Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:01 (GMT +7)

Những nét mới ở chủ đề văn học trong “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên – lớp 6”

1. Từ năm học 2021 - 2022, ở Việt Nam, cấp THCS triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 6. Cùng với đó, nội dung giáo dục địa phương cũng được đưa vào giảng dạy và là một phần không thể thiếu trong nội dung giáo dục của các cấp học. Ở Thái Nguyên, Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên - lớp 6 cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình THCS từ năm học 2021 - 2022. Lần đầu tiên, một tài liệu địa phương được biên soạn một cách hệ thống và có nhiều đổi mới để đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay.

2. Trong Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể 2018, nội dung “giáo dục của địa phương” là một môn học đã được quy định rõ về vị trí ở các cấp học như sau: “Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác”. Trong đó, số tiết cho mỗi lớp từ lớp 6 đến lớp 12 là 35 tiết/ lớp.

Như vậy, tổng số tiết ở 7 lớp là 245 tiết, gồm có: cấp THCS là 140 tiết, cấp THPT là 105 tiết. Số lượng tiết đối với mỗi lớp học và cấp học tương đối lớn. Do đó, môn học này có một vị trí quan trọng trong đổi mới giáo dục đã và đang thực hiện ở nước ta hiện nay. Năm học 2021 - 2022, lần đầu tiên chương trình lớp 6 đã có Tài liệu giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy. Điều này cho thấy sự đổi mới của chương trình địa phương đồng thời cũng mở ra những thay đổi, điều chỉnh cần thiết trong việc tiếp cận và giảng dạy để đạt được hiệu quả đối với môn học này ở trường phổ thông, nhất là ở chủ đề Văn học cần có những nghiên cứu cụ thể để hướng đến tiếp cận hiệu quả trong dạy học tài liệu địa phương.

Thái Nguyên là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục của khu vực phía Bắc. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu,... tạo nên sự đa dạng về văn hóa, văn học. Văn học Thái Nguyên phản ánh đời sống văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên phong phú và đa dạng. Trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6, chủ đề văn học đã được biên soạn có những điểm đổi mới như sau:

Thứ nhất, đổi mới về hình thức thể hiện

Nếu như trước đây, phần văn học được biên soạn riêng trong cuốn tài liệu Văn học Thái Nguyên và dạy theo mạch từ lớp 6 đến lớp 9 thì trong tài liệu hiện nay, chủ đề văn học được biên soạn theo từng lớp và nằm trong một chủ đề thuộc lĩnh vực lịch sử, văn hóa. Trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6 có 3 lĩnh vực và 8 chủ đề. Cụ thể là:

Lĩnh vực Lịch sử, văn hóa có 5 chủ đề: Vùng đất Thái Nguyên từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X; Văn học dân gian Thái Nguyên; Một số loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên; Trang phục một số dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên; Nét đẹp ẩm thực.

Lĩnh vực Địa lí, kinh tế, hướng nghiệp có 2 chủ đề: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ; Nghề truyền thống ở Thái Nguyên.

Lĩnh vực Chính trị - xã hội, môi trường có 1 chủ đề: Biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai ở tỉnh Thái Nguyên.

Việc chia thành 3 lĩnh vực cho thấy sự bao quát của tài liệu địa phương đối với các vấn đề về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh. Đây cũng là mô hình chung của các tài liệu cấp THCS và THPT của các tỉnh. Trong các chủ đề trên, chủ đề văn học ở chương trình lớp 6 tập trung vào mảng văn học dân gian của tỉnh Thái Nguyên, cụ thể là giảng dạy hai thể loại chính là truyền thuyết và truyện cổ tích. Đây cũng là hai thể loại tiêu biểu và có nhiều thành tựu của văn học Thái Nguyên. Qua đó góp phần “cung cấp cho người học những nội dung cơ bản về văn hóa, lịch sử... của tỉnh Thái Nguyên” như mục tiêu chương trình đặt ra được thể hiện trong Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (về việc ban hành Khung chương trình giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên).

Thứ hai, nội dung có sự đổi mới và kế thừa

Theo khảo sát của chúng tôi, chủ đề văn học trong chương trình lớp 6 và 7 là văn học dân gian, lớp 8 và 9 là văn học hiện đại. Ở chương trình lớp 6, hai thể loại của văn học dân gian được lựa chọn để đưa vào là truyền thuyết và truyện cổ tích. Văn học dân gian địa phương có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của người học. Góp phần củng cố kiến thức phổ thông về văn hóa địa phương để người học hiểu và yêu quê hương, tự hào về truyền thống địa phương...

Trước hết, về ngữ liệu có tính kế thừa chương trình văn học địa phương trước đây. Cụ thể, văn bản Sự tích sông Công, núi Cốc chương trình cũ có sử dụng trong tài liệu Văn học Thái Nguyên (Nhiều tác giả, Văn học Thái Nguyên, Sở Giáo dục và đào tạo Thái Nguyên, 2008) ở chương trình mới vẫn tiếp tục sử dụng. Ngữ liệu đọc thêm có đưa văn bản Sự tích đền Thượng, núi Đuổm vào. Đây cũng là ngữ liệu kế thừa từ chương trình văn học địa phương Thái Nguyên trước đây. Tuy nhiên, ngoài sự kế thừa, tính mới cũng được thể hiện ở ngữ liệu có bổ sung thêm hai văn bản mới, đó là truyện cổ tích Nguồn gốc con khỉ và Ca Vít. Đây là hai truyện cổ tích lần đầu được đưa vào giảng dạy, tiếp cận ở chương trình lớp 6 chủ đề văn học Thái Nguyên. Hai thể loại như truyền thuyết và cổ tích là hai thể loại được đưa vào giảng dạy là phù hợp. Và các truyện được lựa chọn cũng thể hiện tính đặc trưng thể loại, phù hợp tiếp nhận của người học. Bởi các truyện này có cốt truyện đơn giản, kể theo trật tự tuyến tính thể hiện rõ quan hệ trước sau, các yếu tố kì ảo khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn cuốn hút phù hợp với đối tượng học sinh lớp 6. Truyền thuyết và truyện cổ tích vừa lí giải nguồn gốc địa danh (sông Công và núi Cốc), di tích lịch sử (đền Thượng, núi Đuổm), phong tục tập quán vừa phản ánh các mối quan hệ xã hội ước mơ của người dân (Nguồn gốc con khỉ, Ca Vít). Điều này thể hiện nét đẹp, giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh, làm giàu đẹp thêm tâm hồn các thế hệ, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, sự đổi mới ở việc lựa chọn ngữ liệu văn học cũng được thể hiện ở tính đa dạng của xuất xứ văn bản. Nếu trước đây, văn học Thái Nguyên ở thể loại truyền thuyết và cổ tích mới đưa vào chương trình tác phẩm của người Kinh thì ở chương trình mới, truyện Nguồn gốc con khỉ và Ca Vít là truyện cổ tích của dân tộc Tày. Điều này cho thấy sự chú ý đến tính đa dạng trong văn học dân gian của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên. Đặc biệt, hai truyện cổ tích này có mô típ rất gần với truyện cổ tích của người Việt.

Cụ thể như, truyện Nguồn gốc con khỉ có cùng mô típ với truyện Sự tích con khỉ của người Việt, nhưng truyện có một số yếu tố mang màu sắc và bản sắc văn hóa của người Tày. Truyện cổ tích Ca Vít cũng vậy. Đây là truyện có cốt truyện giống với truyện Tấm Cám của người Việt, nhưng một số tình tiết lại mang dấu ấn văn hóa của người Tày như tên nhân vật, cái chết, sự biến hóa của nhân vật,... Việc lựa chọn những truyện của dân tộc thiểu số có cùng mô típ với truyện phổ biến của người Việt vừa giúp học sinh so sánh, mở rộng về thể loại truyện cổ tích, đồng thời nhận biết được đặc điểm văn hóa tộc người qua văn bản truyện.

Đây là việc rất có ý nghĩa và phù hợp với địa phương Thái Nguyên nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày - Nùng sinh sống. Điều này đã thể hiện được mục tiêu giáo dục đặt ra trong khung chương trình tài liệu địa phương tỉnh Thái Nguyên, đó là “gắn giáo dục trong nhà trường với cộng đồng địa phương; gắn kiến thức đã học với những vấn đề đặt ra của tỉnh Thái Nguyên và cộng đồng nơi học sinh sinh sống, định hướng giáo dục của các tác giả [....] hình thành và nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào và gắn bó với quê hương, ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng tham gia, bảo vệ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thế mạnh của quê hương” (UBND tỉnh Thái Nguyên, Quyết định số 839 ngày 23/3/2021 về việc ban hành Khung chương trình giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên).

Có thể thấy, các tác phẩm văn học dân gian được lựa chọn đưa vào chủ đề văn học ở chương trình lớp 6 đều gắn với lịch sử, văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền. Đó là truyền thuyết về mối tình chàng Công, nàng Cốc gắn liền với địa danh hồ Núi Cốc - một địa điểm du lịch trữ tình đậm chất thơ ở Thái Nguyên. Đó là dấu ấn lịch sử của đền Đuổm - nơi ghi lại những dấu tích của một danh nhân, thủ lĩnh vùng đất Thái Nguyên - Dương Tự Minh. Bởi vậy, nó gần gũi với đời sống và sinh hoạt của các em học sinh. Điều này sẽ tạo hứng thú cho các em tìm hiểu được sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, văn học nơi mình sinh ra. Hơn hết việc này cũng giúp học sinh gắn kiến thức nhà trường với thực tiễn và những vấn đề đang đặt ra cho dân tộc và nhân loại cũng như cho mỗi địa phương nơi các em sinh sống. Đồng thời giúp các em hiểu biết và hòa nhập hơn với môi trường mà mình đang sinh sống, có ý thức góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa của quê hương.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa cùng với việc du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam đã khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ không biết đến những nhân vật lịch sử, những phong tục tập quán tốt đẹp của chính dân tộc mình, của chính địa phương nơi mình đang sống. Nhờ giáo dục văn học địa phương mà văn hóa, truyền thống sẽ trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc hơn đối với thế hệ trẻ. Qua các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết các em sẽ hiểu rõ về các nhân vật lịch sử, các sự kiện, phong tục của địa phương mình để từ đó bồi đắp tình yêu thương với gia đình, quê hương, dân tộc.

Thứ ba, định hướng giảng dạy có sự thay đổi

Thống nhất với chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới, chủ đề văn học trong chương trình địa phương lớp 6 của tỉnh Thái Nguyên cũng được triển khai giảng dạy theo định hướng đặc trưng thể loại và bám sát trục Đọc - Viết - Nói - Nghe.

Trước hết, việc tìm hiểu văn bản qua đặc trưng thể loại được thể hiện ở hệ thống câu hỏi sau văn bản đọc. Khi khai thác thể loại truyền thuyết và cổ tích, các câu hỏi đọc hiểu của văn bản đều hướng đến đặc trưng thể loại. Ở truyền thuyết, khi dạy văn bản Sự tích sông Công, núi Cốc, sách khai thác câu hỏi về nhân vật, sự việc chính, đặc biệt là yếu tố kì ảo, hoang đường hoặc các yếu tố gắn với địa danh của truyện. Đây chính là những yếu tố đặc trưng của thể loại truyền thuyết. Ở văn bản đọc thêm Sự tích đền Thượng, núi Đuổm, phần hướng dẫn cũng hướng đến khai thác đặc điểm cốt truyện và nhân vật của truyền thuyết. Đối với thể loại cổ tích, ở truyện Nguồn gốc con khỉ các câu hỏi tìm hiểu văn bản cũng xoay quanh đặc trưng kiểu nhân vật cổ tích, chi tiết kì ảo và việc gửi gắm bài học hoặc ước mơ của nhân dân qua câu chuyện. Phần hướng dẫn đọc thêm của truyện Ca Vít cũng hướng tới khai thác các yếu tố về nhân vật kì ảo, mơ ước của nhân dân,... Đây chính là những đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích.

Bên cạnh đó, chủ đề văn học cũng được biên soạn bám theo mạch Đọc - Viết - Nói - Nghe. Mặc dù không thể hiện rõ bằng các tiêu đề như sách Ngữ văn 6 mới nhưng mạch triển khai này được thể hiện rõ qua các yêu cầu cần đạt. Trong mục Yêu cầu cần đạt ở phần đầu tiên của chủ đề, ghi rõ 4 yêu cầu: “Nhận biết được đặc điểm của truyền thuyết, cổ tích qua một số truyền thuyết, cổ tích tiêu biểu của Thái Nguyên; Viết được bài văn kể lại một truyền thuyết hoặc truyện cổ tích Thái Nguyên; Kể lại được một truyền thuyết hoặc truyện cổ tích đã học; Có ý thức tìm hiểu truyền thuyết, cổ tích Thái Nguyên, tự hào về truyền thống văn học của quê hương Thái Nguyên” (Nhiều tác giả, Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2021).

Trong 4 yêu cầu trên, có 3 yêu cầu nhấn mạnh kĩ năng (yêu cầu 1 là hướng tới kĩ năng đọc; yêu cầu 2 là kĩ năng viết; yêu cầu 3 là kĩ năng nói và nghe) và một yêu cầu nhấn mạnh phẩm chất, nhân cách (yêu cầu 4). Điều này đã thể hiện sự phù hợp với định hướng biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn của chương trình mới.

Ngoài ra, hệ thống các câu hỏi cũng thể hiện rõ các kĩ năng Đọc, Viết, Nói và Nghe. Phần bài tập luyện tập, thực hành và vận dụng đã thể hiện rõ tính mới qua cách đặt câu hỏi và khai thác vấn đề. Kiểu câu hỏi đóng, áp đặt không còn được sử dụng. Nhiều câu hỏi mở, vận dụng thực tế, phát huy tính sáng tạo của người học được sử dụng. Chẳng hạn như:

- “Em ấn tượng với chi tiết nào trong truyệnSự tích sông Công, núi Cốc? Vì sao?”

- “Truyền thuyết Sự tích sông Công, núi Cốc thường được các hướng dẫn viên du lịch kể cho du khách nghe khi đến tham quan du lịch hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên. Theo em, đây có phải là điều giúp cho truyền thuyết địa phương được biết đến rộng rãi hay không?”

- “Đóng vai một nhân vật trong truyện Sự tích sông Công, núi Cốc và kể lại câu chuyện”.

(Nhiều tác giả, Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2021).

Có thể thấy, văn học dân gian Thái Nguyên đã giúp truyền thống văn hóa của dân tộc, vùng miền được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Nhờ có văn học mà các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của vùng miền được lí giải một cách cụ thể, gần gũi và thể hiện được đặc trưng, ghi lại dấu của lịch sử quê hương.

3. Qua tìm hiểu chủ đề văn học trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6, chúng tôi nhận thấy, chủ đề được biên soạn có ba điểm mới. Thứ nhất, đổi mới về hình thức thể hiện; thứ hai, nội dung có sự đổi mới và kế thừa; thứ ba, định hướng giảng dạy có sự thay đổi. Với những điểm mới này, chủ đề văn học trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thái Nguyên lớp 6 đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình phổ thông và thực hiện được mục tiêu chương trình giáo dục địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Các tác phẩm được lựa chọn đã thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Thái Nguyên, giúp người học hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử và con người nơi mình đang sinh sống, gợi tình yêu, niềm tự hào về quê hương, xứ sở. Từ đó mỗi cá nhân biết giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc của địa phương, bồi đắp về bề dày văn hóa dân tộc để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của Thái Nguyên trong thời đại hội nhập hiện nay.

Cao Thị Hảo - Lê Huyền Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy