phải thừa nhận công chức Nhà nước cũng là của dân, do dân và vì dân. Do vậy, mối quan hệ giữa công chức Nhà nước với nhân dân là mối quan hệ đặc biệt. Luật Cán bộ, công chức tại Điều 2 ghi: “Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân…”, Điều 16 ghi: “Cán bộ, công chức không được cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc”. Điều này cho thấy, khi ai đó đã chọn con đường làm công chức Nhà nước, là đã tự nguyện làm công bộc cho dân. Mà công bộc, theo từ điển Tiếng Việt, là người đầy tớ của Nhân dân. Đã là đầy tớ, thì phải trung thành, tận tụy, lễ độ với Nhân dân. Xưa nay chưa có chuyện đầy tớ quát nạt lại chủ của mình.
Thật ra, trong mối quan hệ giữa một công chức cụ thể với Nhân dân nói chung, thì ít thấy vấn đề. Nhưng trong mối quan hệ giữa công chức cụ thể với người dân cụ thể, thì đã bộc lộ không ít chuyện. Cũng không phải công chức nào cũng để phiền cho dân và người tiếp xúc khác. Đã có không ít những người luôn hết lòng vì dân, thân thiện với dân, không mảy may vụ lợi. Tiếc rằng những gương như thế chưa được biểu dương, tuyên truyền rộng rãi, tạo thành nhân tố cổ vũ chung.
Thế nên để công chức Nhà nước có được nụ cười với dân như nói ở trên, thì không chỉ bằng việc kêu gọi chung chung, mà cùng với kêu gọi, phải là công việc tổ chức cụ thể. Đó là việc giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho công chức, việc xây dựng quy chế trách nhiệm, việc kiểm tra uốn nắn, xử lý nghiêm minh những vi phạm v.v… Được như vậy thì lo gì công chức địa phương ta thiếu nụ cười.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...