Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:18 (GMT +7)

Những vần thơ về thành phố Thái Nguyên

VNTN - Ngược dòng lịch sử, vào năm Gia Long thứ 12 (1813), thủ phủ của trấn Thái Nguyên xưa được chuyển từ Thiên Phúc (nay thuộc Sóc Sơn - Hà Nội) lên khu vực đất Đồng Mỗ (nay thuộc phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên), và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) khi đất nước được chia lại thành các tỉnh hạt, trấn Thái Nguyên cũng được đổi thành tỉnh Thái Nguyên. Xem như vậy thì thủ phủ của Thái Nguyên xưa cũng đã đứng chân trên mảnh đất này trên 200 năm tuổi.

Quang cảnh của khu vực thị xã Thái Nguyên xưa kề bên Bến Tượng, bến Đồng Mỗ của dòng sông Cầu biếc xanh đã được nhà thơ đương thời Ngô Thì Sĩ mô tả qua những câu thơ sau:

Một dải non xanh trông xuống làn nước biếc

Châu biên thành mà cảnh đẹp như thế này cũng ít có

Cửa hàng buôn bán, phố xá người ở có những nhà 

                                                            cái cao cái thấp

Sở thuế tuần, thuyền khách buôn ở trên bến dưới nước

Vào những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khu vực Đồng Mỗ được mở rộng và phát triển dần về phía tây nam, trở thành một thị xã nhỏ bao gồm phần đất có diện tích tương đương phường Trưng Vương, một phần phường Hoàng Văn Thụ và Phan Đình Phùng hiện nay.

Suốt cả thời thuộc Pháp, thị xã của một “tỉnh lẻ” vùng núi này còn nhỏ bé, tĩnh lặng. Những công sở, trại lính, nhà tù và nhà ở của những viên quan chức Pháp, Việt đều tập trung ở trên vài khu “phố Tây”, còn hầu hết người dân lao động trong thị xã phải sống dạt ra các khu ngoại vi Gia Sàng, Phủ Liễn, Kép Le, Nhà Bò, Gia Bẩy... với cuộc đời cơ cực.

Cách mạng tháng Tám làm đổi thay tất cả, tác giả Hà Quỳnh Trang đã phác họa lại cho chúng ta hình ảnh và khí thế sục sôi của nhân dân thị xã Thái Nguyên trong những ngày “Mùa thu Cách mạng” năm 1945:

Có một mùa thu ấy

Thái Nguyên rợp cờ sao

Từ đói nghèo đứng dậy

Giành độc lập tự do.

 

Những Quan Triều, Thịnh Đán

Những Đồng Bẩm, Gia Sàng

Cùng Cột Cờ, Phủ Liễn

Lời cứu nước hô vang.

 

Dao phay bên súng kíp

Áo nâu với áo chàm

Trẻ già chung trận tuyến

Dinh thự giặc tan hoang.

 

Từ ấy trời mênh mang

Đất Thái Nguyên vàng nắng

Những môi hồng má thắm

Đi giữa mùa thu xanh...

Chỉ một năm sau ngày đất nước giành được độc lập, thực dân Pháp đã quay lại gây hấn hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Thị xã Thái Nguyên đã kiên quyết thực hiện triệt để lệnh “tiêu thổ kháng chiến”: phá sập cầu Gia Bẩy, san bằng các dinh thự cũ và đập đổ tất cả những ngôi nhà bằng gạch ngói... Thị xã ngổn ngang những đống gạch vụn, nhưng không vì “tiêu thổ” mà hóa tiêu điều... Thị xã Thái Nguyên của “Một thời đánh Tây” được ông Hà Tiến, người cựu chiến binh, chiến sĩ Việt Bắc năm xưa đã mô tả lại cho chúng ta thấy như sau:

Thái Nguyên kháng chiến đánh Tây

Nhà xây phá hết, cầu này cũng tan

Chỉ còn phố dọc đường ngang

Chỉ còn me, sấu cùng bàng xanh tươi.

Mà sao thị xã cứ vui

Đêm đêm nườm nượp, 

ngược xuôi người về

Muốn ăn phở, uống cà phê

Ta hẹn nhau về phố mới Gốc Me

Muốn mua sắm muốn dạo chơi

Hãy đến chợ trời thị xã Thái Nguyên

Thái Nguyên ơi, Thái Nguyên ơi!

Thủ đô kháng chiến một thời vui sao.

Trong thời kì chiến tranh chống Mỹ, cầu Gia Bẩy, các nhà máy, nhà ga, nhiều đường phố, nhà cửa bị bom Mỹ phá hoại nặng nề, nhưng thành phố Thái Nguyên vẫn vững vàng “vừa sản xuất vừa chiến đấu”. Các trường học, bệnh viện, cơ quan... đều sơ tán để đảm bảo an toàn. Thành phố vẫn giữ vững mọi hoạt động:

Ngày mình yêu nhau thành phố còn chiến tranh

Những sáng sớm ra ngoại ô sơ tán

Từ Phúc Xuân nhìn về, khói bom trùm Cao Ngạn

Những ánh mắt bồn chồn, chờ một tiếng tầm trưa...

Ga Thái Nguyên vẫn đợi chuyến tầu khuya

Đèn phòng không nhập nhòe, những bóng người tất bật

Đêm đón em giữa hai lần báo động

Trăng khuya bồng bềnh trôi trong mây.

Em vẫn đi tập huấn cấy chăng dây

Vẫn gặt thống kê, hội nghị đầu bờ vẫn họp

Đường phố xanh những tán bàng

Đêm đêm vẫn dạ hương thơm ngào ngạt

Người tiễn nhau trầm hùng câu hát

Trận địa đầu cầu xanh một khúc sông.... 

(Thành phố đi qua chiến tranh - Nguyễn Hữu Bài)

Tác giả Vũ Mạnh Trí cũng cho chúng ta thấy thêm hình ảnh hào hùng rất đáng tự hào của thành phố Thái Nguyên trong những ngày chống Mỹ:

Anh được về nghỉ phép

Trước khi vào chiến trường

Cả thành phố Thái Nguyên

Gồng mình trong bom đạn.

Lò cao không ánh điện

Chớp lửa pháo phòng không

Đàn voi thép qua sông

Nghiêng cầu phao Bến Tượng...

Sau ngày đất nước thống nhất, thành phố Thái nguyên náo nức xây dựng lại “to đẹp và đàng hoàng hơn”, phố xá được mở rộng, nhà cao tầng san sát mọc lên nhanh chóng, những mẻ thép lại rực đỏ ra lò, bên cạnh đó vùng Tân Cương, Phúc Trìu những đồi chè vẫn xanh tít tắp... Nhịp sống càng trở nên sôi động:

Thành phố thở ầm rung tiếng máy

Lụa sông Cầu mềm mại vắt làm duyên

Thép ngàn độ sôi và hương chè thơm ngọt

Hòa quyện rồi rực sáng mặt Thái Nguyên.

(Thái Nguyên - Nguyễn Đức Hạnh)

Có thể nói, những năm qua thành phố Thái Nguyên được hình thành và lớn lên cùng sự nghiệp phát triển ngành gang thép của đất nước. Hình ảnh thành phố Thái Nguyên luôn gắn với hình ảnh của Khu Gang thép Thái Nguyên rất đỗi tự hào.

Vọng đến bây giờ tiếng cuốc đầu tiên

Bạt núi san đồi thắp lên ngọn lửa...

Nhà máy kề bên ngọt ngào hương lúa

Như đóa hồng bên Thái Nguyên xanh.

Thời gian xa, chỉ còn tiếng hát em

“Ánh lửa hàn trên lò cao” bát ngát

Cứ trẻ mãi như màu xuân Gang Thép

Như những công trình đang rẽ đất mọc lên.

Rừng cây xanh, nơi chim hót bình yên

Xe nối xe tải thép về muôn ngả

Đại lộ nở hoa, tiếng cười người thợ

Cứ râm ran mỗi buổi tan chiều.

(Viết dưới trời Gang Thép - Phan Thái)

Ảnh: Triệu Doanh

Ảnh: Việt Hùng

Trung tâm thành phố Thái Nguyên xưa và nay

Nói về hình ảnh thành phố Thái Nguyên hôm nay, chúng ta không khỏi tự hào về vùng chè Tân Cương với những người dân cần cù mang kinh nghiệm gia truyền kết hợp với khoa học kĩ thuật để làm ra những sản phẩm trà Thái Nguyên nổi tiếng gần xa.

Ngẩn ngơ tôi bước trên đường

Bên chè bên lúa biết thương bên nào

Gặp em tôi chẳng kịp chào

Mà hương chè đã ngọt vào lòng tôi

Xa nhau nhớ nắng nhớ đồi

Nhớ chè sao suốt nhớ người Thái Nguyên…

(Nhớ chè sao suốt - Ba Luận)

Thành phố Thái Nguyên hôm nay đã đổi mới rất nhiều, hơi thở công nghiệp, hơi thở cuộc sống mới luôn sôi động trong mỗi nhà máy, ruộng đồng và phường phố:

Chẳng còn những dãy “nhà không số”

Và lù mù bao đường “phố không tên”

Nay phố phường nhà cao tầng san sát

Biển hiệu rực màu, đèn rọi sáng đêm.

 

Dọc ngang những đường đôi thênh thang

Dải phân cách tươi xanh, hiệu đèn chỉ lối

Tiếng còi xe lẫn tiếng nhạc hòa vang 

Cuộc sống mới rộn ràng sớm tối.

 

Em có thấy chăng, thành phố Thái Nguyên ta

Có ánh lửa lò cao rực đỏ đằng đông

Có đồi chè Tân Cương phía tây xanh ngút mắt

Có tiếng hát then nghe sao mà dìu dặt

Thái Nguyên ơi nỗi nhớ đến se lòng!..

(Thái Nguyên hôm nay - Trịnh Phương Ngân)

Trong bài thơ “Thái Nguyên của tôi” được viết theo thể thơ văn xuôi, nhà giáo - nhà thơ Võ Sa Hà đã tạo nên 3 bức tranh, không vẽ nên quang cảnh của một thành phố sôi động mà là một thành phố Thái Nguyên đầy thơ mộng, êm ả, với những câu hỏi đầy vẻ yêu mến tự hào.

Có những buổi sáng mùa xuân mưa bụi. Thành phố sáng bừng lấp lánh. Mưa lay phay. Từng giọt ngọc ngà mơn man da thịt. Mưa thấm bờ môi ngọt lịm. Có nơi nào mưa ngọt lành đến thế không?

Có những hoàng hôn sông Cầu. Nước trườn êm như gió thoảng. Những bến cát cây lờ mờ sương khói. Nắng chiều se sẽ đậu xuống mặt sông. Lời thầm thì hoàng hôn sông Cầu đố ai đọc được?

Có những đêm trăng vàng sương thu lạnh. Trăng trung thu e ấp như cô bé mười lăm lần đầu mặc áo dài. Ánh trăng tha thướt chẩy khắp đồi, luồn vào từ gân lá. Sương mỏng manh tơ trời dệt sáng óng không gian. Liệu có kẻ nào được những sợi tơ trăng đan dệt khắp người như vậy?

Đã có nhiều bài thơ viết về thành phố Thái Nguyên, thể hiện tình yêu với nơi này, nhưng hẳn là vẫn chưa đủ. Có lẽ, còn cần phải có thêm những bài kí, tùy bút hay phóng sự mới mô tả được đầy đủ những hình ảnh vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới của một thành phố anh hùng; còn những nhà thơ - họ chỉ mong sao nói lên được cảm xúc dạt dào qua những góc nhìn về thành phố Thái Nguyên bằng cả trái tim, với một tình cảm gắn bó và đầy khát vọng...

Trịnh Trúc Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy