Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:24 (GMT +7)

Nhân 95 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (20/10/1920 – 20/10/2015): Đọc lại một số câu thơ luận về thơ của Chế Lan Viên

VNTN - Thơ, là gây ra một đám cháy trong hồn

Chế Lan Viên đã nói về việc chọn đề tài như sau: Thấy vạn sông hồ, thấy vạn trời mây/ Rồi lui về chạm một cánh chim trên gác nhỏ/ Đấy là cái trọng điểm giữa đất, trời mà anh chốt giữ/ Chớ làm sao anh bao quát vạn đề tài. Từ vạn sông hồ, vạn trời mây của cuộc đời, nhà thơ chọn cho mình một đề tài. Nhà thơ không nên ôm đồm khi chọn đề tài. Không phải đề tài rộng rãi to lớn thì thơ hay. Có khi cái bé nhỏ như một cánh chim trên gác nhỏ lại hóa diệu kỳ. Hãy chốt giữ một cái trọng điểm nhỏ nhẹ thôi, nhưng hãy biết gọi về trùng lớp trùng lớp suy tưởng, ý nghĩa của đề tài, làm cho mọi người thấy được những chân trời, đến được những chân trời. Và Chế Lan Viên gọi cái trọng điểm giữa đất, trời là muốn nói: đề tài mang cái tinh, chắt lọc, đồng thời mang cái bao la, phong phú của đời. Thơ đứng giữa hai chiều biện chứng đó:

Lấy tinh binh thắng đa binh

Lấy hạt muối có khối hình, 

       thắng mặt bể to, không kết tụ kết tinh

(…)Nhưng cũng đừng tham 

                   một hạt muối con mà vứt bể

Vứt cả cái sóng gió xôn xao rất đỗi bể trời

Câu thơ nằm ở giữa bể sóng 

            không yên và hạt muối chói ngời

Giữa hai mặt đối lập và thống nhất kia,

                 chếnh choáng câu thơ ở giữa.

Về tính hàm súc của thơ, Chế Lan Viên viết: Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối/ Cả đời anh, anh thu nhỏ lại/ Chỉ còn cái lõi/ Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay. Với thơ, nhân loại thường tránh dùng nhiều lời truyền đạt ít ý, mà cố gắng thâu tóm được nhiều ý trong ít lời. Tứ tuyệt Đường thi chẳng hạn. Thơ cần phải hàm súc. Nhưng không phải vì thế mà lược bỏ từ ngữ của thơ một cách giản đơn, máy móc. Không nên gạt bỏ cái đáng lẽ mang lại ánh sáng trên toàn thể câu thơ. Thơ không phải hàm súc, cô đặc đến mức thành một câu đố hóc búa. Chính sự phong phú và sức mạnh của tư tưởng khiến cho thơ được biểu lộ một cách gãy gọn và nhiều ý nghĩa. Còn lối diễn đạt cồng kềnh, dông dài thường đi liền với một sự tối tăm mơ hồ của tư tưởng. Cái sâu trong thơ không đồng nhất với từ ngữ đao to búa lớn, những lối diễn tả lạ thường, những câu thơ dài, khoa trương, chải chuốt: Chỗ này sâu ư? Không - chỉ là nước đục ngầu/ Chỗ này cạn ư? Không - chính nhờ nước trong nên ta nhìn thấy đáy/ Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy.

Ai cũng biết thơ được viết bằng văn vần đầy tính nhạc. Thế nhưng người ta có thể là nhà thơ khi viết văn xuôi và chỉ là một kẻ diễn thuyết khi viết văn vần. Điều quan trọng và khó nhất trong thơ, cũng như điều để quyết định anh có phải là thi sĩ hay không là việc tìm được những từ ngữ, hình ảnh tả được cái đẹp muốn nói ra - những từ ngữ, hình ảnh vừa hết sức cô đọng vừa lại thật gợi mở. Ngôn ngữ bao la trước hết là của cuộc đời. Người làm thơ lặn vào trong bể ngôn ngữ để chọn nhặt cho mình những a, những b cần thiết. Rồi từ đó qua cảm xúc riêng, ý tưởng riêng và cách trình bày riêng, ngôn ngữ của đời trở thành ngôn ngữ của thơ, của nhà thơ, trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là thứ ngôn ngữ của cảm xúc, của ẩn dụ, của một tầng nghĩa khác không còn là lớp nghĩa thông thường. Mà vẫn phải là thứ ngôn ngữ đong đầy cuộc đời. Chế Lan Viên viết mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy/ Lặn vào cuộc đời. Rồi lại ngoi lên, là một lần nữa cũng có nhắc lại cái lao động nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ.

Người ta thường đến với thơ như một cuộc chơi. Thế nhưng không thể phủ nhận tính lao động sáng tạo một cách nghiêm túc trong thơ. Tài năng trời phú chưa đủ, còn phải lao động say mê nữa mới mong có thơ cho đời. Thi hứng về rồi, nhà thơ đã nghe thấy tiếng thơ dâng lên rồi; trước trang giấy, hãy viết đi, viết và cứ viết. Câu thơ thứ nhất chưa thành, hãy còn câu thứ hai, câu thứ ba… Thơ vẫn chờ ở phía trước, chờ lúc ta chạm vào, lóe sáng lên. Hãy đánh giáp lá cà trong trận chữ/ Đừng lùi vào thế thủ/ Bước đường cùng thì cũng phải đà đao/ Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu. Người làm thơ như chàng Prométe đi tìm lửa, thật gian khó mới đến lúc gây ra một đám cháy trong hồn - mới tìm ra thơ.

Phải mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ

Thơ vốn là tiếng vọng thẳm sâu nhất từ tâm hồn con người, nên có đôi khi tưởng như thơ là ở một cõi nào vời xa cuộc sống. Đâu biết rằng, tâm hồn chính là “trái tinh thần” được nuôi lớn trong mỗi con người qua năm tháng cuộc đời.

Cuộc sống vỗ vào thơ anh 

                          muôn nghìn lớp sóng

Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi

Tâm hồn anh là của đời một nửa

Một nửa kia lại cũng của đời.

Không có hồn thơ trên mây, không có hồn thơ trong mộng. Phải sống giữa cuộc đời, đó mới chính là cội nguồn của mọi cảm hứng, cho thơ bay lên. Làm thơ, là vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng. Nhà thơ như con tằm xe sợi tơ, như con ong lấy khách thể hoa làm bản ngã mật của mình. Mỗi bài thơ là tơ, là mật, là hoa quả cuối cùng của một vụ mùa lao động cần mẫn, bền bỉ, sáng tạo.

Đời cho anh nắm đất

Anh làm nên cái bình

Đời cho anh nhành hoa

Anh vẽ nên mùi sứ.

Và mỗi bài thơ, khi thoát thai đều mang một giá trị thẩm mỹ, bước ra và đem đến cho đời; mỗi câu thơ đều muốn hóa tin lành, đều sửa soạn một nắng mai lên.

Thơ, trước hết là nhu cầu tự thân, là cách tỏ bày cá nhân mình. Nhưng thơ, từ nói tình cảm của mỗi con người nghệ sĩ qua đó nói tâm tư nhân loại quanh mình. Tiếng hát của nhà thơ là tiếng hát tiêu biểu cho một tập thể; nhà thơ tiêu biểu cho một hoàn cảnh, một dân tộc.

Này ai viết nên Nguyễn để Nguyễn 

                        viết nên câu Kiều thế hở?

Sông Tiền Đường chăng? 

                              Cỏ Đạm Tiên chăng?

Hay mái tóc hoa râm? Hay cuộc đời 

                                                     đi sứ?

Hay vầng trăng chia đôi giữa cô gái 

         Long Thành và Trường Lưu nhị nữ?

Hay cỏ áy bóng tà, tà huy lịch sử?

Có phải mỗi trang Kiều đều có mưa phùn

                    thời đại nhuốm vào chăng?.

Thơ dựng lại những khoảnh khắc của thời đại, để cho mọi người nghe được năm tháng mình đang sống. Mỗi thời đại đều có những mất mát, những đau thương; nhà thơ muốn cứu vớt, muốn giữ lại một cái gì đó bằng những tâm tình, trước hết là những tâm tình tự giải tỏa, sau đó sẻ chia với mọi người.

Hoạt động sáng tạo của nhà thơ gắn liền với thời đại, điều đó thể hiện ở chất liệu nghệ thuật lấy từ cuộc sống, ở xu hướng thi pháp chung của từng thời kỳ nhất định, ở quan điểm tư tưởng nhân sinh quan, lý tưởng nghệ thuật… Nhà thơ phải đặt mình trong mối quan hệ thẩm mỹ với cuộc sống thời đại, phản ánh đúng những giá trị thẩm mỹ của thời đại. Vẫn là cơn mưa cũ, cơn mưa của muôn đời, nhưng nhà thơ phải mang con mắt thời đại mình để nhìn trời mưa cũ ấy:

Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về mưa

Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu 

                                     sau nhiều từ ngữ

Khéo cơn mưa anh viết bây giờ 

                                   là cơn mưa của họ

… Hoàng mai thời tiết gia gia vũ…

… Il pleure dans mon coeur…

Chiếc võng thơ anh chửa lên nằm, 

                                       nó đã đung đưa

Này, thời đại anh có gì khác chứ?

Hãy mang con mắt thời đại anh 

                                để nhìn trời mưa cũ

Nếu không, dù anh có tuôn xuống 

                             trăm câu, nghìn chữ

Cũng thừa. 

Thơ in dấu ấn của thời đại nhà thơ đang sống, đồng thời thơ vẫn âm ỉ mang theo trong nó những giá trị truyền thống. Ta nối liền ta trong bề dọc thời gian, câu thơ thế kỷ hai mươi liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh phụ… Chế Lan Viên thường hay nhắc đến Lý Bạch, Mozart, Rimbaud, Holderlin, Nguyễn Du, Tú Xương, Ôn Như Hầu,… Là muốn nhắc đến mối quan hệ giữa xưa và nay, quá khứ và bây giờ, truyền thống và hiện đại… Thơ ca nhân loại không phải là một dàn đồng ca, mà là một đa âm; chính truyền thống là cái đem lại tính thống nhất cho tất cả mọi giọng điệu và các khuynh hướng. Thời đại hôm nay nối tiếp trong lòng thời đại hôm qua; thơ hôm nay mang dòng của thơ hôm qua chảy tiếp qua những bến, bờ bãi khác. Bao đời nay, dòng thơ nhân loại vẫn chảy qua từng thời đại, mang tiếng hồn người đi đến muôn đời, đến muôn cùng.

Như sân khấu mở rộng rinh ra bốn phía

Câu thơ Ức Trai viết

      đâu chỉ cho một mình dân tộc ta xem

Ngoài trời còn trời. Hết trời có bể

Đâu chẳng trái tim người. Đâu chẳng 

                                       xót oan khiên?

Người đi dọc Ngân Hà

Mỗi nhà thơ tự làm một cuộc hành trình cho mình. Họ bước lang thang giữa cuộc đời bên bờ thời gian thăm thẳm. Họ đi qua cuộc đời không như chúng ta đã đi một cách vô tư. Trên những chặng đường của cuộc hành trình vốn ngắn ngủi nhà thơ biết dừng lại bên một lối mòn, một canh khuya, hay một buổi mai nào đó và lắng nghe tiếng thời gian xuôi chảy. Có thể nói nhà thơ là những con người ý thức về thời gian một cách da diết, bởi đối với họ thời gian đi ngược lại với cái khát khao vươn tới, đạt tới sự hoàn thiện trong sáng tạo nghệ thuật.

Với Chế Lan Viên, cảm giác về sự qua đi của thời gian dâng ngập những trang thơ, nhất là những trang thơ cuối đời của ông. Chế Lan Viên nghe mùi hoa bưởi giữa đêm vắng lặng, nghe giọt sương rơi, một tiếng gà, hay tiếng sông trôi… đều cảm thấy như nghe tiếng thời gian đang cạn vơi đi. Chống chọi lại với thời gian nước xiết, chống chọi với bệnh tật buồn đau cuối đời, là viết. Lao vào mà viết. Viết, để ngăn con đê thời gian ùa vỡ. Viết, để không đồng lõa với thời gian hủy diệt chính mình. Viết, đồng nghĩa với còn tồn tại:

Số ngày còn lại cho anh trên trái đất

Đếm rồi

Như thóc giống đếm từng hạt một

Chỉ còn chừng ấy hạt thôi 

                            anh phải tạo ra mùa

Chỉ chừng ấy ngày! Chừng ấy tháng!       

                     Chừng ấy năm!

Chưa kể bất thình lình đổ ập

Cày đi! Bừa đi! Gieo đi!

Sao còn phải chần chừ?

Nhưng dù có hì hục, cần mẫn đến cỡ nào nhà thơ vẫn thấy mình tài năng chưa đầy nửa giọt/ Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực. Nhà thơ nhìn trang giấy biết mình hữu hạn, có chạy ngút hơi về trang giấy/ Về đến nơi/ Nó đã hóa chân trời. Chạy tiếp ư? Nhà thơ không ngần ngại, dẫu trang giấy trắng vẫn như con đường hun hút về vô tận. Cái trò đuổi bắt này như nhà thơ suốt đời xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt/ Chỉ sắp lọt rồi/ Kim bỗng lùi xa, nhà thơ bước lên một bước/ Kim lùi thêm một bước. Nhà thơ chạy một đời không ngừng nghỉ, vắt kiệt sức lực, mà vẫn toi công. Nhà thơ có hóa thành chim gõ kiến gõ vào thời gian/ Gõ vào số phận…/ Gõ vào trang giấy/ Vào câu thơ gầy guộc…/ Chả ra được con kiến thơ nào, hay có làm chim bói cá tìm đến hồ, cái mặt hồ phẳng lặng/ Từng soi bóng muôn đời thi sĩ ấy/ Khi anh đến/ Thì hồ biến thành ra bể/ Ầm ầm/ Ĩ ĩ/ Anh chỉ bói ra bèo bọt quanh bờ. Hỡi ôi! Đời người, đời thơ có hạn, mà đỉnh cao của nghệ thuật cứ lửng lơ phía vô cùng, mà thời gian không đợi, mà tài năng không gặp:

Tài năng ở đâu? Tài năng ở đâu?

Cho tôi với!

Trên trời cao hay dưới bể sâu?

Chỉ cho tôi để tôi tiến tới

Khốn nỗi

Nó ở bên kia bể thời gian 

                                 không ai chờ đợi.

Cảm giác lực bất tòng tâm của tài năng hữu hạn trước chân trời nghệ thuật không cùng, của đời người ngắn ngủi trước vô tận thời gian lại là cảm giác mang ý nghĩa tích cực. Nó không làm cho nhà thơ bỏ bút giữa chừng chán nản, mà ngược lại thôi thúc họ sáng tạo, sáng tạo mãnh liệt hơn. Nhà thơ vẫn khát khao vươn tới hoàn thiện, khát khao vô cùng, khát khao đến gần như tuyệt vọng, và Chế Lan Viên gọi đó là nỗi đau và hạnh phúc:

Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi

Viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót

Không như ta sau viên ngọc sau cùng,

                           rồi lại làm viên thứ nhất

Đây là nỗi đau và hạnh phúc 

                                       của con người.

Một nhà nghiên cứu đã nói đó là niềm khao khát không bao giờ nguôi của một hồn thơ không bao giờ tự thỏa mãn mà luôn luôn tự đòi hỏi, để đi tìm một tầm cao mới, tiến gần hơn đến sự viên mãn, sự tuyệt đối, tuy không bao giờ có thể đạt tới, nhưng nếu không có nó thì cũng sẽ không bao giờ có sự sáng tạo thật sự. Chế Lan Viên cho đó là ngôi sao xa khuya khoắt định hướng cho thơ, là con sông Ngân Hà mà nhà thơ phải đi dọc theo mãi để tìm thơ, chứ không phải như Ngưu Lang chỉ cần sang ngang là tìm ra Chức Nữ:

Ngưu Lang chỉ cần một cái bến con, 

                          anh cần có dải Ngân Hà

Anh đi dọc nó để tìm thơ 

   chứ không phải bơi ngang tìm Chức Nữ

Thời hạn đi tìm của anh hết rồi, 

                                 mà bờ bến tít mù xa

Song dừng lại, anh đâu còn anh nữa…

Chú thích:

Thơ Chế Lan Viên trích dẫn trong bài viết được rút từ các tập thơ:

Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, 1960

Đối thoại mới, NXB Văn học, 1973

Hoa trên đá, NXB Văn học, 1984

Ta gửi cho mình, NXB Tác phẩm mới, 1986

Di cảo thơ, tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992

Di cảo thơ, tập 2, NXB Thuận Hóa, 1993

Lê Quốc Sinh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy