Nối vòng tay bảo vệ bản thân và cộng đồng
VNTN - Hiện nay, đất nước đang đứng trước sự xâm lăng của dịch bệnh. Cuộc chiến này cam go, quyết liệt không kém cuộc chiến với giặc ngoại xâm. Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện quan điểm: Đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết. Bộ Y tế và gần đây là Thủ tướng Chính phủ liên tục gửi tin nhắn đến mỗi người nhắc nhở cách phòng tránh dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả nước đang bước vào cuộc đối đầu quyết chiến với Covid-19. Không khí hừng hực “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” như thời chiến tái hiện. Người thu nhập cao như doanh nhân thì góp tiền, góp của. Nhà máy may thành nơi sản xuất khẩu trang, khách sạn thành nơi đón người cách ly miễn phí. Đoàn thanh niên thành lập các đội “xung kích” phản ứng nhanh tiếp tế đồ ăn nhu yếu phẩm miễn phí cho dân, đến từng nhà phát khẩu trang, nước sát khuẩn. Đã xuất hiện nhiều tấm lòng vàng như “đại gia chân đất” Trần Thị Bích Thủy (Lạng Giang, Bắc Giang), ủng hộ 50 tấn gạo cho các khu cách ly. Bà Bùi Thúy Hạnh, chủ khách sạn cao cấp Bảo Minh (T.P Hạ Long, Quảng Ninh) chi gần 2 tỷ đồng để miễn phí ăn, ở, phục vụ cho 157 khách nước ngoài cách ly tại đây. Hiện cả nước có gần 200 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch Covid-19. Các địa phương có nhiều đơn vị đăng ký như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận. Phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” tái hiện. Cháu Đào Nguyên (11 tuổi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) dùng số tiền mừng tuổi hơn 10 triệu đồng cùng mẹ mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người dân. Cháu Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) mang hơn 3 triệu đồng tiền tiết kiệm đóng góp với Thành đoàn Hà Nội để mua khẩu trang và nước rửa tay phục vụ mọi người phòng, chống dịch. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, gia đình ông Nguyễn Lãnh (90 tuổi) và bà Mạc Thị Chính (80 tuổi), trú tại phường Bãi Cháy, T.P Hạ Long đã tặng 1 máy thở cho UBND phường Bãi Cháy để phục vụ cho công tác phòng, chống “giặc bệnh”… Trong đại dịch, các “chiến sĩ áo trắng” đang ở tuyến đầu đối mặt với “giặc” bệnh . Tình thế cấp bách, không chỉ người đang công tác mà các y bác sĩ đã nghỉ hưu, cả sinh viên y khoa chưa ra trường cũng hăng hái tình nguyện ra “tiền tuyến”. Riêng Thành phố Hà Nội có 280 bác sĩ, y tá nghỉ hưu và hàng vạn sinh viên các trường y khoa tình nguyện đứng vào “chiến hào” chống dịch. Mỗi người làm một việc nhỏ, toàn dân nối vòng tay lớn bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đơn cử việc nhắn tin ủng hộ chống dịch hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỉ sau 1 tuần phát động, người dân cả nước đã ủng hộ 500tỷ đồng. Thái Nguyên đến nay chưa phát hiện người mắc Covid-19, nhưng người dân đã “bật chế độ” phòng bệnh cao độ. Mọi người tuân thủ lời kêu gọi của cơ quan y tế: “Yêu nước là ngồi yên tại chỗ”; “Bạn ở nhà vì chúng tôi”. Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức dạy học trực tuyến; các cơ sở vui chơi đóng cửa; các đám cưới tạm hoãn hoặc tổ chức quy mô nhỏ… Người Thái Nguyên thống nhất tiếng nói và hành động cùng chính quyền chống dịch. Đối mặt với đại dịch, lòng yêu nước của người Việt Nam thể hiện rõ nét hơn. Bằng sức mạnh đoàn kết, trước kia chúng ta đã thắng giặc ngoại xâm và hôm nay chắc chắn sẽ thắng “giặc bệnh” nguy hiểm này.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...