Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
03:24 (GMT +7)

Những nẻo đường thơ

VNTN - Có một nhà phê bình văn học đã nói một cách dí dỏm mà cay đắng rằng: “Cả nước đang làm thơ nhưng cả nước không đọc thơ”. Cái lời nhận định hơi quá ấy nhưng cũng nói được phần nào thực trạng của thơ hôm nay. Thơ được “sản xuất” nhiều đến vậy thì hãy thử khảo sát việc công bố thơ như thế nào? Việc công bố thơ hiện tại có nhiều kênh. Kênh thứ nhất là công bố trên báo chí. Ngay trên kênh này cũng có hai xu hướng khác nhau. Trên các báo, tạp chí chuyên về văn học (cả trung ương và địa phương) thường đăng tải những bài thơ “xịn” nhất (tạm cho là như vậy). Các cơ quan báo chí này cũng là nơi chấp nhận những cách tân của các cây bút thơ, thậm chí là những thử nghiệm (cốt sao thơ hay hoặc có những dấu hiệu hay). Ngoài các báo chuyên ngành văn học thì các báo văn hóa, thời sự, báo ngành, báo địa phương cũng thường có các trang văn học nghệ thuật hoặc các tờ phụ san hằng tuần, hằng tháng đăng thơ để làm “mềm hóa” tờ báo vốn khô khan. Thơ trên các tờ này thường thiên về thời sự, các ngày kỉ niệm. Vì thế, chất lượng thơ, đặc biệt là chuyện đề cao nghệ thuật chỉ là hàng thứ hai. Tuy vậy, không phải là không có những bài thơ hay. Kênh thứ hai là ở các nhà xuất bản. Thơ xuất bản cũng chia thành hai mảng. Một là thơ đích thực, khi các tác giả chọn lọc trong các bài thơ được đăng báo hoặc gom góp trong quá trình sáng tác để xuất bản thành tập. Hai là, có những người thích làm thơ, tuy thơ không hay nhưng khi đã sáng tác ra nhiều, lại có tiền, cũng muốn có một tập để làm kỉ niệm hoặc thể hiện mình là người sáng tác thơ. Phải nói ngay, những tập thơ này rất ít có thơ xuất sắc. Nếu có cũng giống như đãi cát tìm vàng. Cách công bố thứ ba là thơ đọc bằng miệng. Kiểu này cũng có thể chia ra làm hai. Một là thơ đọc trên các sân khấu lớn như ở các Ngày thơ của cả nước hoặc các tỉnh, trên các diễn đàn có tính chuyên nghiệp (Một thời ở Liên Xô cũ các nhà thơ, tiêu biểu là Mayakovsky đã từng đọc thơ trên quảng trường, gây được tiếng vang lớn cho thơ). Hai là ở các câu lạc bộ thơ, các thành viên cũng thường mang thơ ra đọc. Kiểu công bố này là để cho vui, mang tính thư giãn, giải tỏa nỗi niềm… Ngoài ra, gần đây khi có sự bùng nổ của facebook, còn xuất hiện không ít các trang thơ, cùng sự khen chê hết tầm. Có trang lên tới nhiều trăm cây bút, đăng tải hàng ngàn bài thơ. Như vậy, tuy là “cả nước làm thơ” nhưng cũng có sự phân chia khá rành mạch chuyên nghiệp và nghiệp dư, “thơ thật” và “thơ chơi” (tạm đặt tên như thế) và như vậy thì không lo chuyện “loạn thơ” có thể gây rắc rối cho tình hình thơ của cả nước nói chung. Còn chuyện “cả nước không đọc thơ” mà nhà phê bình vừa nêu ở trên hóa ra cũng chẳng phải là chuyện đáng lo ngại. Làm thơ và thưởng thức thơ ngày hôm nay luôn theo từng nhóm. Người theo đuổi thơ trên các báo chuyên ngành, người thích đọc thơ trên các trang facebook hoặc đọc và nghe thơ ở các câu lạc bộ… là ở sự lựa chọn của mỗi người, không ai bắt buộc được ai. Đã từng thấy nhiều người chỉ thấy thơ trên facebook hoặc thơ ở các câu lạc bộ mới hợp với họ. Đấy là chuyện của riêng mỗi người. Cũng lại có không ít người cứ nghe thơ ở các câu lạc bộ là ngủ gật. Đấy cũng là chuyện của người đó. Không ai làm ảnh hưởng, tổn thương đến ai. Nhưng như vậy là cả nước vẫn đang đọc thơ đấy chứ, đâu có chuyện như nhà phê bình kia nhận định. “Cả nước làm thơ”, nghe thì đúng là có chút khôi hài, nhưng thực ra thì cũng không ai có quyền cấm ai làm thơ. Mà thơ thì đã sao? Nhiều nhà phê bình thường vẫn nói, thơ làm cho tâm hồn con người trong trẻo lại, lương tâm trở nên thanh tĩnh là gì. Ngày trước chắc các cụ cũng “cả nước làm thơ” nên nay mới có thể để lại những câu ca dao xuất chúng mà nhiều nhà thơ lớn chưa chắc đã có. Nhưng có điều, mỗi nhà thơ, mỗi người làm thơ, mỗi người yêu thơ cũng nên hiểu rõ là cần tránh sự vỗ ngực, ảo tưởng. Đã từng có hiện tượng, khi được đăng thơ trên facebook, được nhiều lời khen xã giao (trên mạng ảo đấy là “chuyện thường ngày ở huyện” mà) lại tưởng thơ mình là xuất sắc. Đến khi gửi báo không đăng, sinh ra chuyện này chuyện kia. Cũng từng xảy ra trường hợp, có người mang tập thơ dày cộp, mác hiệu nhà xuất bản Hội Nhà văn hẳn hoi để xin kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhưng bị hội đồng thẩm định gạt bỏ liền cự cãi Hội Nhà văn Việt Nam không bằng Hội tỉnh hay sao? Về đường đi của thơ hôm nay, có lẽ rất cần vận đến câu thành ngữ mà cánh giang hồ hay nói, rằng: “nước sông không phạm nước giếng”. Vậy có thể sẽ an hòa chăng?.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước