Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
15:43 (GMT +7)

Những hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 33

VNTN - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy, có thể nói các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này ở một số nơi vẫn còn những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Hệ thống thiết chế văn hóa thiếu và chưa đồng bộ Tại Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW đã được thành phố đã bám sát tình hình của địa phương, để đưa ra những giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả. Nhiều mục tiêu đề ra đến năm 2020 trong Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 60-KH/UBND của UBND tỉnh, đến nay Thành phố đã đạt và vượt. Về huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, tính trong 5 năm (2014-2018), thành phố đã hỗ trợ gần 15 tỷ đồng xây dựng 10 trung tâm văn hóa - thể thao các phường, xã; xây dựng 78 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; đầu tư mua trang thiết bị văn hóa cho các nhà văn hóa cơ sở. Song cấp ủy và chính quyền thành phố vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, toàn thành phố có 630/687 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 91,7%). Như vậy, còn 50 xóm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, điều kiện sinh hoạt cộng đồng, việc triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở những địa bàn này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, không riêng ở T.P Thái Nguyên mà hầu hết các địa phương còn thiếu, quy hoạch nhiều chỗ chưa đồng bộ. Cụ thể là một số nơi chưa có nhà văn hóa, hoặc nhà văn hóa sử dụng chưa hiệu quả, còn có xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn. Theo đánh giá của huyện Phú Lương, hệ thống các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở ở địa phương này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân. Đến nay, toàn huyện có 15/15 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 252/255 xóm có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 98,8%). Thế nhưng, trong số này mới chỉ có 185/255 nhà văn hóa đạt chuẩn, chiếm 72,5%. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa ở các địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, việc dành quỹ đất xây dựng cho các khu vui chơi, giải trí, nhất là cho thanh Thiếu nhi chưa đáp ứng yêu cầu. Vào dịp hè, riêng Nhà thiếu nhi T.P Thái Nguyên và Trung tâm Văn hóa thể thao các huyện tuy đã tăng cường số lượng giáo viên, huấn luyện viên chiêu sinh nhiều lớp nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu học kỹ năng, vui chơi, giải trí, sinh hoạt hè của thanh thiếu nhi. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 5 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh, T.P Thái Nguyên mới có thêm 2 điểm sinh hoạt văn hóa mới cho người dân là: Công trình tu bổ, tôn tạo Nhà tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng và Quảng trường Võ Nguyên Giáp, T.P Thái Nguyên. Đây là hai địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nhân dân trên địa bàn, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời góp phần tạo điểm nhấn trong không gian đô thị của thành phố. Tuy nhiên, số lượng người tập trung đông vui chơi tại khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp thời gian qua lại kéo theo tình trạng nhiều người lợi dụng bán hàng rong, trông giữ phương tiện, cho thuê các dịch vụ như: xe ô tô điện, xích lô mini, xe cân bằng... gây vi phạm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Thiếu địa điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt cho thiếu nhi, nhất là dịp nghỉ hè ở các địa phương thời gian qua cũng đã dẫn tới nhiều hệ luỵ. Trong đó, việc nhiều phụ huynh lơi là, để trẻ em nông thôn đi tắm sông, hồ và bị đuối nước thương tâm đã xảy ra ở huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên. Còn thiếu nhi thành thị đá bóng, trượt pa tanh trên đường phố vừa nguy hiểm, vừa gây mất an toàn giao thông. Cũng vì không có chỗ chơi cho con trẻ nên phần đa bố mẹ dịp nghỉ hè nhốt con ở nhà, “ném” cho con chiếc điện thoại, ipad, rồi không hay trẻ bị tự kỷ từ lúc nào.

Sản phẩm dịch vụ văn hóa còn nghèo Một vướng mắc mà hầu hết các huyện gặp phải khi thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW là công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Bởi vậy mà các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng. Việc chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề ở cũng là nguyên nhân khiến các địa phương chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của các giá trị, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử cho phát triển du lịch lịch sử, sinh thái cộng đồng nhằm tăng giá trị kinh tế của ngành này. Riêng với huyện Võ Nhai, hiện có 15 di tích được xếp hạng (trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh). Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho huyện vùng cao này nhiều thắng cảnh đẹp như: hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, hang Huyện, hồ Quán Chẽ… Mảnh đất giàu truyền thống này còn có những di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Khu Di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm Thần Sa; rừng Khuôn Mánh, đồn Đình Cả… và bà con nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Đó đều là những tiềm năng lợi thế để huyện thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch lịch sử - văn hóa, tạo việc làm cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhận thức được những tiềm năng vốn có đó, UBND huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong 3 năm, 2016-2018, huyện đầu tư trên 1,3 tỷ đồng để tôn tạo, sửa chữa, làm biển chỉ dẫn vào các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Đặc biệt, huyện đã thu hút được Công ty TNHH Một thành viên Hanh Hạnh đầu tư trên 40 tỷ đồng thực hiện Dự án Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Điểm du lịch này đã chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 6 song vẫn trong quá trình tiếp tục xây dựng nên chưa đồng bộ (thiếu nhà ăn, khu vui chơi trẻ em, nơi lưu trú), các mặt hàng lưu niệm ít và chưa mang tính đặc trưng vùng miền nên chưa có sức cuốn hút lớn. Bởi vậy, phần lớn du khách đều thực hiện tour du lịch trong ngày với lịch trình từ T.P Thái Nguyên lên thẳng một số địa điểm du lịch ở Bắc Sơn (suối Mỏ Mắm, hang Hú) rồi về tham quan hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà. Mỗi ngày hè, nơi đây mới có 300-400 du khách, ngày nghỉ thì lượng du khách gấp 2,3 lần mỗi ngày. Một số địa điểm khác như: Thác 7 tầng, thác Mưa Rơi, Mái đá Ngườm ở xã Thần Sa cũng chỉ thu hút được một lượng nhỏ (khoảng trên 100 người/ngày) đến tham quan, nghỉ ngơi và tắm mát vào dịp hè. Song, những điểm này cơ bản chưa được quản lý, khai thác nên chưa đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin huyện Võ Nhai, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện chưa nhiều, dịch vụ văn hóa tư nhân chưa phát triển mạnh. Phát triển du lịch gắn với khai thác danh lam, thắng cảnh, di tích trên địa bàn huyện chưa hiệu quả cao. Vậy nên từ năm 2018 trở về trước, trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất điểm du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà đem lại doanh thu khiêm tốn với mức trung bình 50 triệu đồng/năm. Nói về trăn trở của địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, lịch sử gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá địa phương, ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ nay đến năm 2025, Võ Nhai sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho phát triển du lịch (như: Dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững giá trị văn hóa truyền thống tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng); lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, bãi đậu xe, điểm dừng xe buýt công cộng, chỉnh trang trung tâm huyện tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái, thám hiểm, hát then, các món ăn truyền thống của các dân tộc; kết nối với các huyện trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch như: Đồng Hỷ - Võ Nhai - Bắc Sơn (Lạng Sơn) và ngược lại; Võ Nhai - Bắc Sơn - Lạng Sơn và ngược lại...

Các đảng bộ cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo Một bất cập nữa trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW là nhận thức về vai trò, giá trị của nghị quyết còn chưa đúng mức nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể còn chưa được thường xuyên, kịp thời. Chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người nên triển khai phong trào này hình thức, chưa phù hợp, các kết quả đạt được vì vậy còn chung chung, rập khuôn, máy móc. Theo đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ: Qua kiểm tra trực tiếp tại các đảng bộ, cũng như nắm bắt thông tin của các đơn vị gửi chúng tôi nhận thấy, hạn chế nói chung trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW tại các đảng bộ đó là còn tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm về tư tưởng, đạo đức, lối sống đến mức phải xử lý kỷ luật. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn đang có nhiều diễn biến phức tạp, bạo lực gia đình, bạo lực học, ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ có chiều hướng ngày một gia tăng. Sự lệch lạc trong nhận thức, xu hướng lai căng, xa rời bản sắc văn hoá trong cộng đồng, nhất là giới trẻ vẫn tồn tại, chưa được xử lý triệt để. Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW mà trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này của tỉnh đã chỉ ra. Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Xây dựng và phát triển văn hoá không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà đòi hỏi thời gian lâu dài. Trên quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội”, thời gian tới các đảng bộ cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc phát triển văn hoá đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặt mục tiêu cụ thể tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên để triển khai thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết số 33-NQ/TW theo nhóm 4 giải pháp mà tỉnh đã đề ra như: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hoá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hoá; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá có đủ năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; nhất là tăng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá, thể thao phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng và phát triển văn hoá, con người, nhất là kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục đào tạo, cải cách hành chính; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm, gắn việc thực hiện nghị quyết này với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Duy Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy