Nhiệm kỳ mới và những “món nợ” cũ
VNTN - Ngày 20/7 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khoá 14 đã khai mạc kỳ họp đầu tiên, bắt đầu một nhiệm kỳ mới. 5 năm.
Trước đó hơn ba tháng, ở kỳ họp sau cùng, Quốc hội khoá 13 đã bầu Thủ tướng và phê chuẩn ba Phó Thủ tướng cùng 18 Bộ trưởng, trưởng ngành mới.
Khi ấy, Chính phủ đã có diện mạo mới, nhưng chưa chính thức bước vào nhiệm kỳ mới mà vẫn là nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Giờ đây thì nhiệm kỳ mới đã rất gần. Theo chương trình kỳ họp, chiều 26/7 Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng và sáng 28/7 sẽ hoàn thành việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Điều khác biệt ở nhiệm kỳ này là trước khi được bầu và phê chuẩn chức vụ của nhiệm kỳ mới, các thành viên mới của Chính phủ đã có thời gian hơn ba tháng đối diện với khá nhiều "món nợ" cũ.
Trước hết, với phát triển kinh tế, cụm từ nhanh và bền vững đã từng được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại ở nhiều nghị quyết của Quốc hội.
Nhưng, 6 tháng đầu năm 2016, không những tốc độ tăng trưởng không đạt được kế hoạch, dự kiến chỉ tiêu 67,% của cả năm nay cũng không khả thi. Trong khi đó môi trường còn gặp sự cố trầm trọng chưa từng có với biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Sự cố này được cho là không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch...
Ngoài ra, thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. Rồi, giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý thì giá bán giảm 30 - 50% còn sản phẩm khai thác trong 20 hải lý thì không tiêu thụ được.
160 đại biểu Quốc hội khoá 13 tái cử đại biểu Quốc hội khoá 14 - những người đã bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành đã phải hoãn để sửa chữa tới gần 100 điều - hẳn đang canh cánh trách nhiệm với Nhân dân.
Trong cuộc họp báo trước thềm kỳ họp Quốc hội này, Tổng thư ký Quốc hội khoá 13, ông Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời các câu hỏi từ báo giới đã khẳng định các đại biểu sẵn sàng nhận trách nhiệm, Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận trách nhiệm về điều này và tới đây sẽ xem xét trách nhiệm công minh không né tránh gì cả.
Nhưng, nhận là một chuyện, còn sửa lại là chuyện khác. Bởi như nhận xét của một số vị đại biểu thì với quy trình xây dựng luật như hiện nay, những sai sót như với Bộ luật Hình sự 2015 sẽ không phải là cá biệt.
Món nợ dài hơn, lâu hơn, đã kéo dài cả 13 nhiệm kỳ Quốc hội cử tri vẫn đang chờ đợi, đó chính là Luật Biểu tình. Với sự quyết liệt của nhiều vị đại biểu Quốc hội khoá 13, những tưởng sợi dây nợ nần không kéo dài thêm nữa, khi việc trình dự án luật đã được ấn định vào kỳ họp cuối cùng (tháng 3/2016).
Nhưng, vào tháng Hai, Chính phủ lại xin lùi đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14 (cuối năm 2016). Rồi mới đây lại tiếp tục xin hoãn, chưa rõ thời hạn trình.
Một dự án luật khác - Luật về Hội - được cho là sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam, từng được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015 nhưng vẫn là câu chuyện ở thì tương lai khi dự thảo còn quá nhiều bất cập.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...