Nhìn lại những nguyên nhân thất bại của công cuộc tiêm chủng chống Bệnh đậu mùa đầu thế kỷ XX tại Đông Dương
VNTN - Ngay từ đầu của cuộc chinh phục Nam Kỳ, việc tiêm chủng chống virus đậu mùa đã trở thành một trong những mục tiêu chính của đế quốc Pháp trong quá trình thuộc địa hóa Đông Dương, biến nó thành biểu tượng của chính sách y tế cộng đồng và chính sách nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc.
Tuy nhiên giới chức thực dân tại bản địa đã không lường trước những yếu tố quan trọng trong quá trình thực thi chiến dịch tiêm chủng khiến nó trở nên thất bại, đó chính là sự thù địch của các dân tộc Đông Dương với chính quyền thực dân, sự ngờ vực của dân chúng với y tế phương Tây và tầm quan trọng của Đông y trong cuộc sống địa phương cộng với sự căm thù chủ nghĩa đế quốc. Một lý do khác của sự thất bại đó là vì bản thân chính quyền đô hộ không coi đậu mùa là một căn bệnh nhiệt đới cho dù một số bác sĩ tiên phong đã từng cảnh báo về những đặc tính nhiệt đới của nó. Do vậy, dù chính sách tiêm chủng là một trong những hình ảnh sử dụng rộng rãi như một cuộc bảo hộ y tế nhằm che giấu mục đích thực dân, và cho dù căn bệnh đậu mùa vào thời điểm đó không còn xa lạ với y học châu Âu, nhưng công cuộc tiêm chủng xóa bỏ bệnh đậu mùa đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Tình hình đại dịch trước thềm thực dân
Theo ghi chép của bác sĩ Paul-Louis Simond, nhà vệ sinh dịch tễ học, một trong những người đầu tiên đặt chân lên Đông Dương, bệnh đậu mùa ở Đông Nam Á là căn bệnh nguy hiểm và hủy diệt nhất lúc bấy giờ. Trong bản đồ bệnh lý bệnh học ở Đông Dương do ông vẽ ra theo nhóm các dân tộc vào năm 1897 có nhấn mạnh nhất về các ổ dịch lưu hành ở khu vực sống của người Khme, người Thái, người Lào, An Nam, Trung Quốc và các dân tộc thiểu số miền núi. P.L Simond đã viết: “Bệnh đậu mùa [đã] tìm thấy ở Đông Dương môi trường phát triển bệnh lý thuận lợi nhất” (Tài liệu lưu trữ viện Pasteur, hồ sơ Simond).
Trong một ghi chép khác của nhà sử học P. Darmon trong cuốn “Cuộc đại săn lùng bệnh đậu mùa: những người tiên phong trong y tế dự phòng” (Nhà xuất bản Perrin, Paris, 1985), trang 447 đã ghi lại: “Trong lịch sử của bệnh đậu mùa hiếm khi ghi nhận cảnh tượng của một đất nước nơi căn bệnh đạt được mức lây nhiễm cao nhất như ở bán đảo Đông Dương trước khi có sự xuất hiện của vaccin. Hàng năm trên toàn lãnh thổ Bắc kỳ, Nam kỳ, Campuchia đều bùng phát đại dịch với mức độ lây lan khủng khiếp, chỉ khoảng 5 đến 10% trẻ em bị lây nhiễm sống sót. Ở một vùng nơi người và động vật sống chung trong những ngôi nhà được xây dựng từ tre nứa, tỷ lệ mắc bệnh lên tới 40 đến 50%. Tại Bắc kỳ, tác động của căn bệnh lên cuộc sống rất nặng nề, những người bị bệnh thường được coi như đã chết, phải sống biệt lập, không được ghi vào sổ hộ khẩu và thậm chí không được làm bất kỳ nhiệm vụ dân sự nào”.
Quá trình tổ chức tiêm chủng toàn lãnh thổ
Dù lịch sử không thể thay đổi những sai lầm của chủ nghĩa thực dân, chúng ta cũng không thể chối bỏ rằng mục tiêu tiêm chủng chống đại dịch đậu mùa của thực dân Pháp tại Đông Dương đã góp phần vào kìm hãm sự phát triển của đại dịch và hạn chế được một phần những hậu quả trong đời sống cộng đồng. Trước sự cấp bách của dịch bệnh, chính phủ Pháp đã tiến hành thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản:
- Cách ly những người bị bệnh (khoanh vùng giãn cách trên đất liền và trên biển).
- Khởi động song song với việc cách ly là việc tiêm vaccin nhóm binh lính Pháp.
Tuy nhiên các biện pháp cách ly đã không được duy trì lâu dài và hiệu quả do viện cớ vào hiệu quả của vaccin. Cần phải lưu ý rằng, ở thời kỳ đầu của cuộc thực dân, vaccin là biểu tượng của khoa học y tế cộng đồng, của những tiến bộ y học mà thực dân Pháp muốn mang đến cho các nước bị đô hộ như một lý lẽ về sự có mặt của họ ở nơi này. Đồng thời, chiến dịch tiêm vaccin cộng đồng cũng là phương tiện duy nhất để đi sâu vào cuộc sống địa phương, tìm hiểu văn hóa và truyền thống của những người dân bản địa. Trong cuốn “Lịch sử y tế của Thủy quân Pháp trong cuộc viễn chinh Trung Quốc và Nam kỳ (từ 1859 - 1862)” (Nhà xuất bản Baillère et fils, Paris, 1862) của bác sĩ François Laure, trang 128 đã ghi nhận dấu mốc đầu tiên của việc tiêm vaccin tại Đông Dương: “Trước khi chúng tôi đến đây, theo như tôi được biết, người dân chưa từng được tiêm vaccin. Với mong muốn mang đến cho mảnh đất này những lợi ích của vaccin và cũng là để bảo vệ những người thuộc phái đoàn của chúng tôi trước bệnh đậu mùa đang tấn công người bản xứ, theo như báo cáo của các nhà truyền giáo, tôi nhận lệnh từ đô đốc đi cùng năm bà mẹ người An Nam kèm theo những đứa trẻ sơ sinh đến Singapore để lấy mẫu huyết tương. Tôi có đủ lý do để tin rằng khi chúng tôi trở lại nơi đây, chúng tôi sẽ mang theo một loại vaccin tốt nhất, những người mẹ và những đứa trẻ sẽ được sử dụng để tuyên truyền cho việc tiêm chủng vaccin, theo như tôi biết đó là lần đầu tiên vaccin được tiêm ở đất nước này”.
Nhưng phải đợi đến 1864, vaccin phòng bệnh đậu mùa mới chính thức được tiến hành tiêm cho người Đông Dương, trong đó chủ yếu là người Việt Nam. Kể từ ngày đó, nhu cầu vaccin ngày một nhiều lên, các bác sĩ của Thủy quân Pháp buộc phải yêu cầu sự hợp tác của viện Pasteur Paris và Val de Grâce. Trên thực tế, việc tiêm chủng bệnh đậu mùa không phải vì mục đích nhân đạo, đó là giải pháp duy nhất giúp cho quân đội thực dân tự bảo vệ khỏi căn bệnh khi đặt chân lên mảnh đất này.
Tháng 12 năm 1867, hội đồng tiêm chủng ở Nam kỳ được thành lập. Nhưng phải đợi gần bốn năm sau, ngày 15 tháng 9 năm 1871 theo yêu cầu của Lalhuyeaux d'Ormay (Giám đốc Bệnh viện Thủy quân Pháp 1866 - 1874), khâm sứ Nam kỳ ra sắc lệnh thành lập một đơn vị độc lập về tiêm chủng và yêu cầu bắt buộc tiêm vaccin trên lãnh thổ thuộc địa Nam kỳ (sắc lệnh hiện đang được lưu trữ tại Cục lưu trữ quốc gia các tài liệu hải ngoại, hòm số 362). Theo ghi nhận của bác sĩ Lacroix, người đứng đầu đội ngũ bác sĩ thực dân, đã viết trong báo cáo năm 1878, mỗi bác sĩ ở đây bắt buộc phải dành ra mỗi tuần một ngày để thực hiện việc tiêm chủng cho dân trong nội hạt của các làng xung quanh đơn vị làm việc của họ. Nói như nhà sử học Bruno Latour trong cuốn “Pasteur và cuộc cách mạng Pasteur” (Nhà xuất bản Payot, Paris, 1986) đã viết: Đông Dương trở thành “một bãi thực nghiệm” của phương pháp Pasteur.
Tự chủ về vaccin
Sau sắc lệnh 15 tháng 9 năm 1871 yêu cầu tiêm chủng bắt buộc trên lãnh thổ thuộc địa, năm 1890, yêu cầu này được mở rộng trên cả lãnh thổ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ. Khi chiến lược tiêm chủng mở rộng ra toàn dân, không thể cứ trông chờ vào lượng vaccin ít ỏi từ Paris và mất rất nhiều thời gian vận chuyển khiến chất lượng vaccin giảm khi cập bến, một vài bác sĩ quân đội tiến hành phát triển việc sản xuất vaccin tại chỗ. Để làm được việc đó, họ phải thuyết phục được chính quyền bản địa và những người đứng đầu làng bản hợp tác giao cho họ những đứa trẻ từng mắc đậu mùa để lấy huyết tương nuôi cấy vaccin. Đây được gọi là biện pháp tiêm chủng “từ cánh tay sang cánh tay”. Hàng chục đứa trẻ được tiêm chủng từ huyết tương của một đứa trẻ đã từng nhiễm bệnh. Tuy nhiên phương pháp vaccin mới mẻ này tỏ ra thiếu thuyết phục đối với người dân vừa mới phát hiện ra sự tồn tại của vaccin, những nghi ngờ về hậu quả để lại tăng lên kéo theo số lượng người sẵn sàng chấp nhận tiêm vaccin giảm.
Đứng trước nguy cơ phá sản mục tiêu, chính phủ thực dân đã gấp rút hành động, tổ chức lại việc sản xuất vaccin tại chỗ. Bắt đầu từ năm 1890, năm đánh dấu việc thành lập viện nghiên cứu vi sinh, viện Pasteur tương lai tại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) bởi Albert Calmette, cho phép tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, tránh phương pháp tiêm chủng “từ cánh tay sang cánh tay” và tối ưu hóa hiệu quả của vaccin sản xuất tại chỗ. Rất nhanh chóng, những ống vaccin đầu tiên sản xuất tại Nam kỳ ra đời giúp chương trình tiêm chủng tiến thêm một bước dài. Chỉ trong vài năm, Đông Dương trở thành hình mẫu của các nước thuộc địa như một biểu tượng nhân văn của chủ nghĩa đế quốc.
Từ năm 1893, vaccin sản xuất tại Nam kỳ được phân phối ở rất nhiều thuộc địa khác, Hồng Kông, Singapour, Manille, Batavia. Riêng tại Đông Dương, từ làng mạc đến thành phố, việc quảng bá vaccin đã trở nên quen thuộc ở mọi nơi. Bất kể chỗ nào, trên tường làng, ở chùa chiền, những khẩu hiệu tuyên truyền tiêm chủng và lịch tiêm chủng được viết bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Pháp. Hằng tuần, các bác sĩ rời thành phố về làng quê tiêm chủng một lần một tuần. Bắt đầu từ đây nở rộ những viện nghiên cứu vi sinh Pasteur, Hà Nội năm 1894, Nha Trang, Phnom Pênh, Viêng Chăn năm 1895 và Đà Lạt năm 1936.
Nguyên nhân của sự thất bại
Cho đến lúc này, mục tiêu bảo hộ y tế và sức khỏe cộng đồng của thực dân Pháp có vẻ như thành công, mọi chỉ số đều khả quan. Năm 1878, 12.876 trẻ được tiêm chủng. Hai năm sau, con số này đã tăng lên hơn 50.000 trẻ. Đến năm 1909, đã có 1 triệu liều vaccin được tiêm mỗi năm, 3 triệu trong năm 1919 và 5 triệu 1942. Đây là những con số đáng nể giúp chính phủ thực dân thỏa mãn mục đích tuyên truyền.
Tuy nhiên trên thực tế, chương trình tiêm chủng tại Đông Dương đang gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản do số trẻ đã tiêm chủng chết vì đậu mùa còn khá cao và hiện tượng dân số tại các vùng núi mỗi ngày một giảm do tỉ lệ chết (nguyên nhân chính là bệnh đậu mùa) cao hơn tỉ lệ sinh (theo ghi chép của A.M Maurice trong cuốn “Những người H'Mông trên vùng núi cao”, Nhà xuất bản l'Harmattan, Paris, năm 1993). Giải thích lý do cho sự thất bại trên, bác sĩ Mougeot, một trong những người đầu tiên tham gia chiến dịch tiêm chủng bảo hộ đã khẳng định trong cuốn sách “Tiêm chủng tại Đông Dương và những quan niệm y học Trung Hoa về bệnh đậu mùa” (Nhà xuất bản L. Ménard, Sài Gòn, 1901): việc tiêm chủng bằng kháng thể của những người đã từng mắc bệnh đã không được sử dụng một cách có hiệu quả do sự thiếu hợp tác của người dân vì thiếu thông tin rõ ràng từ chính phủ bảo hộ. Và trên hết, chính phủ thực dân đã thiếu đi khả năng thích ứng môi trường Đông Dương. Trong báo cáo của bác sĩ Mougeot, người ngay từ đầu đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng, đã tố cáo nội dung sai của báo cáo hành chính, thổi phồng những kết quả đạt được nhằm che đậy sự thất bại do thiếu khả năng thích ứng với hoàn cảnh thực tế lãnh thổ.
Một nguyên nhân khác được Mougeot đưa ra để giải thích cho việc thất bại của chiến dịch tiêm chủng, đó là việc giới chức đã đánh giá quá thấp biến chủng của bệnh đậu mùa tại vùng nhiệt đới và không coi đó là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm ngoại trừ thời gian đầu khi mới đặt chân lên lãnh thổ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc thả lỏng các biện pháp phòng dịch tạo điều kiện cho virus trôi nổi trong cộng đồng. Giải thích cho sự chủ quan này, Mougeot cho rằng đó là vì bệnh đậu mùa không còn là căn bệnh xa lạ ở châu Âu và thế giới, nên so với những căn bệnh khác được phát hiện khi họ đến đây như dịch tả, sốt rét… bệnh đậu mùa không còn là một trong những ưu tiên nghiên cứu thực nghiệm của chính quyền thực dân. Thậm chí ngay cả viện nghiên cứu Pasteur, mắt xích chủ đạo trong chiến dịch tiêm chủng cũng tỏ ra thờ ơ với việc nghiên cứu để hoàn thiện loại vaccin hiệu quả. Mặt khác, giới chức thực dân bản địa chỉ thực hành nhiệm vụ một cách máy móc mà không có sự thích ứng với tâm lý người dân địa phương khiến người dân tẩy chay vaccin. Để miêu tả sự tẩy chay, Mougeot đã viết một cách hài hước: “Ở Pháp, trước năm 1870, người ta trả tiền để thuê người đi nghĩa vụ quân sự thay thế; tại Đông Dương, người ta trả tiền để thuê người tiêm phòng thay thế. Mỗi đất nước một kiểu hành động”.
Để nêu ra được những nguyên nhân của sự thất bại, Mougeot đã phải dựa trên những kinh nghiệm thực tế. Ông là người từng chỉ đạo các hoạt động y tế trong thời gian dài ở Gia Định, đã thực hiện một vài thực nghiệm và rút ra kết luận về một biện pháp phòng ngừa thiết yếu. Không nên chỉ hài lòng với việc sản xuất và tiêm chủng vaccin cho đủ liều, muốn chương trình hành động thành công còn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các biện pháp phòng dịch, kiểm tra định kỳ, thắt chặt các biện pháp phòng ngừa và tái tiêm chủng. Ngoài ra, cho dù đó là bất kể căn bệnh nào, muốn thành công trong việc dập dịch, chính quyền cần chú ý đến phản ứng của người dân ...Là người quyết tâm nhất trong việc loại trừ bệnh đậu mùa ở Đông Dương, Mougeot còn đưa ra rất nhiều đề xuất, trong đó có đề xuất sử dụng các biện pháp trừng phạt những người từ chối tiêm vaccin, ông khẳng định: “Cho dù có phản đối đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong tất cả các biện pháp chống dịch đậu mùa hiệu quả thì tiêm chủng và tái tiêm chủng vẫn là biện pháp hiệu quả nhất đồng thời đó cũng là phương thức tôn trọng quyền tự do cá nhân tốt nhất” (Tiêm chủng tại Đông Dương và những quan niệm y học Trung Hoa về bệnh đậu mùa - Nhà xuất bản L. Ménard, Sài Gòn, 1901, trang 53).
Về vấn đề tâm lý của dân trong việc từ chối vaccin, Mougeot đã đưa ra nguyên nhân đó là sự “thiếu kiến thức” do người dân quá quen với đông y và các ý niệm y học Trung Hoa cùng những phương pháp chữa bệnh bằng tín ngưỡng.
Mặc dù đã đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng mục tiêu xây dựng y tế cộng đồng như một biểu tượng nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc đã không thể cho kết quả thành công. Bệnh đậu mùa vẫn hoành hành cho đến khi kết thúc công cuộc thực dân. Tuy nhiên cho dù đế quốc Pháp đã không hoàn thành được mục tiêu xóa sổ bệnh đậu mùa tại Đông Dương bằng việc tiêm chủng, chúng ta cũng không thể không thừa nhận những kết quả tích cực của hành động này đối với cuộc sống bản địa, ít nhất họ góp phần vào sự phát triển những tiến bộ khoa học và y tế toàn cầu, mở đường cho những chính sách hỗ trợ y tế dành cho “người bản xứ”, tạo ra thói quen phòng ngừa bệnh dịch.
Cho đến ngày nay, và nhất là bây giờ, tiêm vaccin được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất về phòng dịch. Cho dù cuộc chiến thực dân luôn là chủ đề bị lên án, nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nó trong nhiệm vụ y tế xã hội. Cho dù sau cùng thực dân Pháp đã không thể thực hiện mục tiêu bảo hộ y tế, Việt Nam vẫn có thể xóa sổ được bệnh đậu mùa bằng tiêm chủng và được tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận vào năm 1977.
Quyên Gavoye
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...