Những câu thơ lục bát khó quên
Vốn là người yêu thơ từ ngày còn nhỏ nên tôi thường thích sưu tầm những câu thơ hay theo quan niệm của riêng mình. Trong đó tôi đặc biệt chú ý đến những câu thơ lục bát.
Ai cũng hiểu, lục bát là một thể thơ truyền thống đã trở thành cổ điển. Có một vài thể thơ truyền thống khác ở Việt Nam đang bị mai một dần. Ví như thể song thất lục bát đến giờ hầu như không còn xuất hiện trên báo chí nữa. Ở ta, có một vài thể thơ tuy có nguồn gốc ở Trung Quốc như cổ phong, luật Đường… mà rất nhiều thế kỷ nay đã được các nhà thơ Việt Nam sử dụng hiệu quả. Đã có những tên tuổi được vinh danh nhờ thơ Đường. Thậm chí, cho đến ngày hôm nay, thơ Đường vẫn tồn tại, có nhiều câu lạc bộ thơ Đường được thành lập và sinh hoạt đều đặn. Nhưng thơ Đường có mặt trên sách báo cũng không đáng kể. Lục bát thì hoàn toàn khác. Trong thơ dân gian, lục bát được dùng như một thể chính. Trong văn học trung đại, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa lục bát lên tầm nhân loại. Rồi văn chương đương đại, những cây bút lục bát nổi danh như Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, gần đây nhất là Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn… Mỗi người một vẻ, một cấp độ, đã sáng tạo, đã “đánh phấn lại” (chữ của GS Đỗ Đức Hiểu) để thể lục bát mỗi ngày một phát triển. Có thể nói, thơ lục bát trong suốt bao thế kỉ, rồi từng thập kỉ, vẫn giữ được phong thái truyền thống. Mặt khác, trong tiến trình cách tân không mệt mỏi của các nhà thơ, đến nay, đã ít nhiều tạo ra cho thơ lục bát Việt Nam một gương mặt mới. Có một thực tế không thể chối cãi là trên các báo chí ngày hôm nay, thể thơ lục bát vẫn giữ một số lượng lớn. Nếu tôi không lầm thì độc giả thường vẫn tìm tới lục bát hơn các thể thơ khác.
Là người khá chăm chỉ đọc thơ lục bát, trong đó có thơ lục bát Thái Nguyên, tôi không hề đắn đo đưa ra một nhận định, rằng thơ lục bát tỉnh ta vào khoảng ba mươi năm trở về đây, không hề thua kém bất cứ tỉnh nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trong “kho tư liệu” của tôi đã có tới hàng trăm câu lục bát hay, trong đó có tới vài chục câu thơ, bài thơ lục bát đáng nhớ của người Thái Nguyên. Với văn chương thì âu như vậy cũng đã nhiều.
Tiết mục đọc thơ độc đáo của các nhà thơ Thái Nguyên tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu. Ảnh: Đào Tuấn
Ở bài viết này, tôi xin được “mở kho” để đàm đạo cùng đồng nghiệp. Việc thưởng thức văn chương không ai giống ai, thậm chí trái chiều, cho nên nếu có sự chưa đồng cảm, xin các bạn đại xá.
Trước hết, tôi xin nói vài điều, vì sao tôi lại yêu thơ lục bát. Đơn giản vì tôi nhận thấy những câu lục bát hay thường chiếm lĩnh tâm hồn con người bởi trước hết là sự dễ hiểu, dễ nhớ, sau là ở cái tình lục bát rất nồng nàn sâu đậm; những thi ảnh, từ ngữ trong thơ lục bát cũng thường làm lòng người xốn xang. Và đặc biệt, nó luôn là tiếng nói rất gần gũi, bình dân, phù hợp với văn hóa Việt.
Nói về cái hay của thể lục bát có rất nhiều hướng tiếp cận. Những nhà thơ lớn có những câu lục bát lưu nhớ trăm năm trong thiên hạ đã đành. Bên cạnh đó, tôi còn nhận thấy một điều: đã từng có không ít một số các nhà thơ thuộc loại tầm tầm, thậm chí có người mới tập làm thơ nhưng thảng hoặc cũng viết được những câu lục bát làm ta sửng sốt. Xuất phát từ ý nghĩ ấy, trong bài viết ngắn này, tôi chỉ bàn đến các nhà thơ trong tỉnh Thái Nguyên.
Khoảng bảy, tám năm về trước, khi ấy chị Hồng Phượng chưa là hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) của tỉnh, có đưa cho tôi đọc một bài thơ mới sáng tác nói về người bà vừa khuất núi của mình, trong đó có hai câu lục bát làm tôi giật mình:
Lá trầu rụng xuống heo may
Chút hương gửi lại ngàn ngày còn thơm.
Câu thơ rất bình dị. Đúng vậy. Nhưng ở đó, có sự hiện diện của các biện pháp tu từ. Câu thơ “lá trầu rụng xuống heo may” phảng phất hình ảnh của thơ siêu thực.
Một người ít tiếp xúc với các lí thuyết văn học như chị Phượng chắc chắn chưa biết đến những điều đó. Nhưng vì sao chị lại có thể viết được một câu thơ sâu sắc đến bất ngờ như vậy? Tất nhiên là ở cái tình, cái tài của tác giả. Nhưng với riêng tôi có thêm một ý nghĩ hơi kì quặc (không dám nói là chính xác) rằng, chính cái tình, cái hồn, cái vần điệu, cái âm vang của thể lục bát đã dẫn lối cho tác giả viết được một câu thơ khó quên như thế.
Câu thơ này của chị Phượng cũng vậy:
Chiều ba mươi tết chợ tan
Em ngồi gói cái nghèo nàn cho vuông
Đây là câu thơ mô tả cảnh nhà nghèo đón tết. Mô tả việc gói bánh chưng trong ngày tết mà viết “Em ngồi gói cái nghèo nàn cho vuông” thì đúng là bất ngờ đến… hết chê!
Tiếp theo, tôi muốn nói đến câu thơ của một “nhà thơ” phố huyện. Đó là anh Nguyễn Hồng Quang. Phải nói ngay, đây là một câu thơ hết sức bình dân, bình dân đến mức có thể bị cho là hơi đơn sơ, nhưng không hiểu sao nó lại theo tôi hàng chục năm trời:
Lau phản thấy bóng cha ngồi
Chạm vào võng thấy mẹ cười như hoa.
Thì ra, đơn sơ nhưng chân thực, cái chân thực mà nếu không phải là người của đồng quê, không gắn bó hằng ngày với hình cha, bóng mẹ, không nặng nghĩa sinh thành thì không thể viết nổi câu thơ đơn sơ mà làm nao lòng người đến vậy.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Việt Bắc, người đã trình làng hai tập thơ dày dặn nhưng những bài thơ tôi thích hơn cả vẫn là ở thể lục bát.
Có một đoạn lục bát lồng trong cái tình lục bát của anh làm tôi nhớ mãi:
Đi trong lục bát ta về
Lời cha còn đọng đất quê dãi dầu
Kìa em lục bát trên đầu
Vùi trong mây trắng vọng câu ví buồn.
Đúng thế. Thơ hay thì phải buồn. Thơ lục bát lại càng phải buồn. Bằng mấy câu lục bát lồng trong lục bát, anh Bắc đã nói trúng điều ấy.
Ở tỉnh ta, nhà thơ có sự thành công ở thể lục bát là Phan Thái. Anh đã xuất bản hẳn một tập thơ với 100 bài lục bát. Tập thơ có nhiều bài hay, câu hay nhưng tôi chỉ xin trích một số câu.
Cũng giống như nhiều nhà thơ khác, cứ động đến tình mẹ là lục bát Phan Thái lại như được cất cánh. Những câu thơ về mẹ của anh như thế này:
Có ai lớn nổi được đâu
Nếu như quên vạt áo nâu mẹ mình.
Hay là:
Bâng khuâng lối cũ ngày xưa
Trăng non nghiêng dọc lối bừa mẹ tôi.
Phan Thái cũng có những câu lục bát hay nói về làng quê:
Bước chân ngập lối rơm vàng
Bâng khuâng gặp lại cổng làng phong rêu.
Hoặc:
Mấy năm rồi cách xa nhau
Xanh ngơ ngác những hàng cau bên vườn.
Không cầu kì, phá cách; cứ đắm đuối cùng nắng, gió, sương, trăng; cùng những lối rơm vàng, cổng làng phong rêu, hàng cau xanh ngơ ngác của đồng quê như thế, thơ Phan Thái luôn đi vào lòng người một cách tự nhiên và đôn hậu.
Mấy năm vừa rồi, thực tình tôi phải cảm ơn ban tuyển chọn 50 câu lục bát Thái Nguyên trong các Lễ hội thơ Nguyên tiêu. Họ rất tinh tế và công phu nên đã chọn ra được những câu thơ tiêu biểu nhất trong vòng năm, mười năm vừa qua, để kịp thời tôn vinh giá trị thơ lục bát Thái Nguyên. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội làm giàu thêm kho tư liệu thơ của mình.
Tôi xin được bình bàn với các bạn đôi chút về những câu thơ mà tôi nghĩ rất khó quên của những đồng nghiệp.
Nếu như các nhà thơ tên tuổi ở tỉnh ta như Võ Sa Hà, Thế Chính, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh, Hiền Mặc Chất, Hồ Triệu Sơn, Nguyễn Hữu Bài, Ngọc Tuấn, Phạm Văn Vũ… vẫn tiếp tục để lại những câu lục bát đẹp thì đọc kĩ 50 câu thơ chọn trong lễ hội, tôi thấy những tác giả mới hoặc không quá quen tên cũng không hề chịu lép vế.
Dĩ nhiên, chỉ từ một cặp lục bát đơn lẻ, độc giả thường khó hiểu trọn vẹn cả bài thơ. Nhưng tôi nghĩ, những câu thơ được gọi là hay thì thường có sự dẫn dụ để người đọc cảm nhận được cái tình, cái tứ của toàn bài. Ví như câu thơ sau của Hiền Mặc Chất:
Yếm đào mắc cỏ sườn đê
Cuốc kêu đổ bóng trăng thề lá sen.
Hiền Mặc Chất thường thích dùng những từ, những thi ảnh cũ, cái cũ cổ điển để diễn một câu chuyện mới như vậy. Nhưng cũng chính từ những yếm đào, cuốc kêu, trăng thề ấy đã làm độc giả hình dung, tưởng tượng ra một mối tình đẹp một cách phóng túng. Thơ là vậy, không diễn giải nhiều mà chỉ qua những từ ngữ, những thi ảnh, dù chỉ thấp thoáng mà gợi cho lòng người những cảm xúc thẩm mỹ.
Cũng theo chiều hướng ấy, nhiều câu hay được chọn cũng toát lên điều này. Bạn hãy thử đọc và suy nghĩ những câu thơ như: “Người ta đem lửa thử vàng/ Lấy gì tôi thử nhỡ nhàng đời tôi” (Dương Thu Hằng); “Con về với những giấc mơ/ Mẹ thì đã mất, bơ vơ thì còn” (Hồ Triệu Sơn); “Em như dòng thủy triều êm/ Chỉ về một sớm chỉ lên một chiều” (Nguyễn Hữu Bài); “Tôi thành hạt bụi đánh rơi/ Làm cay lên mắt cái người không tên” (Ngọc Tuấn); “Gửi nhau một chút hương hồi/ Mà đi suốt cả cuộc đời vẫn thơm” (Đàm Thế Du); “Có đâu như chốn này không/ Vọng phu sống mãi trong lòng vọng phu” (Trần Đình Vinh); “Lỗi là văn vắt mắt xanh/ Đáy sâu hơn đáy hút anh chết chìm” (Phạm Văn Vũ); “Người đem ánh mắt hay cười/ Che tôi đỡ giá lạnh. Rồi lại đi” (Nguyễn Thúy Quỳnh)…
Như vừa nói ở trên, những câu thơ hay, dù chỉ là một cặp lục bát, nhưng nó chính là cái cái hồn cốt, cái thần nhãn của toàn bài. Chính bởi thế nó mới khó quên.
Nhưng đôi khi cũng có những câu thơ hay là vì bản thân nó đã làm nên cái đẹp, không cần sự nương tựa. Câu lục bát “Dải đồi thoải xuống thung xanh/ Trời lên men ngọc để thành trung du” của Võ Sa Hà là một ví dụ. Một câu thơ bên ngoài như tả phong cảnh nhưng bên trong là sự phát hiện tinh tế và bất ngờ.
Gần đây, khi Câu lạc bộ Thơ Lục bát Thái Nguyên ra đời và nhất là thông qua cuộc tuyển chọn, xuất bản cuốn sách “Thơ muôn nhà” từ chủ trương của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, qua đó cũng có thể khá dễ dàng tìm thấy những câu lục bát ít nhiều gây ấn tượng. Ví như mấy câu thơ ngắn của Ngô Thúy Hà mà đã đưa đến cho ta những tâm trạng thổn thức, bơ vơ cùng tác giả: “Tiếng con chim gáy bồn chồn/ Ngóng ngơ bạn cũ như mòn tháng năm”. Hay chỉ từ một chiếc nón quai thao ước hẹn ngày nào mà Hà Kim Chi đã gợi nhắc về những kí ức tình yêu son sắt: “Xưa kia đội nón quai thao/ Chòng chành ai đã níu vào sợi tơ”. Trong một lần uống cà phê một mình mà Võ Hằng đã vô tình/ hữu ý nhớ về một hình bóng cũ: “Cà phê dẫu chỉ một mình/ Sao trong đáy cốc có hình người dưng”. Viết về miền núi thường rất khó sử dụng thể lục bát, nhưng Lã Thị Thông, Cồ Thị Thơm cũng có những câu thơ thật hồn nhiên: “Anh về với bản em không/ Ta về với núi lưng cong chạm trời” (Lã Thị Thông); “Níu chân khèn vọng chiều quê/ Chợt hồ Ba Bể xanh mê mẩn trời” (Cồ Thị Thơm).
Theo thiển nghĩ của tôi thì thơ lục bát thường ít được tạo ra từ ánh chớp tư tưởng. Những câu thơ lục bát hay nhất luôn được xuất thần từ ánh sáng của tình cảm. Rồi từ cái gốc tình cảm ấy biến hóa thành mĩ cảm - tiêu chí số một của thi ca. Những câu thơ tôi dẫn ở trên dường như đều có những xuất xứ như vậy.
Có lẽ, chính vì bản chất thơ lục bát là vậy nên những nhà thơ bình thường nhất hoặc chỉ là những người yêu thơ cũng đôi khi có thể sáng tác ra những câu thơ ít nhiều có giá trị.
Với tư cách của một người yêu thơ lục bát, xin có vài ý kiến tản mạn như vậy. Có gì sai sót xin được các nhà thơ thể tất.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...