Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:18 (GMT +7)

Nhìn lại nửa chặng đường “Cuộc thi sáng tác văn học 2014 – 2016”

VNTN - Cuộc thi Sáng tác văn học (2014- 2016) do Báo Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức đến nay đã đi được một nửa chặng đường.

Tính từ tháng 20/6/2014 đến 10/6/2015, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 57 truyện ngắn của 40 tác giả, 14 bài kí của 11 tác giả; 467 bài thơ của hơn 100 tác giả. Qua một năm lựa chọn, biên tập, Báo VNTN đã đăng tải 19 truyện ngắn, 10 bài kí và gần 90 bài thơ. Hai tác giả Phan Thái và Vũ Thị Huyền Trang được đăng 3 truyện ngắn. Các tác giả Trinh Nguyên, Đào Nguyên Hải được đăng 2 truyện ngắn. Tác giả Minh Hằng được sử dụng hai tác phẩm ở thể kí. Nhiều tác giả thơ được đăng từ 2 tác phẩm trở lên.

Một điều đáng mừng là cuộc thi này có sự hiện diện của nhiều cây bút ngoài tỉnh như Phạm Thuận Thành, Nguyễn Hưng Hải, Phan Xuân Hậu, Triệu Hoàng Giang, Vũ Thị Huyền Trang, Bùi Quang Dũng, Cao Nguyệt Nguyên, Văn Thành Lê, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Minh Khiêm…. có tác giả tận thành phố Hồ Chí Minh như Trần Huy Minh Phương, tận Đạ Tẻh, Lâm Đồng  như Duy Lưu…Đặc biệt, cuộc thi văn học lần này có sự xuất hiện của các cây bút là những nhà nhiếp ảnh như Kim Khoa, Đoàn Minh Thiện. Ngược lại, cuộc thi cũng bộc lộ một điều đáng tiếc là cho đến nay đang vắng bóng những tác giả văn xuôi vốn là những cây bút khá vững vàng, sung sức ở Thái Nguyên như Phạm Đức, Ngọc Thị Kẹo, Phạm Quí, Dương Thu Hằng, Nguyễn Thịnh…

 

Với sự đánh giá sơ bộ của ban tổ chức, hầu hết các tác phẩm dự thi đều có nội dung phản ánh cuộc sống bộn bề đang diễn ra hàng ngày hàng giờ cùng những nỗi vui buồn, những chiêm nghiệm, những khó khăn, những lo toan thường nhật trong đời sống dân sinh. Các tác phẩm dự thi đều có nội dung lành mạnh, Ở một số tác phẩm đã có chất lượng nghệ thuật.

Truyện ngắn: phản ánh được cuộc sống muôn màu

Trước hết, về mảng truyện ngắn của cuộc thi lần này thấy nên đưa ra một thông tin không vui: lẽ ra các hội viên thuộc Chi hội Văn xuôi tỉnh Thái Nguyên phải là lực lượng chủ yếu có mặt trong cuộc thi, nhưng trên thực tế lại chỉ có 11/40 tác giả gửi dự thi và 5/19 truyện ngắn được đăng tải trên Văn nghệ Thái Nguyên. Đây là một thông tin mang dấu hiệu không sáng sủa của các hội viên Chi hội văn xuôi viết truyện ngắn ở Thái Nguyên.

Tuy cuộc thi không giới hạn đề tài nhưng thông qua các tác phẩm truyện ngắn gửi dự thi trong nửa thời gian đầu, có thể nói, mảng đề tài về nông thôn hoặc liên quan đến nông thôn, đến người nông dân, đến cái gốc “nhà quê”…vẫn là đề tài chủ đạo. Những hình ảnh đậm nét về thôn quê, những nhân vật chân lấm tay bùn trên đồng ruộng, những con người chịu thương chịu khó một nắng hai sương cùng những tâm hồn lãng mạn kiểu đồng quê luôn tràn đầy trong những tác phẩm của Lê Thế Thành, Ngọ Quang Tôn, Ngọc Thị Thái, Phạm Thuận Thành, Đào Nguyên Hải, Nguyễn Anh Đào, Cao Nguyệt Nguyên, Kim Khoa, Đỗ Dũng…Nếu như các truyện ngắn “Nước mắt chảy xuôi”, “Cái Nhấm”, “Nẻo quê” của Ngọc Thị Thái; truyện ngắn “Anh mù” của Đào Nguyên Hải; “Kẻ ăn mày năm xưa” của Trần Bình Dưỡng là những phác họa về tính cách của những người nông dân luôn bị cái nghèo, cái không may mắn và những tâm lí tiểu nông hẹp hòi vị kỉ ngàn năm ở nông thôn vùi dập cùng sức vươn dậy, vượt lên để giành lấy tình yêu và hạnh phúc thì truyện ngắn “Rau muống” của Phạm Thuận Thành, “Lão Thôn đi tắm biển” của Lê Thế Thành lại là những khắc họa tâm lí, tạo nên sự vênh lệch giữa người nông thôn và người thành thị, giữa cái chân chất, tĩnh lặng của đồng quê với sự ồn ã, thiên biến khôn lường của kinh tế thị trường.

Ngoài những tác phẩm viết về nông thôn khá tập trung như đã nói trên, các truyện ngắn của cuộc thi còn có sự đa dạng, phong phú của đề tài, phản ánh được cuộc sống muôn màu muôn vẻ một cách sống động, như về môi trường rừng trong truyện ngắn “Nghiệp rừng” của Triệu Hoàng Giang; đề tài khai thác và trách nhiệm với tài nguyên của Tổ quốc như “Lời thề khoáng sản” của Nguyễn Văn; đề tài chống tham nhũng như “Linh khí” của Phan Thái; đề tài người lính trở về, cố nén những nỗi đau mất mát do chiến tranh để xây dựng quê hương, tìm lại hạnh phúc như “Hoa dành dành đừng khóc” của Đào Nguyên Hải, “Nước mắt nắng” của Phan Thái, “Hạnh phúc nhọc nhằn” của Nguyễn Thị Minh Thắng, “Lập nghiệp” của Trần Văn Bột; đề tài hiếu đễ với mẹ cha như “Đánh thức mùa vu lan” của Nguyễn Thị Sáu; đề tài về sự băng hoại đạo đức, nhân cách như “Kẻ chợ” của Trần Chín…Trong cuộc thi này, đặc biệt ta còn nhận ra tiếng nói của những tác giả lứa tuổi ba, bốn mươi. Những tác giả này đã đóng góp vào cuộc thi những tác phẩm mang bóng dáng tư duy của thế hệ trẻ, được bộc lộ trong những niềm kiêu hãnh cùng những lỗi lầm và cả những nỗi đau của thế hệ mình. Đó là những truyện ngắn “Tâm chiến”, “Giấc mơ bay” của Vũ Thị Huyền Trang, “Tìm gió” của Trinh Nguyên, “Trò đùa của số phận” của Vũ Thị Việt…

Để mong có được những tác phẩm hay hơn nữa của chặng sau cuộc thi, Ban tổ chức thấy sự cần thiết điểm qua chút ít những nhược điểm của các tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, đây hoàn toàn chỉ là những nhận xét ban đầu, hết sức sơ lược và khó tránh khỏi sự thiếu chính xác.

 

Một trong những nhược điểm rất dễ nhận ra là trong các truyện ngắn dự thi, các tác giả luôn có tâm lí muốn kể cho xong một câu chuyện. Đương nhiên, đối với các truyện ngắn truyền thống thường luôn gắn với cốt truyện. Nhưng thực ra, câu chuyện mà chủ thể sáng tạo muốn lấy làm cốt truyện luôn chỉ là cái cớ, nó thường  nằm ngoài ý tưởng, nằm ngoài thông điệp mà ta muốn mang đến cho độc giả. Một số truyện ngắn rất thừa các chi tiết mang tính vật liệu mà chưa thật triệt để trong khai thác những chi tiết mang tính nghệ thuật. Như chúng ta đã biết, sự thành công của mỗi truyện ngắn lại chủ yếu nhờ ở những chi tiết nghệ thuật. Một số tác giả chưa thực sự sáng tạo được những tình huống đắt giá, nên truyện thường bị nhẹ.

Kí: vắng những cây bút nổi trội

Cũng giống như mảng truyện ngắn, cuộc thi kí lần này thấy vắng đi những cây bút viết kí nổi trội ở Thái Nguyên như Lê Thế Thành, Lưu Bạch Liễu, Phạm Qúy, Nguyễn Văn…Mười bốn cái kí trong khoảng thời gian một năm, có thể nói là một điều đáng lo ngại về sự thành công của cuộc thi.

Nhìn chung, các tác giả viết kí đều hướng về những đề tài đang được toàn xã hội quan tâm như vấn đề biển đảo (tác phẩm “Vòng quanh đất Việt hướng về biển đảo quê hương” của Trần Huy Minh Phương), vấn đề công nghiệp hóa nông thôn (tác phẩm “Âm vang tiếng máy chốn làng quê” của Bùi Nhật Lai), vấn đề đổi mới ở miền núi (tác phẩm “Tỷ phú người Dao” của của Triệu Văn Trọng), vấn đề những con người không may trong cuộc sống (tác phẩm “Chênh chao những mảnh đời khuyết tật” của Minh Hằng). Ngoài ra các đề tài về truyền thống văn hóa, đạo lí, nhân văn cũng được đề cập như “Thương nhớ một người” của Minh Hằng, “Nghề vô lăng dây, ga roi” của Đào Tuấn, “Khi múa lân về làng” của Đoàn Minh Thiện, “Cánh diều Thịnh Đức” của Nguyễn Thưởng…

 

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, đây là cuộc thi kí do báo Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức. Vì vậy, ngoài việc chấp nhận rộng rãi tất cả các bài kí dự thi mang tính báo chí, đồng thời, ban tổ chức luôn mong đợi sự có mặt các bài kí mang tính văn học. Nhưng một điều dễ nhận ra, cho đến nay, những bài kí như vậy chỉ như lá mùa thu. Chúng ta mới thấy sự hiện diện chủ yếu của các yếu tố thông tin trên bài dự thi. Những suy tư, tình cảm, những suy tưởng, những phát kiến chủ quan của tác giả là những yếu tố làm nên giá trị thẩm mĩ lại thường rất hạn chế trong các bài viết. Các bài kí dự thi thường chỉ áp dụng các thể tài phóng sự, ghi chép nghiêng về báo chí mà chưa chú trọng đến các thể tài khác như bút kí, kí sự, tùy bút… là những thể có khả năng  nới rộng tầm viết cho các bài kí văn học.

Thơ: khả quan cả về số lượng và chất lượng

Cũng giống như mảng truyện ngắn, bên cạnh những tác giả Thái Nguyên là hàng loạt những cái tên ở nhiều tỉnh bạn trên khắp mọi đất nước từ Nam ra Bắc như Phú Thọ, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Hải Dương, Huế, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh... Nhưng có một điều đáng mừng đối với mảng thơ dự thi là đã có mặt khá đông đảo của tác giả Thái Nguyên mà lâu nay được khẳng định hoặc quen tên như Thế Chính, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Kiến Thọ, Hồ Triệu Sơn, Nguyễn Ngọc Minh, Phan Thức, Ngọ Quang Tôn, Nguyễn Anh Đào, Mai Thắng, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Hồng Phượng…cùng sự góp mặt của một số tác giả rất mới như Nguyễn Văn Vượng, Lê Thị Nhìn…Đặc biệt là sự xuất hiện của các tác giả ở độ tuổi hai mươi với lối viết hướng tới sự cách tân như Nguyễn Nhật Huy, Gia Hân, Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Nhung, Trịnh Thị Thứ, …

Đề tài chủ đạo của các tác phẩm dự thi thơ vẫn là đề tài về đất nước, quê hương, những mối quan hệ giữa con người với con người. Tuy cách cảm, cách viết của mỗi tác giả một khác nhưng tựu chung đều hướng tới một tình yêu nồng hậu, sắt son. Đó là những bài thơ “ Viết cho con ngày sinh nhật” của Nguyễn Kiến Thọ, “Hàng xóm ơi”, “Với dòng sông quê” của Nguyễn Hồng Quang, “Nếu tôi chết đi”, “Kể chuyện” của Vũ Thị Huyền Trang, “Không đề” của Nguyễn Anh Đào, “Lục bát làng” của Quốc Sinh…Ngoài những bài thơ đậm nét trữ tình tâm tình như vừa nói, cuộc thi còn nổi lên đề tài thế sự, mang tính triết lí nhân sinh, luận về thế thái nhân tình như “Vết xước”, “Nọc”, của Thế Chính, “Thế giới không lời”, “Bàn tay năm ngón” của Phan Thức… Đặc biệt, cuộc thi lần này đã hội tụ được những tác phẩm viết về dân tộc và miền núi với lối viết, cách cảm khá gần gũi với tâm hồn và tâm lí người dân tộc thiểu số như các bài “Anh dạy em làm người bản em” của Hoàng Chiến Thắng; “Nói cùng anh” của Phùng Thị Hương Ly; “Người Mông”, “Đợi”, “Vào bản” của Doãn Long; “Mùa cọ” của Trịnh Thị Thứ…

So với các mảng khác trong cuộc thi, mảng thơ có nhiều khả quan cả về số lượng lẫn sự phản ảnh đa dạng về đề tài. Tuy nhiên, người đọc vẫn hi vọng các tác giả, nhất là các tác trẻ có nhiều tác phẩm mang ý nghĩa đổi mới trong bút pháp, phương pháp sáng tác.

 

Cuộc thi đã qua một nửa chặng đường, đã thu hái được những kết quả đáng mừng. Để cuộc thi đạt được kết quả tốt đẹp, Ban tổ chức  mong muốn có sự góp mặt tích cực hơn nữa của các tác giả trong và ngoài tỉnh, với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, đẩy cuộc thi lên một tầm cao mới.

Nhà văn Hồ Thủy Giang 

(Thành viên Ban tổ chức Cuộc thi)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy