Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:31 (GMT +7)

Những nhịp cầu kết nối, lưu giữ và lan tỏa văn hóa Việt

VNTN - Nhà văn Việt Nam ở hải ngoại mỗi người có một cuộc sống và số phận khác nhau nhưng có một điểm chung đó là họ luôn đau đáu, trăn trở hướng về quê hương với bao nỗi niềm của người con xa đất Mẹ. Trong giai đoạn mới của lịch sử, họ vừa là những người góp phần lưu giữ văn hóa dân tộc, vừa là những nhịp cầu kết nối văn hóa dân tộc với các miền văn hóa trên khắp thế giới… 


Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - “Người giữ lửa” văn hóa Việt trên xứ sở Bạch Dương

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (nguyên cán bộ giảng dạy văn học Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) hiện đang sống và làm việc tại Moscow (Liên bang Nga). Ông sinh ra trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu - một gia tộc có truyền thống khoa cử, văn chương tại Can Lộc, Hà Tĩnh, cũng là dòng họ duy nhất ở Việt Nam được UNESCO hai lần vinh danh ký ức di sản nhân loại.

Nguyễn Huy Hoàng là nhà văn đầu tiên tại Liên bang Nga được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người chủ biên, tổ chức hiệu đính các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại của Việt Nam như: Truyện Kiều; Nhật ký Đặng Thùy Trâm, dịch tập thơ Chiến tranh Vệ quốc “Đợi anh về”; Gia tộc Tổng thống V. Putin; Có khi nào, chuyện chúng tôi, bạn lại thêu dệt khác… Kể từ khi Liên Xô tan rã, sau nhiều năm văn học Việt Nam vắng bóng trên các giá sách của người dân Nga, những tác phẩm văn học được dịch bởi Nguyễn Huy Hoàng và những dịch giả nổi tiếng như Vũ Thế Khôi, Thúy Toàn, Đức Mẫn, Nguyễn Thị Kim Hiền, Thụy Anh, Trần Đình Hậu, Lê Nhân, Đoàn Tử Huyến… đã góp phần nối lại nhịp cầu giao lưu văn hóa, văn học giữa hai đất nước Việt - Nga.

Để hoàn thành Luận án Tiến sĩ với đề tài về N.Gogol, Nguyễn Huy Hoàng đã viết hàng chục bài báo khoa học đăng tải trong các tạp chí trong nước và ngoài nước, và một tập chuyên luận về tác giả nổi tiếng này. Năm 2017, Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraina đã phong tặng Nguyễn Huy Hoàng, người đã có những công trình sáng giá về N.Gogol, danh hiệu Viện sĩ. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm ngày sinh của nhà văn N.Gogol (01/04/1809 - 01/04/2018), Viện Hàn lâm Văn học Thế giới Ukraina đã quyết định xét trao tặng giải thưởng cho các nhà bác học, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật Ukraina và quốc tế. Nguyễn Huy Hoàng là một trong số ba người Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng văn học Quốc tế Ukraina “Triumph”.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng

Suốt hơn hai chục năm sáng tác văn học, Nguyễn Huy Hoàng đã cho xuất bản nhiều tập sách báo gồm nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, truyện ký, kịch bản phim… và hàng chục lần tổ chức ra mắt sách ở Việt Nam tại các thư viện, các trung tâm, các nhà xuất bản và Viện Hàn lâm khoa học xã hội và các trường đại học. Ông là người đầu tiên cùng Đại sứ quán đứng ra tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam tại Nga. Cùng với lãnh đạo Bến Thành, ông là người khởi đầu các cuộc gặp mặt cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, sự kiện này có ý nghĩa rất lớn và duy trì cho đến ngày nay. Ông cũng là thành viên trong nhóm trí thức vận động thành lập Bảo tàng Việt Nam tại Trường 282, Matxcova và tổ chức một phòng trưng bày hiện vật văn hóa Việt Nam. Cũng tại Trường 282, ông và cô giáo Phạm Thị Điềm đã tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, được coi là rất thành công.

Dù sinh sống ở Nga nhưng ông vẫn được mời về giảng dạy văn học Nga cho một số trường đại học, cao đẳng trong nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Tĩnh…, được mời nói chuyện văn học nhiều đêm tại Praha, Vacsava, Berlin, tham dự nhiều Hội thảo Khoa học Quốc tế tổ chức trong nước. Người Nga và người Việt sống ở đất nước Nga thường trìu mến và trân trọng coi nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là người giữ lửa hồn văn hóa Việt trên xứ sở Bạch Dương.

Những năm tháng sống trên đất Nga, ông đã xuất bản 3 tập giáo trình văn học Nga, chủ biên và dịch 4 tập sách từ tiếng Nga ra tiếng Việt và từ tiếng Việt ra tiếng Nga. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Hoàng còn ra mắt 11 tập thơ, 3 tập truyện. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Nga như các tập truyện ký: Đếm bước cuộc hành trình; Matxcơva thời mở cửa; Mưu sinh, và các tập thơ: Ngoảnh lại; Dư âm; Phía bên kia trời; Miền yêu thương; Đa mang; Giữa thanh thiên bạch nhật; Vẫn còn có bao điều tốt đẹp; Một thời tôi từng có; Canh ngọn đèn đợi sáng,…

Đọc thơ Nguyễn Huy Hoàng, người đọc được chia sẻ cùng nhà thơ những trắc ẩn với thân phận những con người khốn khó, bất hạnh; nỗi niềm nhớ thương quê nhà sâu sắc của một người Việt xa xứ. Trong nỗi đau ly quê, tâm thức văn hóa Việt trỗi dậy mạnh mẽ. Với lối viết không kiểu cách, không bị cuốn theo những cách tân về hình thức, chỉ diễn tả chân mộc ý tưởng của mình, thơ Nguyễn Huy Hoàng luôn mang những thông điệp văn hóa sâu sắc và giàu tính nhân văn. Xưa nay, trong tâm thức người Việt, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu thì ký ức văn hóa về nguồn cội luôn là sợi dây thiêng liêng, bền chặt, neo giữ mỗi người với dân tộc, với đất nước, quê hương, và đây cũng chính là cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Huy Hoàng. Đó là những bài thơ mang nặng hoài niệm về con người, cảnh vật, phong tục, tập quán, sinh hoạt lễ hội… ở làng quê Việt. Hình ảnh quê hương, đất nước và gia đình - nơi ra đi và cũng là nơi để trở về của mỗi con người, hiện lên trong thơ Nguyễn Huy Hoàng thật ấn tượng, xúc động lòng người: Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa/ Nghe bước chân, thấp thỏm qua thềm/ …Sau cửa sổ, mịt mờ mây xứ tuyết/ Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi… (Tết xa quê).

Phải chăng, với thơ, Nguyễn Huy Hoàng đã góp tiếng nói khẳng định một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản như một hằng số văn hóa: Cội nguồn dân tộc, quê hương bao giờ cũng là điểm tựa, là niềm tin vững chắc nhất cho con người để vượt qua tất cả thử thách của số phận, sống và đối diện với tận cùng hạnh phúc, khổ đau và mất mát…

Kiệt Tấn - Nhà văn của miệt vườn, văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ

Nhà văn Kiệt Tấn (tên thật: Lê Tấn Kiệt) sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Năm 19 tuổi, ông du học tại Canada. Năm 1975, Kiệt Tấn sang Paris rồi định cư ở Pháp đến nay.

Kiệt Tấn là một trong những cây bút nổi bật của văn học miền Nam trước 1975 và văn học Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Ông cũng là một trong không nhiều nhà văn sinh ra và trưởng thành ở vùng đất Tây Nam Bộ có tên tuổi trên văn đàn. Sáng tác của Kiệt Tấn luôn thấm đẫm phong vị riêng của văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù ông đang sống xa Tổ quốc. Vì vậy, Kiệt Tấn được nhiều bạn đọc thừa nhận là “nhà văn miệt vườn” xuất sắc thể hiện tinh tế “khí hậu” riêng có của nông thôn vùng sông nước miền Tây trong tác phẩm của mình. Kiệt Tấn đã cho ra mắt 15 tập truyện. Bạn đọc trong nước từng biết đến ông qua một số ấn phẩm như Em điên xõa tóc; Người em xóm học; Lớp lớp phù sa; Đêm cỏ Tuyết.v.v..

Nhà văn Kiệt Tấn

Dưới ngòi bút của Kiệt Tấn, dường như ở những người nông dân miệt vườn này, sự trân quý Con người được đặt lên trên hết - đó là nền tảng nhân văn, là truyền thống văn hóa gia đình quý báu mà con người vùng sông nước miền Tây ngay từ thuở sơ khai lập nghiệp đã có ý thức xây dựng, giữ gìn. Cho dù là người miền Tây thuộc thế hệ nào, sông nước vẫn luôn là nguồn sống, là nơi tiếp thêm sức mạnh để con người bồi đắp yêu thương với chính thiên nhiên sông nước và con người xứ sở này. Chính vì vậy, con người miền Tây luôn hòa hợp cao độ với thiên nhiên sông nước, chấp nhận sống cùng sông nước như người bạn tâm giao. Tâm thức văn hóa sông nước Tây Nam Bộ khiến văn chương Kiệt Tấn tràn ngập hình ảnh thiên nhiên lãng mạn, thơ mộng, giàu sức sống gắn bó với sinh hoạt đời thường sinh động, với những phong tục, tập quán giàu bản sắc văn hóa vùng miền.

Kiệt Tấn đã sống xa quê hương gần nửa thế kỷ - quãng thời gian đời người đủ để cho người ta có thể “xóa ký ức”. Tuy nhiên, với Kiệt Tấn hình như thời gian càng lùi vào dĩ vãng thì tâm thức văn hóa quê hương Tây Nam Bộ càng sống dậy mạnh mẽ trong ông, điều này chứng tỏ sức cuốn hút của vẻ đẹp và giá trị văn hóa Tây Nam Bộ đối với Kiệt Tấn nói riêng và những người con sống xa đất nước nói chung là không nhỏ. Khát vọng bình dị được trở về quê hương Tây Nam Bộ kể cả khi đã “dời xa cõi tạm” luôn là niềm đau đáu khôn nguôi trong tâm thức của người con xa xứ: Nắng Hậu Giang, mưa Tiền Giang/ Nuôi tôi khôn lớn phù sa vàng/ Mai tôi về đất xin em rắc/ Xuống con sông Cửu nhúm tro tàn… (Kiệt Tấn - Mưa Tiền Giang, Nắng Hậu Giang)…

Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong - Tình yêu và khát vọng cội nguồn

Nhắc đến Trương Văn Dân không thể không nhắc đến Elena Pucillo, và ngược lại. Bởi vì cặp đôi văn nghệ sĩ này sinh ra là để cùng nhau làm nên những giá trị văn chương độc đáo dâng tặng cho đời.

Xuất thân là chàng sinh viên du học ngành hóa và công nghệ dược từ năm 1971, Trương Văn Dân yêu cô gái người Ý Elena Pucillo mà sau này là Tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài (Đại học Milano - Italia).

 

Vợ chồng hai nhà văn Trương Văn Dân & Elena Pucillo Truong

Mối duyên lành của Trương Văn Dân & Elena Pucillo Truong không những góp phần vào xóa đi sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt và Ý, Đông và Tây, mà còn góp phần tạo nên một sự hợp lưu diệu kỳ giữa hai nền văn hóa này, thể hiện khá sâu sắc trong những trang viết của cả hai người. Những năm gần đây, rời bỏ cuộc sống đầy đủ từ thành phố Milano (Italia), một trong những thành phố phát triển nhất châu Âu, Elena tiếp tục theo Trương Văn Dân trong một hành trình mới, về sống ở Việt Nam như một sự trở về nguồn cội, với lý do giản dị: “Nơi nào có chồng thì tôi thích”. Trên một căn hộ nhỏ tại một chung cư khiêm tốn ở Sài Gòn, trên một con đường mang tên một nhà văn của những người nghèo khổ - Nhà văn Ngô Tất Tố, họ không chỉ là vợ chồng mà còn là đội bạn văn chương tri kỷ, là nơi kết nối, gắn bó bao tấm lòng bạn bè yêu văn chương trong và ngoài nước.

Đến nay, Trương Văn Dân và Elena đã cho ra mắt nhiều đầu sách. Bạn đọc Việt Nam biết đến các tác phẩm như: tập truyện ngắn Hành Trang ngày trở lại; tiểu thuyết Mùa Hè tươi đẹp (dịch của Cesare Pavese - Ý); tập truyện ngắn & tản văn Một phút tự do; tập truyện ngắn & tản văn Vàng trên Biển đá đen; tập truyện ngắn & tùy bút Milano Sài Gòn, đang về hay sang. Tình yêu đã giúp tâm hồn nghệ sĩ của Trương Văn Dân và Elena thăng hoa, làm nên những trang văn đẹp dâng tặng cuộc đời, góp phần không chỉ thắp sáng những đốm lửa nhân ái, thương yêu trong trái tim mỗi người mà còn lan tỏa tình yêu nguồn cội qua những giá trị văn hóa được thể hiện trong sáng tác của họ.

Có thể nói những cuộc viễn du của Trương Văn Dân khắp năm châu, bốn biển cũng là một phương thức để tích lũy vốn sống cho những trang viết. Mấy chục năm sống nơi đất khách quê người, Trương Văn Dân thấm thía nỗi buồn nhân thế và hiểu rằng, bất kể phương trời nào những buồn đau của kiếp người vẫn tồn tại, và ở đâu cũng vẫn có những tấm lòng cao thượng…

Trương Văn Dân cũng như nhiều người Việt Nam khác, đã ra đi và đã trở về. Đọc Hành trang ngày trở lại, Milano Sài Gòn đang về hay sang, thấy rất rõ sự lựa chọn trở về không chỉ là để sống tiếp nửa đời sau của mình ở quê hương xứ sở mà về bởi bao tình tự dân tộc, về với những người thân yêu và quan trọng hơn là về để tìm lại chính mình.

Elena Pucillo Trương đã đến làm dâu nước Việt, sẵn sàng “uống nước giếng khơi trong, ăn bún đậu, dưa cà…”, rất nhanh chóng chị vượt qua những rào cản khó khăn văn hóa để trở thành cô dâu Việt. Chị tham gia dạy tiếng Italy tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và tại phòng lãnh sự danh dự Italy, dạy tiếng Italy và Văn hóa Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, Elena Pucillo Truong in chung với Từ Sâm tập truyện Bóng của ngày (Nxb. Hội Nhà văn) và đến nay chị đã cho ra mắt bạn đọc 3 đầu sách in riêng. Là nhà văn người Ý nhưng hầu như các chủ đề của chị viết đều xoay quanh thân phận con người và xã hội Việt Nam.

Lặng lẽ những chuyến đi về giữa hai đất nước Việt - Ý, lặng lẽ tìm về nguồn cội, sống và viết trong đam mê, yêu thương hết mình để từ đó kết nối chia sẻ cùng bạn đọc, xa gần chỉ với mong muốn duy nhất: lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, và những giá trị văn hóa, giúp con người yêu thương nhau, quý trọng nhau hơn, chỉ chừng ấy thôi đủ để chúng ta hiểu vì sao giữa ồn ào, náo nhiệt, phồn hoa của Sài Gòn, Trương Văn Dân và Elena vẫn lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, lặng lẽ sáng tạo để không ngừng đem đến cho văn đàn những áng văn mới như mỗi ngày mới mà họ hiện hữu trên quê hương của mình, để rồi họ trở thành những cái tên lắng lại trong lòng bạn bè với bao tình thương mến.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy