Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
03:40 (GMT +7)

“Nỗi buồn hoa phượng”

VNTN - Đó là tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ca từ nhẹ nhàng, man mác trên nền nhạc dịu dàng, bài hát luôn nằm trong danh sách những ca khúc được yêu thích nhất ở Việt Nam. Tác phẩm trở nên nổi tiếng, là còn bởi nhắc đến loài hoa thân thương cháy rực trong ký ức mỗi người: Hoa Phượng. “Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương, màu hoa Phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm...”

Không biết từ bao giờ, người ta đem cây Phượng trồng trong khuôn viên trường học. Có lẽ vì cây dễ sống, phát triển nhanh, tán xòe rộng. Chỉ cần vài năm tuổi, lá Phượng đã đủ che mát cho vài chục em chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan hay ngồi học bài. Cây lớn dần lên cùng các thế hệ học trò. Mỗi khi hè về, hoa Phượng bừng đỏ chói, cành Phượng la đà mềm mại. Hoa đặc biệt đẹp khi cài lên mái tóc nữ sinh mặc áo dài trắng. Hoa thành thông điệp tình yêu khi nở rực trên giỏ xe của nam sinh mơ mộng. “Chùm Phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, tuổi chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu” (bài thơ “Chút tình đầu” - Đỗ Trung Quân - được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát “Phượng hồng”).

Gắn bó thân thương là thế, nên khi cây Phượng 24 tuổi bất ngờ đổ ập, khiến 1 em tử vong và 12 em học sinh Trường THCS Bạch Đằng (T.P Hồ Chí Mình) bị thương, khiến tất cả giật mình hoảng hốt. Thì ra, cây Phượng và loài hoa chói ngời tuổi thơ còn có thể gây ra nguy hiểm. Vậy là từ chỗ yêu thương quấn quýt, người ta ào ạt đốn cành, tỉa tán, thậm chí chặt sát gốc những cây Phượng đang xanh tươi che mát cho sân trường những ngày nắng lửa.

Và từ khi cây Phượng ở Trường THCS Bạch Đằng bật gốc, cũng đã “bật” ra nhiều vấn đề chưa ai nghĩ tới và biết tới.

Rằng, cây xanh trong khuôn viên trường học là do nhà trường chịu trách nhiệm quản lý. Trong khi các thầy cô giáo hầu như không có kiến thức chuyên môn gì về cây. Họ không phát hiện ra những dấu hiệu của cây như mục ruỗng, bọng bệnh hay sắp đổ.

Rằng, Phượng là loài cây rễ chùm, ăn nông, thân giòn, dễ bị sâu bệnh đục ruỗng bên trong, tuổi thọ ngắn, không nên trồng ở nơi đông người như sân trường.

Rằng, việc trồng cây trong các trường hiện tùy hứng: Không có quy hoạch, không lựa chọn loại cây phù hợp, chủ yếu do phụ huynh học sinh mang đến trồng như món quà lưu niệm…

Trên thực tế, người ta thường trồng cây khi xây xong trường, nên ngôi trường càng cổ kính thì cây càng đại thụ. Những thân rễ đường bệ, cành lá sum suê che rợp sân trường không chỉ là hiện thân của bề dày năm tháng mà trở thành niềm tự hào của mỗi ngôi trường

Ở Hà Nội có thể kể đến các trường có tuổi đời trên 100 năm gắn với cây như Trường THCS Trưng Vương, THPT Chu Văn An, THPT Phan Đình Phùng, Đại học Dược… Ở Thành phố Hồ Chí Minh có trường THPT Marie Curie 162 tuổi; trường THPT Lê Quý Đôn 146 tuổi; trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai 107 tuổi… Trong mỗi ngôi trường này, đều có nhiều cây cổ thụ, nay đã thành Cây Di sản.

Việc ngã đổ của cây Phượng còn là lời nhắc nhớ: Chẳng có gì trường tồn mãi mãi. Cây cũng phải ốm, già và chết như mọi sinh vật trên trái đất này.

Chưa hết, các chuyên gia còn cảnh báo về độ kém an toàn của các cây to bứng từ nơi khác về trồng. Hầu hết tại các khu đô thị, khu dân cư mới đang gia tăng chóng mặt hiện nay đều có hàng cây “cổ tích” sừng sững mọc lên trong thời gian thần tốc. Không có bộ rễ bám sâu vào lòng đất như cây trồng từ bé, hàng cây này có thể bật gốc đổ ập bất cứ lúc nào.

Tiếng chuông báo động không chỉ gióng lên cho các trường học mà còn cho các dãy phố cổ thụ trăm tuổi như hàng Sấu phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), hàng Phi lao phố Trần Phú (Nha Trang), hàng Bồ đề bờ sông Đông Ba (Huế)…

Mùa hè năm nay, nhiều sân trường chịu nắng nóng gay gắt hơn do cây bị chặt hạ. Thực tế, Phượng hay loài cây nào mọc bất cứ đâu đều không có lỗi. Lỗi thuộc về con người thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm và thiếu tình thương, kể cả với một loài cây.

THÁI VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước