Những tiếng gọi thôi thúc bước chân
KHÁCH MỜI CỦA VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN
VNTN - Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức ngày ở chiến trường, chuyện về những người bạn đã cùng chiến đấu và ngã xuống vẫn như dòng chảy bất tận trong trí nhớ của ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên. Điều đáng nói về người cựu binh từng là quân tình nguyện giúp Cách mạng Lào ấy, là những chiến tích xuất sắc trên trận địa, một trái tim nặng ân tình trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội suốt nhiều năm.
Ở thời đoạn “bom rơi đạn lạc”, những người thuộc thế hệ của ông, luôn coi việc tòng quân ra trận là mệnh lệnh của tuổi trẻ…?
Ông Dương Mạnh Việt: Đúng thế đấy. Những năm tháng ấy, trở thành người lính là dấu mốc của sự trưởng thành. Rất nhiều người xung phong nhập ngũ khi chưa đủ tuổi, rồi có những lá đơn viết bằng máu, có người còn dùng “thủ thuật” để đủ chuẩn cân nặng…, đó đâu chỉ là mệnh lệnh của chính quyền, mà còn là lý tưởng, là nhiệt huyết của tuổi trẻ đấy chứ.
Cựu chiến binh Dương Mạnh Việt
Tôi rất hứng thú muốn được nghe chuyện lính tráng và những chiến công trong cuộc đời binh nghiệp của ông?
Ông Dương Mạnh Việt: Năm 19 tuổi (1969), đang học trường cấp III Đại Từ thì tôi nhập ngũ, biên chế về Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959. Cuối năm 1969 đơn vị hành quân sang chiến đấu ở Lào, mặt trận chính là tỉnh Sầm Nưa. Chiến đấu giải phóng các cứ điểm cuối cùng của tỉnh này là Tòng Khọ, Pha Kha, Phú Vai. Từ tháng 5/1970, đơn vị tiếp tục hành quân lên Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng. Chiến đấu ở hai mặt trận này đến cuối tháng 5/1972 thì tôi được về Việt Nam đi học Trường Sĩ quan lục quân (Sơn Tây). Tháng 3/1973 học xong thì trở lại đơn vị, cuối tháng 12/1974 chuyển sang Sư đoàn 316 đi mặt trận Tây Nguyên. Sau khi miền Nam được giải phóng, tôi được cử ra huấn luyện quân ở Nghệ An, đến năm 1976 thì xuất ngũ.
Ai khi ra trận cũng sẽ ít nhiều có được những chiến tích. Cá nhân tôi có hai trận đánh không bao giờ quên. Ngày 28/4/1972 tôi cùng 2 đồng đội là Nguyễn Khiêm quê ở thị xã Yên Bái và Nguyễn Văn Minh, quê ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), được Chính ủy Trung đoàn 766 giao nhiệm vụ, hai người đặt bộc phá phá kho xăng (anh Minh) và trận địa pháo (là tôi) của địch tại sân bay Cao Phu Cúm - Luông Pha Băng, còn anh Khiêm sử dụng khẩu B41, nếu bộc phá bên nào không nổ thì sẽ bắn để kích nổ. Khi rút kíp, bộc phá của tôi không nổ, trong khi bộc phá kho xăng, kho hậu cần do anh Minh đặt đã bốc cháy dữ dội. Không chần chừ, tôi giật lấy khẩu B41 của Khiêm chạy thẳng vào chỗ đặt bộc phá cách 30m bóp cò. Lần đó, khối bộc phá đã khiến trận địa pháo 105mm, 106,7mm cùng hàng trăm tấn đạn dược của địch bị phá hủy tan tành.
Trận đánh đáng nhớ nữa là vào ngày 2/5/1972 khi đơn vị tập kích vào đồi A1 Phu Cúm. Tôi được giao phụ trách một mũi đột phá gồm 9 người, phá các lớp hàng rào mở đường cho xung kích. Khi đánh quả bộc phá thứ nhất, phá hủy được hai lớp hàng rào thì 7 đồng đội đã hy sinh ngay tại cửa mở. Tôi liền yêu cầu thủ trưởng cho xạ thủ B40 thay nhau bắn vào đồi A1, yểm hộ cho mình tiếp tục làm nhiệm vụ, đánh liên tục 3 quả bộc phá ống và mở được 5 lớp hàng rào nữa. Khi đặt bộc phá khối 14kg (hợp chất C4) đánh sập ta- luy mở đường cho xung kích tiêu diệt địch thì dây cháy chậm bị tuột không nổ được, tôi đã mạo hiểm dùng thủ pháo tay đánh kích thích khối bộc phá. Chỉ kịp chạy ra được chừng 10 mét thì bộc phá nổ, tôi văng xa vài chục mét, bị thương và ngất đi. Khi tỉnh lại, thấy đơn vị thương vong nhiều, địch xông lên phản kích, tôi đã dùng AK bắn yểm hộ cho đồng đội chuyển thương binh và tử sĩ ra ngoài. Sau trận này tôi được phong danh hiệu dũng sĩ và được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ông nói việc quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ mà ông đã thực hiện khi còn trên chiến trường đất bạn Lào, và 32 năm sau mới lại tiếp tục. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Ông Dương Mạnh Việt: Từ tháng 3/1973, tôi trở lại đơn vị ở Lào sau 10 tháng đi học Trường Sĩ quan lục quân, và được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959 tại khu vực Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng (Lào). Trong khoảng thời gian hơn một năm (tính đến tháng 12/1974), tôi và các chiến sĩ đã quy tập hàng nghìn hài cốt của đồng đội, ghi chép đầy đủ danh tính và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn (Nghệ An) và nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa) 2.250 liệt sĩ. Công việc vất vả và độc hại lắm. Có những khi phải di chuyển hài cốt băng qua đường rừng dốc hơn mười cây số mới đến suối để “làm sạch”. Đêm khuya phải thức canh, đợi xe vận chuyển tới đưa hài cốt về nước…
Đến cuối tháng 12/1974 thì đơn vị nhận lệnh ngừng quy tập, rồi chuyển về mặt trận Tây Nguyên. Tôi được cấp trên quán triệt rất kỹ, phải tuyệt đối giữ bí mật về hồ sơ liệt sĩ. Có lẽ vì chiến tranh còn đang tiếp diễn, nên không thể để lộ những mất mát khiến dân tình hoang mang. Sau này xuất ngũ (1976), tôi chuyển ngành về Sở Thương nghiệp Bắc Thái (nay là Sở Công Thương) làm cán bộ hậu cần Trạm cung ứng hàng nội ngoại tỉnh, chuyển làm công tác Đảng tại huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), rồi Ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Hỷ, sau cùng là về Ban Kiến thiết nhà nghỉ Hồ Núi Cốc, công tác đến năm 1995 thì về hưu. Đi đâu, làm gì, tập hồ sơ tôi cuộn bỏ vào ống nứa, luôn được “bảo mật” cẩn thận, vợ con, người thân không ai biết. Tôi đã giữ tập bản đồ và hồ sơ liệt sĩ ấy đến tận năm 2006 thì có cán bộ ở các đội quy tập của Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An tại Xiêng Khoảng, Bộ Chỉ huy quân sự Thanh Hóa tại Hủa Phăn đã liên lạc với tôi để tiếp tục cuộc quy tập. Tôi đã cung cấp bản đồ, sơ đồ của nhiều nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam với trên 1.000 liệt sĩ cho các đội quy tập. Bản thân tôi từ 2006 đến 2017 đã có 14 lần tình nguyện trực tiếp cùng các Đội quy tập, tham gia tiến hành, xác minh thông tin thông báo cho thân nhân về danh tính liệt sĩ theo trích lục hồ sơ và giám định AND, tìm thêm được 164 liệt sĩ.
Hành trình 14 lần tình nguyện trở lại nước bạn Lào, tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ kể từ 2006 đến nay, có điều gì làm khó ông không?
Ông Dương Mạnh Việt: Làm việc gì tôi cũng nhận diện những thuận lợi trước. Cái thuận lớn nhất là địa bàn các tỉnh mà trước đây đơn vị tham gia chiến đấu ở nước bạn, tôi thông thuộc như lòng bàn tay. Khi tham gia Hội Hữu nghị Việt - Lào, tôi có điều kiện giao lưu, nắm bắt thông tin, thông qua đó cũng tìm được những cầu nối để hợp tác.
Khi bắt đầu lại công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội, tôi phải xin phép đại sứ quán Lào tại Việt Nam, gửi thư đề nghị giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam sang cho lãnh đạo nước bạn. Thời gian đầu, mỗi chuyến tình nguyện giúp đội quy tập, tôi đều phải tự túc kinh phí. Sau này thì quy tập cho tỉnh nào thì tỉnh ấy lo cho chế độ ăn, tiền xe. Cái khó khác là sức khỏe tôi cũng suy giảm nhiều do tuổi tác, không thể “đường trường” được nhiều. Có những khi để đến được điểm tìm kiếm phải leo núi mất 3 ngày, địa hình rất hiểm trở. Còn phải đối diện với những mối nguy hiểm lớn, nào bom mìn, cây cối rậm rạp, ong rừng cực độc, chỉ cần ngửi thấy hơi người hoặc hơi động vật là hàng nghìn con túa ra… Cũng áp lực tâm lý nữa, vì mình là người cung cấp hồ sơ, dẫn dắt mọi người đi tìm, nếu không có kết quả thì rất day dứt…
Ông sẵn lòng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình “đi tìm đồng đội” của mình chứ?
Ông Dương Mạnh Việt: Tôi có em ruột là liệt sĩ Dương Văn Minh hi sinh tại Quảng Trị năm 1972. Tham gia quy tập hàng ngàn liệt sĩ, nhưng em mình thì lại chưa tìm được. Thế nên tôi rất thông cảm với các gia đình liệt sĩ, khi đón được con, em trở về, mừng lắm. Những kỷ niệm mà tôi ấn tượng, là những giấc mơ gắn tâm linh với đời thật. Tôi vốn là người không duy tâm, nhưng có những điều khó lý giải lắm. Có những tiếng gọi trong vô thức cứ nâng đỡ, thôi thúc bước chân.
Năm 2011, tôi cùng đội quy tập vào bốt Na Khằng (huyện Viêng Thoong, tỉnh Hủa Phăn) tìm nơi địch chôn cất tập thể các liệt sĩ, trong hồ sơ ghi là chôn cùng một hố. Tìm kiếm, đào xới cả tháng không phát hiện được gì, mọi người đành ra về. Đến chân bốt, tự nhiên tôi thấy người lạnh buốt, cảm giác nhiệt độ chỉ 10 độ C, tóc dựng đứng, miệng méo không sao nói được, bên tai nghe lao xao tiếng người như họp chợ. Rồi cứ thế một mình chạy lên đỉnh đồi, tôi nghe rõ có tiếng người nói: “Chúng tôi ở trong chiến hào”. Lần ấy theo chỉ dẫn của tôi, đội quy tập đã phát hiện nhiều xương cốt lẫn vào nhau; sau 3 ngày khai thác, đếm số răng và xương thì xác định được 37 liệt sĩ.
Lần khác, sau một chuyến đi quy tập liệt sĩ ở Pha Thí, Sầm Nưa trở về, ăn trưa xong tôi nằm nghỉ lưng, bỗng mê thấy có người gọi, bảo: “giẫm mãi lên mặt mà không đưa chúng tôi về”. Ngay chiều hôm ấy tôi định vị xem vị trí lúc sáng mọi người đứng, rồi đề nghị anh em đào thử, chỉ hơn chục nhát xẻng đã thấy và quy tập thêm được hai liệt sĩ nữa. Rồi có trường hợp liệt sĩ đã được quy tập về, nhưng cứ thỉnh thoảng tôi lại mê thấy gọi, bảo tôi mua giúp thuốc lá, giày dép, quần áo… Liệt sĩ còn xưng rõ tên, nhà ở Đoan Hùng (Phú Thọ), nhủ tôi lên chơi. Suốt thời gian dài như thế, tôi quyết định đi xem sao. Ngày mai đi thì tối hôm trước tôi nằm mơ có lời dặn: “lên mà thấy một người phụ nữ mặc bộ quần áo gụ, quẩy đôi quang gánh thì cứ theo người ấy sẽ đến nhà tôi”. Sáng hôm sau lên tới, tôi ngồi nghỉ chân uống nước mía ở quán ven đường, định bụng sẽ vào Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh hỏi xem có tên liệt sĩ như thế không, bỗng tôi thấy một người quẩy quang gánh y như mô tả trong mơ đi ngang trước mặt, tôi giật mình vội đi theo người đó, vào nhà thì thấy đúng tên liệt sĩ…
Từng chiến đấu và đối diện, có khi cận kề cái chết, ông nghĩ về những điều được - mất, cho - nhận như thế nào?
Ông Dương Mạnh Việt: Tôi thấy mình được nhiều hơn, tự hào vì đã cùng anh em tìm được rất nhiều liệt sĩ, mang họ trở về với quê hương, gia đình. Là một người lính, được sống và trở về là một đặc ân lớn. Việc đi tìm lại hài cốt đồng đội ngày hôm nay như một mối duyên lành của cuộc đời. Đó cũng là cách thể hiện tình cảm, trách nhiệm của bản thân với những hi sinh, mất mát của dân tộc.
Một trong những lời thề danh dự của quân nhân, là “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Là một người lính, tôi bấy nay làm việc gì cũng toàn tâm toàn ý và vô tư như thế. Thứ hiện hữu mà bản thân hài lòng, là có gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành, bản thân có nhiều mối thâm tình, được thương quý. Tôi có ít nhất 4 lần chết hụt trong những tai nạn bất ngờ, nhưng đều may mắn thoát được. Tôi luôn cảm giác mình được chở che, đó dường như cũng là quả phúc từ những việc làm đạo lý, ân tình của mình.
Tôi thấy chúng ta đang nói rất nhiều đến việc tuyên truyền lịch sử cho thế hệ trẻ; từng đi qua cuộc chiến, là một trong những “nhân chứng sống” lưu giữ khá nhiều chuyện kể chiến trường, ông có nghĩ đến việc sẽ “tái hiện” ký ức của chính mình?
Ông Dương Mạnh Việt: Đến một lúc nào đó, tuổi tác và sức khỏe sẽ không cho phép tôi minh mẫn để rành mạch chuyện xưa nữa, thế nên tôi chọn cách viết ra. Từ năm 2014 tôi đã tham gia viết một số tác phẩm dạng bút ký, ghi chép gửi in trong các tập sách của nhiều tác giả như: “Ký ức Người lính tình nguyện” (Bộ Quốc phòng chủ biên), “Những ký ức ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ biên). Cá nhân tôi đang hoàn thiện tập bản thảo ghi chép “Những câu chuyện linh thiêng về liệt sĩ” và tập truyện “Cánh đồng Chum linh thiêng và kiêu hãnh”, hi vọng sẽ có thể xuất bản trong thời gian tới.
Vâng, trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng VNTN. Kính chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Lê Đình (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...