Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
14:45 (GMT +7)

Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người tuyên truyền và cách tuyên truyền

VNTN - 70 năm về trước, trên Báo Sự thật, số 79 (từ ngày 29/6 đến ngày 9/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đăng bài viết Người tuyên truyền và cách tuyên truyền với bút danh A.G. Cùng với tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì đây được xem là một tác phẩm rất ngắn, chỉ 537 chữ. Thế nhưng, đã 70 năm trôi qua, những tư tưởng, những chỉ dạy trong bài viết nổi tiếng này vẫn còn nguyên giá trị. Đây có thể xem là cẩm nang cho những người làm công tác tuyên truyền hiện nay.

Mở đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra câu hỏi và tự trả lời. Định nghĩa về công tác tuyên truyền, Hồ Chủ tịch viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Theo Hồ Chí Minh, nếu không đat được mục đích này thì tuyên truyền thất bại và muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền. Cách tuyên truyền đó chính là từ định nghĩa nêu trên của Người. Một định nghĩa ngắn gọn nhưng lại hàm chứa đầy đủ các nội dung của công tác tuyên truyền: Hoạt động hướng tới đối tượng tác động là con người, là dân, mà dân là đông đảo mọi người trong xã hội. Mục đích để làm gì? Để hiểu biết; ghi nhớ; tin tưởng và thực hiện.

Từ định nghĩa về tuyên truyền, Người đã chỉ ra cách tuyên truyền phải như thế nào. Hồ Chí Minh cho rằng một là phải hiểu rõ nội dung tuyên truyền. Lấy ví dụ về tuyên truyền trường kỳ kháng chiến, Người khẳng định: “Trước hết, mình phải hiểu rõ vì sao phải kháng chiến. Không kháng chiến có hại thế nào. Kháng chiến có lợi thế nào. Vì sao kháng chiến phải trường kỳ. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến phải qua những gian nan cực khổ thế nào. Vì sao ta phải gắng chịu những sự gian nan cực khổ ấy. Trong lúc kháng chiến, mỗi một lớp nhân dân phải làm những công việc gì. Vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đó là lời dạy sâu sắc của Người, bởi người tuyên truyền không hiểu rõ điều mình nói thì người nghe làm sao biết được! Hai là, người tuyên truyền phải biết cách nói, “Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”. Người căn dặn, muốn vậy, những người tuyên truyền “Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa”.

Quan điểm này đã được Hồ Chí Minh nhắc lại trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết tháng 10-1947. Trong đó, người tiếp tục căn dặn cán bộ phải chống thói ba hoa khi nói và viết. Thói ấy có nhiều vẻ: Dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; lông bông; sáo cũ; nói không ai hiểu;… Người chỉ ra cách chữa cố tật này, đó là: “Muốn tránh những khuyết điểm đó, trước khi nói, phải viết một bài dài rõ ràng, rồi cứ xem đó mà nói”. Ba là, phải có lễ độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kể, có hôm đến dự cuộc mít tinh, một cụ già nói khẽ với Bác: “Cụ Hồ là Chủ tịch cả nước, lại có tuổi, thế mà Cụ luôn luôn nói: Thưa các cụ, các ngài, v.v... Đằng này, các cậu thanh niên bằng lứa cháu. Chúng mình, mà có ý muốn làm thầy chúng mình...”. Người lấy ví dụ và nhắc nhở: “Thường những anh em thanh niên, đến nói trong một cuộc mít tinh, mở miệng là: “Các đồng chí!”. Ba tiếng đó không phải là vô phép, nhưng vì không hợp hoàn cảnh, nên chướng tai”. Bốn là, người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm.

Trong bài báo Dân vận nổi tiếng đăng trên báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949 với bút danh "X.Y.Z", Hồ Chí Minh cho rằng: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Ngày 25/10/1951, đến nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội, Bác căn dặn: “Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu”. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Thái độ phải mềm mỏng: đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn”. Đó chính là phong cách tuyên truyền mà chúng ta đang phấn đấu thực hiện hiện nay.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa giành được chính quyền, chắc chắn cần có sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân để nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng. Muốn nhân dân đi theo Đảng, yêu cầu đầu tiên là người dân phải hiểu đường lối của Đảng là gì, mục đích của Đảng là gì? Đảng có đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân không? Để nhân dân hiểu và đi theo Đảng làm cách mạng, Đảng phải thực hiện đầu tiên công tác tuyên truyền, vận động. Vì vậy mà lúc sinh thời, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có nói rằng công tác tuyên truyền là công tác “già” nhất của Đảng, bởi nó ra đời có khi còn trước cả sự ra đời của Đảng. Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, chủ trương, nghị quyết của Đảng sẽ được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, để người dân hiểu, tin, ủng hộ, làm theo… nhất thiết vẫn phải chú trọng công tác tuyên truyền.

Vậy nên, không thể phủ nhận công tác tuyên truyền của Đảng ta đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của đất nước, của dân tộc, của Đảng. Thế nhưng, trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức hiện nay, có lẽ cần phải nhắc lại và thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Bác Hồ về tuyên truyền. Mỗi năm, tất cả các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị đều báo cáo với những con số rất ấn tượng, trên 95%, có khi tới 100% cán bộ, đảng viên được triển khai, quán triệt nghị quyết; 80, 90% người dân được tuyên truyền, phổ biến, v.v... Thế nhưng, thật sự đó chỉ là những con số khô khan bởi sau con số ấy là gì? Có bao nhiêu người đã nhớ, đã theo và làm? Bởi vậy, nhất thiết cần phải có các cuộc đánh giá, khảo sát thực tiễn hàng năm một cách khách quan, khoa học để có cái nhìn tổng quan, toàn diện nhằm đề ra các cách thức, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền hiện nay.

Kết thúc bài báo này, Hồ Chí Minh viết: “Mong anh em đi tuyên truyền làm đúng như thế, thì chắc sẽ thành công to”. Vậy là, nếu có lúc nào công tác tuyên truyền không đạt được mục đích dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm chính là chúng ta đã chưa làm đúng và trúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền.

Năm nay, toàn hệ thống chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tuyên truyền. Nhắc lại những chỉ dẫn quan trọng này của Bác Hồ để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ tuyên truyền thấm nhuần hơn nữa lời dạy này của Bác Hồ nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tuyên truyền hiện nay.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy