Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
21:55 (GMT +7)

Nợ công có “sang trang mới”?

Sự cần thiết phải sửa luật được thống nhất rất cao, bởi tình hình nợ công rất đáng lo ngại hiện nay được cho là có nguyên nhân từ những bất cập của luật hiện hành.

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ khái quát: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. Ngoài ra, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án có sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.

Con số cụ thể minh chứng cho sự tăng nhanh của nợ công là, chỉ tính riêng quy mô dự nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối 2001 đã tăng 6,5 lần.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được Chính phủ nhìn nhận là do chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công. Bên cạnh đó việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức đòi hỏi phải có điều chỉnh khuôn khổ pháp lý nhằm chủ động quản lý, phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong công tác cho vay lại, công tác cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ.

Kiểm toán nhà nước, hơn một lần cũng đã bối rối khi mà từ lập dự toán đến thu chi nợ công đều có sai sót. Nhận định từ Kiểm toán là danh mục nợ công có thể bị trùng lắp hoặc chưa đầy đủ khoản nợ công của chính phủ, công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu thống nhất trước khi  tổng hợp  báo cáo.

Thuyết minh sự cần thiết phải sửa Luật Quản lý nợ công ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14, Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước liên quan đến quản lý nợ công chưa được phân định cụ thể, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này dẫn đến vướng mắc tổ chức thực hiện và không phân định trách nhiệm giữa các cơ quan.

Thế nhưng, tại dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới,Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ giữa 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm giữ như cũ là của đa số các thành viên Chính phủ, khi Chính phủ bỏ phiếu về nội dung này.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) không đồng tình mà đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chínhlà cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.

Bởi, thực tiễn cho thấy việc thực hiện theo quy định hiện hành đã dẫn đến công tác quản lý nợ công trong đó có huy động, quản lý vốn vay còn phân tán, thiếu tập trung, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, xác định trách nhiệm,... còn khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công.

Quản lý tốt sẽ cho một con số nợ công chuẩn xác hơn. Nhưng con số này còn phụ thuộc vào phạm vi nợ công tại dự thảo luật, và đây cũng còn là vấn đề khiến cơ quan "gác cửa" cho Quốc hội băn khoăn.

Dự thảo luật có phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của luật hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Phạm vi này theo Bộ Tài chính là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của kinh tế Việt Nam.

Nhưng có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng cần bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách Nhà nước, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội (những khoản kéo dài qua năm ngân sách) vào nợ công vì đây thực chất là những khoản nợ mà ngân sách sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau nên nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, bị động cho quá trình quản lý, điều hành nợ công.

Về quy định không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, Chính phủ giải thích là theo thông lệ quốc tế, ngân hàng trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của chính phủ, theo đó các khoản vay của ngân hàng trung ương không kết cấu trong nợ của chính phủ.

Nhưng vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là ở các nước thì ngân hàng Trung ương là độc lập nhưng ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước lại trong hệ thống Chính phủ, vậy không tính thì có hợp lý hay không?

Và, nếu Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước là khu vực công, thì đương nhiên nợ của họ Nhà nước phải trả- có nghĩa là phải được tính vào nợ công.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ ba khai mạc vào cuối tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Và, nợ công có sang trang mới hay không, câu trả lời chính do Quốc hội quyết định.

 Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy