Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:03 (GMT +7)

Nồi lẩu

 Michelle Tudor là nhà văn quốc tịch Anh. Bà tốt nghiệp khoa Sáng tác và Văn học Anh. Các truyện ngắn của bà in nhiều trên các báo và tạp chí trong nước và quốc tế.

“Cà chua hôm nay ra sao, bà Toshiko?”

“Lúc nào cũng ngon,” bà già da rám nắng trả lời.

“Trông chúng ngon thật. Cháu sẽ lấy chúng”, người đàn ông nói, đưa tờ bạc một ngàn yên cho bà lão rồi cất các quả cà chua vào trong chiếc cặp da.

“Hẹn gặp anh ngày mai”, Toshiko nói.

Người đàn ông khẽ vẫy tay rồi đi nhanh vào nhà ga xe lửa.

Toshiko Yanae tám mươi tám tuổi, bà đã vận chuyển nông sản của mình trên cùng một chuyến tàu trong suốt sáu mươi năm qua. Bà đi khi mặt trời vừa lên mỗi buổi sáng, mỗi lượt đi, về mất hai tiếng đồng hồ. Bà ngồi bán hàng bên ngoài ga xe lửa Otsuka khu vực tây bắc Tokyo cho đến khi nào hết hàng thì trở về.

Bà chất nông sản đem đi bán trong những chiếc hộp dày. Mỗi buổi sáng, bà dậy lúc bốn giờ, đeo những cái hộp lên tấm lưng mòn mỏi của bà. Ở chỗ bán hàng nhỏ bà sắp những túi đậu xanh, cà chua, bốn quả mỗi túi, mập và đỏ như đôi môi mọng của geisha, khoai tây, vẫn còn lớp đất màu sậm, xếp lên như một kim tự tháp cổ. Thỉnh thoảng một thằng bé bất chợt đến lấy một củ ở phía dưới, làm chúng đổ ra đất. Mẹ cậu bé vội vàng xin lỗi, nhưng Toshiko chỉ cười và lắc đầu rồi sắp lại đống khoai.

**

Đã cuối tháng ba, những bông anh đào sắp nở. Những cái nụ màu hồng sẫm đã sẵn sàng bung ra khoe vẻ đẹp phù du của chúng. Chẳng mấy chốc nữa những con đường sẽ được trải bằng một tấm thảm hoa màu hồng sẫm.

Phía trước nhà ga có một cây lớn, nơi Toshiko thích ngồi bán hàng bên dưới, nơi bà có thể nhìn một cách thích thú những cánh hoa rơi trên hàng hóa của mình. Vào mùa xuân, bà sẽ hái các loại rau củ ở trang trại để nấu một nồi lẩu: cà rốt màu đỏ son, khoai lang bở tơi và hành. Bà sẽ nấu chúng, rồi thêm nguyên liệu; sự pha trộn mặn và ngọt, mùi gừng cay trong nồi lẩu khêu gợi vị giác, một chút nước tương, một chút rượu sake và thành phần bí mật của bà cùng một nhúm hoa anh đào. Bà nhớ hồi còn nhỏ đã có lần nếm thử cánh hoa và thấy không có mùi vị gì đặc biệt, nhưng, khi bỏ vào nồi lẩu, chúng có một sức sống mới. Như thể khung cảnh mùa xuân với nhiệt độ ấm hơn, sương mù trên cánh đồng buổi sáng và vẻ đẹp giản dị của một cây anh đào cô độc trong gió thổi có thể làm cho bữa ăn ngon lành khoái khẩu hơn.

**

Người đàn ông mang cặp táp đến vào lúc mười giờ hôm sau. Anh có dáng người cao với đôi gò má xương và đôi mắt lộ như thể lúc nào cũng nhìn chung quanh. Toshiko thường trêu chọc anh, bảo anh nên ăn nhiều hơn và làm cho mình béo lên vì mùa xuân. Anh cúi xuống trước những cái hộp và nhìn các món nông sản một cách thích thú.

“Ớt ngọt hôm nay có vẻ ngon,” anh nói và cầm lên một quả.

“Phải rồi,” Toshiko nói và cười nụ cười hết cả răng.

“Bà bảo cháu mua những gì đây?”

Bà già ngồi trên chiếc thùng gỗ ghép thưa nhìn lên hấp háy mắt nói, “Tôi đánh giá cao tất cả mọi sản phẩm của mình.”

“Cháu sắp về thăm mẹ. Cháu nghĩ cháu có thể mang về cho bà một ít rau củ tươi,” anh nói trong khi mân mê một củ hành to quá cỡ.

“Thật là một người con ngoan,” bà nói, và dưới những quầng thâm của mắt và chân râu đốm bạc mặt anh chợt đỏ lên.

Toshiko lấy một cái túi giấy và bắt đầu chọn từ các hộp của bà, thỉnh thoảng dừng lại để đánh giá. Bà lấy củ hành mà anh đã cầm lên, bốn củ khoai tây, hai củ cà rốt, quả ớt vàng nhỏ, một bó măng tây và một nhánh huệ tây.

“Đây,” bà nói và đưa anh cái túi.

“Bao nhiêu tiền ạ?” người đàn ông cười hỏi.

“Quà đấy…”

Anh lắc đầu, “Không, không, cháu không nhận đâu,” anh nói trong khi lấy ví.

“Quà cho một người con ngoan,” bà nói và xua tay bảo anh đi đi.

“Cám ơn bà,” anh nói và cúi thấp mình để chào.

**

Đã ba năm từ khi chồng bà Toshiko qua đời. Con gái bà sống ở Osakaxa cách vài trăm dặm, còn con trai bà sống không xa nơi bà ở, phía đông Tokyo. Thỉnh thoảng anh đến thăm bà, xem trang trại có ổn không, nói chuyện phiếm về người anh rể và gần như lúc nào cũng bảo bà cho thêm vài cây gừng con vào túi xách của anh. Toshiko gặp cả gia đình hai lần mỗi năm, vào đầu tháng năm là sinh nhật bà, và Tết năm mới khi tất cả họ sẽ cầu nguyện cho dồi dào sức khỏe và một mùa bội thu trong năm sắp đến. Bà sẽ làm một bữa ăn thịnh soạn, dọn cho họ ăn tới khi họ không thể ăn thêm được một miếng nhỏ nào nữa.

**

Bà không gặp người đàn ông suốt một tuần sau khi bà cho anh túi rau củ miễn phí. Anh xuất hiện vào buổi trưa khi bà đang dọn hàng. Anh vội đến bên bà và hắng giọng cho tới khi bà quay lại.

“Xin chào,” bà nói.

“Cháu cho là cháu đã lỡ mất các thứ ngon rồi phải không?”, anh nói khi nhìn xuống mấy cái hộp trống không.

“Hôm nay tôi bán hết sớm,” bà nói trong khi cột các hộp lại với nhau.

“Vậy thì cháu sẽ phải dùng cái này,” anh nói và đưa ra hộp cơm trưa của anh.

“Ô,” bà tắc lưỡi.

Anh ngồi xuống gờ tường nhỏ bên cạnh bà, bà nhìn vào hộp cơm trưa của anh. Trong chiếc hộp nhỏ màu đỏ chia làm nhiều ngăn có một nắm cơm nếp hình chữ nhật, giữa nắm cơm là một quả mận muối màu đỏ, đã héo vì sức nóng của hộp, nhưng được đặt chính xác trên nắm cơm gợi lên hình ảnh lá cờ Nhật Bản. Trong một ngăn khác là vài lát củ cải trắng, hơi nâu và đã sũng nước. Ở ngăn cuối cùng, có mấy miếng thịt gà rán, được trang trí với vài nhánh mùi tây. Toàn bộ hộp cơm, dù được trình bày hoàn hảo, trông vẫn có vẻ buồn thảm.

“Mẹ anh có ăn chỗ rau củ đó không?” bà hỏi trong khi anh ăn.

“Mmm-hmm,” anh nói trong khi miệng đầy cơm, “bà nói chúng là thứ tươi nhất bà được thưởng thức trong nhiều năm.”

**

Một tuần nữa trôi qua, đã gần hết tháng tư, Toshiko say mê ngắm những cánh hoa rụng trông như những bông tuyết. Bà nhìn một cậu trai bốc một nắm hoa và tung lên trời, nhìn chúng rơi lả tả xuống đầu cậu. Bà cười và khi nhìn lên bà thấy một người đàn ông đứng trước mặt bà.

“Hiroki,” bà nói.

“Chào mẹ,” người đàn ông đáp lại.

“Nhìn những củ khoai lang này. Năm nay chúng lớn quá.”

Anh cầm lên một củ và ngắm nghía, lướt bàn tay trên làn da tím sẫm không khiếm khuyết của củ khoai.

“Mẹ…” anh nói nhỏ và bà ngước nhìn lên, “Con nghĩ con sẽ không về trang trại tuần tới.”

Toshiko nhìn anh, cố giấu vẻ thất vọng: “Có chuyện gì sao?”

“Chỉ là công việc thôi, hiện giờ công việc bận rộn lắm.”

“Còn chị của con thì sao?” Toshiko lau trán bằng chiếc khăn tay nhỏ của bà.

“Con không biết,” anh lầm bầm nói trước khi lấy cớ để rời đi.

Bà cố kiềm nước mắt bằng cách làm ra vẻ bận rộn sắp xếp lại những củ tỏi tây. Bà làm rơi một củ và lầm bầm trong tâm trạng thất vọng.

**

Chiều hôm ấy khi về trang trại, bà gọi điện thoại cho con gái, biết rằng con rể mắc bệnh thủy đậu, và con gái bà không thể nào để chồng ở nhà một mình. Sau đó, Toshiko vẩn vơ với ý nghĩ về ngày sinh nhật đơn độc. Bà nhớ đã bao năm nay không có lần nào các con không ở bên bà. Ý nghĩ này làm bà buồn. Bà nghĩ đến nồi lẩu, cái nồi đất sủi tăm bên trên cái lò nhỏ đặt giữa bàn, chung quanh là bát, đũa, mùi thơm bốc lên mũi khi họ nôn nóng đợi bà tuyên bố bữa tiệc sẵn sàng.

Bà nghĩ đến chồng và cách ông nhấm nháp từng miếng ăn  một cách tế nhị, dù ông là một nông dân lôi thôi lếch thếch. Mùi gia vị thơm thấm đẫm trong nồi tỏa ra. Bà nghĩ đến việc nấu món lẩu chỉ cho một mình bà. Nhưng mới nghĩ đến đó bà đã cảm thấy rất buồn, những giọt nước mắt rơi xuống hai bàn tay đan vào nhau của bà. Việc mọi người sẽ không có mặt trong bữa tiệc sinh nhật năm nay làm bà khóc, những ý nghĩ về hoa anh đào và sự tồn tại phù du của chúng khuấy động tình cảm của bà.

**

Ba hôm sau, khi bà đang ngồi ở chỗ bán hàng thường lệ nhai tóp tép một quả đào thì người đàn ông đến, anh không mặc đồ vét và không mang theo cặp táp.

“Tôi suýt không nhận ra anh đấy,” Toshiko nói.

“Cháu cũng suýt không nhận ra chính mình!” anh đùa.

“Không làm việc à?”.

“Hôm nay cháu nghỉ”.

Anh ngồi xuống gờ tường gạch và ngửa đầu như để hứng ánh nắng. Thông thường thì anh không ngồi xuống mà đi lại loanh quanh chỗ bà bán hàng. Nhưng hôm nay anh trông như là một người khác, quầng mắt nhạt màu hơn, và râu cạo nhẵn nhụi.

“Hôm nay là ngày gì vậy?” Toshiko hỏi.

“Không có gì. Cháu chỉ nghĩ là nên đến thăm bà,” anh nói, và lại đỏ mặt.

Toshiko cười nhỏ, đưa cho anh một quả đào trong hộp và anh cầm lấy. “Trong từng ấy năm…” bà dừng lời, “tôi còn chưa biết tên anh đấy.”

“Là Hiroki,” anh nói, cắn một miếng đào chín. Toshiko cười to, anh nhìn bà, không hiểu tại sao. “Sao bà cười?”

“Đó chính là tên con trai tôi,” bà nói với một nụ cười.

“Vậy sao?”

Họ cùng cười và ngồi ăn đào. Toshiko phục vụ những khách hàng của bà trong khi Hiroki ngồi với vẻ thư giãn.

Khi bắt đầu dọn hàng, Toshiko nhìn anh và nói, “Anh có thích ăn lẩu không?”

“Dạ có. Ai mà không thích ăn lẩu?”

Bà hít một hơn dài. “Thứ sáu này là sinh nhật của tôi, và tôi sẽ nấu lẩu. Anh đến trang trại và ăn lẩu với tôi nhé?” bà nói, rồi tiếp tục thu dọn.

“Cháu thích lắm.”

**

Hai ngày sau, anh ngồi trong gian phòng khách nhỏ ở trang trại của bà. Toshiko là một bà chủ nhà hoàn hảo, cứ liên tục châm trà cho khách và đảo trộn nồi lẩu. Hiroki bảo bà anh chưa bao giờ được ngửi nồi lẩu nào ngon như thế, và bà cười với anh. Anh nhìn bà lột và xắt các thứ rau củ một cách cẩn thận, nếm thử sau mỗi lần thêm một món vào. Bà kêu lên với củ hành, nháy mắt với rượu sake và cười khi anh hỏi bà có phải bà có bí quyết phải không. Bà hấp háy mắt với anh và nói, “ Nói ra thì không còn là bí quyết nữa, đúng không?” và cả hai cùng cười.

Ngày trôi qua dần, họ nói chuyện về chính mình, về gia đình và loại rau củ trong mùa mà họ thích cho đến khi mùi lẩu thơm bốc lên làm họ cảm thấy đói không chịu nổi. Trời đang tối, và không gian yên ắng ngoại trừ tiếng nồi lẩu đang sôi.

“Này, bà Toshiko, xem này…” anh chỉ tay vào chiếc đĩa men lớn. “Có một cánh hoa trong đó,” anh nói trong sự ngạc nhiên. “Chắc là nó bị gió thổi vào qua khung cửa sổ mở.”

“Hãy cứ nghĩ như thế,” bà nói, và cười khúc khích.

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “Hotpot”)  Nguồn: Http://www.asiancha.com/content/view/1861/112/

Truyện ngắn. Michell Tudor

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước