Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
20:08 (GMT +7)

Nông nghiệp đứng vững giữa bão dịch

VNTN - Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp làm xáo trộn mọi mặt của đời sống và gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực. Quán xá, cửa hàng dịch vụ vắng tanh, doanh nghiệp điêu đứng gồng mình chống chọi với dịch bệnh... là những điều dễ bắt gặp lúc này. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khoảng sáng khiến chúng ta an lòng hơn trong cơn hoạn nạn, đó là tình hình sản xuất nông nghiệp. 

Ổn định trong mùa dịch

Giữa đại dịch Covid-19 hoành hành, dù cũng chịu ảnh hưởng nhưng ngành nông nghiệp toàn tỉnh vẫn duy trì ổn định sản xuất, một số lĩnh vực tăng trưởng tốt.

Do thời tiết thuận lợi, ấm, đủ nước nên công tác gieo cấy vụ Xuân tiến độ nhanh hơn so với cùng kỳ. Hiện nay các địa phương đang hoàn tất gieo cấy lúa Xuân. Dự ước toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 29 nghìn ha lúa (đạt 100% kế hoạch) và khoảng 10,5 nghìn ha cây màu vụ Xuân; trong đó, cây ngô 6,5 nghìn ha bằng 92,7% kế hoạch và tăng so cùng kỳ; cây rau đậu các loại đạt khoảng 4 nghìn ha, bằng 87,3% kế hoạch; cây sắn 1.000 ha; cây lạc 530 ha, bằng 106% cùng kỳ; cây đỗ tương 331 ha; cây khoai lang 515 ha và đều tăng 3% so cùng kỳ...

Đối với cây chè, là loại cây mũi nhọn của tỉnh với tổng diện tích lên tới 22.261 ha thì virus Corona cũng chưa thể “đủ tầm” để làm ảnh hưởng. Hiện nay, bà con vẫn đang tích cực triển khai chăm sóc vườn ươm chè giống và thu hái chè vụ Xuân.

Trong mùa dịch Covid-19, HTX Chè Hảo Đạt luôn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Nói về cây chè trong mùa dịch, bà Đào Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè Hảo Đạt - một trong những doanh nghiệp tiêu thụ chè lớn nhất của tỉnh cho biết: Mặt hàng trà Thái Nguyên hiện nay chủ yếu tiêu thụ trong nước, sản lượng xuất khẩu thấp nên dịch bệnh tác động đến hoạt động sản xuất, cung ứng không đáng kể. Năm nay mưa rào nhiều, ít mưa dầm nên thuận lợi cho cây chè phát triển tốt, búp chè cao cho sản phẩm thơm ngon hơn nên được người tiêu dùng ưa thích. Còn một lí do nữa có vẻ hơi lạ nhưng lại khá hợp lí đó là cây chè có khả năng tiêu độc, thanh lọc cơ thể nên giữa mùa dịch lại có thêm người sử dụng trà. Hiện nay, HTX của bà Hảo vẫn duy trì thu mua, bao tiêu chè cho khoảng 70% dân trồng chè tại vùng chè Tân Cương, hàng tháng đều đặn tiêu thụ từ 13 - 15 tấn chè.

Đối với các loại cây ăn quả, thì gần như toàn bộ diện tích đang được chăm sóc và phát triển bình thường. Một số loại cây ăn quả như nhãn, vải, cây có múi đều đang trong giai đoạn ra hoa tạo quả, chưa có sản phẩm cung ứng cho thị trường nên chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc tiêu thụ.

Với cây ăn quả đang thu hoạch thì vẫn khá ổn định. Những ngày này, vùng ổi Linh Sơn (xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên) vẫn duy trì, nhiều thương lái khắp nơi đến thu mua. Giá bán ổi tại vườn duy trì từ 15 đến 20 ngàn/ 1 kg. Bà Nguyễn Thị Huyền (xóm Làng Phan, xã Linh Sơn) chủ một vườn ổi đường Đài Loan cho biết: do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 nên lượng ổi tiêu thụ cũng bị giảm đôi chút, khoảng 10%, điều này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Quan trọng là không lo ổi chín mà bị tồn đọng lại bởi chúng tôi đã học hỏi được bí quyết để điều chỉnh thời gian “bắt ổi chín đúng dịp”. Bí quyết đó chỉ đơn giản là bấm ngọn, tỉa bỏ bớt hoa, bón phân chuồng để cây đủ dinh dưỡng. Khách lấy hàng lớn đều là mối quen và đặt từ trước để chúng tôi chuẩn bị, còn mối nhỏ lẻ thì luôn sẵn hàng”.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Đàn trâu, bò trên địa bàn phát triển tốt, đàn trâu 52.000 con bằng 100,9% so cùng kỳ 2019, đàn bò 43.300 con bằng 102,3% so cùng kỳ năm 2019. Do có thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, giá sản phẩm chăn nuôi tốt nên quy mô đàn gia cầm tiếp tục được duy trì và phát triển, mở rộng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại. Các quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAP, AseanGAP... được áp dụng đem lại hiệu quả và giá trị sản xuất chăn nuôi tăng cao. Tổng đàn gia cầm 14,5 triệu con (riêng đàn gà 12,8 triệu con) bằng 118,8% so cùng kỳ năm 2019.

Chịu ảnh hưởng đáng kể nhất từ dịch bệnh gia súc và cả dịch Covid-19 có lẽ là lĩnh vực chăn nuôi lợn. Thời gian qua, tình hình sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tổng đàn lợn là 501.100 con (98.900 lợn nái; 402.200 lợn thịt) giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 26,31%. Nguyên nhân là do phải hứng chịu dịch tả lợn Châu Phi từ cuối năm 2019. Mặc dù đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã công bố hết dịch, người chăn nuôi đã dần tái đàn khôi phục sản xuất chăn nuôi, tuy nhiên tốc độ tăng đàn còn rất chậm. Tại các hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hoàn toàn có tỷ lệ tái đàn bình quân khoảng 40 - 50%, đồng thời quy mô tái đàn tại các hộ so với thời điểm trước khi có dịch đạt tỷ lệ thấp, trung bình khoảng 30% (quy mô tái đàn tại hộ cao nhất là 50%, hộ thấp là 2%); Số hộ không tái đàn lợn mà chuyển sang vật nuôi khác như chăn nuôi gà, vịt bò chiếm khoảng 20 -30%; số hộ để trống chuồng (chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) chiếm tỷ lệ 15 - 20%. Thực trạng trên là do hiện nay mặc dù thịt lợn đang thiếu hụt, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao nhưng giá lợn giống nuôi thương phẩm vẫn cao (khoảng từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/con); con giống thiếu hụt khó mua do đàn lợn nái bị tiêu hủy; nhiều người lo ngại nguy cơ tái phát dịch tả lợn trở lại cao, tính rủi ro lớn. Đặc biệt trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, người chăn nuôi lo ngại vấn đề tiêu thụ thực phẩm từ sản phẩm lợn bởi hệ thống các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng tiêu thụ thấp…

Sở NN&PT NT, phòng nông nghiệp các địa phương đang tích cực tăng cường triển khai công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các mầm bệnh, trong đó chú trọng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, nguy cơ cao đảm bảo không để dịch tả lợn tái bùng phát trở lại; đồng thời vận động bà con tái đàn, sử dụng các phương pháp chăn nuôi mới, an toàn sinh học... Những biện pháp trên khiến tỉ lệ bà con chăn nuôi lợn tái đàn sẽ có xu thế tăng.

Chủ động, tích cực phòng dịch

Được coi là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Phú Bình có tổng diện tích trồng lúa trên 4.800ha, trồng ngô khoảng 1.000ha đều đang được canh tác gần như 100%, số lượng gia cầm lớn khoảng 3 triệu rưỡi con sinh trưởng tốt, tỉ lệ tái đàn lợn trên 85%... đặc biệt là loại lúa mới J02 cho loại gạo ngon nên dù được bán với giá 20 ngàn đồng/ 1 kg nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, làm ra bao nhiêu đều bán hết sạch ngay.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: hầu hết các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp của huyện đều tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ. Dù cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, dịch cúm Covid-19 nhưng không đáng kể. Mọi chuyện đều đang diễn biến tốt”.

Ông Hòa còn là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của huyện nên cũng có đôi chút tâm tư: “mọi việc vẫn suôn sẻ như vậy, nhưng công tác phòng chống dịch là không thể lơ là, bởi nếu chẳng may có một trường hợp trong huyện mắc bệnh thì mọi chuyện sẽ thật khó lường. Chợ, trung tâm thương mại, giao thông… sẽ bị dừng hoạt động, mọi mặt đời sống sẽ đình trệ. Vì vậy, chính quyền, các phòng ban chức năng cả huyện đều phối hợp tích cực tuyên truyền về công tác phòng chống dịch đến nhân dân. Mỗi cán bộ nông nghiệp cũng đều được trang bị kiến thức để có thể tuyên truyền phòng dịch đến bà con nông dân”.

Với cương vị là “người thuyền trưởng” của HTX Chè Hảo Đạt, bà Đào Thanh Hảo bộc bạch: “Mùa dịch cũng lo lắng lắm chứ. Lỡ có dịch ở HTX có khi cả HTX sẽ phải tạm dừng hoạt động, hàng loạt bà con được HTX bao tiêu, thu mua sản phẩm sẽ lao đao, không biết phải bấu víu vào đâu”.

Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện dịch Covid-19, HTX Chè Hảo Đạt đã áp dụng các biện pháp tích cực để đảm bảo phòng chống dịch. Nhân công đến làm việc đều phải rửa tay, xịt khử trùng, khi làm việc đều phải đeo khẩu trang, mặc đồng phục đã khử trùng. Các xe tải chở chè đi giao đều phải phun khử trùng 2 lượt đi và về. HTX còn động viên sử dụng, cấp phát khẩu trang y tế miễn phí cho khách nước ngoài, khách hàng, người đến tham quan xưởng, gian trưng bày của HTX. Các thành viên chủ chốt của HTX đều tiên phong tìm hiểu, nắm bắt tình hình dịch bệnh trước rồi tuyên truyền cho các thành viên HTX, người nông dân trong vùng…

Vừa phải đề phòng các bệnh dịch cho lợn, đồng thời phòng chống Covid-19, anh Nguyễn Ngọc Sơn, chủ trang trại lợn (xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) với quy mô lớn trên 1.200 con phải cực kì cảnh giác cao độ trước dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, anh Sơn đã cải tạo cho trang trại mình để tất cả các hoạt động chăn nuôi đều khép kín hoàn toàn, đảm bảo các loại bọ, côn trùng không thể vào đến khu vực chăn nuôi. Khu vực chăn nuôi cách ly hoàn toàn với bên ngoài, khách hàng, người mua đều không được tiếp xúc, chỉ có nhân công làm việc phải khử trùng qua hai lần mới vào được bên trong. Nhân công làm việc phải mặc quần áo phòng hộ kháng khuẩn. Lợn xuất chuồng được chuyển ra ngoài theo một đường ống riêng. Việc vệ sinh, phun khử trùng trang trại cũng thường xuyên được thực hiện.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của ngành nông nghiệp, sự chủ động, ý thức phòng dịch của bà con nông dân, người làm nông nghiệp thì trong thời gian tới nền nông nghiệp tỉnh ta vẫn sẽ đảm bảo duy trì ổn định sản xuất và luôn đứng vững giữa đại dịch.

ANH THẮNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy