Những câu chuyện chưa kể về người Việt đầu tiên làm việc tại Liên hợp quốc
VNTN - Dùng Googlesearch chỉ tìm được vài dòng ngắn ngủi thông tin về ông, người Việt đầu tiên làm việc tại Liên hợp quốc: "Nguyễn Hữu Động, chuyên viên chính trị cao cấp, thuộc Cục Chính trị Liên hợp quốc, nghỉ hưu từ năm 2014. Năm 1989, ông tham gia phái bộ bầu cử của Liên hợp quốc. Từ 1998-2011, ông là điều phối viên của Dự án bầu cử của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Mexico. Hiện tại, ông là cố vấn của Tòa án bầu cử quyền tư pháp liên bang Mexico"; là giáo sư thỉnh giảng của các trường đại học của Việt Nam, Mexico, Algeria, Thái Lan, Đại học tổng hợp Paris 10 (Pháp) và Đại học tổng hợp Sussex (Vương quốc Anh). Tuy nhiên, vài dòng thông tin này cũng đủ để nói lên tất cả về tình yêu quê hương đất nước, sự phấn đấu không mệt mỏi của ông vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyễn Hữu Động sinh tại Hà Nội, từ thuở nhỏ đến khi lên 9, lên 10 ông sống trong vòng tay cha mẹ cũng như bao đứa trẻ bình thường khác. Sau đó gia đình ông chuyển vào Đà Lạt sinh sống vì cha ông làm việc ở đó. Từ năm 1952-1960, tại Đà Lạt, ông được gia đình gửi vào học trường Pháp, nơi giáo viên chủ yếu là người Pháp và học sinh là con em giới chức người Pháp làm việc tại Đà Lạt hoặc các gia đình người Việt có điều kiện. Sau đó, ông thi đỗ tú tài Pháp và tốt nghiệp bằng cử nhân tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ), đỗ bằng Thạc sĩ tại Đại học tổng hợp Paris-Sorbonne và đỗ Tiến sĩ chuyên ngành kinh tế tại Đại học tổng hợp Paris-V/Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales.
Ông đến với cách mạng với nhiệt huyết của một thanh niên yêu nước. Ngay từ khi còn là sinh viên và nghiên cứu sinh và sau này đi làm ở Pháp, ông đã dành nhiều thời gian để theo dõi tình hình đất nước, nhất là tình hình chiến sự ở miền Nam. Ông tham gia làm việc ở Phòng thông tin của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, sau này trở thành Hội người Việt Nam ở Pháp; tham gia làm việc ở Phòng thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó trở thành Phòng thông tin của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp).
Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại bộ phận nghiên cứu kinh tế của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, sau đó được điều về Phòng kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Từ thời gian này, ông được giao nhiệm vụ phân tích các thông tin tình hình kinh tế và tham dự các hội nghị kinh tế quốc tế. Ông được Chính phủ giới thiệu là đại diện của Việt Nam ở Liên hợp quốc, làm việc tại Ủy ban kinh tế xã hội của châu Á - Thái Bình Dương thuộc Văn phòng Thư ký Liên hợp quốc ở Bangkok, Thái Lan. Sau đó, ông chuyển sang Mexico công tác tại Ủy ban kinh tế xã hội của Mỹ Latinh...
Trong cuộc đời nay đây mai đó cách đây hơn 20 năm về trước, ký ức khó phai nhất đối với ông là thời gian công tác tại Nicaragua và El Salvador với vai trò là quan sát viên Liên hợp quốc. Phái bộ Liên hợp quốc tại Nicaragua gồm những nhóm quan sát viên dân sự, mỗi nhóm hai người, có nhiệm vụ rất đơn giản, nhưng cũng rất "mơ hồ", đó là quan sát các cuộc bầu cử nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỉ, biến một đất nước tươi đẹp ở Trung Mỹ thành một xứ sở hoang tàn. Trước khi đến Nicaragua, ông đã từng hỏi một viên chức phụ trách nhân sự của Liên hợp quốc, người đã tiến cử ông tham gia phái bộ này rằng, ông sẽ sang Nicaragua để làm gì và nhận được từ người đó một câu hỏi "Tôi biết gì ư?". Hành trang của ông đến Nicaragua chỉ có vậy. Ông và các đồng nghiệp trong nhóm quan sát Liên hợp quốc được bố trí làm việc tại một văn phòng tạm thời. Thời gian của tuần đầu tiên trôi đi một cách chậm chạp, nặng nề. Ông và tất cả đồng nghiệp đều hỏi nhau một câu hỏi là nhiệm vụ của họ ở Nicaragua là gì? Rồi quãng thời gian nặng nề nhất cũng qua đi, họ bắt đầu tham gia các buổi thuyết trình của Ủy ban bầu cử quốc gia về phương thức tổ chức bầu cử, gặp mặt các quan chức và người dân địa phương.
Điều đầu tiên ông học được đó là sự kiên nhẫn và khiêm nhường, vì nhiều nhân viên trong phái bộ chưa từng tham gia bầu cử. Từ những trải nghiệm thực tế đó, ông bắt đầu hiểu được những vấn đề sơ đẳng của công tác tổ chức bầu cử. Ông cũng học được kiến thức về bầu cử từ sách vở, cũng như từ các cuộc trao đổi với những quan chức địa phương, về những tác động có thể chỉ mang tính biểu tượng của sự có mặt của các đại diện tổ chức như Liên hợp quốc tại một quốc gia độc lập có chủ quyền. Chỉ một vài người địa phương, nhất là những người có trách nhiệm, biết được họ kỳ vọng ở ông và các đồng nghiệp của ông điều gì. Nhóm quan sát viên được chào đón tại các cuộc mít tinh, với thái độ ngờ vực và sự khác biệt.
Ông cũng bắt đầu hiểu được, sự hiện diện mới là vấn đề quan trọng; đó là sự hiện diện hữu hình, song cũng là sự hiện diện kín đáo. Đôi khi có những thành viên tham dự các cuộc mít tinh đã tiếp cận ông với sự e ngại, thậm chí là sợ sệt, nhưng đầy hy vọng. Trong thời gian làm việc ở phái bộ, ông và các đồng nghiệp đã trở thành những người tri kỷ của những người dân hiền lành, chất phác ở địa phương, những người lần đầu tiên trong đời nói chuyện với người nước ngoài. Tất cả mọi người trong phái bộ đều cố gắng giải thích cho người dân địa phương hiểu, họ không phải là kẻ thù và cũng không phải là những người đến đây để dạy dỗ họ. Các nhân viên của phái bộ luôn tôn trọng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, tôn trọng luật pháp và phong tục tập quán của địa phương.
Cho đến tận bây giờ, ông vẫn tâm niệm một điều rằng, những trải nghiệm ở Nicaragua có lẽ là những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Ông luôn cho rằng, nếu hoạt động của phái bộ Liên hợp quốc ở Nicaragua được đánh giá là thành công thì thành tích đó cũng không phải của ông và các đồng nghiệp. Hơn tất cả đó là sự đóng góp của người dân địa phương, của chính phủ và những người ủng hộ, trong đó có cả các thành phần đối lập. Có người cống hiến ít, có người cống hiến nhiều, nhưng đó là tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Đối với ông, sự cống hiến của mình và các đồng nghiệp trong phái bộ Liên hợp quốc có lẽ không có gì hơn là sự hiện diện, hay nói theo ngôn ngữ của Kinh Phúc âm chỉ là "sự chứng kiến" và cộng đồng quốc tế trước hết là một cộng đồng chia sẻ trách nhiệm và những giá trị với nhau.
Sau đó, khi tham gia phái bộ ở El Salvador, ông đã có được những kinh nghiệm thực tế khi công tác tại Nicaragua. Tuy nhiên, tình hình ở El Salvador lúc đó cực kì phức tạp. Phái bộ của Liên hợp quốc đến khi cuộc nội chiến ở đất nước này vẫn đang diễn ra. Lực lượng du kích cánh tả do Mặt trận giải phóng dân tộc Farabundo Marti (FMLN) lãnh đạo, gồm 5 tổ chức du kích cánh tả sáp nhập lại, trong đó nòng cốt là du kích Đảng Cộng sản El Salvador và Phong trào giải phóng nhân dân Farabundo Marti, chống lại quân đội chính phủ El Salvador. Nhiệm vụ của phái bộ là giám sát việc thực thi các thỏa thuận về nhân quyền và sau khi FMLN ký kết hiệp định hòa bình với chính phủ El Salvador (1992), nội chiến chấm dứt, phái bộ có nhiệm vụ giám sát việc thực thi hiệp định và bầu cử.
Năm 2011, Iqbal Riza, Trưởng phái bộ Liên hợp quốc ở Nicaragua và El Salvador đã được Quốc hội El Salvador tặng danh hiệu "Noble Friend of El Salvador" (Người bạn cao quý của El Salvador) và người ký tặng danh hiệu là Phó tổng thống El Salvador giai đoạn 1992-1994, chính là người trước đây đã kịch liệt phản đối hiệp định hòa bình.
Cũng trong thời gian làm việc tại phái bộ Liên hợp quốc có rất nhiều chuyện xảy ra, nhưng trong đó có hai câu chuyện làm ông nhớ mãi. Câu chuyện thứ nhất: Ông và các đồng nghiệp thường được mời đến ăn tối tại nhà riêng của Trưởng đoàn Iqbal Riza. Trong số các món ăn luôn luôn có món thịt giăm bông. Nếu có ai đó hỏi Riza theo tôn giáo nào và ông ăn kiêng món gì, ông liền nhoẻn miệng cười và nói: "Cho dù tôi theo tôn giáo nào thì khi là chủ nhà tôi không để khách của tôi thất vọng".
Câu chuyện thứ hai: Một ngày đang ở trong phòng làm việc của Riza, Nguyễn Hữu Động báo cáo tình hình căng thẳng diễn ra ở khu vực ông được phân công theo dõi, bỗng tiếng chuông điện thoại quốc tế reo lên. Ở đầu dây bên kia là Alvaro de Soto tại văn phòng New York trao đổi về những khó khăn trong đàm phán ký kết các hiệp định hòa bình. Đang trao đổi bỗng tiếng chuông điện thoại trong nước reo vang. Ở đầu dây bên kia là tiếng của bà đầu bếp: "Ngài Riza, con cá ông mua to quá khổ chiếc chảo rán. Chỉ còn hai tiếng nữa thôi là khách đến rồi. Tôi có thể cắt bớt khúc đầu hay khúc đuôi?". Riza liền trả lời với giọng điềm tĩnh: "Bà đừng lo, ông Động sẽ đến giúp bà". Sau đó ông quay sang nói với ông Động: "Nội dung này chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi sau. Ông biết rồi đấy, đối với các bà nội trợ, món cá còn quan trọng hơn hòa bình thế giới".
Thực tế những năm tháng làm việc tại Liên hợp quốc đã mang đến cho ông những trải nghiệm và bài học quý giá. Sự đơn giản, tính nhân văn và sự hiểu biết lợi ích của nhau luôn là những giá trị không gì sánh được. Đó cũng là những giá trị mà suốt cuộc đời ông kiên trì phấn đấu.
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...