Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:32 (GMT +7)

Nhân một đề nghị bị từ chối

Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị tổ chức hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng. Đây là một hoạt động lớn nằm trong chuỗi những sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho đội ngũ viết văn trẻ, thường được tổ chức  năm năm một lần. Hơn 130 nhà văn trẻ là đại biểu chính thức được mời dự Hội nghị. Cùng dự, có đại diện các thế hệ nhà văn Việt Nam, các ban, hội đồng chuyên môn của Hội, các nhà báo theo dõi văn hoá văn nghệ…

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu trẻ dự Hội nghị đặc biệt này, Hội Nhà văn Việt Nam gửi công văn về các tỉnh đề nghị hỗ trợ chi phí đi lại cho các đại biểu của tỉnh được Hội mời dự. Đây cũng là việc mà các Hội trung ương thường làm khi tổ chức các sự kiện lớn, như đại hội nhiệm kỳ, liên hoan, triển lãm nghệ thuật toàn quốc hoặc quốc tế. Nhận được văn bản đề nghị từ các Hội, cấp ủy và chính quyền các địa phương thường ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ theo đề nghị. Nhìn ở góc độ nhân văn, sự ủng hộ ấy thể hiện sự trân trọng giới văn nghệ sĩ và trân trọng sự đóng góp của văn học nghệ thuật vào đời sống xã hội.

Sẽ chưa có gì để bàn nếu câu trả lời thay vì ủng hộ lại là sự từ chối.

 Sự việc ban đầu xảy ra ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khi cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh đã trả lời bằng văn bản là không có cơ sở pháp lý phù hợp để hỗ trợ kinh phí cho đại biểu tham dự hội nghị nhà văn trẻ. Ngay sau đó địa phương này đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các đại biểu trẻ tham dự hội nghị, nhưng một phần văn bản thể hiện sự từ chối này đã kịp làm dấy lên những luồng dư luận đa chiều.

Câu chuyện hỗ trợ kinh phí đi lại cho đại biểu tham dự hội nghị nhà văn trẻ tiếp tục bị “làm nóng” thêm khi có một tỉnh miền núi phía Bắc chính thức từ chối, còn thủ đô – nơi có số đại biểu được mời dự hội nghị đông nhất cả nước (27 người) thì im lặng không trả lời.

Rất nhiều người chê trách các tỉnh thành này đã quá cứng nhắc, thiếu sự trân trọng các tài năng trẻ. Nhân đó, những nơi mà cấp ủy chính quyền đặc biệt quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho đại biểu tham dự hội nghị được cộng đồng văn nghệ sĩ liệt kê với sự cảm kích chân thành.

Nhưng một thiểu số lại nêu ra góc nhìn khác. Rằng: “đã là tác giả tiêu biểu được mời đến với một sự kiện được nhà nước (thông qua hội nhà văn) tổ chức cho mình thì nên tự chủ, tự lo kinh phí, không nên nhờ cậy bất cứ sự hỗ trợ nào”. Rồi thì “lấy nhuận bút mà mua vé, không nên để nhà nước bao từ A đến Z như vậy”, “nhà văn mà không tự lo được cặp vé khứ hồi thì phải xem lại thành quả sáng tạo của nhà văn đó, xem những gì họ làm ra có thực sự được thừa nhận trên thị trường văn hóa không”.

Vậy là, trong khi đa số chúng ta quen với cách hành xử thuận chiều, lấy sự trân trọng văn học nghệ thuật làm thước đo hành vi của cơ quan công quyền thì chỉ một sự từ chối hành vi đó đã đặt ra những vấn đề cần lưu tâm. Xin nói rõ là sự từ chối đó không hẳn là không có cơ sở. Và những ý kiến thiểu số nói trên không hẳn là không có lý.

Đảng, Nhà nước và xã hội, thông qua các tổ chức hội, luôn hướng đến những giải pháp tích cực để ưu đãi, hỗ trợ và tôn vinh xứng đáng đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước. Cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho các hoạt động sáng tạo nghề nghiệp của họ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các hội đoàn và trước hết là cá nhân văn nghệ sĩ cần được nhìn nhận đúng mức. Bởi sáng tạo văn học nghệ thuật trước hết là nhu cầu và công việc tự thân của từng cá nhân. Tùy theo tài năng và việc đầu tư cho sáng tạo ấy đến đâu, mà nhà văn gặt hái được thành công ở mức độ nào, đóng góp ra sao vào đời sống xã hội. Điều này các văn nghệ sĩ nhìn rõ bản thân mình hơn ai hết.

Văn nghệ sĩ nói chung, văn nghệ sĩ trẻ nói riêng, rất cần những điều kiện và một môi trường thuận lợi để hoạt động sáng tạo phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn học, nghệ thuật của nước nhà. Nhưng nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi bàn về các giải pháp để văn học - nghệ thuật phát triển, “sự đầu tư của nghệ sĩ vào chính tác phẩm của mình mới là điều quan trọng”.

Sẽ rất tốt khi coi sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhà nước và tổ chức hội là những nguồn đầu tư cho việc nuôi dưỡng tài năng trẻ, để tăng thêm trách nhiệm trong sáng tạo và cống hiến. Tốt hơn là xem đó như một lợi ích mà mình cần phải được hưởng. Hy vọng “nguồn đầu tư” từ phía nhà nước và các hội sẽ được người trẻ nói riêng, các văn nghệ sĩ nói chung “đối ứng” tối ưu bằng thành quả sáng tạo với những giá trị đích thực cống hiến cho xã hội.

Thái Văn 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 6 tháng trước