Những thông điệp từ ngày 21 tháng 2
Ngày 21/2/1952, tại thành phố Dhaka, thủ phủ của Đông Pakistan (nay là Bangladesh), rất nhiều sinh viên đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền áp đặt tiếng Urdu là ngôn ngữ chính thức duy nhất cho cả Tây và Đông Pakistan trong khi đối với họ, tiếng Bengal mới là ngôn ngữ mẹ đẻ. Cuộc biểu tình bị trấn áp bởi đợt xả súng làm 4 người thiệt mạng. Tuy nhiên, sự kiện này đã buộc nhà cầm quyền phải công nhận tiếng Bengal (ngang với tiếng Urdu). Hơn cả việc giành lại vị thế cho ngôn ngữ của mình, cuộc biểu tình của sinh viên Đông Pakistan còn đem đến cơ hội hồi sinh và phát triển của rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới, khi mà Liên Hiệp Quốc đã quyết định lựa chọn sự kiện này làm mốc kỉ niệm để kí quyết định công nhận Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ toàn nhân loại.
Hy vọng chúng ta sẽ mang hạnh phúc đến cho phụ nữ từ những thương yêu chân thành và tinh tế. Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ được tổ chức hàng năm ở khắp nơi trên thế giới kể từ 21 tháng 2 năm 2000, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ trên cơ sở nhận thức khoa học và tiến bộ: Ngôn ngữ là di sản văn hóa, đồng thời cũng là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể khác của dân tộc. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” - câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh 98 năm trước về sợi dây kết nối giữa Truyện Kiều - tiếng Việt và nước Việt cũng mang ý nghĩa đó.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa khép lại, kỷ niệm Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 2022, UNESCO đưa ra chủ đề: “Sử dụng công nghệ để học đa ngôn ngữ: Thách thức và cơ hội”, nhằm thảo luận về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy giáo dục đa ngôn ngữ và hỗ trợ phát triển chất lượng dạy và học cho tất cả mọi người. Đại diện Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: Công nghệ có thể cung cấp các công cụ mới để bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ, song nó cũng có nguy cơ đồng nhất hóa ngôn ngữ, tạo ra sự phân biệt giữa một nhóm các ngôn ngữ thống lĩnh và đại bộ phận các ngôn ngữ bản địa. Đáng tiếc là, chỉ những ngôn ngữ thống lĩnh mới được mã hóa trên nền tảng công nghệ hỗ trợ giáo dục, dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội được học ở các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Theo UNESCO, trên toàn cầu, 40% dân số không được tiếp cận với một nền giáo dục bằng ngôn ngữ mà họ nói hoặc hiểu. Một cuộc khảo sát mới đây của UNESCO, UNICEF, World Bank và OECD tại 143 quốc gia cũng cho thấy, 96% các quốc gia có thu nhập cao cung cấp chương trình học từ xa thông qua các nền tảng trực tuyến cho ít nhất một cấp học so với chỉ 58% các nước thu nhập thấp. Tại các nước thu nhập thấp, phần lớn các quốc gia cho biết họ sử dụng các phương tiện truyền thông như truyền hình (83%) và đài phát thanh (85%) để hỗ trợ việc học tập liên tục(*). Hiện trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các công cụ, chương trình và nội dung dạy học từ xa không phải lúc nào cũng có thể phản ánh tính đa dạng của ngôn ngữ.
Nhân Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 21/02/2022, bà Audrey Azoulay - Tổng Thư kí UNESCO kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để bảo tồn và củng cố ngôn ngữ bản địa, khuyến khích sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nơi công cộng và nhất là trên internet, nơi đa ngữ nên trở thành quy định bắt buộc.
Cũng nhân dịp này, tổ chức UN Women Viet Nam kêu gọi “Đã đến lúc ngừng sử dụng từ “đàn bà” với ý miệt thị!”. Thông điệp đầy mạnh mẽ ấy đã lên án định kiến giới qua hành vi ngôn ngữ. Theo đó, người Việt thường có thói quen sử dụng hệ thống từ ngữ chỉ giới nữ với ý miệt thị. Trẻ em gái được gọi bằng các từ mang tính giễu nhại (ở mức độ thấp) như “thị mẹt”, “con vịt”, “con hĩm”… Từ “đàn bà” được sử dụng với ý nghĩa của một tính từ, chỉ sự nhỏ nhen, nông cạn, keo kiệt: “Tính nó đàn bà lắm”. Ví với phụ nữ là cách hạ thấp nhân phẩm của đàn ông: “Tại sao lại cư xử như đàn bà thế?”, “Ngữ ấy cho về mặc váy”. Và hạn chế của phụ nữ được cho là xuất phát từ bản chất giới tính “Đúng là đồ đàn bà!”, “Đàn bà thì biết gì?”, “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, “Đồ đái không qua ngọn cỏ”… Trên các trang báo điện tử, phụ nữ thường được gọi theo lối hoán dụ nhấn vào cơ thể hoặc các mối quan hệ riêng tư nhạy cảm: “chân dài”, “siêu vòng một”, “tình cũ đại gia”… “sinh con cho chồng”, “cháu bà nội tội bà ngoại”, “đẻ thuê” là cách diễn đạt phổ biến song ở một góc độ thể hiện cái nhìn thiếu bình đẳng về vai trò của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân.
Mùng 8 tháng 3 đã đến, và sau đó không lâu, sẽ tới ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Hy vọng chúng ta sẽ mang hạnh phúc đến cho phụ nữ từ những thương yêu chân thành và tinh tế, khi không lấy yếu tố giới tính làm từ ngữ miệt thị, dù người nói chỉ theo một thói quen ngôn ngữ thông thường.
---
(*)Dựa theo số liệu từ https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/ngon-ngu-la-cong-cu-de-bao-ton-va-phat-trien-di-san-vat-the-va-phi-vat-the-604405.html
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...