Như cơn mưa đầu hạ
(Về thơ Lê Anh Xuân)
Nhà thơ Lê Anh Xuân
Trong trẻo và dạt dào cuốn hút
Cũng như một ca sĩ hạng sao thực, một nhà thơ đích thực phải mang một giọng điệu riêng. Giọng điệu ấy phản ánh rất tự nhiên một khí chất, một điệu hồn, một cách sống. Có lẽ còn sớm khi nói đến phong cách nghệ thuật thơ Lê Anh Xuân bởi anh hi sinh ở chiến trường khi mới 28 tuổi đời. Nhưng cũng chẳng chút ngần ngại khi khẳng định anh là nhà thơ sớm có giọng - một giọng điệu trữ tình riêng khó lẫn.
Thơ Lê Anh Xuân là tiếng ca trong trẻo, mê say của một tâm hồn hồ hởi, thiết tha tin yêu trước cuộc đời. Tiếng thơ ấy như cơn mưa đầu hạ dạt dào, tươi mát, như dòng sông mải miết băng băng về phía trước. Bạn đã bao giờ được thấy mưa đầu hạ gội mát những cành non, đã bao giờ đứng dưới “lá dừa xanh long lanh ánh nắng”, được nghe mùi nồng thanh từ đuốc lá dừa? Tiếng thơ của chàng trai quê Bến Tre say mê lí tưởng là vậy.
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước, tập kết ra Bắc, lớn lên trong lòng miền Bắc đang hồ hởi dựng xây cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa, Lê Anh Xuân cất lên tiếng thơ ngợi ca thật tươi trẻ, nồng nàn. Trong tập thơ đầu tay Tiếng gà gáy của anh có dòng cảm xúc say sưa, ngỡ ngàng trước bao đổi thay nhanh chóng của nửa nước yêu thương. Anh Lên Bắc Sơn chứng kiến sự đổi sắc thay da của một miền đất, của những con người. Anh mừng Đêm Uông Bí tưng bừng ánh điện, mừng “Con đường cũ nay thênh thang rộng mở/ Mát bóng dương xanh và tấp nập những đoàn xe”. Tâm hồn Lê Anh Xuân như cũng bâng khuâng với Nắng chiều trên bản mường no ấm:
Bản mường ơi chiều xuống rồi nhẹ nắng
Mà lúa vàng trĩu nặng cả đồng ta
Đàn bò mộng đang về ngang suối vắng
Suối bỗng vàng như nắng chở chiều xa.
Đặt chân đến nơi nào trên miền Bắc, người thanh niên lúc này mới đôi mươi cũng vui tươi với cuộc sống lao động sôi nổi mà đầy chất thơ: “Thái Nguyên nở bừng khu gang thép/ Việt Trì khói trắng như mây trôi”… Chính tình cảm chân thành, tâm hồn trong trẻo như giọt mưa đầu hạ ấy đã làm nên sức lôi cuốn đặc biệt của Nhớ mưa quê hương - bài thơ được tặng giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961. Trước đó mấy năm Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh đã lay thức tâm hồn bao người đọc. Cũng nỗi nhớ thiết tha của những người con quê Nam đang “sống trong lòng miền Bắc” nhưng bài thơ của Lê Anh Xuân trong trẻo mà dạt dào với bao kỉ niệm còn tươi mới:
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước sông
Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm, tiếng trong.
Khi đang ở miền Bắc, Lê Anh Xuân Gởi Bến Tre, khao khát Trở về quê nội để tham gia chiến đấu:
Ôi ta thèm được tay cầm khẩu súng
Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè
Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng
Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre.
Lúc trở lại quê Nam, anh lại “Gởi miền Bắc cả trái tim tôi đó/ Ngày ngóng trông, đêm thương nhớ xiết bao” (Gởi miền Bắc). Những nỗi nhớ như vậy chứng tỏ tâm hồn Lê Anh Xuân luôn gắn bó, hòa nhịp cùng từng bước biến chuyển đi lên của quê hương, đất nước giữa những năm tháng lịch sử sôi động.
Một tâm hồn nhiệt thành dâng hiến cho quê hương, đất nước trong lửa khói chiến tranh như thế sao có thể ngồi yên trên giảng đường miệt mài sách vở. Chúng ta hiểu vì sao tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được giữ lại làm phụ giảng một thời gian ngắn rồi được cử đi học, nghiên cứu thêm ở Liên Xô nhưng Lê Anh Xuân từ chối con đường đó mà tình nguyện trở về quê Nam tham gia chiến đấu (cuối năm 1964).
Có thể thấy từ khi được về giữa miền Nam đang anh dũng, gian lao kháng chiến, tình yêu quê hương, đất nước trong thơ Lê Anh Xuân đã phát triển lên một tầm độ mới, mang một sắc điệu mới. Trước còn là hoài niệm thiết tha trong xa cách, còn là tưởng tượng với những hình ảnh đau thương và bất khuất. Giờ là được sống giữa hiện thực ấy, được trực tiếp tham dự, chứng kiến để mê mải ngỡ ngàng, để suy ngẫm ngợi ca. Từ tập Hoa dừa tình yêu quê hương, đất nước trong thơ Lê Anh Xuân nóng bỏng lửa khói cuộc đời hơn mà cũng phơi phới hơn, ngày một nồng nàn và sâu đằm cảm hứng lịch sử hơn.
Những hình tượng nổi bật
Tập Hoa dừa mang hình ảnh của nhiều miền đất, nhiều con người, mang dấu ấn của những chuyến đi, những lần gặp khi nhà thơ trẻ giàu nhiệt huyết đang say sưa hòa nhập và sáng tạo.
Đó là “Chiều Ấp Bắc trong veo/ Đồng Ấp Bắc một màu xanh ngắt” mặc “Quân thù đêm ngày vẫn dội bom trút đạn” (Qua Ấp Bắc), là An Đức “Trăng đang nhô lên sáng rực” soi bóng những người du kích đang luồn sâu vào vùng địch (Nhìn về An Đức), là Đồng Tháp Mười có “Bông sen trắng, bông sen hồng thơm ngát”, có “Cánh cò bay trong sắc trời lá mạ/ Cá quẫy đầm sen thiết tha/ Xôn xao bông súng nở xòa” (Anh đứng giữa Tháp Mười).
Đó là dòng sông Cổ Chiên trong đêm chói lòa ánh lửa bởi em nhỏ giao liên cầm thủ pháo vụt lao sang tàu địch (Ánh lửa trên sông), là Sài Gòn “những phố hè, những hàng me xanh ngát” với cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ “cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” (Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng)...
Đặc biệt, mảnh đất quê hương Bến Tre dạt dào sức sống, anh dũng quật cường luôn trở thành một phần máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn Lê Anh Xuân, khiến anh viết nên bao vần thơ đắm say, tự hào khác thường.
Lê Anh Xuân “thấy lòng ấm lạ” trong “đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương”. Trở về quê nội, nhà thơ sung sướng “Ta lại đi chân đất” để tận hưởng hương vị, tình yêu ấm áp của đất quê bao dung như lòng mẹ:
Ta lại đi chân đất
Như năm nào ta đi học
Đường hành quân mưa dầm
Mẹ truyền cho ta sức mạnh bàn chân.
Trên mảnh đất miền Nam “anh dũng tuyệt vời” trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh có biết bao con người, cuộc đời để Lê Anh Xuân ngưỡng mộ, ca ngợi. Sau những ngày vượt Trường Sơn trở về quê nội, điều may mắn cho Lê Anh Xuân là vừa dịp được dự Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất. Nhà thơ vui sướng được “ngồi giữa bốn bề đỏ rực/ Giữa những chiếc hoa trên ngực anh hùng”, được tiếp xúc với bao con người cao quí của nhiều miền đất.
Bài thơ Gặp những anh hùng viết trong dịp này toát lên niềm tự hào cảm phục khi điểm lại gương mặt, chiến công của bao con người anh dũng, ngoan cường. Từ đây, những con người miền Nam đi vào thơ Lê Anh Xuân thật đẹp, thật đáng tự hào với mọi tầng lớp, lứa tuổi, mọi việc làm trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại.
Đó là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tư - người du kích Tân Thành Bình, mảnh đất dừa xanh, đã dùng các loại vũ khí thô sơ giết giặc (Gửi anh Tư), là lão du kích ngồi vót chông “Lưỡi mác lóe trời xa/ Râu dài rung trắng xóa”. Đó là người mẹ trồng hoa ở nghĩa trang An Thới, là bà má âm thầm nuôi giấu cán bộ trong hầm bí mật đào ngay dưới bàn thờ nhà mình, bị bọn giặc đánh đến mù mắt vẫn không khai (Bông trang đỏ). Đó là Út Tiết “mới hai mươi tuổi, mắt cười trong veo” mới hôm nào là một cô bé sợ bóng đêm “nghe ca-nông nổ bịt tai trong hầm” mà nay đã thành cô xã đội tay không lấy bao đồn, bốt khiến “nghe tên em, giặc khiếp kinh trăm thằng” (Cô xã đội).
Đó là những cô giao liên, những em gái đưa đò dũng cảm, tài trí… Qua cầu (tập Hoa dừa) là một bài thơ hay về tứ, về tình. Bản thân câu chuyện mười hai cô gái Bến Tre lấy vai đỡ cầu cho bộ đội qua sông đã thành một tứ thơ cảm động. Tứ thơ ấy thật hợp cùng tâm hồn tươi trẻ, thiết tha cảm mến của Lê Anh Xuân:
Dưới sông ngực đập bồi hồi
Mười hai cô gái, mười hai nhịp cầu
Mặt sông ánh một trời sao
Mắt em lấp lánh sao nào đẹp hơn?
Không được chiến đấu giữa lòng dân, không có cảm xúc nồng nàn và lãng mạn, trong sáng thì không viết nổi những bài thơ, câu thơ như thế.
Cùng với hình ảnh những con người, trong phần thơ viết về quê hương của Lê Anh Xuân có hai hình ảnh đầy sức ám gợi, dễ lắng đọng sâu vào lòng bạn đọc, ấy là dòng sông và cây dừa.
Ngày ở miền Bắc, anh nhớ “Mấy cô gái bên kia sông giặt áo” (Nhớ mưa quê hương) và khi Trở về quê nội cảm xúc với con sông quê hương vẫn tươi rói, tràn đầy như thuở ban đầu:
Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Vì yêu sông mà yêu con người hay bởi yêu con người nên yêu cả bến sông? Thật khó mà phân tách cái nào trước, cái nào sau ở liên tưởng này:
Nước ròng
Gặp em đi xúc cá
(Chắc lại về nấu canh chua)
Dấu chân em đẹp quá!
Như hoa
Nở trên bến phù sa
(Dòng sông tuổi thơ)
Nếu đời sống và tâm hồn con người xứ Bắc thường gắn với cây tre thì con người Nam Bộ gắn với cây dừa. Đối với Lê Anh Xuân, dừa đã trở thành hình ảnh, thành biểu tượng của quê hương, dừa đã như một nhân vật biết gánh chịu đau thương, biết uất hận và vững vàng kiên định, lạc quan giữa những năm tháng lịch sử đầy bão tố.
Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ này của Lê Anh Xuân mang cái tên Hoa dừa. Anh có hẳn ba bài thơ lấy dừa làm đề tài (Nhớ dừa trong Tiếng gà gáy, Dừa ơi, Đuốc lá dừa trong Hoa dừa). Ngoài ra, hình ảnh dừa đã xuất hiện bao nhiêu lần trong các bài thơ khác của anh. Ngày ở miền Bắc, cùng với Nhớ mưa quê hương là Nhớ dừa:
Ta thèm chút nắng quê hương
Màu xanh mịn, lá dừa vương trên đầu.
Một nỗi nhớ da diết không kể thời gian:
Nhớ thương nào biết sớm trưa
Hồn ta thắm mãi bóng dừa trong xanh
Sớm mai nắng biếc trên cành
Đêm đêm trời cũng màu xanh lá dừa.
Trong cảm hứng tự hào về quê hương bất khuất, dừa là biểu tượng cho phẩm chất kiên cường, đức tính bền bỉ, tấm lòng thủy chung:
Dừa bị thương, dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên cao hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá ngụy trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường
(Dừa ơi)
Ánh đuốc lá dừa làm ấm áp lên bức tranh quê hương chiến đấu và góp phần làm nên chiến thắng:
Bộ đội qua làng đêm mưa ướt
Đuốc lá dừa thắp sáng bến đò khuya
(Đuốc lá dừa)
Ngày càng đằm sâu cảm hứng lịch sử
Khi hòa vào cuộc chiến đấu lớn lao của quê hương, của dân tộc ở những nơi nóng bỏng nhất, hồn thơ Lê Anh Xuân tuy vẫn trẻ trung, trong trẻo nhưng ngày càng sâu đậm cảm hứng lịch sử. Quê hương, đất nước trong thơ Lê Anh Xuân ngày càng được mở rộng về không gian, đồng thời càng được phát hiện và suy ngẫm trên trục thời gian. Chúng ta không quên Lê Anh Xuân từng tốt nghiệp Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp. Đó chắc chắn là một lí do để giải thích cảm hứng lịch sử nồng đậm trong thơ anh phát triển cùng với tư thế và tầm vóc của dân tộc Việt Nam ta trong thời đại đánh Mỹ. Ở tuổi hai mươi, đêm nằm nghe tiếng mưa rơi mà Nhớ mưa quê hương, Lê Anh Xuân đã nghe thấy:
Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa giông
Nghe như tiếng của cha ông dựng nước
Truyền cháu con phải ngẩng cao đầu mà bước
Nghe như lời cây cỏ, gió mưa
Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa.
Vì thế khi trở về quê hương Bến Tre đau thương, bất khuất, anh lại càng thấm thía:
Ta cầm nắm đất cha ông
Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trên tay
Bao người ngã xuống nơi đây
Biết bao cay đắng đất này, người ơi!
(Về Bến Tre)
Khi cảm nhận tầm vóc đất nước theo chiều sâu lịch sử, Lê Anh Xuân đã có những hình ảnh vừa giàu sức gợi cảm vừa mang tính khái quát cao. Chẳng hạn hình ảnh “Xác phản lực rơi cạnh mũi tên đồng” ở bài Gởi miền Bắc, hay phần kết bài Không ở đâu như ở miền Nam:
Miền Nam ơi! Người là dũng sĩ
Đang đứng canh cho cả trăm miền
Khuôn mặt người sáng ngời chân lí
Người đang làm nghĩa vụ thiêng liêng.
Miền Nam ơi! Người là thi sĩ
Của hôm nay và cả mai sau
Tay cầm súng tay cầm lịch sử
Bóng người đi rực rỡ chiến hào
Cảm hứng sử thi, bút pháp lí tưởng hóa nhuần nhuyễn cùng cảm hứng lãng mạn dạt dào đã làm nên sức lôi cuốn của trường ca Nguyễn Văn Trỗi (2000 câu lục bát). Đây là tượng đài người anh hùng bất tử trong không gian, trong thời gian: “Cọc tre nơi giặc hành hình/ Trổ đài kỉ niệm bóng in ngang trời/ Như anh đứng đấy trẻ tươi/ Tạc hình thế kỷ muôn đời không tan”. Hai bài Anh đứng giữa Tháp Mười, Dáng đứng Việt Nam thể hiện rõ xu hướng khái quát hóa, chất giọng sử thi đáng chú ý. Chuyện anh hùng liệt sĩ Huỳnh Việt Thanh, “người cha có bảy đứa con thơ” chống xuồng “lao ra hút địch” để cả đội du kích rút thoát giữa lúc tứ bề vòng vây giặc siết chặt khiến Lê Anh Xuân rất cảm phục. Nhà thơ đã khắc dựng tư thế hi sinh của người đội trưởng du kích anh hùng trên nền đất đai, sông nước quê hương vừa dữ dội vừa dịu hiền “bốn mùa lộng gió” và cảm thấy “Gió thổi thời gian và biển cỏ xa khơi... Gió thổi tên anh vào lịch sử”:
Anh đứng mãi giữa Tháp Mười
Giữa biển cỏ mênh mông màu thế kỷ
Trên đầu Anh bóng chim sẻ và hương tràm
Dưới chân Anh đất mẹ Việt Nam
Cùng với cách dựng tứ này, Lê Anh Xuân viết Dáng đứng Việt Nam - bài thơ cuối cùng trong cuộc đời nhà thơ - chiến sĩ cao đẹp của mình. Từ tư thế hi sinh hiên ngang của người chiến sĩ Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất (vào chiến dịch tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968) Lê Anh Xuân liên tưởng khái quát đến “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” và thấy từ dáng đứng ấy “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Dáng đứng Việt Nam là bài thơ có tính tạo hình, giàu sức khái quát, một bài thơ có tầm vóc trong nền thơ ca kháng chiến chống Mỹ.
***
Lê Anh Xuân hi sinh khi tuổi đời mới 28. Con đường thơ Lê Anh Xuân ngắn thôi nhưng phản ánh sinh động quá trình trưởng thành, dày dạn nhanh chóng của một thế hệ giữa một giai đoạn nóng bỏng, hào hùng của lịch sử dân tộc. Trong trẻo mà không vô tâm, mê say mà chẳng hề dễ dãi, nồng nàn mà tươi mát, luôn tha thiết tin yêu, thơ Lê Anh Xuân là tiếng ca chân thành của một thanh niên thấu hiểu trách nhiệm lịch sử nặng nề, vinh quang của thế hệ mình, đón nhận bao gian khổ, hi sinh một cách hết sức tự nhiên, vô cùng thanh thản. Không có những con người như Lê Anh Xuân, một thế hệ như Lê Anh Xuân, không có thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Dù số lượng chưa thật nhiều, sự nghiệp thơ ca Lê Anh Xuân thêm một bằng chứng về giá trị của nghệ thuật khi hòa trong dòng chảy lớn của cuộc đời, khi thể hiện một lẽ sống trong sáng, cao cả vì quê hương, đất nước.
Lê Quang Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...