Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:34 (GMT +7)

Nối dài vòng tay yêu thương và tinh thần Việt ở Paris

VNTN - Chủ nhật ngày 17 tháng Tư năm 2016, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, số 19 phố Albert thuộc quận XIII Paris, các bạn trẻ yêu nhạc rock Việt và Hội người Việt Nam tại Pháp đồng tổ chức buổi nhạc Rock với tiêu đề  “Trần Lập - Lửa Rock sống mãi" để tưởng niệm một tháng ngày ca sỹ - nhạc sỹ này đã vĩnh viễn ra đi, tôi cũng nhận được giấy mời tham dự.

Nói đến Rock, chúng ta ngỡ sẽ chỉ có các bạn trẻ yêu thích thể loại âm nhạc này, như cô MC xinh đẹp duyên dáng của buổi biểu diễn đã tâm sự rằng đa phần giới trẻ và nhất là giới sinh viên Việt Nam hiện nay đều sinh ra và lớn lên với nhạc Rock... Nên tôi đã hơi ngỡ ngàng bởi đến tham dự sự kiện còn có khá nhiều các cô bác cao tuổi và nhiều bạn Pháp cũng đến chia sẻ.

Buổi biểu diễn nhạc Rock hôm ấy không có ca sỹ chuyên nghiệp, mà chỉ là các bạn hoặc anh chị em yêu nhạc Rock, yêu Trần Lập và ban nhạc Bức Tường, tham gia... Sau khi đã đứng lặng một phút tưởng niệm thì hội trường Trung tâm Văn hóa Việt Nam đôi lúc như rung lên bởi những bản nhạc rock hay nhất của Trần Lập, nhưng thi thoảng cũng lặng đi để nghe ai đó kể lại một kỷ niệm sâu đậm về ca sỹ. Những lời tự sự tâm tình của các bạn trẻ khiến tôi hiểu thêm về con người và những suy nghĩ của Trần Lập. Trần Lập qua đời ở tuổi 42, độ tuổi vốn được coi là sung sức và tràn ngập những ý tưởng chín muồi trong cuộc đời một con người làm nghệ thuật, thật tiếc cho anh và cho những bạn yêu nhạc Rock. Qua những ca khúc của anh, ta thấy nổi bật hơn hết là tinh thần Việt. Trần Lập là một trong những người đưa nhạc Rock vào Việt Nam, tôi thấu hiểu những khó khăn và trải nghiệm ban đầu của anh để dẫn đến thành công và gây dựng được sự yêu mến và hâm mộ của khán thính giả.

Sau buổi trình diễn là màn chào hỏi lẫn nhau. Những khuôn mặt rạng rỡ thân tình, những cái bắt tay ôm hôn thắm thiết... Bởi cùng ở Paris, nhưng những dịp gặp gỡ nhau cũng không nhiều, do cuộc sống ai cũng bận rộn với công việc nên chỉ vào dịp lễ tết hoặc những sự kiện như thế này mới là lúc bà con gặp nhau hàn huyên tâm sự. Nhất là các cô bác cao tuổi. Có người còn nói với tôi rằng đó là những thời khắc rất vui của họ, bởi họ được nói tiếng Việt, được chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình đối với quê hương, nhất là sự thấu hiểu nhau... Lúc này, thời gian như lắng đọng lại, không còn ranh giới “quê tôi miền Bắc quê anh Cà Mau” nữa... mà quê hương chỉ còn gói gọn trong hai chữ Việt Nam. Rồi những người hay về “quê” kể cho những người ít về những thông tin mới mẻ, những thay đổi của quê hương và cả những vấn nạn mà Việt Nam đang vướng phải trong thời kỳ toàn cầu hóa này để rồi trong mắt một số người thoáng ẩn hiện những nét bùi ngùi. Những món ăn xa xưa vốn luôn khắc khoải trong tâm tưởng người viễn xứ cũng được dịp nhắc lại...

Trong những lần gần đây, chủ đề chính hay được các cô bác và anh chị em bàn luận chính là vấn đề Biển Đảo Việt Nam bị xâm phạm một cách trắng trợn. Tôi còn nhớ những ánh mắt rực lửa, những dải băng rôn và lá cờ đỏ sao vàng trong tay mọi người bay phấp phới trên Quảng trường Con Người tại quận XVI Paris, nơi vốn là biểu tượng cho hòa bình và tự do của các sắc tộc sinh sống trên đất Pháp. Những lúc ấy không còn sự khác biệt về ý thức chính trị xa xưa nữa, những đứa con đất Việt xa xứ luôn đồng lòng hướng về Tổ quốc và cảm thấy đau đớn khi Mẹ bị xâm phạm.

Chuyện bầu cử sắp tới tại Việt Nam cũng được nhiều cô bác nhắc tới. Bác Hoàng Xuân Triều, một Việt kiều đã sống trên đất Pháp cả hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam phàn nàn: “Cả đời tôi chưa bao giờ được bầu cử...” Cũng dễ hiểu, Chính phủ Pháp chỉ cấp quyền bầu cử cho những ai mang quốc tịch Pháp trong khi bác Triều chỉ mang quốc tịch Việt. Bác gửi lời nhắn nhủ đến Quốc hội hãy tạo điều kiện để bà con Việt kiều được thực hiện quyền công dân của mình. Tại các quốc gia khác, những người xa xứ thường đến bỏ phiếu tại các Đại sứ quán của họ. Chú Dũng, một kiến trúc sư thì buồn buồn khi nhớ lại những lần hồi hương, chú nói: “Các bạn trẻ Việt Nam hiện giờ đôi lúc còn hiện đại hơn cả Tây nữa...” Tôi muốn chú nói rõ hơn, nhưng chú lắc đầu, nhưng nhìn ánh mắt chú, tôi hiểu điều chú muốn nói!

Chuyện giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt và sự cải cách hệ thống giáo dục được tranh cãi sôi nổi hơn cả. Bởi bà con cho rằng tiếng Việt và Giáo dục là cốt lõi của dân tộc Việt. Cũng có ý kiến cho rằng nên hạn chế những chữ có nghĩa Hán - Việt trong các văn bản...

Chủ đề về thực phẩm bẩn đang tràn lan trên đất Việt cũng khiến nhiều bà con xa xứ cảm thấy nhức nhối. Bạn Lê Quốc Việt, một kỹ sư xây dựng và cũng là một trong những nhà tổ chức buổi biểu diễn chia sẻ: “Ca sỹ Trần Lập qua đời đã gây một tiếng vang lớn đối với cộng đồng người Việt yêu nhạc Rock. Và hơn nữa, ngoài tình yêu âm nhạc, còn liên quan đến một thực trạng đang rất nóng bỏng tại Việt Nam, đó là vấn đề thực phẩm bẩn. Sự kiện này chính là để tưởng nhớ nhạc sỹ - ca sỹ Trần Lập, anh đã có rất nhiều bài hát hay và là con người có ý chí sống rất mạnh mẽ... Nhưng qua buổi hôm nay, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến tất cả các bạn trong nước hãy sống chậm lại và quan tâm đến nhau hơn. Có thể nói là thực phẩm bẩn tại Việt Nam đã trở thành quốc nạn. Chúng ta cùng chung tay để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đất nước chúng ta...”

Ngoài kia, Paris trong tiết xuân thật ấm áp, hoa nở khắp nơi. Các quán cà phê đầy hứ, bung ra cả vỉa hè. Trong Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, câu chuyện vẫn cứ tiếp tục, không dứt. Mọi người cứ lưu luyến nhau, hình như chẳng muốn ra về...

Cám ơn ca sỹ - nhạc sỹ Trần Lập, khoảng thời gian anh đi ngang qua cõi tạm này quả là ngắn, nhưng tên tuổi anh có lẽ đã gắn sâu vào tâm thức của đông đảo các bạn trẻ, một thế hệ rất đang cần tiếp thêm ý chí để đối diện với một thực tế trần trụi của xã hội đương thời. Bức thông điệp của anh đã được đón nhận, ngay cả ở nơi xa, rất xa Việt Nam như Paris hoa lệ này. Những ca khúc của anh đã góp phần tiếp thêm lửa cho các em, chỉ cho các em thấy cuộc sống không chỉ có màu hồng, nhưng không phải vì thế mà không tỏa hương. Hoa hồng và hương thơm phải tự mình tìm kiếm và sáng chế, có như vậy, hoa sẽ đẹp hơn và hương sẽ thơm, lan tỏa rộng rãi hơn. Và buổi tưởng niệm anh ngày 17 tháng Tư, cũng đã thêm một dịp để bà con Việt kiều Paris xích lại gần nhau hơn... Đường về quê hương đối với một số không còn quá xa nữa...

Xin mượn lời của anh để kết thúc bài viết: “Cuộc đời con người như que diêm trước gió, mỗi một con người có một đôi bàn tay. Nhưng đôi bàn tay ấy sẽ là không đủ. Nếu như nhiều đôi bàn tay kết lại với nhau, sẽ làm được những điều mà một đôi bàn tay hẳn sẽ không thể. Chúng ta không chỉ nhóm lên ngọn lửa cho chính mình mà còn có thể chia sẻ tấm lòng nhân ái!”.

                                                    Paris 21/04/2016

 

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy