Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
06:46 (GMT +7)

Nỗ lực để miền núi đổi thay

VNTN - Trong hai ngày 15 và 16/9, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, năm 2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, ngày hội của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Về dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 38 vạn đồng bào dân tộc thiểu số của 45 dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh. 5 năm qua kể từ kỳ Đại hội trước, đến nay, đời sống vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay, vươn lên mạnh mẽ…

Nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, có thể thấy cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác dân tộc và đồng bào vùng DTTS, miền núi; thông qua những chính sách, biện pháp cụ thể gắn với sự nỗ lực vươn lên từ ý chí, nghị lực của đồng bào các dân tộc đã thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi ngày càng phát triển. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực.

Hơn 30 năm đảm đương vai trò Trưởng xóm Cầu Cong, nơi có đông người dân tộc nhất xã Tân Khánh huyện Phú Bình, ông Đặng Văn Hồng (sinh năm 1964, người dân tộc Sán Dìu) luôn được người dân tin yêu bởi sự nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào chung của địa phương, nhất là trong việc phát triển kinh tế. Cầu Cong là xóm 135, có 78 hộ dân với 378 nhân khẩu, trong đó chiếm 95% là người dân tộc Sán Dìu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm luôn chiếm trên 60%, nhưng đến nay đã giảm còn 19%, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Không chỉ làm tốt việc chung của xóm, ông Hồng còn là tấm gương trong phát triển kinh tế… Hiện nay, ông đã trồng được 17 ha rừng keo, bạch đàn,1ha lúa nước, 1 xưởng sản xuất chế biến gỗ, 02 xe ô tô tải để phục vụ cho vận chuyển gỗ và vật liệu phục vụ cho bà con nhân dân trong xóm, đặc biệt đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 40 lao động trong và ngoài xóm thu thập từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng. Hằng năm gia đình ông trừ chi phí còn tích lũy được khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng.

Nếu như ông Hồng được biết đến là người trưởng xóm uy tín, tấm gương sáng trong phát triển kinh tế của đồng bào các DTTS thì ông Lưu Xuân Lai, sinh năm 1947, dân tộc Tày, xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu huyện Định Hóa lại được mọi người biết đến là người “giữ lửa” Then Tày. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ nhân Lưu Xuân Lai vẫn nhiệt huyết với hoạt động bảo tồn, truyền bá những giá trị văn hóa tiêu biểu của người Tày tới du khách bằng những lời hát then với cây đàn tính. Ông ghi chép lại những làn điệu Then và đã sưu tập được hàng chục làn điệu Then cổ, dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông để dễ dàng phổ biến, truyền dạy. Tháng 11/2015, ông Lưu Xuân Lai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và năm 2019, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của ông trong việc gìn giữ, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc Tày. Với ông, đây không phải là mục tiêu cuối cùng mà bảo tồn, truyền dạy làn điệu Then và đàn tính mới là niềm vui, hạnh phúc của mình.

Ông Hồng và ông Lai chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương người DTTS điển hình được tham dự và tham luận tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần này. Trong các phong trào thi đua yêu nước có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng xóm, già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Có nhiều già làng, trưởng xóm, người có uy tín đã thực sự trở thành tấm gương của sự đoàn kết, vận động nhân dân phát triển kinh tế, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và đặc biệt là công tác vận động quần chúng ở cơ sở tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Mỗi cá nhân tốt sẽ góp phần quan trọng xây dựng nên tập thể tốt.

Liên hoan văn hóa văn nghệ mô hình mẫu hình làng bản văn hóa cơ sở góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng bào các DTTS trong tỉnh

Ông Hoàng Văn Sỉnh, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ được nhiều người biết đến như một thủ lĩnh của đồng bào Mông nơi đây. Xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng nằm cách trung tâm xã 3km, với 43 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao 87,8%, nguồn thu nhập của nhân dân chủ yếu là trồng ngô, chè trên nương rẫy và trồng rừng. Trình độ dân trí vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Xóm được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chương trình 135, các chính sách hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo và các chính sách về y tế, giáo dục… Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nhân dân, từ đó bà con đã bỏ dần một số tập quán canh tác lạc hậu và tích cực tham gia tập huấn, áp dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lúa, ngô, chè… Nhờ hưởng lợi từ Đề án 2037, nhân dân xóm Khe Cạn nói riêng và đồng bào dân tộc Mông ở xã Văn Lăng nói chung từng bước xóa đói giảm nghèo, năng suất sản lượng ngô tăng lên hàng năm do sử dụng giống ngô lai vào canh tác và được chăm sóc tốt do có lượng phân bón được hỗ trợ, bà con cũng đã biết thâm canh tăng vụ để tăng năng suất, dần dần từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Khe Cạn chỉ là một trong rất nhiều vùng dân tộc thiểu số của tỉnh được hưởng đầy đủ các chính sách dân tộc. Nhờ nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Để triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt một số chương trình, chính sách, đề án của Trung ương như: Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn...

Sau 3 năm (2016-2018), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2018: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 6,39% . Đến nay, toàn tỉnh có 61/114 xã vùng DTTS đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 53,5%, cao hơn hai lần so với tỷ lệ các xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới của toàn quốc; có 3 xã đặc biệt khó khăn đang hưởng các chính sách theo Chương trình 135 đã đạt chuẩn nông thôn mới và đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình. Công tác giáo dục và đào tạo vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ rõ rệt. Số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt tỷ lệ 82,6% (về trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giao). Đến nay, 100% các xã vùng DTTS hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, học sinh DTTS được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Tỉnh đã từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trong đồng bào DTTS. 100% xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó 92,2% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế có bác sĩ.

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện nay có 91,4% số xã vùng DTTS và miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa. Công tác gìn giữ, bảo tồn và phục dựng các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc được quan tâm thực hiện. Đến nay đã hoàn thành công tác bảo tồn hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ và xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên; phục dựng lễ cấp sắc của người Dao ở huyện Phú Lương; đám cưới người Dao ở xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ; lễ hội Oóc pò, lễ cấp sắc của dân tộc Nùng xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ...

Trong giai đoạn 2014-2019, Trung ương đã có 118 chính sách trực tiếp và gián tiếp được triển khai trên địa bàn toàn quốc, tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả các chính sách triển khai trên địa bàn. Tổng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng DTTS và miền núi khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Nổi bật nhất là trong giai đoạn này, tỉnh đã có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hưởng Chương trình 135 (tương ứng với 25%); huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo (huyện 30a). Cơ bản xóa 76/76 xóm bản thiếu điện, “trắng điện” lưới quốc gia; xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn.

Để ghi nhận và biểu dương kết quả của đồng bào các DTTS tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 20 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 62 cá nhân. Từ những thành tựu đã đạt được, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III đã thông qua Quyết tâm thư, khẳng định: Đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm một lòng đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã lựa chọn. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nguyện tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; Nguyện chung sức, chung lòng cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân xây dựng quê hương Thái Nguyên giàu đẹp.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy