Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:26 (GMT +7)

Nhớ anh Lê Thế Thành

VNTN- Giữa những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Nguyên thì trên trang facebook của Chi hội Văn xuôi hiện lên dòng tin buồn của Chi hội trưởng Phan Thái: Nhà văn Lê Thế Thành đã qua đời…

Chân dung ông Lê Thế Thành. Ảnh: Quang Khải

Tôi không thấy bị bất ngờ vì tin này mà chỉ thấy rất buồn. Không bất ngờ vì ông đã yếu mấy năm qua, ra vào viện như cơm bữa. Mấy lần đến thăm ông, anh em cùng nhận định điều ấy sẽ đến bất cứ lúc nào. Buồn vì khi ông từ giã cõi đời này, vì sức khỏe tôi không đến được để vĩnh biệt ông, thắp cho ông một nén nhang.

Vậy là người của “Những cánh đồng và những dòng sông” đã về với cánh đồng và những dòng sông thật rồi. Một con người lắm tài hoa, có hàng kho những câu chuyện cười về muôn góc cạnh của cuộc sống này. Vậy mà trong sâu thẳm tâm hồn, ông cũng mang bao điều buồn bã, đắng cay.

Trong ngôi nhà ở ngõ 140 đường Lương Ngọc Quyến, không ít lần tôi đến trò chuyện cùng ông khi ông còn khỏe và cả khi đã yếu đau. Chỉ từ khi có dịch bệnh, dẫu muốn đến mà không dám vì lo cho ông đang yếu. Thật buồn vì có lần ông nhớ ra ngay, lần thì phải ngồi một lúc ông mới nhớ tên mình, nhưng lần nào ông cũng như muốn níu kéo ngồi lại lâu hơn.

Lần nào ông cũng bảo tớ thèm người trò chuyện lắm, nhất là cánh văn nghệ nhà mình. Lần gần đây nhất, cuối năm 2021 mấy anh em trong Chi hội đến thăm, rất mừng khi thấy ông tỉnh táo, ngồi đọc thơ vanh vách, nhớ rõ từng người. Hỏi ông ăn có ngon không? Ông bảo sáng còn ăn hết đĩa bánh cuốn thì còn lâu mới chết. Sự hài hước, dí dỏm hình như là phương thuốc vực ông dậy sau bao lần nguy biến. 

Tôi còn nhớ khi chưa bị đột quỵ, ông đã có vấn đề về tim. Ông kể những năm ở chiến trường, có một người bạn chỉ vào nốt ruồi ở gáy ông và bảo: Mày là thằng sống dai lắm, không chết vì bom đạn đâu mà sợ. Rồi ông nguyên vẹn trở về thật.

Ông còn bảo: Bác sĩ chụp phim bảo tim tao bị nằm nghiêng. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng dạo ấy nhịp tim của ông luôn trên một trăm nhịp/phút. Khi khám bác sĩ dặn ông không được tự ý đi xe mà phải có người đèo về. Ông cười: Tao ừ cho qua chuyện rồi vẫn cưỡi xe đi vù vù. Gặp cuộc vui, ông vẫn vô tư làm đôi chén rượu chứ chẳng kiêng khem gì, mặc dù ngày nào cũng phải uống đôi ba loại thuốc.

Ông quen biết mấy vị lãnh đạo cấp cao nhà nước. Hỏi mới biết ông đã có thời gian ở cùng các vị đó khi đang là phóng viên chiến trường. Những năm đó các vị chỉ huy quý phóng viên chiến trường, luôn cho họ ở bên mình nên dễ dẫn đến thân tình. Sau này đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của nhà nước vẫn nhớ đến tình cảm đó. Có vị lãnh đạo lên thăm Thái Nguyên vẫn nhớ đến ông, điện cho ông chuyện trò.

Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà năm 2017 đã mời ông cùng chuyến đi trở về miền Nam một tháng trời. Khi về ông kể cho tôi đủ chuyện cùng những nhận xét về thế thời mà ông đang nghiền ngẫm, suy tư. Sau lần đó, ông lại quay vào Nam lần nữa. Ông bảo, anh em cùng lính năm xưa trong đó cứ giục vào chữa bệnh, vì khí hậu trong đó tốt với người bệnh tim hơn ngoài này. Ông còn rủ tôi: Đi với tao không, vào đó chúng nó bao hết ngủ nghỉ, đi lại. Có thằng em làm báo trong đó còn nhắn có truyện ngắn nào gửi vào, nó chọn đăng mấy cái để giúp anh tiền vé khi về.

Vậy là ông lại lên đường và chuyến ấy ông bị đột quỵ. Khi con cái đã vào đón ông ra Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, tôi cùng nhà văn Phạm Đức và mấy anh em khác đến thăm. Ông nằm bất động, không nhận ra ai, không nói được câu nào. Những tưởng ông khó qua khỏi, vậy rồi vẫn phục hồi, dần dần nói năng dò dẫm đi lại được.

Có một chuyện mà anh con trai của ông kể tôi nghe với tâm trạng đầy thắc mắc. Anh bảo: Cháu vào khi bố cháu đang cấp cứu, phải đợi một tuần mới đưa ra ngoài này được. Suốt một tuần đó có một bà đêm nào cũng đến thăm và trải ni lông xuống sàn ngủ lại cạnh giường ông đến sáng thì về. Cả tuần đó cháu không làm thế nào để mời được bà bữa sáng. Lần nào bà cũng bảo bà ăn rồi. Cháu cũng không dám hỏi tên hay nơi ở của bà.

Sau này, tôi đã hỏi ông về điều này. Ông bảo đấy là cô y tá đã cõng tao chạy thoát trận càn khi tao bị thương. Ơn cứu mạng đấy. Sau này tình nghĩa như anh em ruột thịt. Khi ông đã hồi phục hơn thì ông Thảo - người luôn bên cạnh chăm sóc ông - bảo đêm nào bà cũng gọi điện động viên. Chỉ từ khi ông không dùng điện thoại nữa mới không còn liên lạc. Có thể sẽ có người đặt câu hỏi về điều đó với ông. Riêng tôi, tôi hiểu điều này. Trong chiến tranh, có những nghĩa cử người ta khắc sâu trong tâm khảm cả một đời. Người ta trân trọng như tình thân ruột thịt, nhất là người Nam bộ.

Là một người hoạt động nhiều năm ở miền Tây Nam bộ, những tính cách, ứng xử của ông dân dã, gần gũi và ông luôn đau đáu về miền đất này. Những chiêm nghiệm về cuộc chiến tranh sau khi có một độ lùi nhất định, ông đã cho ra đời tập truyện ngắn năm 2017 mang tên “Những cánh đồng và những dòng sông”. Đây là tập truyện cuối cùng của ông. Ngay cái tên tập truyện đã nói lên tâm huyết của ông về một Miền Tây sông nước. Ngữ điệu, phong cách nhân vật đều in đậm vùng đất này, đều mang dấu ấn của một thời chiến tranh. Ông có cả những suy ngẫm sâu xa về cuộc chiến mà cùng một đất nước, cùng ngôn ngữ lại chĩa nòng súng vào nhau khi có tác động từ bên ngoài. Khi gây ra bao cảnh chia cắt và cả tái hợp mà không ít sự khổ đau, để rồi hai đối thủ của nhau cùng ngồi để cắt nghĩa về những điều ngang trái ấy.

Khi tập hợp tác phẩm để tham dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh, lúc ấy ông đã yếu rồi. Nhà văn Hồ Thủy Giang nghĩ ngay đến việc phải gửi tập truyện ngắn này của Lê Thế Thành để dự giải. Nhưng ông bảo: Tao tặng hết sách rồi còn giữ mỗi một quyển thôi. Hồ Thủy Giang lại đến gặp anh em trong Chi hội xin lại các cuốn sách Lê Thế Thành đã tặng để đem nộp cho ông. Và rất mừng là tập truyện ngắn “Những cánh đồng và những dòng sông” của ông đã giành giải Nhất.

Tác phẩm của ông thì nhiều người đọc rồi. Còn tác phẩm về chính cuộc đời ông thì có lẽ ta chưa hiểu hết những gì ông đang có cả niềm vui, nỗi buồn. Trong gian nhà ở ngõ 140 đường Lương Ngọc Quyến ấy, tôi đã nhiều lần ngồi trò chuyện cùng ông. Một chiếc gường một kê ở góc phòng. Gần cửa kê một chiếc bàn to ông cho Công ty Cấp nước thuê làm địa điểm thu tiền nước. Ông lui cui tự nấu, tự ăn. Nhiều lần tôi vào thấy ông đang tỉ mẩn chia từng viên thuốc để uống trong ngày.

Lê Thế Thành đó, viết truyện chống tiêu cực thì khảng khái, dũng cảm là thế, viết về thế thái nhân tình thì nhân văn, bao la là thế. Vậy mà tôi nhìn vào đôi mắt già nua của ông đang nhìn vào khoảng không, lại ẩn chứa một sự cô đơn đến thế… Nhà văn Nguyễn Văn là người bạn rất gần gũi và hiểu Lê Thế Thành nên hễ có dịp là lại rủ chúng tôi đến thăm ông, nhất là các dịp Tết đến.

Vậy mà Tết vừa qua vì dịch bệnh, tôi và mọi người chưa đến thăm ông được. Nghe tin ông đi xa rồi mà tôi bị Covid cũng không đến thắp cho ông nén nhang. Có thể ông sẽ buồn vì vắng nhiều anh em văn nghệ sĩ trong ngày vĩnh biệt, nhưng chắc chắn ông không trách chúng tôi đâu. Lê Thế Thành là thế mà, luôn bao dung và đại lượng.

Anh Thành ơi! Hãy thanh thản nhẹ bước trên “những cánh đồng và những dòng sông” của mình, anh nhé!

Phạm Quý

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước