Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
03:45 (GMT +7)

Những hồi ức còn mãi

VNTN- Tôi sinh ra, lớn lên, lấy chồng, sinh con... đều ở phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên. Gần 30 năm gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn cho tôi biết bao kỷ niệm và tình cảm đẹp đẽ với mảnh đất và con người quê hương.

Quang cảnh khu xóm nhà tôi năm 2003. Ảnh: Thanh Lên 

Mẹ tôi kể, ngày mẹ đau bụng đòi sinh tôi là vào một đêm tháng Tám. Hai vợ chồng dìu nhau cuốc bộ ra Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Đi được nửa đường, mẹ đau bụng quá ngồi thụp xuống đường đất, chẳng màng quần áo lấm bẩn, thế mà nghe bố động viên, mẹ vẫn cố ăn hết hai quả trứng luộc để lấy sức mà “rặn” tôi.

Ngày tôi ra đời, ông nội đã mất được hai năm, chỉ còn bà nội ở với chú út chưa vợ. Bố và 3 chú đã lấy vợ, bà cắt đất cho ở riêng song 5 cái nóc nhà đều liền một dải nằm trọn trên một quả đồi do ông bà khai phá. Ở trên đồi nên nhà nào cũng có cái dốc lên cao vút, sau lưng nhà là bãi chè xanh mướt xen kẽ vài ngôi mộ quét vôi trắng tinh - bố tôi bảo: “Đó đều là các ông bà cụ kị của con”, nhưng tôi vẫn sợ, chẳng bao giờ dám ra sau nhà một mình. Vào vụ chè, mẹ và các thím cùng hái chè rồi đem về nhà bà nội để sao. Tôi không hiểu vì sao trong ký ức của tôi ngày đó, cái chảo sao chè rất lớn và sau mỗi vụ chè nó lại được “cất giữ” ở dưới chân cây cầu Trắng - nơi từ nhà bà nội nhìn sang, nó chỉ còn nhỏ như một chấm trắng. Đến tận bây giờ tôi vẫn không lý giải nổi sao ngày đó tôi lại có kí ức lạ lùng như thế.

Trước mặt nhà tôi là một cái ao sâu. Từ một khoảnh ao nhỏ ông bà cho sẵn, bố và mẹ cứ ngày cấy hái, đêm tranh thủ đào ao, đội đất đắp bờ mà nên cái ao rộng cả một sào (gần 400m2). Kế đến là con đường đất liền với cánh đồng lúa xanh rì, xa hơn chút là con đập dài ngoằng. Mùa mưa lũ, nước từ con đập dâng lên, ngập phăng cánh đồng thành một biển nước mênh mông. Lũ trẻ chúng tôi thích mê. Các anh chị lớn rủ nhau chặt thân chuối đóng bè, chèo lênh đênh trên “biển”. Bọn con nít chúng tôi chỉ được đứng trên bờ hò reo, cổ vũ thế mà vẫn sướng rơn. Người lớn thì hò nhau giăng lưới đánh cá, cất vó tôm. Không khí những ngày nước lớn ấy hệt như ngày hội. Lũ trẻ chúng tôi ngây thơ chỉ ước mùa nước dâng mãi, mà không biết rằng khi nước rút, nhìn cánh đồng như bãi sình lầy, những bông lúa xác xơ lấm bết bùn đất, ánh mắt của bà của mẹ rầu như mất của.

Thì bởi những năm mưa thuận gió hòa, cánh đồng xóm tôi từ màu xanh tươi tốt sẽ chuyển sang màu vàng bội thu, để nhà nhà nô nức quẩy từng gánh lúa nối đuôi nhau trên những thửa ruộng bé tí teo về nhà. Rồi sau bữa tối ăn vội là tiếng tuốt lúa ầm ầm khắp xóm. Bố và mẹ tôi sẽ đứng trong máy tuốt lúa, mỗi người một chân trụ, một chân đạp máy, hai tay ghì bó lúa đến khi máy “ăn” hết thóc mới tung bó lúa vút ra xa, mỗi người một hướng. Cứ thế, những đống lúa chất đầy sân biến thành đống thóc căng mẩy trước mặt, để mai nắng lên sẽ phơi đầy sân. Và con đường đất quanh xóm bỗng khoác lên mình tấm áo mới của rạ rơm - nơi trở thành thiên đường của lũ trẻ chúng tôi tha hồ chạy nhảy, lăn lê, vùi mình trong thơm ngái - bà tôi bảo đó là mùi của no ấm.

Chị tôi hơn tôi 7 tuổi, nên khi tôi vào lớp 1 thì chị học lớp 8. Chúng tôi cùng chung một ngôi trường mang tên “Tiểu học - THCS Đồng Quang”. Buổi sáng là khối Tiểu học, buổi chiều là khối THCS. Mỗi sáng tới lớp, chúng tôi thường thấy trên mặt bàn mình dầy thêm những hình vẽ, dòng chữ tên riêng, có khi là cả một bài thơ tình mà hồi đó bọn Tiểu học chúng tôi chịu không hiểu nổi. Nhưng niềm vui của lũ nhóc chúng tôi là mỗi ngày tới lớp quờ tay vào ngăn bàn xem các anh chị có để quên gì không. Lắm khi chúng tôi bắt được những mẩu thư tay đầy mùi mẫn. Chúng tôi ê a đọc lên từng chữ rồi cười khúc khích với nhau. Để rồi về nhà, tôi luôn tỏ ra là người nắm giữ bí mật về đời sống không phải chỉ có mỗi chuyện học của thế hệ chị gái mình.

Lớn hơn chút, tôi được bố giao “chỉ huy” một đàn vịt trăm con. Ngày nào tôi cũng cầm một chiếc roi tre, một đầu buộc chiếc túi bóng phất phơ lùa đàn vịt từ ao nhà ra cánh đồng và xuôi dòng con đập. Đàn vịt nhà tôi đẻ sai lắm. Sáng nào bố mẹ cũng dậy sớm nhặt trứng được một thúng to để mẹ đem ra chợ bán. Tôi nhớ có lần, mẹ đạp xe đèo trứng ra chợ, con đường đất qua nhà sau cơn mưa trở nên nhão nhoét, đặc quánh bám miết lấy hai bánh xe kéo mẹ và thúng trứng đổ oạch giữa đường.

Nhưng cái vụ mất trắng thúng trứng ấy chưa là gì so với cái thiệt hại sau này. Đàn vịt nhà tôi đang khỏe mạnh, mắn đẻ thì tự dưng như phải gió cứ lăn quay ra chết. Sáng nào dậy cũng thấy bố ra vườn xách cổ hơn chục con vịt đã chết cứng từ bao giờ. Hình ảnh bố ngồi lặng lẽ bên cầu ao, phía sau gió thổi đám lông vịt bay tứ tung cứ bám riết lấy tôi đến tận bây giờ như một hình ảnh minh chứng cho sự thất bát của người nông dân.

Sau cái bữa ngồi lặng lẽ bên cầu ao đó, bố không nuôi vịt nữa mà chuyển sang nuôi thả cá chim. Cái ao cá được bố mua gạch về xây thành bờ cao, mùa mưa lũ không lo nước dâng, cá tràn ra ngoài. Rồi nhờ chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, con đường đất mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội của xóm tôi được đổi thành đường bê tông. Mỗi lần thu hoạch cá, mẹ tha hồ thồ cá đạp phăng phăng ra chợ bán, có tiền đổi lấy thịt, lấy đồ dùng trong nhà, sách vở và quần áo mới cho chị em tôi...

Rồi mỗi ngày lại một đổi thay hơn. Cánh đồng xóm tôi trở thành khu dân cư mới - Khu dân cư số 3, số 4 (còn gọi là KDC Xuân Thịnh); đường mới lấy vào 2/3 cái ao xây nhà tôi, biến con đường bê tông trước nhà giờ thành đường Phan Đình Phùng kéo dài, nhà tôi thành đất mặt phố. Vốn là người nông dân chỉ quen với trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán manh mún chứ chẳng thạo việc kinh doanh, mở cửa hàng nên bố mẹ cho người ta thuê đất kinh doanh, mỗi tháng cũng có đồng ra đồng vào, dư dật hơn trước.

Khu dân cư số 3, số 4 phường Đồng Quang được hoàn thành năm 2015. Nguồn ảnh: tni.vn

Tôi lấy chồng gần nhà, ngày cưới mặc áo cô dâu, khoác tay chú rể đi bộ về nhà chồng. Tôi sinh con cũng trong bệnh viện ngày xưa mình được ra đời. Bây giờ, cu nhà tôi đã học lớp 2, Trường Tiểu học Đồng Quang - cũng ngôi trường xưa tôi gắn bó những năm học đầu đời...

Có lẽ, dù mảnh đất quê hương đã có nhiều đổi thay và là những đổi thay tích cực, song nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung thấy cái khung cảnh xóm làng rất đỗi thân thương ngày nào. Đó là những hồi ức đẹp đẽ và còn mãi để cho tôi được trở về những ngày tháng tuổi thơ dẫu khốn khó nhưng đầy bình yên bên những người thân trong gia đình.

Bích Hồng (Tổ 7, P. Đồng Quang, TP. Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước