Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:28 (GMT +7)

Những giấc mơ tình yêu

(Đọc tập thơ “Cúc đơm thưa” của Thế Chính - NXB Văn học, 2015)

VNTN - Thế Chính là một trong số rất ít các nhà thơ suốt đời say mê, cặm cụi với thơ. Đến nay anh đã có gần chục tập thơ ra mắt công chúng cùng nhiều giải thưởng. Thơ Thế Chính thường đậm mầu triết lí. Thơ triết lí của Thế Chính còn nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều nhau. Đó cũng là chuyện thường tình đối với mỗi nhà thơ. Lần này Thế Chính cho xuất bản tập “Cúc đơm thưa”. Thể loại được ghi rõ trên bìa 1 là “thơ tình”.

Đọc lướt cả tập, nhận ra đó là sự tập hợp những bài thơ tình được anh viết rải rác từ hơn một nửa thế kỉ - nghĩa là suốt cả cuộc đời cầm bút của mình.

Đã có một dạo, do tình trạng quá mô phạm, khô cứng của thơ trên cả nước nên các nhà thơ thường in đậm hai từ “thơ tình” ở ngoài bìa với mục đích câu khách. Nhưng ở tập thơ này, Thế Chính không hề đi theo vết xe đổ ấy. Hầu hết gần một trăm bài thơ tình trong tập, người đọc có một cảm nhận là anh không viết cho người khác, không viết để phô diễn mà viết cho chính mình.

Ai đó đã nói, thơ tình chính là thơ thất tình. Điều này quả là đã ứng nghiệm vào Thế Chính. Người đọc, dù có cố gắng bao nhiêu, mong để thi vị hóa tình yêu, để tìm ra một áng thơ tròn đầy, viên mãn về tình cảm lứa đôi trong gần một trăm bài thơ trong tập ắt hẳn sẽ hoàn toàn thất vọng. Những mối tình bất thành, dang dở, những đổ vỡ, mất nhau trong đời, những trái ngang, trắc trở trong tình yêu… đó mới là mầu sắc đậm đặc nhất trong thơ tình Thế Chính. Ngay từ bài thơ đầu tập - Lửa mồ côi - đã như một mạch nguồn chung cho tinh thần thơ tình của anh. Chỉ là một thoáng “Em đi qua đời anh/ đánh rơi tàn lửa đỏ”, và rồi cái “tàn lửa đỏ” ấy đã vĩnh viễn trở thành một “đốm lửa mồ côi” cháy mãi trong tâm tưởng người li biệt:

Nhưng rồi em đã quên

Chẳng bao giờ trở lại

Để đốm lửa mồ côi

Trong lòng anh cháy mãi.

                         (Lửa mồ côi)

Thơ tình Thế Chính thường gắn với những thi ảnh về những cơn mưa tình yêu (Bao giờ gặp lại người ơi/ Để ta lại được mưa rơi trái mùa - Mong trời đừng tạnh), những cơn bão (Đêm qua cơn bão tan rồi/ Em đi để lại mình tôi mưa nguồn - Bão tan), những giọt sương mộng mị, lụy sầu (Nghe sương buồn rơi lạnh ướt đời nhau - Nơi hẹn cũ), những vầng trăng khuất (Nàng ra đi như một vầng trăng lặn - Vầng trăng lặn) hoặc những thi ảnh vừa cụ thể vừa trừu tượng: một chiếc áo có hàng cúc đơm thưa, duy nhất chỉ một lần nhìn thấy để rồi thương nhớ suốt đời (Ở chốn quê nhà thương người ra trận/ Em chẳng còn mặc áo cúc đơm thưa - Cúc đơm thưa), một chiếc lá cậm cang thuở chăn trâu chứa đầy hoài niệm (Ngày trở về/ anh đến gốc cậm cang/ Nhấm chiếc lá/ Không thể nào nuốt nổi - Lá cậm cang), một viên sỏi sinh ra từ nỗi đau (Trên con đường gai góc đến tìm nhau/ Ta đã vỡ một nửa đời hóa sỏi - Nẻo đường gai), những con sóng trốn chạy phía chân trời ảo vọng (Sóng nào lỗi nhịp cách ngăn/ Để ta nối sợi phong trần tìm nhau - Sóng). Những thi ảnh ấy (có thể cũ, có thể mới) nhưng đều mang vẻ thấp thoáng, mong manh, dễ vỡ, dễ tan như pha lê. Dường như khi viết về tình yêu, thi sĩ không sao tránh khỏi những thi ảnh mang tính định mệnh như vậy.

Tuy nhiên, hình ảnh đặc sắc nhất trong “Cúc đơm thưa” chính là những giấc mơ. Không dưới 30 lần hình ảnh giấc mơ được láy đi láy lại trong các bài thơ viết về tình yêu. Đó là những giấc mơ thật (chiêm bao) và cả những giấc mơ tỉnh (thuật ngữ của Sigmund Freud - nhà phân tâm học thế kỉ 20). Khi thì giấc mơ hiện hữu như một ước ao: “Tình ở trong chiêm bao/ Là mối tình trẻ mãi”. Khi thì hiện lên như một hoang tưởng: “Điểm hẹn trong mơ/ Chờ ta từ kiếp trước”. Khi thì như một bám víu của thân phận: “May mà còn có giấc mơ/ Nếu không biết đến bao giờ người ơi”. Khi thì trở nên bất khả tín vào cõi thực: “Yêu trong mộng là tình thật nhất”. Đôi khi, giấc mơ được Thế Chính nâng thành triết lí: “Rơi vỡ chiếc bình mộng ảo/ Mảnh bình lưỡi sắc như gươm”, “Chảy trong giấc mơ của loài kiến/ Cơn khát triệu năm rát mặt địa cầu”…

Những giấc mơ với nhiều hình hài, vóc dáng, khi là vật chất, lúc là tâm linh, tâm tưởng cứ thế hiện hữu suốt tập thơ, làm nên một lớp sóng ngôn từ, một lớp sóng hình ảnh lan tỏa, tạo ra những lớp “sóng mơ” trong cõi thực; trở thành một liên khúc, đa hình, đa âm... Các nhà thi pháp học hiện đại phương Tây cho rằng một trong những đặc trưng của thơ là trùng điệp. Trùng điệp âm, trùng điệp hình ảnh, trùng điệp nhịp, trùng điệp ý… Sự trùng điệp làm nên “một kiến trúc đầy âm vang” cho thơ (thuật ngữ của Jakobson, nhà thi pháp học Nga thế kỉ 20). Đúng vậy! Sự trùng điệp trong “Cúc đơm thưa” đã tạo ra những ám ảnh - ám ảnh về những giấc mơ tình yêu. Mà tình yêu của kiếp người hình như cũng chỉ mong manh như những giấc mơ vậy.

Khảo sát thơ Thế Chính, nếu người đọc tinh ý và có trách nhiệm thường nhận thấy thơ anh hình thành làm hai kênh: một là thơ triết lí, hai là thơ mang yếu tố tình cảm, trữ tình. Công bằng, khách quan mà nói, khi viết về tình yêu anh thường ít triết lí hơn, và hình như vì vậy ở kênh thơ này hình như anh có nhiều độc giả hơn? Có lẽ bởi vì khi viết thơ tình yêu, tâm hồn anh được giải tỏa, giải phóng, không bị quá ràng buộc bởi lí trí, những suy tư, triết luận này nọ, mà điều này có vẻ tối kị trong sáng tác thơ. Khi viết về tình yêu là lúc tiềm thức, vô thức luôn lấp ló đâu đó dưới ngòi bút của tác giả, những ẩn ức dồn nén có cơ hội thăng hoa. Chính vì vậy, tuy không nhiều, nhưng lác đác trong một số ít bài thơ trong “Cúc đơm thưa” thường thấp thoáng những hình ảnh gần gũi với hình ảnh thơ siêu thực. Tuy những hình ảnh thơ ở đây không hoàn toàn bất ngờ, sai biệt, phi lí (là những yếu tố làm nên hình ảnh thơ siêu thực) nhưng ít nhiều độc giả đã nhận thấy sự sáp lại một cách khá hài hòa của hai thực tại vốn cách xa nhau. Nhờ đó mà thơ tình của Thế Chính có chiều sâu và mang bóng dáng hiện đại:

- Chiếc lạt mỏng hồn em nơi đáy mắt/ Câu thơ tình buộc chặt đời tôi

               (Chiều nắng ngược)

- Em có biết chiều nay cơn gió ngột/  Trái tim tôi vệt nứt nhớ người

                                (Ảo vọng)

- Vầng trăng khuyết cháy trên bình rượu mở/ Thương một thời cỏ mượt ấm chân đê

                            (Vòng xoáy)

“Cúc đơm thưa” là tiếng vọng của tình yêu, nói rành rẽ hơn, là tiếng vọng về nỗi đau của tình yêu. Hạnh phúc luôn đồng hành cùng cay đắng. Bởi vậy, bản chất của tình yêu là nước mắt chứ không phải là niềm vui và nụ cười. Nhưng nỗi đau của tình yêu là nỗi đau thanh sáng, mang vẻ đẹp thẩm mĩ, vẻ đẹp làm cho tâm hồn con người trở nên trong trẻo, ấm áp và vị tha. Ở một bài thơ trong tập, Thế Chính cũng đã nói về nỗi đau ấy như một tuyên ngôn cho riêng mình:

Nỗi đau kiếp người

Tôn giáo của thơ tôi.

                           (Hoa trắng)

Không hề quá lời khi đưa ra một nhận định: trong hàng ngàn tập thơ đã và đang ra đời trong một môi trường thơ không mấy sáng sủa như ngày hôm nay, “Cúc đơm thưa” là một tập thơ rất đáng đọc.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy