Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
03:34 (GMT +7)

NSNA Trần Khải: Nhiếp ảnh là ánh sáng giúp tôi thăng hoa

Lập cập ra mở cửa, trong căn nhà nhỏ giữa ngày đông ảm đạm, ông dè dặt ngại nói về mình. Cũng phải, ở tuổi 80, mắt đã kèm nhèm do mới đi mổ đục thủy tinh thể, trong người lại không khỏe, chẳng thể trách ông được. Thế nhưng khi những câu chuyện về nhiếp ảnh cứ ào ạt đến, Trần Khải lại nhanh nhẹn, nhiệt tình như 15 năm trước. Và hẳn là thế, bởi ông tâm sự, nhiếp ảnh cho ông nhiều thứ và giúp tâm hồn ông thăng hoa.


Người không hiểu, thấy NSNA Trần Khải khó gần, nhưng hợp tính mới thấy ông gần gũi, hài hòa và có duyên ngầm. Trần Khải không thích sự ồn ào, ông sống trầm lắng, ít khoe. Nhiều lần để ý đi chụp đâu có sự kiện gì lớn, vài chục tay máy xúm vào, lại thấy Trần Khải quay đi hoặc lẳng lặng tìm cho mình một góc ưng ý.

Kém mắt nhưng tinh đời

Và cũng bởi cá tính đó mà khi xem ảnh của Trần Khải luôn thấy có những nét riêng, nhất là những bức ảnh về sinh hoạt. Với mảng đề tài này ông sở hữu rất nhiều tác phẩm đẹp, mang hơi thở cuộc sống về con người các tỉnh miền núi phía Bắc… Qua ống kính Trần Khải, cuộc sống miền núi hiện lên bình yên, giản dị nhưng cũng mạnh mẽ như núi rừng. Ngắm những tác phẩm như: “Bếp ấm”, “Xuân về”, “Chợ quê”, “Hửng nắng”… ta không khỏi giật mình. Những bức ảnh không chỉ chuẩn chỉ từ bố cục, ánh sáng mà còn ẩn giấu nét dung dị tựa nắng mai. Nó thực sự là khoảng lặng quý giá khiến người xem rũ bỏ những bon chen, những tranh luận ầm ĩ của đời sống.

Đặc thù trong cách sáng tạo ảnh nghệ thuật của Trần Khải là luôn tìm ra những cái của riêng mình. Thế nhưng giữa thời đại bùng nổ công nghệ số, chuyên “di ngón tay trỏ”, để có thành tích, bất chấp thị phi người ta rất dễ đạo ý tưởng, can thiệp tinh vi bằng những phần mềm chỉnh sửa ảnh để cho ra những bức ảnh lung linh lừa con mắt, thì Trần Khải lại như lạc lõng. Vì vấn đề sức khỏe và có lẽ cũng thấy không phù hợp với những hào nhoáng phù phiếm nên tác phẩm đoạt giải thưởng của Trần Khải những năm gần đây cũng không nhiều. Nhưng quả thật khi xem ảnh Trần Khải chụp, nhất là ảnh sinh hoạt, từ những góc máy rất duyên, chúng ta vẫn thấy ảnh của ông “chất” như tấm thổ cẩm cũ bất chấp sự biến đổi của thời gian.

Trong vô số ảnh của Trần Khải, những bức ảnh người nông dân đan thúng, làm miến, làm mèm mén… là những điểm chấm phá khắc họa tinh tế nét đẹp thuần mộc, rất “đời” của người dân. Đằng sau những bức ảnh vừa là tài năng của một người điều khiển máy móc biết chớp đúng thời cơ, hơn thế nó còn là tiếng lòng rung ngân đồng nhịp với văn hóa và đời sống của người lao động.

Với tác phẩm “Mèm mén”, để chớp được cái “hồn” trong công đoạn tối quan trọng khi làm xôi mèm mén, Trần Khải dùng tốc độ chụp vừa phải khiến bàn tay người phụ nữ Mông đang mau mắn tãi bột mèm mén được nổi bật. Những hạt ngô li ti dưới ánh nắng xiên bung tơi như những hạt vàng trên nong. Không cần chụp ánh mắt, nét mặt… nhưng đằng sau đó người xem vẫn hiểu: phải như vậy thì món mèm mén mới tơi, thơm và người phụ nữ Mông cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo đến nhường nào.

Nói về ảnh Trần Khải, nhiều các tay máy trong tỉnh hay bảo: Ông “kém mắt nhưng tinh đời”, họ bất ngờ với những thành quả của ông sau mỗi chuyến đi. ảnh của ông không trùng lặp với bạn nghề và luôn có nét mới mẻ và lạc quan.

Cuộc sống ý nghĩa hơn khi được cầm máy

Đam mê là vậy nhưng Trần Khải vốn không phải là người được đào tạo bài bản về ảnh. Ông kể, ông phải lòng nhiếp ảnh từ đầu những năm 1970, khi còn là chàng lính ở Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu. Lúc đó ông được phân công nhiệm vụ đọc những bức ảnh câm - những bức ảnh chụp từ máy bay để xác định vị trí, tọa độ… Nhìn cảnh vật qua những tấm hình đó ông đã mong ước được cầm trên tay chiếc máy ảnh. Nhưng mong ước quả thật xa vời vì máy ảnh thời đó bằng cả một gia tài.

NSNA Trần Khải sinh năm 1942, là hội viên Hội VHNT Thái Nguyên; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông được giải cao tại các lần triển lãm trong tỉnh, khu vực, và toàn quốc. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: “Thử lửa”, “Công trình mới ”, “Mái ấm”…

Năm 1974 ông chuyển về làm cán bộ tổ chức Sở Thể dục thể thao Khu Tự trị Việt Bắc, sau này là Sở Thể dục thể thao Thái Nguyên. Thời gian này ông bắt đầu có máy ảnh phim, ông chụp ảnh tư liệu cho cơ quan và thỉnh thoảng chụp ảnh dịch vụ. Vừa làm vừa học chụp ảnh của những người đi trước như NSNA Chu Thi, Trần Thông… nhưng gieo vào đầu ông đam mê và có ảnh hưởng nhất với Trần Khải lại là tay máy lão thành Trần Việt Thắng - bố của NSNA Trần Thanh Huyền. Không chỉ hướng dẫn Trần Khải kỹ thuật làm buồng tối, có lần ông Thắng đưa cho Trần Khải xem tấm ảnh đen trắng ông chụp ba con thuyền đang xuống thác nước. Trần Khải tấm tắc: Tuyệt vời, ba con thuyền xuống thác mềm mại quá! Ông Thắng đủng đỉnh: Là một con thuyền đấy! Thì ra bằng kỹ thuật cao, ông Thắng chụp một con thuyền thành ba con thuyền. Trần Khải phục lăn và ông nghĩ, quả thật nhiếp ảnh không hề đơn giản.

Tuy nhiên, cuộc sống cơm áo và nhiều chuyện riêng tư không cho phép ông theo đuổi đam mê, mãi đến những năm 1990 ông mới thật sự dấn thân theo ảnh nghệ thuật.

Công việc của người cán bộ tổ chức bận rộn, căng thẳng, những phút như vậy Trần Khải lại cầm máy đi chụp ảnh. Trên đường thong dong, thư thái, mọi áp lực lùi xa, ông thấy phấn chấn và hứng khởi. “Nhất là khi chớp được khoảnh khắc đẹp nó sướng lắm! Trên đường về người cứ râm ran, lâng lâng, như bắt được vàng ấy!”, Trần Khải thổ lộ.

Từ đó Trần Khải chẳng ngần ngại vác máy đi xuyên đêm, ăn chực nằm chờ giữa núi rừng heo hút để săn tìm những khoảnh khắc đẹp. Theo ảnh nghệ thuật thì tốn kém nhiều thứ nhất là thời gian và tiền bạc... Đường vùng cao gặp mưa bão xấu kinh hoàng, chuyện ngã xe, hay đến nơi lại hết nắng xảy ra như cơm bữa những lúc chắc chắn phải về tay trắng.

Thất bại không làm ông nản lòng, ngược lại nó lại như một chất xúc tác khiến Trần Khải dằn vặt, nung nấu mà “rình rập” cho kỳ được. Ông kể, đã có lần chụp ở Trùng Khánh (Cao Bằng) ông còn bị lạc “đồng đội” giữa rừng. Hoặc chuyến leo lên đỉnh Nà Lay (Bắc Sơn) vì tuổi già, sức yếu mấy lần ông tí trượt chân ngã bởi vách đá dựng đứng… Vậy nhưng, những chuyến đi đó ông lại có những bức ảnh đẹp.

Và để vượt qua khó khăn ông không đơn độc, vì trên đường đi luôn có những người bạn tri kỷ cùng đam mê đồng hành. Kỷ niệm nhớ nhất là lần ông lên chụp ở chợ Bình Yên huyện Định Hóa, ông phải đi đi lại lại tới 4 lần. Lần thứ nhất đi khảo sát nhưng không có nắng đành quay về. Một năm sau Vũ Đồng và Trần Khải lại lên tiếp, nhưng lần thì mưa tầm tã, lần thì chợ lèo tèo không họp. Mãi đến lần thứ 4 thì Vũ Đồng và Trần Khải may mắn gặp đúng ngày nắng đẹp. Trần Khải có bức ảnh thật ưng ý. Rừng núi hùng vĩ như dang tay ôm lấy chợ Bình Yên. Ngôi chợ truyền thống lung linh với váy áo sặc sỡ của người dân tộc đang tấp nập mua bán, lớp lớp những nếp mái lá cũ lấp lánh dưới ánh nắng, cảnh vật nên thơ như cổ tích. Bức ảnh “Chợ quê” ông gửi và được Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2014.

Người “đi trước đến sau”

Với những anh em cùng đam mê nhiếp ảnh Trần Khải luôn từ tốn và nhường nhịn. Nhiều năm ông làm Phân hội phó (nay là Chi hội phó) Phân hội nhiếp ảnh, ngay từ những ngày Hội VHNT tỉnh mới thành lập, rồi Phân hội trưởng tới 2 khóa, thời Chủ tịch Đàm Thế Du, vì bận công việc nhưng cũng một phần vì phong trào nên ông lại vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sau nhiều người khác. Thời kỳ manh nha đó, phong trào nhiếp ảnh rất khó khăn. Phân hội nhiếp ảnh mới hơn chục người, nhiều khi tổ chức triển lãm ông phải tự bỏ tiền túi chi phí cho phong trào chung. Nhớ lại những ngày đó ông xúc động: “Nhiếp ảnh lúc đấy vui lắm, như anh em một nhà, mọi người đoàn kết sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ”.

Nhắc đến Trần Khải, NSNA Vũ Kim Khoa, Phân hội trưởng đầu tiên của Phân hội nhiếp ảnh Thái Nguyên thổ lộ: “Anh Khải là người “đi trước, đến sau”, là Phân hội trưởng, tôi luôn thầm cảm ơn anh suốt nhiều năm đã âm thầm chịu khó, nhường nhịn và chịu hy sinh, không một lần đắn đo ngay cả lúc vì việc chung mà dùng đến cả tiền cá nhân để chi phí!”.

Nhìn những thành quả nhiếp ảnh của Trần Khải, tôi tin nếu tập hợp lại mà in sách, thì có lẽ không hề kém cạnh bất kỳ ai. Hơn thế, tình yêu nhiếp ảnh của ông vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Ông bảo, sắp tới sẽ chụp nhiều về phong cảnh và phải là những bức thật “đắt”, đây là mảng đề tài ông thực sự chưa thành công. Được cầm máy sáng tác, ông mới thấy khỏe và cho ông nhiều rung động thẩm mỹ.

Vào tuổi tám mươi mà Trần Khải vẫn có thể ngồi sau xe máy của bạn bè cả ngày để đi săn ảnh, quả thật trời phú cho ông sức khỏe, đam mê và bạn bè tốt, nhất định ông sẽ lại có những thành công.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước