Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
03:23 (GMT +7)
Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020)

Những cố gắng trong công tác xét tặng (truy tặng) danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

VNTN - Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là danh hiệu cao quý được Nhà nước Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, thể hiện lòng tri ân của xã hội với những đóng góp, hy sinh to lớn của các Mẹ. Danh hiệu này được quy định lần đầu tiên tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994. Từ đó đến nay, công tác tham mưu cho cấp ủy, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng (hoặc truy tặng) danh hiệu Bà mẹ VNAH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác người có công và đã được tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt.

Đã giải quyết cơ bản hết đối tượng

Số lượng Bà mẹ VNAH được công nhận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tăng lên gấp nhiều lần kể từ sau khi có Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, ngày 22/5/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”” (Nghị định 56), đặc biệt là sau khi liên Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 (Thông tư 03) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 56. Trước khi có Nghị định 56 (từ 1994 đến 2013), toàn tỉnh có 135 Bà mẹ VNAH, nhưng đến nay, toàn tỉnh có 580 Mẹ (là những người do UBND tỉnh Thái Nguyên trình hồ sơ đề nghị). Ngoài ra, có 1 Mẹ di chuyển hồ sơ từ tỉnh khác về do người thờ cúng chuyển về tỉnh Thái Nguyên sinh sống.

Ngay sau khi có Nghị định 56, tỉnh đã triển khai phổ biến tới cơ sở để đông đảo người dân được biết về những tiêu chuẩn mới, mở rộng đối tượng hơn so với trước đây. Việc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ được thực hiện theo Thông tư 03. Kết quả, trong năm đầu thực hiện Nghị định 56 (năm 2014), tỉnh Thái Nguyên đã có thêm 282 Bà mẹ VNAH. Năm 2015 có thêm 115 Mẹ; năm 2016 có 20 Mẹ. Những năm sau đó, vẫn tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đối với những trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa có người đề nghị trước đó, song số lượng giảm dần. Năm 2017 có 22 Mẹ; 2018: 4 Mẹ; 2019: 1 Mẹ và 2020: 1 Mẹ. Hiện còn 1 hồ sơ (2020) đang tiếp tục hoàn chỉnh.

Đồng chí Trần Quốc Tỏ (bên phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tặng quà và chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lụt, ở thôn Quan Lang, xã Phú Đình (năm 2019). Ảnh : baothainguyen.vn

Theo quy trình lập hồ sơ: Gia đình lập hồ sơ theo quy định, nộp về UBND cấp xã nơi bà mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú (với bà mẹ còn sống) hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người được ủy quyền kê khai. Các xã họp xét hồ sơ, trình cấp huyện. Cấp huyện xét hồ sơ, gửi Sở LĐ,TB&XH. Sở đối chiếu hồ sơ liệt sĩ đang quản lý, trình UBND tỉnh những hồ sơ đủ điều kiện qua Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Sở Nội vụ. Ban TĐKT thẩm định hồ sơ một lần nữa, sau đó tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước ra quyết định tặng/ truy tặng danh hiệu. Như vậy, hồ sơ được xét kỹ ở nhiều cấp, hạn chế đến mức tối đa các sai sót.

Bà Lưu Thị Bích Đào, Trưởng Ban TĐKT (Sở Nội vụ) cho biết: Từ sau khi thực hiện Nghị định 56 đến nay đã cơ bản giải quyết hết số đối tượng xét công nhận, song vẫn còn những hồ sơ mới. Thời gian đầu (từ 2014 - 2017), hồ sơ tồn đọng là do một số nguyên nhân: Liệt sĩ đến nay mới được cấp Bằng Tổ quốc ghi công; Gia đình đến nay mới bổ sung tình hình thân nhân (về bà mẹ); Gia đình chưa thống nhất được người đứng ra kê khai hồ sơ và nhận các chế độ liên quan trước đó; Thông tin tuyên truyền chưa đến được với gia đình…

Khó khăn được tháo gỡ

Đối tượng xét tặng/ truy tặng Bà mẹ VNAH theo Nghị định 56 được mở rộng hơn so với trước đây (Nghị định số 176/NĐ-CP, ngày 20/10/1994). Chẳng hạn: “Có 2 con trở lên là liệt sĩ” (trước đây phải có 3 con trở lên là liệt sĩ); “Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên” (trước đây: có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ);… Đồng thời, Thông tư 03 còn quy định cụ thể với những trường hợp: Liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi; Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác; Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá… Những quy định cụ thể, sát thực tiễn đã góp phần tích cực tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Anh Cao Huy Hiệp, chuyên viên phòng Khoa giáo - Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là một trong những người trực tiếp đi khai thác tư liệu phục vụ việc biên soạn cuốn sách “Bà mẹ VNAH tỉnh Thái Nguyên” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì biên soạn và xuất bản năm 2019) cho biết: Tôi phụ trách khai thác tư liệu tại địa bàn TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công. Tại TP. Thái Nguyên, trong số 117 Mẹ VNAH của Thành phố, có rất nhiều trường hợp “đặc biệt” mà tôi vẫn nhớ như in. Chẳng hạn, Mẹ Triệu Thị Phu (1917 - 1952) và Mẹ Lương Thị Dặm (1918 - 1992) đều ở xã Phúc Xuân cùng chung 2 liệt sĩ: La Văn Thịnh (SN 1949) và La Văn Hùng (SN 1950); trong đó, Mẹ Triệu Thị Phu là mẹ đẻ của 2 liệt sĩ, còn Mẹ Lương Thị Dặm là người có công nuôi dưỡng. Hay trường hợp cả mẹ chồng và con dâu đều là Mẹ VNAH như đối với 2 Bà mẹ VNAH ở phường Phan Đình Phùng: Mẹ Nguyễn Thị Đoái có 2 con: Nguyễn Duy Bộ và Nguyễn Duy Lại là liệt sĩ và Mẹ Nguyễn Thị Cộng có chồng là Nguyễn Duy Bộ và con là Nguyễn Văn Huyền là liệt sĩ. Hoặc trường hợp Mẹ An Thị Khâm (phường Hoàng Văn Thụ), có con độc nhất (con chồng) là liệt sĩ Nguyễn Khá…

Ở xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên có Mẹ Tạ Thị Trần, SN 1936, nay vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Mẹ kể lại: Năm 1951, mẹ kết hôn với người chồng trước là Tạ Văn Liên (khi đó, con gái thường “gả” chồng từ rất sớm!). Năm 1952, ông nhập ngũ, đến năm 1954 thì hy sinh mà chưa kịp để lại “mụn con” nào. Mẹ sống ở nhà chồng đến năm 1958 mới tái giá, lấy ông Nguyễn Văn Phương, sinh được 9 người con, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Xuân Hướng. Sau khi có Nghị định 56, gia đình và địa phương đã hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp trên xem xét. Năm 2016, Mẹ được Chủ tịch nước ký quyết định tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Đại Từ cho biết: Là nơi ra đời Ngày Thương binh liệt sĩ của cả nước, địa phương luôn quan tâm đến công tác người có công, trong đó có việc lập hồ sơ, đề nghị xét tặng/ truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho các đối tượng. Toàn huyện có 102 bà mẹ VNAH, trong đó, được tặng là 9 Mẹ và truy tặng là 93 Mẹ. Đến năm 2017, huyện đã trình và được công nhận toàn bộ các đối tượng, đến nay không còn hồ sơ nào tồn đọng.

Trong thực tế, việc triển khai thực hiện không hoàn toàn thuận lợi. Song nhờ tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương, nên có thể nói, việc lập hồ sơ đã được giải quyết nhanh chóng, không gặp phải những khó khăn lớn, kịp thời ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của các Mẹ cho quê hương, đất nước.

Thêm nguồn động lực

Hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 1 hồ sơ đề nghị xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho bà Phạm Thị Lưu, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình. Ông Dương Văn Nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trường hợp này mới trình năm 2020 vì trước đây gia đình chưa thống nhất được người đứng tên hồ sơ là mẹ đẻ hay mẹ nuôi. Đảng ủy xã đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc chính quyền địa phương phối hợp với gia đình và hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB & XH tỉnh cho biết: thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công, trong đó có việc chi trả chế độ, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm kịp thời động viên tinh thần, nâng cao đời sống vật chất cho các Mẹ và gia đình người thờ cúng.

Những ngày Tháng Bảy, nhìn lại công tác xét tặng/ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của tỉnh, chúng ta phấn khởi với những kết quả tốt đẹp đã đạt được, đồng thời có thêm động lực để làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới, mãi tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy