Những kỷ niệm nhỏ về thầy tôi
Nhà văn Phan Khôi tại Hà Nội (1956). |
LTS: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Thái Nguyên là nơi sinh sống và làm việc của nhiều trí thức và văn nghệ sỹ, trong đó có học giả tên tuổi, tài năng Phan Khôi (1887 - 1959). Vì mối duyên ấy, nhà giáo Phan Nam Sinh, con trai của nhà văn Phan Khôi đã dành cho Thái Nguyên và Báo Văn nghệ Thái Nguyên những tình cảm tốt đẹp, với tư cách vừa là độc giả thân thiết vừa là cộng tác viên uy tín.
Nhân 130 năm ngày sinh nhà văn Phan Khôi (6/10/1887 - 6/10/2017), tác giả Phan Nam Sinh gửi đến Tòa soạn bài viết về những kỷ niệm với người cha của mình. Đây thực sự là một tư liệu quý về nhà văn Phan Khôi - học giả hàng đầu thế kỷ XX của nước ta.
Văn nghệ Thái Nguyên cảm ơn tình cảm của tác giả và trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.
Sau hiệp định sơ bộ (6-3-1946), thầy tôi từ quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ra chiến khu Việt Bắc, làm việc trong Ban Nghiên cứu Ngữ ngôn Văn tự thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau này, khi đọc bản lý lịch do chính tay thầy tôi viết, tôi mới biết lúc đó ông ra Bắc là theo lời mời của Bộ Nội vụ. Cũng trong năm ấy, quê tôi bị giặc Pháp chiếm, gia đình tôi phiêu bạt nhiều nơi trong vùng tự do tỉnh Quảng Nam, về sau mới định cư tại làng Chiên Đàn, huyện Tam Kỳ, quê chồng của người chị gái tôi.
Sau gần ba năm bặt tin tức, đầu năm 1948 chúng tôi mới nhận được thư thầy tôi từ chiến khu Việt Bắc gửi về. Hồi ấy tuy mới lên tám và đang học lớp nhì trường làng nhưng tôi cũng còn nhớ là mình xúc động thế nào. Bức thư đã giúp tôi nhớ lại hình ảnh, tính nết thầy tôi, tuy không rõ ràng lắm nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức non nớt của tôi hồi ấy. Thầy tôi người cao to nhưng hơi gầy, ít nói, mà mỗi khi nói thì tôi và thằng cháu cùng tuổi đang chơi ở khu nhà ngang, cạnh hơn mười chiếc khung cửi máy đang chạy ầm ầm cũng nghe tiếng. Bình thường, thầy tôi rất ít khi trò chuyện với anh chị em chúng tôi, nhất là với mấy đứa nhỏ từ tuổi tôi trở xuống. Có lẽ đó là do sự cách biệt quá lớn về tuổi tác giữa thầy tôi và mấy đứa nhỏ chúng tôi. Tuy vậy, thầy tôi bao giờ cũng là người cha sống có trách nhiệm và giàu tình cảm với các con. Cho đến bây giờ, khi đã gần tám mươi, nhưng mỗi khi nhớ về tuổi thơ, bao giờ tôi cũng nhớ tới những trái banh của thầy tôi thắt cho, lúc tôi năm sáu tuổi. Ruột banh bằng lá chuối khô, to cỡ cái ấm pha trà, ngoài đan mắt lưới bện bằng tơ chuối hay dây vải xe, vừa nặng vừa bền. Sau này, khi có dịp được sống gần thầy tôi, không hiểu sao tôi cứ hay so sánh công việc dịch thuật của ông với những trái banh ấy và nhận ra rằng cái tính cẩn thận, chu đáo đã được thầy tôi giữ mãi cho đến cuối đời.
Ký ức của tôi không còn giữ lại được đầy đủ nội dung bức thư, chỉ nhớ là khá dài, không giống với thói quen viết ngắn của thầy tôi. Nhưng hai bài thơ ngắn lấy tên chung là Nhớ nhà viết theo thể Đường luật mà thầy tôi gửi kèm theo lá thư ấy thì tôi thuộc lòng từ dạo ấy đến giờ. Cũng dễ hiểu thôi vì bài thơ nhắc nhiều đến chúng tôi và đúng mười năm sau đó đã thành cái cớ để nhiều người chỉ trích trên báo. Trong hai bài đó, có một bài như sau:
Hai nhà cộng lại có mười con
Năm gái năm trai ngắm cũng dòn
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mủi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang-sa mới ba tuổi
Tên mày ghi cái nhục non sông!
Anh chị em tôi do hai người mẹ sinh ra mà nếu không có chiến tranh chắc đã sống yên ổn trong một mái ấm gia đình. Mẹ các anh chị tôi mà chúng tôi quen gọi bằng mạ theo cách gọi của một số gia đình Quảng Nam, sinh hạ tám lần nhưng người anh thứ năm mất sớm nên chỉ còn lại bảy. Cộng với ba anh em do mẹ tôi sinh, thầy tôi có cả thảy mười người con, năm trai năm gái, nhưng lúc ấy chỉ mới non một nửa có gia đình. Trong số ba anh em do mẹ tôi sinh sau, có thằng út sinh đúng vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Có lẽ vì thế mà thầy tôi đặt tên cho em là Lang-sa, theo cách đọc Hán Việt chữ France, có nghĩa là nước Pháp. Hồi đó và cho đến trước lúc thầy tôi chủ trương tờ Nhân văn và tham gia viết cho nhóm Giai phẩm, tôi chưa từng nghe ai chỉ trích cách đặt tên đó cả. Bản thân tôi cũng tin rằng cái tên thằng em tôi mang, như thầy tôi giải thích, là để đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp và nhắc nhở anh chị em tôi cái nhục một cổ hai tròng. Chỉ tới năm 1958, khi báo chí phát động rầm rộ cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm, tôi mới biết thêm cách hiểu khác của các nhà phê bình(!). Chỉ thương thằng em tôi, lúc đó mới mười ba tuổi, đang học cấp 2, đã phải đổi tên và dùng cái tên không phải do thầy tôi đặt cho mãi tới bây giờ…
Năm 1957, thầy tôi bảy mươi tuổi. Lúc này báo Nhân văn đã bị đóng cửa, thầy tôi gần như tự cách ly hẳn với cuộc sống bên ngoài. Những người thường lui tới thăm hỏi và đàm luận văn chương với thầy tôi như các cụ Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ; các anh Phan Ngọc, Phùng Cung…bây giờ cũng không thấy đến nữa. Thầy tôi một phần do tuổi già và cũng buồn nữa nên chẳng đi tới đâu. Suốt ngày thầy tôi giam mình trên gác hai trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, hết nằm đọc sách lại ngồi vào viết, thường là những bài nghiên cứu tiếng Việt. Hồi này thầy tôi thi thoảng bị run tay, căn bệnh thường thấy ở người già. Cứ vào khoảng bốn hay năm giờ chiều, lúc tay run nhiều, ông thường sai tôi ra cửa hàng nước trước cổng Hội Văn nghệ, chỗ ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Hàng Bài, mua một hay hai hào rượu. Đó là thứ rượu quốc doanh, chắc bây giờ ít người chịu uống. Thầy tôi uống rượu cũng đơn giản như khi uống nước. Thường thì ông chỉ rót đầy một chén nhỏ, uống liền một hay hai ngụm là hết, xong lại làm việc.
Vào năm này, có người ở Hà Nội định tổ chức lễ mừng thọ thầy tôi bảy muơi tuổi. Nhưng rồi sau đó chắc sợ bị liên lụy nên không thấy tổ chức nữa. Đây là thời gian thầy tôi viết hai bài thơ luật Đường lấy tên chung là Bảy mươi tự thọ. Tôi nhớ trong hai bài đó có một bài như sau:
Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta ta chúc nỏ phiền ai
Đầy đàn con cháu năm mâm chẵn
Kể tuổi văn chương bốn chục ngoài
Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách
Còng lưng thồ nặng chín triều vua
Giật mình trước mắt nền dân chủ
Hất cái bia đi kẻo trái mùa!
Bài thơ được thầy tôi chép tay trên giấy khổ lớn, giao mẹ tôi giữ. Trong gia đình, ngoài mẹ tôi và tôi, chắc không còn ai biết việc đó.
Hồi này tôi mười bảy, đang học lớp bảy, lớp cuối cấp 2 ở miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi đọc bài thơ và không khỏi bùi ngùi nhận ra rằng thầy tôi cũng giống như phận con rùa trong câu ca dao xưa Thương thay thân phận con rùa. Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia.
Và cũng chỉ có thế! Tôi không hề nhận ra những gì mà nhà văn nổi tiếng nọ, lúc bấy giờ ít ra cũng hơn tôi bốn mươi tuổi đã viết trong bài báo công kích thầy tôi hồi đó. Tôi càng thêm thương thầy tôi, chỉ vì một bài thơ viết riêng cho mình, chưa hề được công bố mà cũng bị đem ra đàm tiếu…
Nhà văn Phan Khôi (đội mũ) tại Việt Bắc
Cũng năm này, tôi về nghỉ hè tại gia đình. Không khí gia đình chúng tôi lúc đó đã khá nặng nề. Các anh chị tôi chỉ thi thoảng mới tới thăm thầy tôi nhưng chẳng nói được gì nhiều, ngoài mấy câu thăm hỏi sức khỏe. Như thế là vì thầy tôi từng giao hẹn với các anh chị tôi là không nói chuyện Nhân văn mỗi khi tới thăm ông. Hồi này thầy tôi đã yếu, một phần do tuổi cao nhưng phần lớn có lẽ là do ông buồn bực, suy nghĩ nhiều sau vụ Nhân văn - Giai phẩm. Cả ngày ngoài mấy bữa ăn, ông thường nằm đọc sách, chỉ thi thoảng mới ngồi lên ghi chép hay kéo mấy hơi thuốc lào với chiếc điếu cày từ hồi còn ở Việt Bắc bây giờ đã lên nước bóng nhẫy.
Vào một buổi sáng, thầy tôi nhận được thư. Sau khi đọc xong, ông gọi tôi tới ngồi cạnh rồi bảo:
- Con xem nè, mới ở Trung Quốc mấy tháng mà đã viết được thế này!
Tôi cầm thư xem. Thì ra là thư của Nguyễn Đình Nghi, con nhà thơ Thế Lữ, người có thời gian học chữ Hán với thầy tôi, hiện đang theo học lớp đạo diễn ở Trung Quốc gửi về. Chờ cho tôi đọc xong, ông hỏi:
- Hiểu được không con?
Nhờ biết một ít chữ Hán hồi học lớp nhì trường làng; năm đó lại được tiếp tục học Trung văn theo chương trình cấp 2 của miền Bắc lúc ấy nên tôi mạnh dạn trả lời:
- Dạ, con hiểu!
Vậy là ông bảo tôi đọc và dịch cho ông nghe. Tôi hơi lo nhưng rồi cũng làm theo lời ông. Chữ nào không đọc được bằng âm Hán Việt thì tôi đọc theo âm Bắc Kinh. Gặp những chỗ khó, tôi không dịch được thì ông chỉ dẫn. Cứ như thế cho tới khi tôi đọc và dịch xong cả bức thư. Ông bảo:
- Học Trung văn mà đọc được âm Hán Việt là tốt lắm đấy! Nhưng muốn đọc được sách cổ thì còn phải học thêm văn ngôn.
Tôi trước đó cũng đã từng nghe nói tới văn ngôn, văn bạch thoại nhưng khác nhau thế nào thì còn chưa rành rẽ. Được dịp may, tôi mạnh dạn nhờ thầy tôi phân biệt. Thầy tôi giảng giải nhiều lắm. Nào là do đâu người Trung Quốc phải thay văn ngôn bằng bạch thoại, ai là người khởi xướng, cuộc đấu tranh giữa nhóm chủ trương văn ngôn và nhóm chủ trương bạch thoại gay gắt thế nào… Đến nay tôi đã quên mất quá nửa nhưng hai câu chữ Hán mà thầy tôi cử ra để phân biệt thì tôi nhớ mãi tới tận bây giờ. Đó là câu bạch thoại Mặc Tử thị Chiến Quốc thời đại đích nhân và câu văn ngôn Mặc Tử Chiến Quốc thời nhân dã cùng một nghĩa với câu tiếng Việt Mặc Tử là người thời Chiến Quốc.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...