Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:27 (GMT +7)

Như sợi tơ đàn mong manh

(Đọc tập tản văn Thì thầm mưa xuân của Thanh Xuân, Nxb Hồng Đức, 2020)

Tôi có cảm giác rất lạ khi cầm trên tay cuốn sách này. Cái tên sách gợi về một làn hơi ấm dịu dàng giữa tiết trời đang vào kỳ giá rét. Cái tên thật hiền, thật mềm, thật nhẹ.

Tôi chơi với Thanh Xuân đã hơn 20 năm rồi, tình cảm không chỉ khuôn trong tình đồng nghiệp, nên hiểu về Xuân hơn một số người. Xuân học đại học chuyên ngành về lịch sử nhưng lại yêu văn chương, từng thử bút nhiều thể loại và có lẽ chính vì thế mà chúng tôi có được sự đồng điệu về tâm hồn.

Nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi cầm trên tay tập sách gần 250 trang của Xuân. Và khi đọc, tôi càng ngạc nhiên hơn. Thì ra, khối tài sản chắt chiu từ những phút được thoát khỏi công việc làm báo đã làm nên 103 bài tản văn, dựng nên một con người khác, mềm mại và sâu lắng bất ngờ.

 

Đọc cuốn sách này, tôi mường tượng tâm hồn tác giả như những sợi tơ đàn mong manh lắm, chỉ một xao động nhỏ đến mức khó nhìn thấy cũng khiến nó rung lên. Mỗi âm thanh, hương vị, sắc màu cuộc sống dù thoảng qua đều gại vào dây cảm xúc một nét ngân xao xuyến.

Tôi ngửi thấy trong Thì thầm mưa xuân ngan ngát hương đời. Nào mùi rơm mới, mùi hoa cau, hoa bưởi, mùi xôi sắn, đậu phụ, ổi chín, khoai lang nướng… đều là thứ mùi quê kiểng nền nã quen thuộc của làng quê Việt Nam. Nhưng với Thanh Xuân, mùi ấy gợi biết bao kỷ niệm. Ngửi mùi rơm lại nhớ hình bóng bố cặm cụi đan đệm rơm cho các con nằm đỡ rét. Hương bưởi như tiếng gọi tháng Ba, tiếng gọi da diết dùng dằng giữa hai mùa Xuân - Hạ. Mùi thị chín như món quà đất trời biệt đãi tuổi thơ để từ đó hóa ra câu chuyện cổ tích của lòng tốt. Mùi hoa cau chỉ dành cho những ai thức khuya, bởi càng khuya hương cau càng nồng nàn, ngây ngất. Hương sả đánh thức ký ức về người bà tần tảo chăm mái tóc cho cháu thêm mượt thêm dày.

Cảm xúc không chỉ xốn xang bởi mùi hương mà còn bởi tiếng chuông thời gian. Ngày tháng trôi đi không hẳn chỉ là quy luật của tạo hóa mà gợi vào lòng người bao suy nghĩ. Với Thanh Xuân: giêng hai, Hè qua, Đông về, năm mới, tháng Tư, tháng Chạp, khởi đầu một năm, tháng Sáu… những khoảnh khắc đổi thay của đất trời đều khiến lòng người xao động. Là bởi đông về lá bàng chớm đỏ, sông Cầu dường như không ngủ. Là bởi tháng Tư mang sắc trắng của hoa loa kèn, loài hoa khiến lòng người say đắm vì nhan sắc giản dị mà thanh cao. Là bởi tháng Ba mùa hoa gạo nở đỏ chói. Hoa của mẹ của chị, của bọn trẻ trâu đầu trần chân đất. Tháng Ba khiến nhớ hoa xoan tím, hoa sưa trắng tinh khôi.

Nhạy cảm là thế, nên những suy tư về ấm lạnh cuộc đời cũng được tác giả bộc bạch nhiều trong Thầm thì mưa xuân. Cố gắng để tiếp tục yêu một người; Hạnh phúc là…; Như chớp mắt như chiêm bao; Cám ơn những lần thất bại; Học cách sống hạnh phúc v.v. là thoáng triết lý, ngẫm ngợi về cách sống, về lòng người.

Lấy chồng vui không? Dù ngày ra khỏi nhà mình để về nhà chồng đã được dặn “không được quay đầu lại” nhưng vẫn nhìn thấy mẹ giơ tay áo quệt nước mắt. Có con gái nào không quay lại nhìn mẹ phút giây ấy? Và có phải thế chăng mà nhiều khi phải tự nhủ: Cố gắng để tiếp tục yêu một người. Câu chữ đơn giản vậy thôi mà người đọc thấy lòng xót xa âm ỉ. Còn đây là suy nghĩ về hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Chắc hẳn nhiều người đặt câu hỏi ấy. Hạnh phúc vô hình vô dạng nhưng hiển hiện trong đôi mắt và tâm hồn. Hạnh phúc giống như một dư vị quanh quẩn trong tim. Những trăn trở lặng thầm như thế làm nên phong vị trầm lắng, suy tư, làm nên nét riêng của tác giả.

Một mảng đề tài khác không thể bỏ qua trong Thầm thì mưa xuân là ẩm thực quê hương. Cũng như mùi hương giản dị, món ăn gây thương nhớ với tác giả không phải sơn hào mĩ vị mà chỉ là đậu phụ Bình Long, bánh chưng Bờ Đậu, na Võ Nhai, củ đậu Linh Sơn, miến Việt Cường, cơm lam Định Hóa… Hoặc chỉ giản dị như món tóp mỡ, tép rong rang khế, canh tập tàng, ngô nướng. Nó thơm ngon nhớ mãi là vì được ăn trong không khí sum vầy hạnh phúc.

Đọc Thầm thì mưa xuân đôi chỗ tôi như gặp chính tôi trong những lát cắt kỷ niệm chưa xa. Và chắc hẳn cũng là tâm trạng của nhiều người khác nữa. Đó là thành công lớn của tác phẩm.

Nhưng, đọc Thầm thì mưa xuân, tôi vẫn thấy tiếc. Tiếc là nhiều nét chấm phá còn nhỏ quá, mới chỉ kịp thoảng lên nhẹ nhàng, chưa kịp để người đọc nhớ sâu nghĩ sâu. Tôi hiểu lắm. Công việc làm báo thời sự tất tưởi nóng nẩy không cho con người ta được nghĩ quá lâu, làm quá lâu. Cái tâm thế vội vàng ấy khiến xúc cảm vừa thoáng hiện lại vụt biến đâu mất. Hơn nữa, với số chữ ít ỏi dành cho tản văn của tờ báo thời sự, thì con người ta muốn giãi bày hơn cũng không có chỗ.

Tôi mong sẽ được đọc những tác phẩm khác của Thanh Xuân viết với tâm thế chậm, sâu, điềm tĩnh hơn, trước hết để giải phóng cảm xúc của chính mình. Tôi tin, với tâm hồn ấy, khả năng ấy, Thanh Xuân sẽ có những tác phẩm dày dặn và ấn tượng hơn vào một ngày không xa.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy