Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
02:28 (GMT +7)

Nói gì về đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2023?

Kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vừa khép lại. Nhìn lại đề thi và thực tế làm bài của thí sinh, chúng ta có gì để nói?
Có phải giữ ổn định để đảm bảo công bằng?
Đề thi môn Ngữ văn năm nào cũng là đề tài hot trên báo chí và mạng xã hội, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, có cả những ý kiến vượt ra ngoài bàn luận chuyên môn, thậm chí có cả những suy diễn quá đà.

                                    1-1689046472.jpg
Thí sinh tại Điểm thi Trường THPT Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) sau khi hoàn thành các môn thi. Nguồn: thainguyen.gov.vn


Hẳn là tổ ra đề của Bộ Giáo dục - Đào tạo hiểu được áp lực ấy nên nội dung của đề thi năm nay đều hướng đến sự an toàn, đảm bảo công bằng. Như thế, liệu có cố tránh để không dẫn đến những tranh luận?

Ngữ liệu được dùng để đánh giá năng lực đọc hiểu của thí sinh là một trích đoạn trong bài thơ Đi qua cơn giông của Anh Ngọc, trong sách “30 năm Thơ - Tuyển tập tác phẩm văn học in trên Nhân Dân cuối tuần 1989 - 2019”, NXB Văn học 2019. Còn tác phẩm được chọn để ra đề nghị luận văn học, vốn là tâm điểm của mọi sự đồn đoán trước giờ G, là truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001). Tác phẩm này được giảng dạy vào đầu học kì II lớp 12.

Đúng như trao đổi của Bộ Giáo dục - Đào tạo, kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giữ ổn định cho đến khi phủ xong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề thi Ngữ văn năm nay vẫn giữ cấu trúc như các năm trước, nằm trong trọng tâm chương trình, tương đương với đề thi tham khảo đã được công bố từ tháng 3/2023. Các câu hỏi theo định dạng thường gặp, với các mức độ đánh giá mà học sinh đã quen, nên chắc là không đến nỗi gây “sốc” và cũng không đến mức tranh luận trái chiều, “nảy lửa”!

Phải chăng đó sẽ là lối mòn và khó gây hứng thú?

Thường thì, đề thi càng giữ an toàn và ổn định lại càng sa vào lối mòn, nhàm chán, không có “đất” cho thí sinh thỏa sức thể hiện mình. Liệu đề thi năm nay có như vậy?
Ngữ liệu ở phần đọc hiểu trong đề năm nay là đoạn trích trong bài Đi qua cơn giông của nhà thơ Anh Ngọc. Từ ngữ liệu này có câu hỏi về thể thơ, tìm từ ngữ, hình ảnh, chú ý tâm lí tiếp nhận của học sinh với những câu thơ viết về cơn giông mùa hè:
Khúc nhạc đầu tiên của mùa hè
Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp
Gió từ đất thổi lên rát mặt
Cát bay, lá bay, đá bay.
Câu hỏi về tác dụng của phép tu từ so sánh gợi cho học sinh nghĩ về cảm xúc của tác giả trước cơn mưa mùa hè:
Mưa ròng ròng như triệu ngón tay
Lùa vào trong cổ
Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ
Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà.
Với yêu cầu cao hơn đã có câu vận dụng “Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình, rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân”.

Thí sinh phải đi từ biết đến hiểu thì mới rút ra được bài học về lẽ sống cho bản thân. Có lẽ rằng, đáp án của câu này không áp đặt câu trả lời, chỉ gợi ý một hướng để người chấm tham khảo, nghĩa là chấp nhận các ý kiến khác nhau, miễn là hợp lí và thuyết phục. Nhìn chung, các yêu cầu đặt ra mang tính giáo dục, gần gũi với độ tuổi của thí sinh.

Đoạn trích được chọn từ truyện ngắn Vợ nhặt để yêu cầu viết bài nghị luận văn học cũng đáng nói.
Thông thường ở tác phẩm này, người đọc ấn tượng với số phận người nông dân trong nạn đói, tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ lúc Tràng dẫn Thị về nhà, tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên khi có vợ. Nhưng đề thi năm nay chọn đoạn trích cuối cùng của tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, từ đó để học sinh nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Cách lựa chọn này có thể gây bất ngờ nhưng không đánh đố. Hơn nữa, với thí sinh tuổi 18, đặt vấn đề như vậy có hứng thú hơn những nặng trĩu ưu tư ở các đoạn khác chăng?

Có đáp ứng được yêu cầu phân hóa?

Yêu cầu phân hóa trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết. Đề thi tốt nghiệp năm 2023, yêu cầu phân hóa được thể hiện ở câu 4 (Đọc hiểu), ý nhận xét ở câu 2 và một phần nội dung trong câu 1 phần Làm văn.

                                    2-1689046472.jpg
Thí sinh và phụ huynh trao đổi về đề thi sau khi làm bài. Nguồn: thainguyen.gov.vn

Đối với thí sinh có học lực trung bình có thể chỉ dừng lại mức hiểu về suy ngẫm của tác giả (câu 4 phần Đọc hiểu) mà không khái quát thành bài học với bản thân, chưa thể có những luận giải thấu đáo về việc phải biết cân bằng cảm xúc mà chỉ dừng ở nêu biểu hiện (câu 1 phần Làm văn), chưa đưa ra được nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân (câu 2 phần Làm văn). Đối với thí sinh có học lực khá giỏi sẽ được phát huy năng lực nhận xét, đánh giá. Một đề thi có cấu trúc như thế, phải chăng chưa khoa học?

Nghĩ gì về những ý kiến phản biện?

Đoạn văn nghị luận xã hội trong đề năm nay yêu cầu thí sinh viết về “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”. Sẽ có người hỏi: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, trước đó chừng ba tuần đặt vấn đề “làm chủ cảm xúc”; đề thi tốt nghiệp lớp 12 tiếp tục nói đến “cân bằng cảm xúc” - liệu có cũ và chẳng khác gì đề thi vào lớp 10?

Thực ra, cả hai vấn đề đều nói về “cảm xúc” nhưng đề thi vào lớp 10 của Hà Nội nhấn mạnh đến phản ứng trong những tình huống cụ thể, khi đó người ta cần biết “làm chủ cảm xúc”, còn đề thi tốt nghiệp là trạng thái thường trực cần có trong mỗi con người, cân bằng để chủ động, phát triển bản thân, nghĩa là ở một cấp độ cao hơn.

Cả hai kì thi với đối tượng khác nhau cùng đề cập đến một vấn đề đang được xã hội quan tâm, điều đó càng chứng tỏ, đề thi đã chạm đến được vấn đề của đời sống, mang tính thực tiễn.
Đặt vấn đề “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc” là một hướng đi mới so với các vấn đề nghị luận trong đề thi những năm gần đây. Với cách gợi mở như thế, thí sinh sẽ có suy nghĩ độc lập, không “ăn theo nói leo” hay chỉ toàn những lời sáo rỗng theo khuôn mẫu. Đặt vấn đề nghị luận như vậy trong đề thi quốc gia liệu có không tốt?

Đề thi năm 2022, ở câu nghị luận văn học, có yêu cầu rút ra thông điệp. Đề thi năm 2023 nêu yêu cầu trực tiếp “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”. Ra đề như vậy có khó cho học sinh không? Có làm khác với đề thi năm 2022 không? Thực ra cả hai yêu cầu này bản chất không khác nhau, tùy từng văn bản/ đoạn trích, tổ ra đề có thể đặt ra yêu cầu phù hợp, đảm bảo đúng ma trận và cấp độ tư duy. Yêu cầu trong đề thi năm 2023 khác với đề thi năm 2022 là sự điều chỉnh hết sức đáng giá, tránh lặp lại những gì đã trình bày khi phân tích đoạn trích, tránh suy diễn hay áp đặt.

Có thể ai đó cho rằng, yêu cầu “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích” còn chung chung, tác phẩm nào mà không có cách nhìn cuộc sống của nhà văn? Đúng vậy, tác phẩm văn học đương nhiên thể hiện cách nhìn cuộc sống của nhà văn, song không phải tác phẩm nào cũng có cách nhìn “mới mẻ, sâu sắc”, để lại dư âm ngân vang trong lòng bạn đọc. Đoạn trích được phân tích và xuyên suốt tác phẩm Vợ nhặt đã mang đến thông điệp về cách nhìn cuộc sống của nhà văn: “dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào cuộc sống và vẫn hi vọng vào tương lai”. Như thế, yêu cầu “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích” có phải chung chung, không cụ thể, và nhạt nhẽo?

Cũng từ ý “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích” lại có ý kiến, rằng như thế thí sinh sẽ sao chép lại những gì phân tích ở trên. Đọc kĩ yêu cầu thì mới thấy không phải như vậy. Từ việc phân tích được đoạn trích, nếu thí sinh nào mở rộng hơn thì cũng đáng được ghi nhận ở năng lực khái quát và mở rộng vấn đề. Yêu cầu này chỉ chiếm 1/10 số điểm của câu nghị luận văn học nên thí sinh có kĩ năng làm bài sẽ trình bày ở mức độ khái quát, không đến nỗi sa đà vào luận giải.

                                    3-1689046472.jpg
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2023. Nguồn ảnh: vietnamnet.vn

Những ý kiến phản biện đối với đề thi tốt nghiệp năm 2023, cũng như những năm trước, là câu chuyện không mới; có những ý kiến xuất phát từ kiến giải chuyên môn sâu sắc, song cũng có ý kiến quy chụp, ngoài chuyên môn. Với người viết bài này, có thể khẳng định đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2023 vừa quen thuộc, vừa có tính mới, vừa cơ bản vừa phân hóa, vừa gần gũi vừa tạo hứng thú, bảo đảm yêu cầu khoa học, chính xác.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy