Nóc xưa
VNTN - Sang gỗ sưa: 0983… Nét chữ gạch non nguệch ngoạc trên bức tường vôi trắng đập vào mắt Huân. Hỏi, mẹ Huân nói, có một ông mấy lần đến gạ mua cái nóc nhà. Chiều nay ông ấy lại đến, tăng giá lên 55 triệu. Ông ấy bảo nếu đồng ý bán thì gọi vào cái số í…
A! Ra cái nóc nhà Huân làm bằng gỗ sưa! Thứ gỗ mà dân tình đang xôn xao bàn tán. Trước kia nghe gọi bằng cái tên quê kiểng, tưởng là cây tạp, ai ngờ nó chính là cây đàn hương đã được lưu vào sử sách. Trong tiểu thuyết Đàn hương hình, nhà văn Mạc Ngôn đã tả một đao phủ dùng cây kiếm gỗ đàn hương xiên dọc thân tử tội rồi treo đúng một tuần mà vết thương không chảy máu, người bị xiên không chết. Tinh dầu chiết xuất từ gỗ sưa làm nước hoa thì bất cứ chính nhân quân tử hay kẻ phàm nhân ngửi thấy đều xây xẩm ngất ngây; làm thuốc dưỡng da thì quí bà nhăn nheo sáu mươi sẽ trở thành mỡ màng mười tám; gỗ đàn hương làm giường nằm thì đố con muỗi nào dám vo ve, dùng làm đũa ăn thì thanh độc khử trùng, dùng làm… quan tài thì thi hài trăm năm vẫn tươi nguyên như người đang ngủ... Gỗ quí đương nhiên đắt. Một cân gỗ sưa giá mấy chỉ vàng. Hà Nội sinh “sưa tặc”. Sểnh ra là một “cụ sưa” lìa đời biến vô tăm tích. Hai cây sưa trước cổng cơ quan Huân cũng sống trong thấp thỏm, bởi luôn bị người ươm ướm, sờ sờ, thẫn thờ, nhâm nhẩm… Hai cây sưa này giá phải trên 4 tỉ.
Tưởng chuyện săn lùng gỗ sưa chỉ xảy ra nơi thành phố, ngờ đâu nó đã lan đến quê Huân. Đến tận nhà Huân.
Nhà Huân, ngôi nhà ông bà để lại gần trăm năm tuổi. Cụ nội Huân là một thầy đồ, sinh được bốn người con trai. Đa đinh đa phúc. Cụ quyết tâm thay ngôi nhà tranh vách đất bằng ngôi nhà khang trang thờ cúng tổ tiên. Cụ sai con cả vốn được ăn học đi hết hàng tổng tham khảo mẫu nhà; sai con thứ hai vào làng đồi đánh đá ong thuê, cơm nuôi ngày ba bữa, mỗi chiều trở về thì hai đầu thó gánh hai hòn đá ong thay tiền công; sai con thứ ba đi theo phường gỗ vào rừng, mỗi chuyến mang về một cây làm kèo làm cột; sai con thứ tư đi làm thuê cho chủ lò vôi gạch, mỗi lò lấy công bằng trăm ngói mũi, chục ngói bò, ròng rã năm năm thì tích được hai vạn ngói và ba thùng vôi tôi đầy ắp. Lại sai các con dâu mỗi sáng tinh mơ thể dục bằng chục quảy đất phù sa từ bãi sông về đổ làm nền. Kiến tha lâu đầy tổ, vật liệu cho ngôi nhà đã được mang về bằng các ngả đường như thế.
Chọn giờ hoàng đạo, cụ đồ phát lệnh khai móng. Các con trai tự làm thợ ngoã xây tường. Các con dâu đánh hồ, bê đá... Phần mộc, cụ kén một đoàn thợ có tiếng khéo tay tận Nam Định.
Tiếng bay chém đá chí chát. Tiếng rìu đẽo gỗ rộn ràng. Tiếng cưa xẻ miệt mài mê mải. Tiếng bào đục lách cách, râm ran… Suốt bốn tháng trời ròng rã, ngôi nhà năm gian đã thành hình. Lúc này cụ đồ mới chọn một cây gỗ đẹp nhất, kén người thợ còn thanh tân gia công nóc nhà. Người thợ ăn mặc chỉnh tề. Cưa rìu bào đục được rửa bằng rượu trắng… Khi chiếc nóc hoàn thành, cụ đồ tắm gội nước thơm, tự tay mài mực tàu, rửa bút lông. Cụ thắp ba nén nhang thơm, nhắm mắt định thần một hồi rồi vén tay áo kính cẩn viết một dòng chữ đen nhức lên thanh gỗ dài sáu thước. Xong, tự tay cụ buộc hai dải giấy điều vào hai đầu nóc rồi sai gác lên giá nơi cao ráo, cấm chỉ con gái đàn bà lai vãng. Đợi đúng ngày tốt, cụ mặc áo the khăn xếp, sửa lễ vái bốn phương trời đất rồi cất giọng hô trang nghiêm: Lương thời thụ trụ thượng lương đại cát vượng! Dứt lời, chiếc nóc được ròng lên đỉnh nhà. Những dòng chữ nho lung linh trong nắng chính ngọ chói chang...
Theo phong tục quê Huân, con trưởng được thừa kế ngôi nhà hương hỏa. Ông nội, bố, giờ là anh cả.
Buổi chiều, anh cả ướm ý: Có bán không chú?
Anh là trưởng sự, bán hay để là do anh, em có quyền gì đâu… Huân nói mà giọng ngào ngạt nỗi tủi thân. Phận con thứ, bố mẹ nghèo, Huân quyết chí xa quê tự lập từ mười tám tuổi. Huân không có quyền chia chác từ ngôi nhà này.
Huân ngửa mặt lên nóc nhà để ngăn dòng nước đang định rấn ra. Từ tấm bé Huân đã nằm chao trên cánh võng đay giữa hai cột nhà để hút mắt vào những hình chim hoa cá thú đẹp mê man trên các bức mành xung quanh nhà, thả sức cho trí tưởng tượng phiêu bồng. Và ánh mắt Huân bao giờ cũng dừng lại lâu nhất ở cái nóc nhà. Những dòng chữ tượng hình gợi rất nhiều suy đoán ấu thơ.
Làm sao mà tay Sang lại biết cái nóc nhà mình bằng gỗ sưa? Huân hỏi.
Cái đó thì anh chịu. Anh cả nói.
Chả nhẽ những tay buôn gỗ sưa có… máy dò mùi?
A! Huân nhớ rồi.
Huân nhớ một mùa đông rét buốt. Cha Huân năm đó trúng vụ cá kêu thợ sửa nhà. Trong tốp thợ, có một ông thợ hàng ngang tên Phảng. Nghề mộc, thợ hàng ngang thuộc đẳng cấp cao nhất, chuyên đục chạm những hình long hóa mai, long hóa trúc, ngũ phúc, tứ bình… ở các bức mành. Bởi vậy thợ hàng ngang được đãi rất trọng. Ông Phảng ngồi trên chiếu hoa, bên cạnh có một lò lửa sưởi ấm. Bàn tay ông cầm đục tách lượn những đường múa dẻo trên những cụm hoa văn một cách mê say. Thi thoảng ông dừng tay cầm một phoi bào xoắn mỏng màu nâu thả vào lò sưởi. Mùi thơm trầm ấm thoảng trong không khí mùa đông đặc ngọt… Đúng rồi. Chỉ có ông Phảng biết cái nóc nhà Huân bằng gỗ sưa, và những tay buôn gỗ thừa khôn ngoan để tìm đến dò hỏi các ông thợ mộc…
Anh cả gật gù: Anh tính rồi. Nếu bán đi thì chỉ mất khoảng 5 triệu mua cái nóc mới… Nhưng…
Mẹ Huân gạt ngay: Nhưng làng nước người ta chửi cho vào mặt ấy. Con có cha nhà có nóc. Đã thiếu thốn đến đâu mà phải bán cả nóc để ăn. Rồi không khéo lại lụn bại đủ đường.
Mẹ Huân là người không được học hành, nhưng trong tâm thức bà nóc nhà luôn là một vật thiêng mang nghĩa tâm linh. Cái nóc nhà này đã tỏa bóng xuống cuộc sống bốn đời chi họ nhà Huân. Là dâu trưởng phải gánh vác những việc đại sự nên ý thức gia tộc của mẹ rất sâu sắc. Bà buông một câu lẫy: Nếu các anh muốn bán thì đợi tôi chết đã. Chỉ vài năm nữa thôi mà! Anh cả cười cười: Nói thế thôi… chứ ai bán.
Huân trở về Hà Nội với một tâm trạng rất vui. Lúc đi qua cổng cơ quan, Huân đứng lại ngắm nhìn hai cây sưa rất lâu. Gốc không có những vết sẹo u nần hầm hố khoe dấu tích thời gian như hàng xà cừ cổ thụ. Tán chẳng rậm dày để ra dáng thâm nghiêm như dãy sấu già. Thân không gân guốc như bằng lăng, cành không thướt tha yểu điệu như sữa, lá không xum xuê mùa hè trơ trụi mùa đông như bàng... Dáng sưa thanh mảnh, lá nhỏ quanh năm mềm mại xanh non, tán vươn thẳng lên đón khí trời thoáng đãng…
*
Một ngày gia đình Huân nhận được cái tin chấn động về thằng em út.
Thằng Hưng, mẹ Huân đẻ nó vào năm đói kém nhất. Huân còn nhớ như tạc vẻ mặt hốt hoảng của mẹ khi phát hiện mình mang thai ở tuổi bốn lăm. Những năm đó mẹ làm nghề hàng sáo, suốt ngày tất bật với xay giã giần sàng để sáng sớm mang hàng lên chợ Bụa. Có lẽ những gánh gạo oằn vai trong ban mai nặng nhọc đã khiến mẹ tụt vòng. Thằng Hưng ra đời sau đứa con thứ hai của anh cả hai năm. Đứa cháu gái dính một cơn sài đẹn li bì, toàn thân nó chỉ còn là một túi da nhăn nheo bọc túm xương lỏng lẻo. Nó yếu như trẻ sơ sinh, không thể ăn cơm cháo. Mỗi buổi sáng nó lẩy bẩy lần bậu cửa đến buồng bà. Cảnh “cháu bú bà” diễn ra trong nhà Huân giống một bức tranh ảm đạm nhưng đẫm đầy tình nghĩa. Huân dám chắc, nếu mẹ không đẻ thằng Hưng thì đứa cháu Huân cũng chết. Anh cả ban đầu đã có ý thẹn với xóm giềng vì việc “mẹ đẻ con đẻ”, sau tỏ ra biết ơn bầu sữa san sẻ của bà.
Mặc dù ăn toàn khoai sắn nhưng thằng Hưng vẫn lớn ngoăn ngoẳn, thông minh và nghịch ngợm. Hai tuổi, còn cởi truồng nhưng đã biết cầm sào chỉ huy một bầy ngỗng trăm con đi đều tắp như duyệt binh trên mặt đê trong nắng gió đồng quê bát ngát. Bốn tuổi đã biết cầm vở đánh vần tập hát bằng cái giọng ngọng nghịu tường sơn tông tường sơn tây, bên tắng tốt bên mưa tầu quay…
Nhưng rồi thằng Hưng cũng không thoát khỏi thân phận trai làng. Hai năm liền nó đăng kí thi vào hai trường nổi tiếng quân đội. Năm thứ nhất, Trường sĩ quan Lục quân I lấy 22.5 điểm, nó được 16.5. Huân khuyên, chú nên tự lượng sức mình. Nó vặc lại: Tôi phải học cái trường mà khi ra sẽ làm sếp của anh cơ! Ái chà! Năm thứ hai nó thi Học viện Quân y. Được 17.5, trong khi điểm chuẩn là 26.
Chán đời, thằng Hưng theo bạn bè làm thợ hồ, vạ vật khắp các công trình Hà Nội. Thi thoảng nó kéo bạn phu hồ lôi thôi lếch thếch đến cơ quan Huân. Trong giọng nói của nó đã nhuốm hơi bụi đời chợ búa. Thế này là không ổn. Huân phải nghĩ cách. Huân về quê gặp thằng bạn học đang là xã đội trưởng. Thằng Hưng quá bất ngờ khi có giấy báo gọi nhập ngũ. Nó nhảy đến cơ quan Huân thở ra một hơi hằn học: Kịch bản của ông phải không? Huân thú nhận: Chú nên đi lính hai năm cho cứng cáp. Anh hứa sẽ xin cho chú vào một đơn vị nhàn nhã nhất. Nó gật gật đầu: Ông nhớ đấy! Huấn luyện xong ba tháng tân binh thằng Hưng đã gọi điện eo éo: Anh lên xin cho tôi đi học sĩ quan đi! Huân trả lời: Thì chú cứ cố gắng phấn đấu, khi nào có chỉ tiêu đơn vị sẽ xét thôi. Nó cười khẩy: Còn lâu nhé! Chỉ tiêu không đến lượt tôi đâu. Thôi, tôi chả cần học sĩ quan nữa. Ông lên xin cho tôi về văn phòng Bộ Tư lệnh cũng được!
Đến lúc ấy thì Huân đành thú thật. Huân không mong thằng Hưng trở thành lính cảnh. Thôi em ạ. Anh muốn trong thời gian tại ngũ em tranh thủ ôn luyện văn hóa, ra quân thi tiếp. Anh tin là em sẽ đỗ… Thằng Hưng cay cú gào lên: Ông lừa tôi! Ông lừa tôi!...
Ngày ra quân, thằng Hưng vác bộ mặt xưng xỉa đến cơ quan Huân buông một câu gọn lỏn: Tôi đi miền Nam!
Huân đớ ra hỏi vội: Chú đi miền Nam làm gì? Chú phải ở nhà thi đại học!
Nói câu ấy xong, Huân đinh ninh thằng Hưng sẽ nghe lời. Nhưng thật bất ngờ, nó hỏi vặn: Nhưng tôi đỗ thì ai nuôi tôi?
Anh sẽ nuôi em… Câu trả lời buột ra từ vô thức trong khi chính Huân chưa biết sẽ nuôi em bằng cách nào.
Thằng Hưng nhìn Huân ra chiều cảm động. Nhưng nó thở dài buông một câu cám cảnh: Anh lương mỏng con đông vợ không nghề nghiệp... Không nuôi nổi đâu. Tôi đã quyết. Anh đừng cản!
Nó rút vé tàu phất một phát vào mắt Huân như một nhát ba tiêu quạt bay mọi níu kéo. Huân uất ức quát to: Thế thì mày cút! Mày đã quyết định rồi thì còn hỏi ý kiến tao làm gì? Cút ngay!
Thằng Hưng không thèm nói thêm một câu, bỏ về. Huân ngồi một mình mặc cho nước mắt ứa ra. Miền Nam… Miền đất có những khu công nghiệp mới mọc đã hút mất một đứa em, ba đứa cháu gái của Huân rồi, giờ sắp thêm thằng Hưng nữa… Tối ấy Huân tức tốc về quê. Thằng Hưng không có nhà. Nó đi chia tay bạn bè. Huân ngồi câm lặng trước mẹ. Một nỗi xấu hổ ê chề không nói nên lời. Ngày cha mất, bảy anh em Huân liêu xiêu gậy tre khăn trắng đưa cha ra đồng. Trời mưa lầy lội. Cỗ đòn tang nghiêng ngã trên vai đội đô tùy mấy lần suýt nhào xuống mương khiến anh cả và Huân phải ghé vai vào gánh đỡ. Chỉ có thằng Hưng lúc đó mới 15 tuổi lúc cúc chống gậy một mình. Mẹ nhìn thằng Hưng gào khản cả tiếng: Ới ông ơi, ông chết đi bỏ lại con ông còn thơ dại!... Huân đã động viên mẹ thôi đừng khóc nữa. Anh em con sẽ có trách nhiệm đùm bọc nhau. Vậy mà bây giờ…
Biết Huân khó xử, mẹ ngậm ngùi: Mẹ cũng biết con thương thằng Hưng. Nhưng anh em “kiến giả nhất phận”, con cứ để nó đi.
Huân quay ra Hà Nội ngay đêm đấy mà không dám gặp thằng Hưng. Phần mặc cảm vì mình bất tài, phần giận thằng em ngang bướng, Huân đã không liên lạc với nó. Nhưng Huân vẫn theo sát tin tức. Nó xin vào làm bảo vệ ở một công ty may mặc, lương tháng 800 ngàn. Vậy là thằng Hưng đã an kiếp làm thuê, giã từ những hoài bão ngông cuồng tuổi trẻ. Nào ngờ nó điện về báo tin đã thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Kinh tế.
Bây giờ các anh chị tính thế nào? Mẹ Huân mở lời trong cuộc họp gia đình.
Em nó thi đỗ thì phải học thôi. Huân và anh cả đồng thanh nói.
Nhưng ai nuôi nó? Các anh các chị chỉ biết nói cái miệng thôi. Nó đi học những bốn năm, tính hết cả trăm triệu bạc. Ai cho nó bây giờ? Tôi thì già thế này rồi. Có ai mua thịt tôi, tôi sẽ róc ra đem bán lấy tiền cho nó…
Mẹ Huân, hễ cứ nói đến chuyện thằng Hưng, “hòn máu sót” của bà là lại khóc. Nhìn nước mắt mẹ, Huân rối cả ruột. Các chị em ngồi quanh cũng cúi mặt, không dám nói gì. Làm sao mà dám nói gì khi một đống con nheo nhóc của họ cũng đang thiếu đói?
Im lặng bao trùm.
Cuối cùng anh cả lên tiếng: Thôi, mẹ không phải lo. Nhà mình còn cái nóc nhà gỗ sưa đây…
Huân giật thót mình. Ôi cái nóc nhà! Cái nóc nhà mà mẹ đã cương quyết không cho bán vì nó là vật thiêng tổ tiên truyền lại. Anh cả gục gặc một hồi rồi bỗng đứng lên nói to: Bán nóc nhà để ăn thì sợ mang tiếng, chứ bán để học thì chắc các cụ cũng rộng lòng tha thứ. 55 triệu, được nửa tiền học cho thằng Hưng rồi. Tay Sang cứ trả giá “quạ” thế thôi, chứ cân lên giá sẽ gấp nhiều lần. Mẹ và các cô các chú không phải nghĩ ngợi nữa.
Lời anh cả quyết đoán và hợp lí khiến tất cả mọi người chỉ còn biết im lặng cúi đầu.
Dãy số điện thoại mà tay buôn gỗ viết lên tường đã được thằng cháu quét vôi trùm lên, may mà vẫn còn mờ mờ. Huân bấm số. Một giọng hồ hởi đáp lại: Tôi sẽ đến ngay!
Huân đứng bần thần nhìn ngôi nhà. Chỉ một lát nữa thôi, những hàng ngói bò sẽ bị cậy lên. Chiếc nóc nhà quện khói hương thờ tự bốn đời nhà Huân sẽ bị hạ xuống… Có một khoảng trống hoác tự trong lòng Huân… Huân bấm một cuộc gọi nữa cho thằng Hưng, giọng gần như khóc: Chú yên tâm… Sẽ có tiền gửi vào cho chú…
Hai chiếc xe máy ngầu ngã ào vào sân. Tay buôn gỗ bê chiếc cân bàn đặt uỵch xuống sân.
*
Thằng Hưng đã học gần xong năm cuối. Nó học giỏi, chưa ra trường nhưng đã có mấy nơi đánh tiếng xin nhận. Ngành học của nó đang có giá trong thời buổi này. Vào một ngày nghỉ, thằng Hưng điện thoại cho Huân: Tôi muốn thông báo với anh một việc, tôi đã có người yêu!
Huân hỏi gấp: Chú yêu ai? Quê quán ở đâu? Gia đình cô ấy thế nào?
Thằng Hưng khủng khỉnh: Tôi yêu con một sếp to của thành phố...
Chết rồi! Những sinh viên tỉnh lẻ thường vẫn có những toan tính qua những cuộc tình thực dụng hòng bám trụ nơi thành phố. Dòng họ nhà Huân xưa nay chưa bao giờ khá giả về tiền bạc, nhưng tài sản lớn nhất mà ông bà truyền lại cho con cháu là đức tính khí khái trước những quyến rũ tầm thường. Chả nhẽ thằng Hưng… Huân lập bập: Chú nên biết thân biết phận một chút. Mình gốc gác quê mùa, nhà nghèo, mẹ già, anh em đông. Chú phải tự lập về mọi mặt mới có thể phụng dưỡng mẹ già, giúp đỡ anh em…Chú phải yêu con nhà lao động mới mong họ thông cảm cho hoàn cảnh nhà mình. Nếu chú yêu người ta chỉ vì cái nhà cái đất của bố cô ấy cho giữa thành phố thì anh nói thật, chú sẽ lại dính thân phận chó chui gầm chạn, chắc anh không bao giờ dám đến thăm nhà chú.
Thằng Hưng gắt lên: Anh chưa gặp cô ấy làm sao anh biết được.
Huân vẫn có định kiến không mấy tốt đẹp về những cô gái con nhà VIP thế hệ 8x, không ẻo lả cớm nắng thì cũng quậy phá đua đòi. Những trò hip hop, đua xe, thuốc lắc…của các cô chiêu cậu ấm nhan nhản hàng ngày trên báo khiến Huân cảm thấy rất lo.
Thằng Hưng hắt ra một hơi thất vọng: Tôi không muốn đối thoại với anh nữa. Tết này tôi sẽ đưa cô ấy về ra mắt. Tôi sẽ “khai hoá” cái nhận thức tù túng của anh!
Khẩu khí ngang tàng nhưng đầy tự tin của thằng Hưng khiến Huân suýt phì cười. Nhưng Huân vẫn giữ giọng nghiêm: Được, rồi xem…
*
Đây là cái Tết đông vui nhất của nhà Huân. Suốt từ mồng Một đến mồng Ba, ông bà, chú bác, anh em… trong họ nườm nượp mang lễ vật về cúng tổ. Bàn thờ đỏ rực câu đối, nến đèn; từng chồng bánh chưng bánh gai chất ngất trong nhang trầm lượn toả. Ngôi nhà cổ đầy ắp tiếng nói cười. Huân nhìn các em các cháu Huân, những con chim tha phương xác xơ về tổ đang đắm mình trong khí Tết quê nhà mà nghe lòng ấm cúng. Người yêu thằng Hưng là tâm điểm được chú ý.
Cô gái tên Hà, sinh năm 1988. Tóc ép nhuộm nâu. Nước da dám nắng. Vóc người cân đối khoẻ mạnh. Khuôn mặt khá xinh. Giọng Sài Gòn rất ngọt. Nói năng tự nhiên nhưng lễ phép, rõ được uốn nắn kĩ lưỡng từ gia đình.
Bọn em định bao giờ cưới? Huân hỏi để bắt chuyện với Hà. Nhưng thằng Hưng buông một câu ngủng ngoẳng: Bao giờ cưới tôi báo.
Nói rồi nó bỏ xuống bếp.
Huân lừ mắt lườm yêu thằng Hưng, vuốt theo một câu cốt để nói với Hà: Nó ngang ngạnh thế mà em yêu được thì cũng lạ!
Hà nhìn theo thằng Hưng tỏ ý bênh vực: Tính ảnh thế mà, anh còn lạ chi. Em mến anh Hưng từ ngày mới nhập học. Lúc đó ảnh gày mà đen thui hà. Thấy thương. Nhưng em chỉ thực sự yêu ảnh khi biết chuyện về cái nóc nhà gỗ sưa thôi…
Huân nhướng mắt: Ơ, em cũng biết chuyện ấy à?
Em biết chớ! Hà cười cười. Lúc anh điện thoại với ảnh, em đứng cạnh đó mà…
Đúng là mọi chuyện đều có nhân duyên của nó...
Lúc tay buôn gỗ đặt cái cân xuống sân, Huân đã bỏ sang mấy nhà hàng xóm tránh không phải nhìn cảnh mái nhà bị lật tung lên. Nhưng rồi chuông điện thoại của Huân đổ dồn. Thằng Hưng nói gấp trong hơi thở đứt quãng: Anh nói ngay với anh cả hộ tôi, nếu bán cái nóc nhà là tôi bỏ học đấy! Huân phân vân: Nhưng… Thằng Hưng nói luôn: Nhưng nhiếc gì! Các anh khó xử, tôi hiểu. Tôi cho các anh một cơ hội giúp đỡ tôi để khỏi lăn tăn. Mỗi anh cho tôi mượn mấy triệu để tôi mua con Wave Tàu. Có xe, tôi sẽ đi làm ban đêm để lấy tiền ăn học. OK chưa?… Lúc đó Huân đã thầm reo lên trong lòng: Ôi thằng em út xa xôi!...
Em nghe anh Hưng kể nhiều dzề ngôi nhà này lắm! Kể goài làm em nghĩ mình được sinh ra nơi này dzậy!
Nói xong câu ấy, Hà cười mắc cỡ, vội ngước đôi mắt to đen nhìn lên:
Con ở nhà lầu, đâu có biết cái nóc nhà là cái chi…
Một cụ cao tuổi trong họ nghe vậy bèn giơ tay chỉ: Thanh gỗ dài có hàng chữ nho ở gian giữa đó. Hai mươi mốt chữ, vế đầu là niên đại, vế sau là những chữ Tử - Vi Tinh - Chiếu - Trạch, sao tốt rọi xuống nền đất nhà mình; Càn Nguyên Hanh - Lợi - Chinh, nghĩa của câu này uyên thâm, đúc rút từ Kinh Dịch theo thuyết Âm dương ngũ hành, cụ đồ nhà ta mong ước từ ngôi nhà này, con cháu muôn đời an hoà, hanh thông, hạnh phúc.
Hà không giấu được vẻ tò mò thích thú hỏi ngay: Thế còn những thanh nhỏ nhỏ gác dzô cái nóc kia là cái chi ạ?
Cụ già cất giọng cười vui, giảng giải: À, đó là rui. Các cụ nói Trăm rui chui vào một nóc. Cái nóc nhà quan trọng thế nên cụ nhà ta mới chọn gỗ sưa để làm…
Hà đang nghe chăm chú, bỗng reo lên: A, con nghe anh Hưng nói goài dzề gỗ sưa, con dzô mạng kiếm miết mà hổng ra. Con muốn biết cây sưa quá đi!
Cụ già nghe Hà những từ ngữ mới lạ, không hiểu đứa cháu dâu tương lai muốn nói gì, chỉ gật đầu cười nhẹ. Huân bắt đầu thấy mến vẻ hồn nhiên lí lắc của Hà, thầm trách những lo lắng của mình hơi thái quá…
Mồng 4 Tết, Huân đưa thằng Hưng và Hà ra ga tàu trở lại miền Nam. Huân bảo taxi chạy qua cơ quan để Hà nhìn thấy cây sưa. Và Huân đã ngạc nhiên bởi lần đầu tiên được chứng kiến một hình ảnh rất lạ. Hai cây sưa trổ bừng hoa trắng điểm những búp lá xanh tựa hai mâm xôi đỗ vun đầy giữa trời. Sương bay như mơ. Phố cổ với những mái ngói rêu phong vẫn vương không khí Tết. Ba anh em đứng dưới gốc sưa ngửa mặt nhìn lên. Hoa sưa thơm thanh tao trong thanh minh…
Truyện ngắn. Đỗ Tiến Thụy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...