“Nơi ấm” cho con
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi chạy ào ra siêu thị mua mấy món hàng tiêu dùng lặt vặt. Đang ngó nghiêng ở quầy thực phẩm thì tình cờ gặp Nga. Ở quê, nhà tôi và nhà ông bà ngoại Nga sát vách nên chị em biết nhau từ bé, tôi coi Nga như em út trong nhà. Rủ nhau ghé quán cà phê hàn huyên, xuýt xoa cốc trà nóng trong màn mưa lắc rắc, Nga ngập ngừng hỏi:
- Chị nghĩ thế nào về việc làm mẹ đơn thân?
- Nó còn tùy thuộc vào việc đó là sự chọn lựa hay do hoàn cảnh bắt buộc nữa. Làm mẹ đơn thân, nếu túi tiền không rủng rỉnh thì vất vả lắm.
- Em có bé rồi chị ạ. Nhưng… gia đình bên ấy không đồng ý. Mẹ em biết chuyện đã khóc rất nhiều, bà sợ quá khứ vất vả cực nhọc của bà một lần nữa lặp lại - ở em.
Nga làm tôi nhớ mẹ em. Mấy mươi năm trước lúc bà chuẩn bị sinh Nga, đã bị bố đuổi ra ở căn chòi ẩm thấp dựng gần khu đầm ngoài cánh đồng như một sự chối bỏ, vì bà “không chồng mà chửa”. Thời ấy, nhà có con gái như thế là ê chề, ô uế lắm. Nhưng bằng sức mạnh bản năng phi thường của một người mẹ, bà đã dưỡng nuôi Nga khôn lớn. Nga thi đỗ đại học, xa nhà mấy chục cây số. Mỗi lần về thăm mẹ ngắn ngủi, bà lại bận rộn việc đồng áng nên mẹ con nào có chia sẻ, tâm tình được gì nhiều. Một mình nuôi con, mẹ Nga cặm cụi tối ngày mong lo cho em đủ tiền đóng học phí, ăn uống đầy đủ. Phụ nữ thôn quê như bà, mấy ai có kỹ năng để nói với con về công dung ngôn hạnh hay những chuyện ngoài xã hội. Còn Nga, sau khi tốt nghiệp đại học, đem hồ sơ đi tìm việc cả năm trời mà không được, đành xin vào làm việc trong khu công nghiệp ở thị xã. Với vốn ngoại ngữ kha khá, sau một thời gian em được cất nhắc lên bộ phận quản lý. Công việc đang suôn sẻ, lương tháng cả chục triệu đồng, bất ngờ em bỏ việc. Lần ấy, thấy tôi ngạc nhiên khi biết chuyện, Nga cười giòn bảo:
- Công việc trong khu công nghiệp lương ổn, nhưng làm ca kíp, tuần ngày tuần đêm nên rất mệt. Em thích được làm dân công sở, làm giờ hành chính, có quen ai, thương ai thì mình cũng “ra dáng” chút đỉnh.
- Thương một người, cái quan trọng là tính cách. Làm ở đâu miễn có thu nhập tốt, đi làm vui vẻ là được mà.
- Người thành phố có việc nhà nước như chị cái gì chả dễ. Đâu giống em quê một cục, ước gì cũng xa xôi.
Sau đận ấy, Nga lên thành phố, nhờ tôi giới thiệu đã xin vào làm kế toán cho một doanh nghiệp. Lương thưởng cũng đủ xoay xỏa, em đẹp hơn, “mốt” hơn. Rồi Nga giới thiệu bạn trai. Anh ta làm trong ngân hàng, biết nhau qua bạn bè cùng công ty. Quen được một năm, em và chàng đã rủ nhau góp gạo thổi cơm chung. Tôi hốt hoảng bảo em, rằng chuyện vượt rào thời nay cũng chẳng có gì to tát, nhưng phải đúng người yêu thương, trân trọng mình, tính chuyện tương lai với mình. Nga ậm ừ đánh trống lảng, rồi thưa dần những lần dốc lòng tâm sự chuyện riêng tư. Có dạo thấy em khoe hai đứa rục rịch chuẩn bị kết hôn. Nhưng vì nhiều lý do từ phía nhà trai, đám cưới cứ lần lữa mãi.
Cuối tuần rồi tôi về quê. Mưa và nồm ẩm chưa dứt, nhà cửa dậy mùi ẩm mốc khiến không gian bức bối. Ghé qua nhà Nga, thấy em đang đun nước nóng ủ trà và nấu rượu. Nga ngồi bó gối trong bếp, khuôn mặt mộc với những đốm mụn và nám rực đỏ vì lửa.
- Cái thai đã 5 tháng rồi, mà người đàn ông em thương yêu lúc mặn nồng thì hứa hẹn, nay ơ hờ nhạt nhẽo. Vì gia đình có điều kiện, quen sống trong sự bao bọc nên đi làm chẳng khi nào dư dật, cũng không tính toán gì cho tương lai của bản thân. Anh ta không dám lên tiếng bảo vệ em trước định kiến của gia đình. Đàn ông mà thiếu ý chí, được chăng hay chớ như thế có đáng tin cậy không chị? - Nga rầu rĩ nói.
- Gia đình người ta đã không bằng lòng, nếu dùng đứa con mà ép uổng thì có cưới hỏi về, làm dâu cũng muôn phần cay đắng, con ạ.
Hóa ra nãy giờ mẹ Nga đã đi chợ sớm về và nghe được nỗi lòng của con gái. Bà dựng chiếc xe đạp, tháo chiếc làn đựng đầy rau củ và thức ăn, vui cười đon đả.
- Hôm nay mẹ chờ mua được bánh cuốn chấm nhân hành phi cùa bà Sáu mà con thích đây này. Con cái là lộc trời cho đấy. Mẹ giờ không lo thiên hạ gièm pha đâu, vì mẹ không muốn con tủi hổ như mẹ trước kia. Người ta tử tế đàng hoàng thì mình cho nhận con nhận cháu, không thì nghỉ khỏe. Đâu ai sống thay cuộc đời của mình, cớ chi phải lo người đời phán xét? Cuộc sống chẳng vì nỗi buồn của ai mà dừng lại cả. Dù có chuyện gì xảy ra, có thiếu khuyết thế nào, vì bản thân, vì con mà bước tới con ạ.
Nghe bà nói, sống mũi tôi cay xè. Có lẽ Nga cũng không ngờ mẹ mình suy nghĩ sâu sắc nhường vậy, nên bật khóc hu hu như đứa trẻ. Cả quãng đường về lại thành phố, tôi cứ miên man nghĩ, liệu trên đời này có được bao nhiêu bà mẹ như mẹ Nga, sẵn sàng chấp nhận sai lầm của con, sẵn sàng dung thứ và cho con một “nơi ấm” an lành?
Anh Anh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...