Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Những kế hoạch nhiều triệu tỷ và nỗi lo của Quốc hội

VNTN - Tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá 14 tuần qua đã liên tục thông qua những kế hoạch liên quan đến những con số nhiều triệu tỷ từ túi tiền quốc gia, không chỉ cho năm sau mà đến tận 2020.


Đó là kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với ước tính 10,5 triệu tỷ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm từ 6,5 đến 7% - theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đó là kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với sự cho phép nới trần nợ Chính phủ từ 50% lên 54% GDP, trong bối cảnh con số này đã đến 53,2% GDP vào cuối năm nay và bội chi trong giai đoạn 2011 - 2015 đã không thể kiểm soát được như kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch này thì  tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015 còn tổng chi ngân sách Nhà nước khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Bấm nút những kế hoạch nhiều triệu tỷ

Đó còn là kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa  2.000.000 tỷ đồng. Trong đó  5.000 tỷ đồng được bố trí đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và 80.000 tỷ được dành cho các dự án quan trọng quốc gia.

Kế hoạch nào, con số nào cũng chứa đầy âu lo. Bởi, nhìn lại kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm qua việc thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại) chưa đạt mục tiêu đề ra, và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

Trong bối cảnh đó, nợ công tăng nhanh cả về quy mô tốc độ, tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng bình quân khoảng 18,4%/năm, gần chạm ngưỡng cho phép (65%GDP), không bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Đáng lo ở chỗ, nếu tính đủ các khoản nợ có tính chất nợ công thì dư nợ có thể ở mức cao hơn.

Với đầu tư công, căn bệnh "kinh niên" tiếp tục được Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra: Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện, phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực, bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực.

Minh chứng cho nhận định này thì quá dễ dàng,  khi từ đầu kỳ họp những dự án làm tiêu tan cả mấy chục ngàn tỷ đã được nhắc đi nhắc lại. Những cái tên Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol sinh học đã "nổi danh" hơn bao giờ hết.

"Truy" đến cùng thì Quốc hội cũng không "trốn" được trách nhiệm trước việc túi tiền quốc gia đã eo hẹp nhưng lại chưa được chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Bởi như đại biểu Dương Trung Quốc đã nói: "Nếu chất lượng lập pháp của Quốc hội kém thì năng lực quản lý của Chính phủ bị ảnh hưởng, nếu Quốc hội giám sát lỏng lẻo thì hành pháp sẽ nảy sinh tiêu cực. Chắc chắn công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội góp phần vào những sai phạm, hạn chế hiệu quả hoạt động của Chính phủ, nợ công chồng chất, tài sản hư hao, tham nhũng không kiểm soát là trách nhiệm của Chính phủ nhưng cũng có một phần của Quốc hội".

Có lẽ vì thế mà những lo lắng của cơ quan thay mặt nhân dân quyết định việc tiêu tiền cũng chất chứa hơn trong nhiều câu chữ của các nghị quyết đã được đa số đại biểu bấm nút tán thành.

Ở nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 Quốc hội không chỉ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực mà còn yêu cầu cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Loại bỏ, đó là hai chữ hiếm khi xuất hiện trong những nghị quyết tương tự. Nhưng, theo một số vị đại biểu thì trong bối cảnh hiện nay, hai chữ đó rất cần được nhấn mạnh, không chỉ trong lời nói. Bởi, Thủ tướng đã nói phải sử dụng có hiệu quả từng đồng tiền thuế của dân, và những con số nhiều triệu tỷ như đã nói trên sẽ không khó để làm chất chồng thêm "núi" nợ công vốn đã cao ngất, nếu những người trục lợi còn chưa bị loại bỏ một cách cương quyết.

Với kỷ luật ngân sách, tất cả các bản nghị quyết đều nhấn mạnh yều cầu thực hiện nghiêm. Yêu cầu cụ thể là kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương, bố trí nguồn đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm cũng có hai chữ "không" rất quan trọng, vừa chứa đầy lo âu nhưng cũng đầy kiên quyết. Đó là không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Quốc hội cũng chỉ cho phép các khoản vay mới thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Trong đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án để khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dựán được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Và ngay tại kỳ họp này, nhóm vấn đề đầu tiên được Quốc hội dự kiến sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, chính là phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hoá, lãng phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khi trách nhiệm được quy rõ ràng, xử lý công minh, nỗi lo về túi tiền quốc gia cũng có thể dần vơi.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy