Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
21:37 (GMT +7)

Những bài thơ “cảnh tỉnh” Tự Đức

VNTN - Tự Đức (1829 - 1883), là người trị vì đất nước ta từ năm 1847 đến 1883. Ông là vị vua đặc biệt yêu thích thơ văn.

Tự Đức “mê” Truyện Kiều. Có giai thoại rằng, sau khi đọc xong hết 3.254 câu thơ của Truyện Kiều, Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: “Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!”. Bởi khi viết về Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”. Đó là hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa trong liên tưởng của Tự Đức.

Còn một điều nữa là Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Thì. Nhưng trong truyện Kiều chỗ nào có chữ “Thì” thường là xấu xa bỉ ổi: “Khi thì lừa đảo, nơi thì ai thương?” (2291),“Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng”(1729), “Thôi đà mắc lận thì thôi/ Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh” (1157).

Tuy là người hay bắt bẻ nhưng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tự Đức cũng phải công nhận đúng là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”.

Tự Đức cũng là ông vua rất thích làm thơ. Bởi thế, các quần thần dưới trướng cũng thường phải làm thơ để nói lên lòng dạ mình với Tự Đức, khi muốn khuyên vua về những điều phải trái.

 
Chân dung Tự Đức    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)  

Bài thơ khuyên Tự Đức về tình anh em ruột thịt

Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trưởng của Thiệu Trị với bà Quý tần Đinh Thị Hạnh nhưng không được nối ngôi vua. Nguyễn Phúc Hồng Bảo không cam lòng đã tìm cách lật đổ Tự Đức. Khi vụ việc bại lộ, Phước Tuy công Hồng Bảo bị bắt và đã dùng vải trải giường để thắt cổ tự vẫn. Điều này được sách “Đại Nam thực lục” ghi lại: “Giáp Dần, Tự Đức năm thứ 7 (1854)... An Phong Công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi thắt cổ tự tử ở nơi giam”. Nguyễn Phúc Hồng Bảo lúc chết cũng bị đổi ra họ Đinh, là họ của mẹ.

Sau vụ án Hồng Bảo không lâu, Tự Đức dùng cơm vô ý cắn phải lưỡi, liền lấy đầu đề “răng cắn lưỡi” ra cho đình thần làm thơ. Tự Đức nói: “Trẫm cắn phải lưỡi đau quá! Các khanh hãy làm thơ vịnh về sự cố này nhưng cấm không được nhắc đến hai từ lưỡi và răng. Ai làm hay trẫm sẽ ban thưởng”.

Nguyễn Hàm Ninh, từng là thầy của vua Thiệu Trị, chủ sự Tôn nhân phủ dâng một bài tứ tuyệt:

“Sinh ngã chi sơ, nhỉ vị sinh

Nhỉ sinh chi hậu, ngã vi huynh

Nhất đường cọng hưởng trân cam vị

Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình.”

Dịch thơ:

“Ta ra đời trước, chú chưa sinh

Chú phận làm em, ta phận anh

Ngọt bùi sao chẳng cùng san sẻ

Mà nỡ đau thương cốt nhục tình?”

Tự Đức xem thơ, thưởng mỗi câu một lạng vàng vì lời thơ hay, nhưng lại phạt một câu một roi vì ý thơ sâu sắc. Cái khó là không được dùng từ lưỡi và răng thế mà Nguyễn Hàm Ninh vẫn tìm được cách nói rất phù hợp với sự cố răng cắn lưỡi, lại còn ngầm trách vì sao cùng Tự Đức và Hồng Bảo là anh em mà lại tàn hại lẫn nhau.

Sau sự việc này, Nguyễn Hàm Ninh cáo quan về quê và làm nghề dạy học cho đến cuối đời.

Bài thơ khuyên Tự Đức nên quý mạng của dân

Vua nhà Thanh (Trung Quốc) có biếu tặng Tự Đức một con hạc thuộc loại hiếm có. Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (Hạc của vua nuôi). Ngày nọ, con Thiên Tử Hạc bay ra khỏi Hoàng cung. Nó lạc vào vườn một thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Tự Đức thấy hạc quý đã chết nên nổi giận, truyền cho Bộ hình luận tội. Bộ hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản.

Việc xử án của Bộ hình được quan Ngự Sử Phạm Đan Quế biết được. Sau khi xem xét các tình tiết, ông xin yết kiến Tự Đức và trình một bản tấu. Bản tấu ấy như một bài thơ với lời lẽ như sau:

“Hạc bất năng ngôn

Khuyển vô thức tự

Hạc nhập dân viên

Khuyển trung vu chủ

Điểu, Thú đấu tranh

U minh hà dự

Khuyển phệ hạc tử

Tôi quy vu chủ

Hạc trắc khuyển tử

Tường hà luật xử?”

Dịch nghĩa:

“Hạc chẳng biết nói

Chó không biết chữ

Hạc vào vườn dân

Chó trung với chủ

Chim, thú đánh nhau

Tối sáng không rõ

Chó cắn chết hạc

Tội quy cho chủ

Hạc mổ chết chó

Luật xử thế nào?”

Nghe xong, Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Bởi đối với Tự Đức, những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề “Thiên Tử Hạc” chó cũng không biết. Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, nên không thể bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của Bộ hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt vua trị tội?

Tuy nhiên, càng nghĩ càng thấy vụ án không hề đơn giản. Bởi trong chế độ phong kiến, ý vua tức là ý trời, không ai dám trái lệnh. Nhưng do Phạm Đan Quế nói quá có tình có lý, lại làm bằng… thơ, đúng “sở thích” của mình nên Tự Đức đã nghe theo.

 
Tự Đức rất mê đọc Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.   Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) 

Bài thơ khuyên Tự Đức quan tâm đến đời sống của dân

Tự Đức từng bị bệnh đậu mùa, thân thể suy nhược, hầu như rất ít tiếp xúc với bên ngoài, nên không hiểu được đời sống dân tình cũng như thời thế. 36 năm trị vì của Tự Đức là thời kỳ đất nước trải qua nhiều biến động lớn. Trong nước, dân đói kém, mất mùa, các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Ở Bắc Kỳ có tới 40 cuộc nổi dậy của nông dân. Quân Chầy Vôi, phản đối việc xây lăng Tự Đức tốn kém gấp 10 lần lăng Gia Long đã nổi loạn ngay tại kinh thành. Ngoài ra, còn có cả giặc Khách từ Trung Quốc tràn qua cướp phá và nguy cơ mất nước về tay thực dân Pháp.

Co mình lại vì sự bạc nhược, tự biết mình không có tài kinh bang tế thế, Tự Đức thường đọc sách tới tận khuya và tự “ru ngủ” tài năng của mình với một khối lượng tác phẩm “đồ sộ”: 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Bên cạnh đó, Tự Đức còn cho mở Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để “bàn luận” về thơ phú với các nhà văn, nhà thơ.

Ngô Văn Phú trong “Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức” đã viết Tự Đức hỏi Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, một “bạn thơ” như sau:

- Nghề thơ khó lắm sao?

- Tâu không khó, nhưng ít người có đủ tư cách, cảnh ngộ để hành nghề, luyện nghề!

- Như ta liệu có đủ tư cách không?

- Xin bệ hạ tha tội nói thẳng, Ngài Ngự lo trị nước, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, không hư tình, xưa nay các đấng chí tôn làm thơ chỉ là tiêu khiển nhất thời... Còn như Đỗ Phủ và Lý Bạch đều bỏ quan mới thành thi hào, thi bá được! 

Tự Đức trầm lặng nói:

- Ta muốn làm thi nhân hơn là làm vua. Song biết làm sao. Thôi ông giúp ta vậy. Ông có bài thơ nào mới làm đọc cho ta nghe thử!

Tùng Thiện Vương nói:

- Thần xin đọc bài thơ về cái guồng nước:

Thủy xa hành

“Đỏ rực vầng ô, tiếng nước xối

Ngăn sông, xe guồng, tát nước vội

Một lời hát buồn, chín họa theo

Thay nhau đạp xe, lòng rười rượi

Năm nay rồng bướng chẳng phun mưa

Nhà nông than khổ mấy cho vừa

Thân đẫm mồ hôi, lệ nhòa mặt

Mong đem nước vào ruộng khô rốc

Mười ngày cực nhọc chửa nên công

Đất nẻ, bờ vỡ, nước mất không

Trưa trật cả nhà meo bụng rỗng

Đòi tô, hạch thuế vẫn om sòm.”

Nghe xong vua khen:

- Có cảnh này thật ư? Quả là năm nay hạn nặng thật. Ta đã ban chiếu để các nơi lúa hỏng được miễn giảm thuế. Nhưng quan lại sở tại là vấn nạn của dân chúng, biết làm thế nào? Thôi hãy bàn về chuyện thơ ca đã. Ta thỉnh thoảng cũng làm thơ, mà ông thì có đâu chịu ở trong hoàng thành. Từ nay, ta làm, khi được dăm bảy bài gom lại nhờ ông phủ chính cho.

Đọc đoạn cuối của đoạn trích “Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức” chúng ta vẫn thấy rốt cuộc Tự Đức vẫn si mê thơ, để tự ru ngủ mình và quên đi vận nước! Tuy nhiên, trong cuối thời gian trị vì của Tự Đức, khi nước ta dần rơi vào tay quân Pháp, ông đã viết trong Khiêm Cung ký (được khắc trên một tấm bia đá đặt tại Khiêm Lăng, lăng Tự Đức hiện nay) rằng: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...”.

Nguyễn Văn Toàn (biên soạn)

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy